‘Viện đạo đức học’ và tiếp theo là gì?

Blog VOA

Lê Anh Hùng

30-10-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: NDiep/ báo DT

Tại cuộc hội thảo khoa học “Sửa đổi lối làm việc – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 18/10 vừa qua, PGS Nguyễn Trọng Phúc đã đưa ra đề xuất thành lập Viện Đạo đức học để “dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong đảng”.

Ủng hộ và phản đối

Đề xuất của ông cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng ngay lập tức khiến dư luận bàn tán xôn xao và trở thành chủ đề của hàng chục bài báo cùng vô số ý kiến bình luận, trên cả truyền thông “lề đảng” lẫn “lề dân”.

Bài “Đề xuất lập Viện Đạo đức học để huấn luyện cán bộ” trên VnExpress, chẳng hạn, đã thu hút hàng chục người bình luận. Và trong tổng số 63 bình luận đến ngày 24/10, đa số ý kiến phản bác đề xuất của ông Phúc, số ủng hộ chỉ lẻ tẻ vài người.

Hai bình luận được nhiều “like” nhất là “Trời ơi! Đang tinh giản biên chế mà còn muốn mọc ra viện đạo đức!” và “Việt Nam đi ngược với thế giới! ‘Uốn tre chứ không uốn măng!’ Đạo đức phải được dạy từ nhỏ, chứ không phải để đợi lên làm cán bộ rồi mới vào viện này học! Bộ máy đã không được tinh giản rồi, giờ phải gánh thêm cái viện ‘uốn tre’ này nữa!”

Ngoài ra, vài ý kiến đáng suy ngẫm khác là “Tôi nghĩ viện đạo đức không hiệu quả mà còn tốn thêm ngân sách. Thời điểm để hình thành chuẩn mực đạo đức là tuổi thiếu niên và nhi đồng, sau này làm cán bộ thì cần có cơ chế giám sát, kiểm tra và cân bằng. Xin nhắc lại, quan trọng nhất là có cơ chế giám sát và kiểm tra”; “Quan trọng nhất là cơ chế giám sát và kỉ luật. Nếu làm tốt thì khỏi cần viện đạo đức để thêm tốn kém”; và “Vừa bực vừa buồn cười”.

VnExpress là tờ báo điện tử thuộc hệ thống báo chí nhà nước, với lượng độc giả đông hàng đầu Việt Nam, và cơ quan chủ quản là Bộ Khoa học – Công nghệ. Dưới nhãn quan của bộ máy tuyên truyền cộng sản thì đa số độc giả của VnExpress không phải là “thế lực thù địch”. Vì thế, ý kiến “vừa bực vừa buồn cười” nêu trên xem ra đã chuyển tải chính xác “cảm xúc” của một bộ phận đáng kể trong dân chúng.

Các ý kiến bình luận trên hệ thống “báo chí lề dân” nhìn chung là thẳng thắn hơn nhiều, và hầu như ai cũng phản đối đề xuất của PGS Phúc.

“Giá trị thực tiễn”

Liên quan đến câu chuyện trên, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là: Liệu “sáng kiến” Viện Đạo đức học có được lãnh đạo CSVN hiện thực hoá hay không?

Mặc dù những người ủng hộ đề xuất của PGS Phúc chỉ là thiểu số, nhưng trong cuộc sống, chân lý chưa chắc đã thuộc về số đông. Vì thế, câu hỏi trên hoàn toàn không dễ trả lời như một phép toán cộng trừ đơn giản.

Để tìm lời giải đáp cho nó, chúng ta hãy thử đặt ra hai tình huống giả định dưới đây.

1. Nếu nguyên tắc “tự phê bình và phê bình” chưa được các đảng cộng sản trên thế giới áp dụng và bây giờ ai đó đề nghị áp dụng để thiết lập lại trật tự kỷ cương cho bộ máy công quyền ở Việt Nam thì sao? Tương quan giữa số người ủng hộ và phản đối đề xuất đó sẽ thế nào?

2. Nếu tại thời điểm này, Đảng CSVN chưa phát động “Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và một ai đó đề xuất thực hiện cuộc vận động này để cứu vãn sự suy đồi đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức thì sao? Tỷ lệ người ủng hộ so với phản đối sẽ thế nào?

Câu trả lời thuyết phục nhất cho cả hai câu hỏi trên xem ra là: Số người phản đối sẽ áp đảo số ủng hộ – giống như với đề xuất của ông cựu Viện trưởng Viện Lịch sử đảng.

Nghĩa là, nếu dựa trên tương quan giữa số người ủng hộ và phản đối để quyết định số phận của hai thứ “bảo bối” thông dụng nhất mà ban lãnh đạo CSVN vẫn đang áp dụng nhằm duy trì kỷ cương trong đảng và ngăn chặn tình trạng xuống cấp của đạo đức công vụ thì chắc chắn cả hai đều bị loại “từ vòng gửi xe”.

Tuy nhiên trên thực tế, “tự phê bình và phê bình” – một nguyên tắc do Lenin “sáng tạo” ra sau khi cầm quyền được 5 năm – đã tồn tại gần một thế kỷ nay. Và bất chấp kết cục tha hoá không tránh khỏi của bất kỳ đảng cộng sản nào sau khi trở thành đảng cầm quyền, các lãnh tụ cộng sản vẫn luôn dành cho nó những mỹ từ ấn tượng nhất.

Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là “thứ vũ khí thần diệu để đảng thường xuyên trong sạch, vững mạnh”. Nhân vật khai sinh ra chế độ CSVN thậm chí còn ví von: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí”, vì vậy mà “mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong đảng sẽ không có bệnh và đảng sẽ khoẻ mạnh vô cùng”. Lê Duẩn thì tỏ ra “mộc mạc và thẳng thắn” hơn: “Nhà nư­ớc ta là nhà n­ước xã hội chủ nghĩa, nhà nư­ớc do dân và vì dân chứ không phải là nhà nư­ớc t­ư bản của giai cấp tư­ sản. Chúng nó cần pháp luật để cai trị bóc lột nhân dân còn chúng ta là nhà n­ước XHCN chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê bình và tự­ phê bình là đủ.” Còn đương kim TBT Nguyễn Phú Trọng thì khẳng định: “Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mấu chốt, cực kỳ quan trọng” trong công tác “xây dựng đảng”.

Dù vậy, đến nay hẳn ai cũng có thể trả lời được câu hỏi: Liệu cái gọi là “vũ khí thần diệu” hay “khâu mấu chốt, cực kỳ quan trọng” nói trên có thay thế được pháp luật đúng nghĩa trong việc ngăn chặn sự tha hoá đạo đức trong đảng hay không?

Trong khi đó, “Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM” đã ra đời ngót 11 năm. Ở mỗi cấp từ trung ương đến xã phường đều có ban chỉ đạo cuộc vận động do bí thư cấp uỷ làm trưởng ban; Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương. Mỗi năm trên cả nước, từ trung ương đến địa phương, người ta không thể thống kê nổi có bao nhiêu cuộc họp, lễ sơ kết, lễ tổng kết liên quan đến cuộc vận động, và bao nhiêu văn bản chỉ đạo, chỉ thị, hướng dẫn về cuộc vận động; không thể thống kê hết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của mà hệ thống chính trị hiện hành đã tiêu phí cho cuộc vận động này.

Và giờ thì hẳn ai cũng dễ dàng trả lời câu hỏi: Từ khi lãnh đạo CSVN phát động cái gọi là “Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM” đến nay, đạo đức của đội ngũ “đầy tớ nhân dân” nói riêng và đạo đức xã hội nói chung đi lên hay đi xuống? (Ở đây chưa cần xét đến thực chất của “tấm gương đạo đức” kia là thế nào.)

Tóm lại, bất kể số người ủng hộ “sáng kiến” của PGS Phúc chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ vài %, song việc nó được lãnh đạo CSVN áp dụng lại là một khả năng thực tế, thậm chí là cao. “Có bệnh thì vái tứ phương.” Một khi CSVN vẫn dị ứng với phương thuốc “tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng” mà nhân loại tiến bộ đã áp dụng hàng trăm năm nay thì việc họ viện đến “phương thuốc” của “thầy Phúc” là điều không có gì phải ngạc nhiên.

Và thái độ của chúng ta

Thomas Henry Huxley (1825-1895), nhà sinh vật học nổi tiếng người Anh và là người cổ suý nhiệt thành của thuyết tiến hoá, từng viết trong tác phẩm “The Struggle for Existence in Human Society” (tạm dịch: “Cuộc đấu tranh sinh tồn trong xã hội loài người”): “Thật sai lầm khi lại mường tượng rằng quá trình tiến hoá biểu thị một xu hướng liên tục hướng tới sự hoàn hảo. Quá trình đó chắc chắn liên quan đến sự thay hình đổi dạng liên tục của sinh vật nhằm thích ứng với điều kiện mới, song tuỳ thuộc vào bản chất của những điều kiện như thế mà chiều hướng của những đổi thay này sẽ đi lên hay đi xuống.”

Chủ nghĩa cộng sản là một chủ thuyết phi nhân và trái quy luật. Điều đó giải thích cho sự thất bại của nó với tư cách một ý thức hệ trên phạm vi toàn cầu từ cuối thập niên 1980.

Từ góc nhìn Huxley, xã hội cộng sản rõ ràng là môi trường lý tưởng cho những “phát kiến” kiểu như “tự phê bình và phê bình”, “làm chủ tập thể”, “học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM”, “viện đạo đức học dạy đạo đức cho cán bộ”, v.v. và v.v…

Vậy nên chúng ta có thể buồn cười chứ không cần phải bực mình nếu “sáng kiến” của PGS Nguyễn Trọng Phúc được lãnh đạo CSVN “hiện thực hoá”, bởi đó là một bước “tiến hoá” đưa hệ thống hiện hành đến gần hơn với kết cục diệt vong tất yếu của nó.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Viện đạo đức học’ và tiếp theo là gì?
    Tiếp theo ư ? – Đểm xem…Hm…nhiều khả năng sẽ là ra khỏi “Viện” thì đi thẳng tới Toà án, rồi sang Nhà tù ?! Thường là thế !
    Nhưng để thay đổi cái không khí …bệnh hoạn , nhàm chán của sân khấu “pháp luật XHCN” , tạo ra chút bất ngờ thu hút dư luận…vv, thỉnh thoảng có thể sẽ là “kỷ luật khiển trách”, “cảnh cáo về cáí mặt đảng”…”Chuyển công tác “…vv. Theo thăm dò “dư luận tham quan” thì, mười vị hết chin, khoái được kỹ luật theo “Quy trình Điều chuyển công tác”! Theo quy trình đó : Học Đạo Đức ( các loại ) xong, ra hầu Tòa ,Điều tra, Tuyên án …(các loại) xong, thì hình thức kỷ luật nghiêm minh thế này là được các tham quan tâm đắc, chọn lựa! Tất nhiên quy trình này cũng sẽ phải tốn kém chút ít, nhưng sau cùng thì những khối tài sản khổng lồ vẫn chẳng sứt mẻ gì (điều này rất quan trọng) ! Còn chức vụ mới thì , có thể cao hơn hoặc thấp hơn cũ, “bèo” hơn hoặc béo bở hơn…vv, sẽ còn tùy vào ….Phe nào thắng mà thôi!

    (Chuyện “Quốc gia/ Dân tộc” gì đó, không có liên quan gì ở đây ,xin lưu ý giùm! Thanks )

    Dư luận thường đơn giản, nên “thích” cho rằng đang có 02 phe nào đó đánh nhau ?! Nếu chỉ suy đoán dựa vào một vài biểu hiện bên ngoài mà kết luận thế thì có lẽ…chưa chính xác ! Tuy cái tổ mối “ đảng ta” trông cứ như như một “Ma Trận”, nhưng thực ra, nếu không kể những nhánh có quan hệ bí mật với giới chính trị nước ngoài ngoài ( Tàu, Nga, Mỹ , Âu, Nhật…) và những nhánh của bè lũ Nguyên/ Cựu…vốn không còn những ảnh hưởng mạnh lắm, thì số “phe nhóm lợi ích” gì đó, tối thiểu không dưới con số …15 !

    Phải có khoảng 15 cái Gốc Củi to khỏe, đang còn tại chức- để nuôi dưỡng lũ mối XHCN ! Mười lăm “vị Trại chủ” này, ai nấy đều ngầm có ranh giới riêng, đã xác lập lãnh địa, đã giơ chân sau đánh dấu những khu vực bất khả xâm phạm…của mình ! Mỗi thân Củi loại “đại thụ” ấy, sẽ đóng vai “thần hộ mệnh”, làm“bà mụ đỡ đẻ” …tạo một môi trường nuôi cấy virus tham nhũng phức hợp thuận lợi nhất…Chính 15 Thân Củi to ấy, tạo ra và cai quản một đám lúc nhúc những bọn mối một, các đám dây leo, chùm gởi dưới quyền !
    Cho nên, “phe nào thắng, thua”, chỉ có thể là tự bọn họ nhận biết . ( Hơn 90 triệu kẻ “ngoại đạo” vốn chẳng biết gì nhiều , nên tha hồ xầm xì : rằng có hai, ba phe…rằng, vị này “vì Dân vì Nước”, vị kia “Chống Tàu theo Mỹ”, “Theo Mỹ chống Tàu” gì đó…vv . Người ta thường chỉ mò mẫm đoán bừa, những “ dự phóng tinh thần” thêm thãm ấy chủ yếu dựa theo những “mơ ước và hy vọng vào chuyện Ich nước Lợi dân “ ở mỗi người dân đen. ) …

    Các khái niệm “Đất nước, Dân tộc” quá xa xỉ, không thể xuất hiện khi mỗi thân gỗ mục đều có quá nhiều “việc phải làm” để giữ gìn , bảo vệ và phát triển “Quyền lực và Tài lợi “cho mọi chi nhánh. Vòi bạch tuộc có rất nhiều chức năng, nhưng dứt khoát chưa nghe rằng nó có …“tuyến lệ” !
    ——–
    Túm lại :
    Sau nhiều đại hội “Học Tư tưởng đạo đức bác Hồ”- nay kết quả lại tệ đến mức “phải mởi “Học viện Đạo đức” dạy lại từ đầu như dạy trẻ thơ ? Ngay chính thằng con ruột RCCB của bác , xem ra “tư cách, nhân phẩm“ rất kém…chất lượng ?! Càng học càng thêm đên mạt, băng hoại ,mục ruỗng…?! Các quốc gia có “chỉ số minh bạch” cao, lại chẳng tôn một xu tiền thuế để “đạy đạo đức” cho quan chức của họ, mà hành động của họ đáng ngưỡng mộ, lời nói của họ rất đáng tin ..Hic, hóa ra , lâu nay toàn học chuyện bậy bạ, vì “đạo đức, tấm gương …gì đó” củng chẳng ra cái quái gì !

    Bọn” đảng ta” biết rõ mà cứ loay hoay ngụy biện ,tránh né cho bằng được vấn đề chính trong quản trị Quốc gia :“ Cân bằng và Kiểm soát Quyền lực” !

    Ha ! Cơm hổng ăn, cứ tìm cách liếm chén , gặm bàn…?! Vậy nên “khuyến mãi” thêm nè :[em] “ Ngài Lê Tiến Thọ -Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tự chấm mình trúng 3 giải thưởng cao nhất trong giải thưởng hàng năm của Hội Nghệ sĩ sân khấu.!!” [/em]
    Chán !

  2. Về đề xuất xây dựng 1 viện đạo đức học, tớ tán thành . Vì 1 số lý gio như sau

    1- Tuy đã hình thành những biểu hiện cụ thể của “đạo đức cách mạng”, nhưng những gì cấu thành “đạo đức cách mạng” chưa được cụ thể hóa & tổng quát hóa thành 1 giáo trình hẳn hoi . Việc này sẽ gây ra khó khăn cho đào tạo đạo đức ở trẻ em, tạo ra những biểu hiện “lệch chuẩn đạo đức” như nhạt nhẽo với lý tưởng, với thần tượng cách mạng, dẫn tới thiếu/mất lý tưởng & niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng & dân tộc . Lập ra viện đạo đức, tớ đề nghị việc đầu tiên của viện là cụ thể, tổng quát & giáo trình hóa “đạo đức cách mạng” để tạo ra giáo trình cụ thể từ lớp vỡ lòng, mẫu giáo trở đi .

    2- Như các trí thức đã nhận xét & luôn kêu gọi, việc trau dồi “đạo đức cách mạng” là quá trình cả đời . Có thể viện này sẽ trở thành 1 trung tâm tu dưỡng đạo đức cách mạng bằng cách đặt tại những địa điểm tươi mát như Đồ Sơn … để tạo điều kiện để cán bộ các cấp tới vừa tu vừa dưỡng .

    3- Là 1 viện chuyên nghiên cứu đạo đức cách mạng . Nghiên cứu có nghĩa đánh giá, phát triển, rút kinh nghiệm vv … vv … để đạo đức cách mạng cũng phát triển nhằm đáp ứng cho từng thời kỳ cách mạng của Đảng & dân tộc . Và ta sẽ đọc những kết luận kiểu này cho nền “đạo đức cách mạng”

    “vừa trải qua khủng hoảng toàn diện, nghiêm trọng cả về thực tiễn và lý luận. Đó là hệ thống lý luận xây dựng đạo đức cách mạng theo mô hình Xôviết trước đây là giáo điều, xơ cứng, chủ quan, duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan… đã thực sự lỗi thời, không phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại”

    So Yeah, ý kiến thành lập viện đạo đức học dưới sự lãnh đạo của Đảng got my vote.

    Vô bài chủ

    “Từ khi lãnh đạo CSVN phát động cái gọi là “Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM” đến nay, đạo đức của đội ngũ “đầy tớ nhân dân” nói riêng và đạo đức xã hội nói chung đi lên hay đi xuống?”

    Theo tớ, nó đi ngang … phè như cua

    “Chủ nghĩa cộng sản là một chủ thuyết phi nhân và trái quy luật”

    Tớ nghĩ đây là 1 nhận định chủ quan & khiên cưỡng . Tác giả cần nhìn qua cách nhìn của 1 người Cộng Sản chân chính, aka khách quan, mới nhận thấy được tính nhân bản Cộng Sản & quy luật riêng của nó .

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây