Hãy nói chính trị và hãy làm chính trị

Trung Nguyễn

27-10-2017

Sinh viên Phan Kim Khánh, vừa bị kết án 6 năm tù giam, 4 năm quản chế. Ảnh: internet

Lại thêm một sinh viên yêu nước bị giam cầm, bạn trẻ này tên là Phan Kim Khánh, sinh năm 1993. Phiên tòa tại Thái Nguyên ngày 25/10/2017 đã xử Khánh 6 năm tù giam và 4 năm quản chế, tổng cộng là 10 năm bị quản thúc.

Trong lúc đa số giới trẻ còn đang quay cuồng theo các thú vui như phim ảnh, ca nhạc, thì Khánh đã ý thức được những vấn đề lớn lao của đất nước. Đó là điều rất đáng trân quý ở Khánh. Những thanh niên như Khánh là niềm hi vọng cho đất nước sau này.

Đọc Facebook của luật sư Hà Huy Sơn thuật lại vắn tắt phiên tòa xử Phan Kim Khánh, những lập luận do tòa hay viện kiểm sát đưa ra rõ ràng mang tính suy diễn để cố tình buộc tội Khánh. Những phiên tòa như vậy tiếp tục chứng minh cho cả dân tộc Việt Nam nói riêng, cả thế giới tiến bộ nói chung, rằng ở Việt Nam người dân mất quyền làm chủ và pháp luật tùy tiện, bất công.

Nói chính trị không phải là tội danh

Luật sư Hà Huy Sơn viết: “Tòa nhận định khánh sử dụng Internet để tuyên truyền tư tưởng đa nguyên, đa đảng, phi chính trị quân đội, bầu cử tự do, tự do báo chí … Giám định viên Bộ Thông tin truyền thông thì kết luận đó là tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN.”

Ở đây, chúng ta cần xác quyết rằng bộ luật hình sự Việt Nam chưa bao giờ cấm công dân nói về các tư tưởng chính trị hay vấn đề chính trị như “đa nguyên, đa đảng, phi chính trị quân đội, bầu cử tự do, tự do báo chí”.

Việc giám định viên Bộ Thông tin – Truyền thông suy diễn việc nói về những vấn đề chính trị như vậy là “tuyên truyền chống nhà nước” là vô căn cứ, mang tính áp đặt, đi ngược với nguyên tắc suy đoán vô tội, suy diễn có lợi cho bị cáo trong hoạt động tố tụng.

Nhà cầm quyền Việt Nam luôn khẳng định với cộng đồng quốc tế là Việt Nam không có tù chính trị, nghĩa là không ai bị bắt vì lý do nói chính trị hay làm chính trị ở Việt Nam. Do đó, người dân Việt Nam cần tự tin khẳng định rằng việc phát biểu trên các phương tiện truyền thông như web site, blog, mạng xã hội như Facebook, YouTube về các vấn đề chính trị của quốc gia hoàn toàn không vi phạm pháp luật.

Chính vì việc xét xử mang tính suy diễn, nên điều tất yếu là sẽ có người bị xử, có người không bị xử, tùy vào ý muốn chủ quan của giới lãnh đạo cộng sản.

Một người “tuyên truyền chống Nhà nước” tiêu biểu

Tôi có thể mách cho Bộ Công an một người “tuyên truyền chống phá Nhà nước” nghiêm trọng, đó là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng cộng sản.

Ngày 17/10/2016, ông Trọng nói: “Nhưng thực tế khó thật, vô cùng khó khăn, đối ngoại đã khó, chống ngoại xâm đã khó, nhiều người bảo chống nội xâm càng khó, vì tự ta đánh vào ta”.

Chỉ một câu nói đó thôi của ông Trọng đã cho thấy đảng cộng sản Việt Nam (đảng ta) là một đảng tham nhũng, và đảng cộng sản Việt Nam là giặc “nội xâm” của dân tộc Việt Nam. Ông Trọng dám công nhận sự thực này trên báo chí chính thống trong nước cho tất cả người dân Việt Nam thì có phải ông đang “tuyên truyền chống Nhà nước” hay không? Ông Trọng nói như vậy là ông đang “chống Nhà nước” hay ông đang nói sự thật về đảng cộng sản, về nhà nước?

Đến đây phải đọc thêm câu nói vào ngày 14/9/2015 của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, để thấy luật pháp Việt Nam tùy tiện và bất công thế nào: “Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”.

Tham gia đảng chính trị khác đảng cộng sản cũng không phải là tội danh

Mới đây, Giáo sư Tương Lai, cựu Viện trưởng Viện Xã hội học, đã tuyên bố là ông trung thành với đảng Lao Động và là đảng viên của đảng Lao Động. Nếu như ông có tội “làm chính trị” thì công an đã bắt ông rồi.

Cách đây 11 năm, ngày 1/6/2006, cố Giáo sư Hoàng Minh Chính, cựu Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin, đã phục hoạt đảng Dân Chủ. Giáo sư Hoàng Minh Chính cũng không hề bị bắt vì tội “làm chính trị”.

Rõ ràng bộ luật hình sự không hề cấm công dân lập đảng chính trị để thực hiện quyền làm chủ của công dân là ra ứng cử vào Quốc hội.

Điều 16 Hiến pháp khẳng định: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Từ đó suy ra là các công dân có lý tưởng cộng sản có thể thành lập đảng cộng sản thì các công dân khác có những lý tưởng khác, học thuyết chính trị khác cũng hoàn toàn có thể lập đảng như những công dân là đảng viên cộng sản.

Do đó, việc tòa cho rằng sinh viên Phan Kim Khánh có liên hệ với đảng chính trị nào đó là có tội thì đó là việc làm mang tính áp đặt, lộng quyền rất rõ.

Và qua đó, có thể thấy pháp luật Việt Nam chỉ là công cụ cho giai cấp thống trị là giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đàn áp các thành phần khác trong xã hội để giữ quyền lực chứ không phải là pháp luật chuẩn mực để bảo đảm mọi người sống hài hòa, bình đẳng với nhau.

Nhu cầu chính trị của quốc gia

Chính trị hiểu rộng là các hoạt động của con người nhằm tạo ra, bảo vệ và điều chỉnh các luật lệ chi phối đời sống xã hội. Làm chính trị hay nói chính trị thời nào cũng vậy, luôn luôn là nhu cầu quốc gia, là sự thiết yếu của đời sống.

Tại phiên tòa chiều ngày 5/10/2017 xử bà cựu đại biểu quốc hội Châu Thị Thu Nga, bà Nga xin khai đã chạy số tiền 34 tỷ đồng cho ai để “trúng cử” đại biểu quốc hội nhưng thẩm phán đã ngăn không cho bà Nga được trình bày sự việc. Một sự việc tày đình công khai trước mặt toàn dân Việt Nam!

Chỉ một tình tiết này cũng cho thấy thể chế chính trị quốc gia đang có vấn đề nghiêm trọng, thứ nhất là dân không được bầu đại biểu quốc hội mà do giới lãnh đạo cộng sản sắp đặt, thứ hai là tòa án không độc lập nên xử án theo chỉ đạo, cũng có nghĩa là dân mất quyền làm chủ và pháp luật tùy tiện, bất công.

Do đó, nhân dân làm chủ trên nền tảng pháp luật chuẩn mực, bắt đầu từ bản hiến pháp của toàn dân, là nhu cầu chính trị bức bách nhất của dân tộc Việt Nam hiện tại. Lực lượng chính trị nào, đảng chính trị nào giải quyết được vấn đề này sẽ đi vào lịch sử dân tộc.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Ở đây, chúng ta cần xác quyết rằng bộ luật hình sự Việt Nam chưa bao giờ cấm công dân nói về các tư tưởng chính trị hay vấn đề chính trị như “đa nguyên, đa đảng, phi chính trị quân đội, bầu cử tự do, tự do báo chí”

    Bác này hình như là đảng viên mà ăn nói bậy bạ quá! Điều 4 Hiến pháp đã định rõ Đảng Cộng Sản là lực lượng duy nhất có quyền lãnh đạo đất nước, tuyên truyền đa đảng có nghĩa thách thức “lực lượng duy nhất” rồi . Có nghĩa hành động của Khánh vi Hiến, và nếu theo tinh thần “Cứu Đảng là cứu nước”, có thể khép vào tội phản quốc . Điều 88 Khánh bị cáo buộc đã thể hiện tinh thần đó của bác Nguyễn Trung và của các trí thức có cùng tư duy với bác í gòi .

    “Ở đây, chúng ta cần xác quyết rằng bộ luật hình sự Việt Nam chưa bao giờ cấm công dân nói về các tư tưởng chính trị hay vấn đề chính trị như “đa nguyên, đa đảng, phi chính trị quân đội, bầu cử tự do, tự do báo chí”

    Nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét thời Bác Hồ, đại ý “không có máu chảy, không có tiếng súng nổ nhưng có người chết”. Nhận xét đó có thể dùng để phản biện nhận xét trên của Trung Nghĩa . Hoặc có thể đem câu nói nhạo thời còn mồ ma Liên Xô “Chính quyền xã hội chủ nghĩa bảo đảm quyền muốn nói gì thì nói, chỉ không bảo đảm sau khi nói”. Luật pháp xã hội chủ nghĩa của nước mình chả bao giờ cấm nói, nhưng những gì xảy ra sau đó thì cũng chả bao giờ trách lực lượng công an làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó .

    “Trong lúc đa số giới trẻ còn đang quay cuồng theo các thú vui như phim ảnh, ca nhạc, thì Khánh đã ý thức được những vấn đề lớn lao của đất nước”

    Dấu hiệu rõ rệt Khánh cứng đầu cứng cổ, không theo giáo dục của nhà trường xã hội chủ nghĩa . Tại sao Khánh không quay cuồng theo các thú vui khác như các thanh niên thời đại Hồ Chí Minh ?

    “Chỉ một câu nói đó thôi của ông Trọng đã cho thấy đảng cộng sản Việt Nam (đảng ta) là một đảng tham nhũng, và đảng cộng sản Việt Nam là giặc “nội xâm” của dân tộc Việt Nam”

    Giời ạ, tại sao tớ phải giải thích lời của Tổng bí thư Đảng Cộng Sản cho 1 đảng viên trung kiên, và có thể thuộc loại lão … thành cách mạng, như cáo già thành tinh ?

    OK, ý của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là dư thế lày; Đúng, một bộ phận không nhỏ -“không nhỏ” tới đâu là 1 điều nhạy cảm- do lơi là học tập chủ nghĩa Mác & tư tưởng Hồ Chí Minh, nên có biểu hiện thoái hóa về lý tưởng cách mạng qua nhiều hình thái, phủ định chủ nghĩa Mác-Lê, nghi ngờ chủ nghĩa xã hội là con đường Bác Hồ kính yêu đã chọn lựa cho đất nước & dân tộc … Nhưng nói chung, bộ phận kia, aka bộ phận không lớn vẫn giữ phẩm chất cách mạng kiên cường nên Đảng nói chung là tốt, nói riêng lại là chuyện khác . Đấu tranh chống những biểu hiện thoái hóa là làm trong sạch Đảng, nâng cao tính chiến đấu của Đảng, làm tăng sức sống, năng lực lãnh đạo của Đảng với đất nước chính là những mong muốn của mớ đảng viên trung kiên như điên các bác, các bác không ủng hộ thì chớ, còn buông nhời chế diễu .

    “Giáo sư Hoàng Minh Chính cũng không hề bị bắt vì tội “làm chính trị”

    Chỉ bị bắt vì tội khác, nói chung là bị bắt, lộn, từ của Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, “tạm giữ”

    “Từ đó suy ra là các công dân có lý tưởng cộng sản có thể thành lập đảng cộng sản thì các công dân khác có những lý tưởng khác, học thuyết chính trị khác cũng hoàn toàn có thể lập đảng như những công dân là đảng viên cộng sản”

    Nhưng lý tưởng cộng sản cấm sự tồn tại của các lý tưởng, học thuyết khác . Để nêu cao tinh thần dân chủ, tớ đề nghị mọi người tôn trọng lý tưởng cộng sản bằng cách không lập ra những tổ chức chính trị khác .

    “Và qua đó, có thể thấy pháp luật Việt Nam chỉ là công cụ cho giai cấp thống trị là giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đàn áp các thành phần khác trong xã hội để giữ quyền lực chứ không phải là pháp luật chuẩn mực để bảo đảm mọi người sống hài hòa, bình đẳng với nhau”

    Chỉ hỏi nhỏ bác, bác nhận thấy điều này từ lúc nào ?

    “Tham gia đảng chính trị khác đảng cộng sản cũng không phải là tội danh”

    Bác này có rèn luyện tư tưởng Hồ Chí Minh hông dzậy ? Định nghĩa “phản động” của Bác Hồ kính yêu của chúng ta, bác quên Bác Hồ nó mất rồi!

    “Giáo sư Tương Lai, cựu Viện trưởng Viện Xã hội học, đã tuyên bố là ông trung thành với đảng Lao Động và là đảng viên của đảng Lao Động. Nếu như ông có tội “làm chính trị” thì công an đã bắt ông rồi”

    Đúng . Ông í đâu có làm chính chị chính em gì đâu, nên “đảng của Nguyễn Phú Trọng” chỉ khai trừ ổng thôi . Tớ đoán vì ổng có những biểu hiện thoái hóa tư tưởng chính trị nhưng chưa act out. Chỉ nguệch ngoạc mông thế sự thôi .

    Tớ đề nghị đảng viên trung kiên Trung Nghĩa nên trau dồi (lại) chủ nghĩa Mác-Lê & tư tưởng Hồ Chí Minh . Tớ không dễ dãi như Đảng Cộng Sản, nên có thể kết luận đồng chí Trung Nghĩa có đầy đủ biểu hiện thoái hóa về lý tưởng & tư tưởng chính trị . Việc đầu tiên tớ sẽ làm là cúp sổ hiu của bác đấy .

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây