Tại sao Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ năm 1999 bị trì hoãn?

FB Nguyễn Công Khế

22-10-2017

Ảnh: internet

Sáng hôm đó, tôi ngồi ăn sáng với chú Sáu Dân (tức TT Võ Văn Kiệt). Có điện thoại reo, chú Sáu đứng dậy nghe máy. Nghe điện thoại xong khoảng 5 phút. Ông ngồi xuống bàn nói: Sáu Khải (TT Phan Văn Khải) cho biết là lên đường đi New Zealand bằng tay không, tức là Bộ Chính trị lúc ấy không đồng ý ký Hiệp định song phương Việt-Mỹ nhân Hội nghị Apec tại đây mà hai bên đã thỏa thuận từ trước.

Ông Sáu rất phiền và thất vọng. Ông tiếp tục buổi ăn sáng và nói với tôi: bây giờ nếu muốn biết ký, ai có lợi và ai không có lợi, phân tích ra thì biết liền hà. Mỹ là một nền kinh tế lớn, ký hay không ký với ta họ không quan trọng lắm. Ta là một nền kinh nhỏ, èo uột và rất cần thị trường Mỹ. Ta không ký thì ta thiệt hại, Mỹ không bị ảnh hưởng gì cả. Ta không ký thì người có lợi nhất là Trung Quốc…Tôi còn biết ngay thời điểm đó, đại sứ Trung Quốc, luôn thăm dò lúc nào ta ký Hiệp định song phương với Mỹ, và họ muốn ngăn cản ra mặt.

Ông Sáu nói tiếp: Hồi chuẩn bị ký Hiệp định với các nước Asean, ông Đỗ Mười cho Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đem văn bản hỏi ý kiến vào đây, ông Sáu viết chữ “đồng ý” to tổ bố, và kéo dài chữ ký từ đầu trang kéo xuống cuối trang, như để hả hê vậy. Ông nói với tôi theo cách thường thấy ở ông: những việc như vậy “tao” ủng hộ hai tay hai chân.

Tôi có đọc Bên Thắng Cuộc của Huy Đức, việc Hiệp định song phương với Mỹ không ký được theo lý giải này, thì do trước đó bà ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright trong một buổi gặp gở với TBT Lê Khả Phiêu đã hỏi một câu không tế nhị lắm về việc CNXH còn tồn tại được bao lâu, và ông Phiêu liền trả lời là còn lâu dài và CNXH sẽ là tất yếu. Tôi nhớ không được nguyên văn cho lắm, dù tôi cũng đã được nghe Ông Lê Khả Phiêu nhắc lại nhiều lần trong những buổi nói chuyện chính thức và không chính thức câu chuyện này. Nhưng tôi vẫn không tin là ông TBT lại tự ái cho dừng Hiệp định song phương quan trọng này lại, chỉ vì câu nói của bà ngoại trưởng Mỹ. Qua cách nói của ông Nguyễn Chí Trung trợ lý của TBT lúc đó về việc chuẩn bị đón tiếp TT Bill Clinton và ông Trung cho biết quan điểm của ông khi ông ấy đọc toàn văn bản Hiệp định Việt Nam gia nhập WTO và Hiệp định song phương với Mỹ ông đã khóc vì cho rằng VN đã mất độc lập và lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ và phương Tây. Như anh Hoàng Hải Vân có viết về nhân vật Nguyễn Chí Trung, thanh liêm không ai bằng mà bảo thủ cũng không ai sánh được. Tất nhiên không thể nhìn quan điểm của ông Trung để đánh giá hành động của ông Phiêu lúc đó. Nhưng tôi cũng xin nói một điều chắc chắn rằng, mọi việc vận hành trong cơ chế này, TBT luôn là người quyết định cuối cùng. Dù cứ cho cho rằng ông Đỗ Mười và có một vị tướng nữa có ảnh hưởng can ngăn.

Cái kịch bản đón tiếp vợ chồng TT Bill Clinton được chuẩn bị và phát biểu của TBT trong buổi tiếp đó cho chúng ta thấy được sự lúng túng và thái độ với Mỹ của ông Phiêu mà sau đó trong hồi ký của Bill Clinton có thuật lại một phần.

Sau khi đi dự Hội nghị Apec ở New Zealand về, ông Sáu Khải kể tôi nghe về chuyện ông phải nói như thế nào với TT Bill Clinton về việc đình hoãn ký HĐ song phương lần này. Ông nói nghe cũng hợp lý lắm: Ngài biết không, ở Mỹ có hội chứng Việt nam, còn ở Việt nam chúng tôi cũng có hội chứng Mỹ. Các cựu chiến binh của chúng tôi cũng còn một tâm trạng nặng nề lắm với cuộc chiến tranh vừa qua giữa Mỹ và VN. Chúng tôi cũng từng bước thuyết phục họ để hai nước chúng ta sớm ký được Hiệp định song phương này trong thời gian sớm nhất . Ông Sáu Khải kể: Mày biết không, Bill Clinton rất tình cảm với VN mình, ông ta dắt tao đi giới thiệu với nguyên thủ các nước: Ngài có biết đây là ai không? Đây chính là Ngài Phan Văn Khải, Thủ tướng của Việt nam. Ông còn đề nghị ông Khải rằng: Quan hệ VN và Mỹ có được như hôm nay là phải cảm ơn ông Thượng nghị sĩ John Kerry và ông John McCain, các ông ấy đổ xương máu ở chiến trường Việt nam và hiểu biết nhiều về VN, nên các ông ấy lên tiếng thúc đẩy quan hệ với VN, không ai nói gì tới các ông được. Còn tôi mà lên tiếng thì lập tức có người sẽ nói rằng tôi là người không đi chiến đấu ở VN, rất là khó thuyết phục họ.

Ông Sáu Khải thuật lại, khi Bill Clinton kể câu chuyện về một người bạn ông đi quân dịch sang chiến đấu ở Khe Sanh đã viết thư cho ông báo việc người bạn ấy sắp sửa rời VN vì đã làm xong nghĩa vụ quân dịch và sẽ rời khỏi Việt nam vào tháng 12 -1972. Bill Clinton nói rằng trong bức thư đó bạn của ông cho biết: Cuộc chiến tranh ở VN, sau khi đã được chứng kiến tận mắt, không đúng như những gì người ta đã nói với tụi mình ở Mỹ. Nhưng mình cũng xin báo với Bill một tin vui, tháng 12-1972 này, mình đã hết hạn quân dịch và sẽ sớm trở về nước Mỹ để gặp lại bạn bè và Bill. Bill Clinton nói đến đoạn đó và rút khăn lau nước mắt, bằng một kết thúc: người bạn đó đã vĩnh viễn nằm lại ở Khe Sanh VN, và không có ngày về, như đã hứa.

Khi nói chuyện với chúng tôi, nhiều lần chú Sáu Dân vẫn nói: Mình ở trong Bộ Chính trị nhiều năm và đã từng làm Thủ tướng, nhưng khi rời khỏi BCT, mình cảm thấy có quá nhiều điều còn luyến tiếc vì chưa làm được. Ví như năm 1997, khi Hồng Kông được trao trả về cho lục địa TQ, nếu thời cơ ấy, mình cho mở cửa Cam Ranh, biến Cam Ranh thành cảng thương mại, tranh thủ lúc các nhà kinh doanh lớn ở HK đang lúc hoang mang có thể rút khỏi nơi đây, ta mở được Cam Ranh lúc đó sẽ rất có lợi cho nền kinh tế. Và có thể ta tranh thủ lấy được khách hàng vào cảng biển từ Singapore nữa. Thế mà ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội vào tay các nước khác.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “ông Trung cho biết quan điểm của ông khi ông ấy đọc toàn văn bản Hiệp định Việt Nam gia nhập WTO và Hiệp định song phương với Mỹ ông đã khóc vì cho rằng VN đã mất độc lập và lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ và phương Tây”

    Bây giờ tôi mới hiểu & thông cảm cho những trí thức lớn của mình như Giáo sư Tương Lai bỏ -sau khi bị khai trừ khỏi- đảng của Nguyễn Phú Trọng để trở về với Đảng của Bác Hồ . Họ đã quá đau buồn vì đảng của Nguyễn Phú Trọng vào WTO, ký bao nhiêu là hiệp ước thương mại với Mỹ, rồi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Mỹ, gặp Obama & Bay Đần nữa chứ!

    Viết tới đây tớ thương thay cho số phận Việt Nam, đang trượt dốc trên con đường lệ thuộc Mỹ & phương Tây, không khác gì Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa . Các bác trí thức đúng, Đảng đang phản bội lại lý tưởng Cộng Sản, lý tưởng chủ nghĩa xã hội Bác Hồ đã chọn cho đất nước & dân tộc, đang phản bội lại cuộc cách mạng giải phóng dân tộc . Đảng đang đi trên con đường diệt vong!

    Hy vọng Đảng nghĩ lại, trở về với lý tưởng Cộng Sản của Bác Hồ đã chọn cho đất nước & dân tộc, và đã được 1 phần dân tộc hổng có tui ở trỏng chọn lựa . Chỉ có thế Đảng mới trường tồn ở vị trí lãnh đạo duy nhất & toàn trị của dân tộc & đất nước thôi .

    Ôi, thương thay quá khứ hào hùng, nay còn đâu!

  2. Lê Khả Phiêu hồi đó thật sáng suốt.
    Nếu năm 1999 mà VN ký Hiệp định thương mại với Mỹ, có lẽ năm 2013 ô. TBT Trọng đã không nói, ” Đến hết thế kỷ này…”, mà Trọng đã phải nói “Đến hết Thiên niên kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Đơn giản vì Mỹ mà vào VN, nó sẽ không để yên cho Đảng ta xây dựng CNXH !
    Nay ô. Lê Khả Phiêu lại đang muốn cố vấn cho đảng “nhất thể hóa” với nhà nước, để “toàn trị” hơn, ắt phải tiến nhanh hơn tới Thiên đường CNXH!!!

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây