Tiếc cho Tố Hữu

FB Mạc Văn Trang

29-10-2017

Tố Hữu, nhà thơ cách mạng sắt máu. Ảnh: internet

Hôm nọ, nhìn thấy rặng cây phong vàng rực lá trong chiều thu Ba Lan, tôi bất chợt kêu lên: Sao Nguyễn Du tài thế, ông nhìn thấy rừng phong vàng vào mùa thu ở đâu mà viết trong truyện Kiều: “… Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san…“. Bất chợt tôi tự hỏi: Nguyễn Du từng đến Ba Lan/ Từng say ngắm thu vàng ngày xưa?

Cũng với tâm cảm như vậy, không hiểu sao khi bước chân xuống Vacsava, tự nhiên từ trong tiềm thức bật lên bài thơ “Em ơi… Ba Lan” của Tố Hữu: “Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan/ Đường bạch dương sương trắng nắng tràn/Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng/ Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn“.

Có phải Sô-panh tình chứa chan/ Nâng đàn ca Cô gái Ba Lan/ Có phải A-đam hồn vĩ đại/ Bay trên đầu thế kỷ nhân gian…/ Em đi cùng anh lên thành xưa/ Vác-xa-va ấm nắng ban trưa/ Nét vàng lịch sử vừa tươi lại/ Trong cuộc hồi sinh, tạnh gió mưa …

Ngẫm ngợi mấy câu thơ, tự nhiên trong lòng dâng lên tình cảm yêu quý, ngưỡng mộ cả thiên nhiên và văn hóa Ba Lan, thương cảm sự mất mát và khâm phục sự hồi sinh của Ba Lan…

Rồi khi vừa đặt chân lên thủ đô CH Sec bỗng trong đầu thầm đọc: Prahara vàng tím chiều hè/ Hỡi nàng công chúa nằm mê, mộng gì?/ Nét buồn gương mặt còn ghi/ Lối xưa Fucik mới đi thuở nào…/ Lidice nhớ máu đào/ Vườn hồng ai sẽ ngăn rào sói lang?…

Những câu thơ như thế vang lên trong tâm hồn, khiến ta ngắm nhìn Praha càng thấy đẹp làm sao trong chiều hè rực nắng, những lâu đài nhấp nhô ven sườn đồi, soi bóng xuống dòng sông xanh… Rồi chưa kịp đến Lidise lòng đã rưng rưng thương cảm…

Rồi nhớ đến những bài thơ hay, nhiều câu thơ hay của Tố Hữu trong tập TỪ ẤY, VIỆT BẮC, GIÓ LỘNG… mà thấy tiếc cho ông. Ông có một tâm hồn nhạy cảm, mê say với đối tượng được phản ánh trong thơ và cách diễn đạt tự nhiên, khiến có nhiều câu thơ làm rung động lòng người, đi vào quảng đại quần chúng…

Nhưng chỉ vì ông có “tâm nguyện” “còn Đảng, còn mình”, với một niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa cộng sản, “Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa”, nên ông chẳng khác gì các “chiến binh” ISIS tin vào Thánh Ala. Ông ca ngợi chủ nghĩa hết lời, không một chút nghi ngờ, và sẵn sàng tiêu diệt bất kể kẻ nào dám động đến “Thánh” của ông, nên có nhiều câu thơ nay đọc lên thấy ghê sợ.

Trong tình cảm của ông yêu và căm thù phân rõ giai cấp, địch, ta. Ông có những câu thơ thương xót chị vú em, em bé con người đi ở, em Phước, lão đầy tớ, em bé bán hàng dạo, cô gái sông Hương, bà Bầm, bà Bủ, chị Lý… rất cảm động. Nhưng đối với các bạn văn chương, khi bị quy là “Nhân văn Giai phẩm” chống Đảng, ngay cả Phùng Quán là cháu ông, ông cũng trừng phạt không thương tiếc; đối với địa chủ, hồi cải cách ruộng đất, người ta đồn, ông viết:

Giết! Giết nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ

Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong

Cho Đảng bền lâu

Cùng rập bước chung lòng

Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt!”…

Nghe giọng điệu mấy câu thơ này “rất Tố Hữu”, vì thơ ông, nhất là tập Từ Ấy, rất nhiêu câu thơ “sắt, máu”; ông cũng ca ngợi Stalin và Mao Trạch Đông đến mức người Nga Xô viết hay người Trung quốc trước đây cũng phải vái lạy!

Với niềm tin tuyệt đối và lập trường “bất di bất dich” như vậy, ông tự biến mình thành một “Trùm dư luận viên”, bất kỳ cái gì của tư bản, đế quốc đều xấu xa; bất kể cái gì của phe ta đều tuyệt vời cách mạng; bất kể kẻ nào chê “phe ta” đều bị phê phán “có vấn đề tư tưởng”…

Điều nguy hiểm nhất ở ông là lập trường, thái độ “địch” – “ta” đều do tâm hồn nhà thơ tưởng tượng và khuếch đại; dường như ông rất ít quan sát phân tích thực tế khi làm thơ, bất chập hiện thực khách quan, chẳng hạn “Đại nhảy vọt”, “Cách mạng văn hóa” diễn ra ở Trung quốc khủng khiếp như vậy, mà khi qua Trung quốc ông không thấy gì, chỉ ngợi ca đến tận mây xanh!

Một điều đáng tiếc nữa cho Tố Hữu là ông chưa kịp sám hối, như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi … Tôi tin rằng sau những sự thật về Stalin, Mao Trạch Đông, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên xô và châu Âu; với những sai lầm của Đảng CSVN và thực tế xuống cấp toàn diện của xã hội Việt Nam vào lúc ông còn sống, ông đã “tự diễn biến”, biết rõ những ngộ nhận, sai lầm của mình…

Trước khi mất vào ngày 9/12/2002, ở tuổi 82, chắc ông cũng biết rằng, các chức vụ ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch HĐBT vân vân của ông chẳng có giá trị gì, may ra chỉ còn “mấy vần thơ” hay (vứt bỏ hết thơ dở đi) để lại cho đời, nên ông viết:

Xin tạm biệt đời yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ, một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

Sống là cho và chết cũng là cho.

Tôi thấy tiếc và thương cảm cho ông!

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Tác giả còn quên một bài thơ “cực chất” của Tố sỉ ? Cả “bố cục, kịch bản” đều vào hàng “siêu phẩm Holywood” ? Đó là bài : “ Bà má Hậu Giang”- Tập thơ “Từ ấy”.- Tố sỉ vẫn cứ là cảm hứng muôn đời…!

    ( Đây là kể về một bà già “ ma-nơ-canh” , làm mẫu cho mấy má tâm thần lỡ nuôi Việt cộng hồi xưa. Không phải mấy mấy bà “má” đi 10 km xin gạo ở xã, sau ngày giải phóng ) – Tố sỉ ngồi lim dim, nghĩ cách kích động mấy bà già giàu lòng thương người ở miền Nam. để lợi dụng họ ! Trí tưởng tượng bay cao, Tố sỉ bắt đầu bằng một sự kiện “nổi dây đầy chính nghĩa” nào đó . nhưng không thành công :

    Đường quê đỏ rực cờ hồng
    Giáo lê sáng đất, tầm vông nhọn trời
    Quyết một trận, quét đời nô lệ
    Quăng máu xương, phá bẻ xiềng gông!

    Hỡi ôi! Việc chửa thành công
    Hôm nay máu chảy đỏ đồng …Văn Giang (?)
    ….
    Rồi , trong cảnh tang thương máu đạn gì đó, Tố sỉ ráng tưởng tượng ra , có một bà già ở lại ( Tố sỉ gọi là “má”, nhưng bà già này không có đẻ ra Tố sỉ, là Tố sỉ nhận vơ bậy bạ thôi !). Bà già liều mạng dại dột ấy, chắc thường ngày vẫn lén lút nấu nồi cơm to, nuôi cả bầy cán bộ chiến sĩ QĐND anh hùng. Thường thường bầy này hay trốn núp đâu gần đó, chờ tối mới về ăn cơm chực thôi ! (chuyện này nên hỏi thêm Ba Dũng thủ tướng anh hùng- cũng là chiến sĩ anh hùng Kiên Giang ).

    Tố sỉ bịa ra bà má mình, bịa xong, còn làm bộ ngạc nhiên – thấy sao “má” làm gì kỳ cục giống hệt Trọng lú – thằng đệ mình ? Lúc bối rối, Tố sỉ làm nhầm hai khổ thơ ( Thơ nháp chép trong sổ tay, nay chép lại trong ngoặc)

    Ở đây sóng gió bất kỳ (Trung Ương sống gió bất kỳ)
    Má ơi, má ở làm chi một mình ? (Lú ơi Lú quậy làm chi một mình ?)

    Rừng một dải U Minh tối sớm (Đống luật rừng u minh thâm hiểm)
    Má lom khom đi lượm củi khô (Lú lăm le tìm kiếm củi khô)
    Ngày đêm củi chất bên lò (Ngày đêm, chất củi cạnh lò )
    Ai hay má cất củi khô làm gì? (Ai hay Lú chọn củi khô làm gì ?)
    Hay má lẫn quên vì tuổi tác (Hay lú …lẫn chỉ vì tuổi tác?)
    Hay má liều một thác cho yên ? (Hay Lú liều phá nát cho xong ?)
    ….
    Kịch tính xuất hiện là khí Tố sỉ nghĩ ra một đám “thù địch phản động” nào đó ? ( bởi miền Nam ngày xưa thanh bình hiền hòa lắm ,hổng bao giờ có mấy hình ảnh như Tố sỉ tưởng tượng ra đâu ). Đám ác quỷ “người ngoài hành tinh này” đi lòng vòng ở Kiên giang ,tìm bọn ba Dũng mãi mà hổng ra ( bởi các vì anh hùng ấy núp kỹ lắm ! Chuyện ẩn trốn , chui rúc… thì thật sự là họ rất có bản lĩnh ).

    Đang tìm mệt, thấy túp lều có khói bốc lên …bọn “ngoài hành tinh” tìm đến bao vây:

    Ách là! Thằng “ Đỗ ca” dừng bước ( “Đỗ ca” là chức cao của bọn ngoài hành tinh… trên sao Hỏa )
    Rút ống dòm, và ngước mắt nheo
    Xa xa, sau lớp nhà xiêu
    Một tia khói nhỏ ngoằn ngoèo bay lên

    (Bọn ba Dũng sơ suất rồi , lẽ ra phải dặn” má” bọn họ ,làm cái bếp Hoàng Cầm không khói- nghe đồn, dù đứng bên cạnh cũng không biết là đang nấu cơm luôn . Hay lắm ! ). Tìm được dấu vết , tay Alien này mừng quá :

    Hắn khoái trá cười điên sằng sặc
    Nhe hàm răng sáng quắc như gươm ….( sinh vật ngoài hành tinh mà ? không có răng, trong miệng chỉ có gươm làm bằng thép xịn- lúc cười thì sáng lóa lên , giống mấy người bịt răng vàng vậy ).

    Hắn hỏi bằng tiếng loài người, rằng bà già có biết bọn ba Dũng ở đâu không ? –Tố sỉ kể là mình đọc được ý nghĩ của bà già :
    ….
    “Các con ơi! Má quyết không khai nào!”

    Nhưng thật ra , bọn ba Dũng đời nào dám để bà già kia biết mình trốn ở đâu ? Ngay cả tên họ thiệt sự, ông họ Nông bảo mình họ Hồ, ông họ Hồ nói mình họ Nguyễn…nháo nhào…đến nay còn giấu kỹ , nhớ hổng ra…huông gì lúc đang chạy trốn ? – Vì thế, đoạn này Tố sỉ nhầm, vì bà già khờ kia thiệt tình không biết !

    Thằng quan kia bực mình đe dọa , nói bà già học bọn việt cộng nên hay nói láo, chứ già thế sao ăn hết nồi cơm to ? Bị bắt bài, bà giá lập tức “trổ tướng tinh”, xăn quần hét chửi um lên :
    ….
    Má hét lớn: “Tụi bay đồ chó! ( Mặt mũi bọn ngoài hành tinh hơi giống chó há ? Tiếc là ngoài Tố sỉ và bà già kia, không ai biết rõ được ! )
    Cướp nước tao, cắt cổ dân tao! (bọn này học được của Việt cộng chiêu này, giống loài ngoài hành tinh mà cũng mê đất, quy hoạch tá lả …Khiếp ! )

    Thấy bà già hung dữ quá , thằng ngoài hành tinh hết hồn, rút kiếm lazer bấm cái rột, làm cái rẹt phát …! Tố sỉ núp gần đó, thấy rõ ràng như vậy, không phải ám ảnh “Star war” rồi tưởng tượng bậy ba đâu !

    Nghĩ thiệt giận bọn ba Dũng kia, khi thấy có cơm nóng ăn thì thi nhau chạy ra kêu “ Má ! Má!” inh ỏi, còn khi bà già bị nạn thì bỏ mặc bà ta một mình , cả bầy trốn tịt hết , không thấy có thằng nào xông ra bảo vệ “má” hết ( rõ ràng Tố sỉ kể thế, mà cả Tố sỉ cũng thê ! ). Lúc có lợi thì nịnh hót, lúc nguy hiểm thì bỏ chạy sạch ráo , đúng là một bọn hèn ! Tôi bà già khờ dại , ai bảo thương yêu nuôi nấng đùm bọc một lũ hèn làm gì ?

    Bởi biết mình chết oan, giận qua linh hồn bà già không siêu thoát được…. Tố sỉ bảo bà ấy giờ vẫn thỉnh thoảng lại hiện hồn trên sông Hậu, nghe rờn rợn :

    Đất đai ta thích, ta yêu
    Oan hồn bóng má sớm chiều Hậu Giang.
    ( Đoạn cuối nhớ hổng kỹ…sorry ! )

  2. Tôi nhớ mãi bài tùy bút của cố nghệ sĩ nhà thơ nhà văn Phùng Quán viết lại sau chuyến viếng thăm Tố Hữu của ông và vợ ông, bà Bội Trâm, trở về sau khi Tố Hữu đã thất sủng , ngược lại thì Phùng Quan được khẳng định mình.
    Hai con người ấy nguyên là “Cậu và Cháu” cùng sinh trưởng ở xứ Huế, cùng muốn đi tìm đường cứu nước, nhưng đã rẽ vào hai ngả rất khác nhau.
    Cuối đời họ gặp lại nhau, trong buổi chiều buồn và có lẽ rất chân thật, Tố Hữu thốt lên nỗi ân hận nhục nhã của mình.
    Cả dân tộc Việt Nam đã từng là nạn nhân của sự ngu dại đó.

  3. Nói về cái gọi là lòng tự trọng và sĩ khí. Tôi chẳng làm gì được cho đaị cuộc, tôi chẳng thuộc thành phần “nợ máu nợ me với nhân dân” để phải trả thù hay viết bài rủa xả những tên văn nô có số má như Tố Hữu, kẻ đã góp công gieo rắc lòng thù hận giai cấp và tuyên truyền bậy bạ để lãnh lương. Tôi chỉ là một nạn nhân đã từng phải khổ sở “học tập và nghiên cứu” ba cái bài thơ tanh nồng mùi bưng bô của Tố Hữu suốt bao năm. Nhưng dù khi đó tôi cũng chỉ là đứa trẻ con, tôi đã biết nhận thức và thầm khinh bỉ một tài văn chỉ biết viết theo đơn đặt hàng, chẳng bao giờ tìm thấy được sự rung cảm hay phấn khích khi (phải) đọc (và học) thơ Tố Hữu.

  4. Trong trường hợp này tớ đồng ý với Thạch Đạt Lang . Có những trò hề quá lố bịch & quá rẻ tiền, thí dụ như bài này, làm ngay cả người dễ tính như tớ cũng phải “ghìm cơn mửa”, lời thơ của “Đảng nó, Đảng ta” Bùi Minh Quốc .

    Nói đi cũng phải nói lại . Đây là bài của chuyên gia ẩn dụ Mạc Văn Trang . Có thể bài này cũng là ẩn dụ .

    “Thơ gửi bạn đường”

    May quá tớ chưa bao giờ là bạn đường của Tố Hữu nên chưa bao giờ “bị” Tố Hữu gửi thơ, toàn bị đè đầu ra học để thi. Sau khi “trả nợ quỷ thần”, thấy thơ Tố Hữu gói xôi, tớ giận quá nên bỏ qua hàng xôi khác . Chữ nghĩa Tố Hữu làm tanh tưởi gói xôi!

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây