Hoang tàn trạm radar triệu đô

Làng Mới

Hữu Danh

30-10-2017

Bỏ ra số tiền hơn 20 tỷ đồng xây trạm radar biển công nghệ Mỹ trên 20.000m2 đất vàng Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, trạm radar biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoang tàn, đổ nát sau vài năm sử dụng…

Cảnh đổ nát ở trạm radar Đồng Hới. Ảnh: báo Làng Mới

“Mắt thần” phát hiện tàu lạ

Ngày 29.10, ông Vũ Trường Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TNMT) cho biết, đã nhận được báo cáo về sự xuống cấp của Trạm radar biển Đồng Hới. “Trạm được đầu tư hơn 20 tỷ đồng, với các thiết bị của Mỹ. Trạm có ngã đổ tường rào và chúng tôi đã có báo cáo thiệt hại. Trạm vẫn đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, địa phương có thông báo thu lại đất. Hiện chúng tôi chưa có ý kiến về việc này” – ông Sơn nói.

Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo, trạm radar Đồng Hới được làm từ năm 2011, có thể quét và giám sát chính xác những vật thể từ cự ly xa tới 300km trên mặt biển, giúp cảnh báo sớm hiện tượng sóng thần, hỗ trợ giám sát hiện tượng dầu tràn trên biển cũng như các vật lạ. Các trạm radar biển còn có khả năng dự báo sự tập trung của đàn cá giúp ngư dân thuận lợi hơn trong việc xác định ngư trường đánh bắt; phát hiện tàu lạ từ khoảng cách trên dưới 200km. Từ các số liệu thu được từ hệ thống cũng cho phép phân tích xác định vật thể trôi trên biển phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, số liệu của radar biển còn hỗ trợ quản lý, điều hành tàu thuyền ra, vào cảng an toàn và hiệu quả nhất. Radar biển có nhiều ưu điểm nổi trội hơn so với phao quan trắc lắp ngoài biển do không có bộ phận nào tiếp xúc với mặt nước biển nên ít phải bảo dưỡng máy, chi phí cho hoạt động thấp. Quan trắc viên được bố trí chủ yếu để theo dõi, kiểm tra hoạt động của radar, bảo quản và xử lý các tình huống bất thường. Số liệu thu được từ các trạm radar biển có thể sử dụng được ngay, không cần phải xử lý và còn hiển thị được ngay trên điện thoại di động.

Xây bằng vật liệu ‘lạ’

Ngày 29.10, có mặt tại trạm radar này, chúng tôi phát hiện tường rào các ăn ten đều bị tự hủy, sắt thép xây dựng đều tự tan ra trong cát, chỉ các trụ ăn ten có dòng chữ “KERKAU USA” là còn tồn tại. Trên khuôn viên đất rộng 20.000m2, những cột chạy dọc bờ tường tự ngã đổ, gãy làm 3 – 4 khúc và trong ruột không hề có một thanh sắt nào. Tường rào ngoài gạch bị nứt tứ tung, còn được làm bằng sắt tự hủy – tự mòn và tan dần trong cát. Các phòng làm việc đều dơ bẩn và hoang tàn. Đặc biệt, cửa sổ các phòng làm việc đều thiết kế bằng loại gỗ tự hủy, chỉ cần dùng một ngón tay khều nhẹ là gỗ tự tan ra như cám và bay bay trong gió.

Nguồn: báo Làng Mới

Ông Trần Phong – Giám đốc Sở TNMT Quảng Bình cho biết, cuối năm 2010, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được UBND tỉnh Quảng Bình giao 20.000m2 đất ven trục đường Võ Nguyên Giáp để triển khai Dự án radar biển (giai đoạn 1), nhưng đến giờ này, Tổng cục mới đã xây dựng nhà làm việc, trạm radar và phòng điều chỉnh trạm. Hiện Sở đã có văn bản đốc thúc Tổng cục đầu tư thực hiện dự án và phải có cam kết về tiến độ với UBND tỉnh. Đồng thời, Sở sẽ kiểm tra đề xuất UBND tỉnh xem xét thu hồi phần diện tích không sử dụng.

Theo Dự án của Chính phủ, sẽ có 18 trạm radar biển được lắp đặt dọc theo bờ biển Việt Nam từ nay đến năm 2020. Trong giai đoạn I sẽ lắp đặt trước 3 trạm radar biển là trạm Nghi Xuân, Hòn Dấu và Đồng Hới.

Tuy nhiên, Trạm Đồng Hới cho đến nay vần chưa xác định được là có tồn tại được ở vị trí này hay không. Ngoài ra, chất lượng công trình quá kém, có dấu hiệu bị rút ruột, có thể đổ sập bất kỳ lúc nào sẽ rất nguy hiểm không chỉ cho nhân viên trạm mà còn ảnh hưởng đến ngư dân trên biển cũng như cảnh báo bão, sóng thần và các yếu tố an ninh quốc phòng…

Hiện trường đổ nát của Trạm radar biển Đồng Hới do PV Làng Mới ghi lại:

Ảnh: Báo Làng Mới

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây