Lũ ở trong lòng

FB Mai Quốc Ấn

12-10-2017

Gần 80 người chết, còn nhiều người mất tích và vô số tài sản thiệt hại cho tới lúc này, chỉ trong một đợt lũ vài ngày. Mưa lũ về và những tang thương giống như một sự “mặc định” đều đặn hàng năm. Bài viết này không muốn nói về sự tang thương do mưa lũ mang lại mà là những “cơn lũ” khác vẫn đều đặn xảy ra mấy mươi năm nay.

Cơn lũ đầu tiên mang tên phá rừng. Tôi viết về phá rừng chục năm nay và nhận ra rằng ham muốn phá rừng sẽ không dừng lại. Nhưng món đồ gỗ đẹp đẽ và bằng gỗ xịn thể hiện đẳng cấp là nhu cầu có thực của một số người. Có cầu, ắt có cung. Và đầu nậu gỗ hay lâm tặc xuất hiện như một tất yếu. Và kiểm lâm của nước ta thì…

“Cơn lũ” đầu tư cao su một thời đã tạo ra những cánh rừng “không phải rừng”. Các tầng cây trở nên đơn điệu hơn với cao su và cỏ. Chúng cũng hút nước và giữ đất, giữ nước nhưng chắc chắn là kém hơn rừng nguyên sinh rất rất nhiều. Và nơi nào có “rừng” cao su hiện ra thì gần như hồ sơ gốc của nơi đó từng là rừng thật.

Cơn lũ tiếp theo là đầu tư thủy điện. “Làm thủy điện đầu tiên là làm gỗ. Sau đó là làm đường. Và cuối cùng mới làm điện.”- là khẳng định của một đại gia thủy điện (nay đã thoái vốn) tâm sự. Đừng ngạc nhiên nếu có những công trình thủy điện muốn (hoặc đã) được đặt giữa tim rừng. Sẽ có những “Con đường đâm thẳng tim rừng” (tên bài viết của tôi trên Sài Gòn Tiếp Thị năm 2012) xuất hiện.

Cơn lũ thứ tư mang tên quy trình xả lũ. Không người dân nào chạy nhanh hơn sức nước đổ về cả. Nhà cửa, tài sản, thú nuôi,… dĩ nhiên càng không. Và điệp khúc đúng quy trình vẫn được lặp lại hàng năm. Và những người dân mất mát tài sản hay thậm chí mất mạng vì xả lũ vẫn xuất hiện hàng năm.

Nhưng tất cả những điều ấy sẽ không xuất hiện nếu không có những “cơn lũ” cấp giấy phép hợp thức hóa phá rừng!

Và những “cơn lũ” vừa nêu tạo ra những cơn lũ khác: Cơn lũ di dân, cơn lũ (nghĩa đen) hàng năm, cơn lũ các đoàn cứu trợ, cơn lũ chi phí y tế và các gánh nặng xã hội, an ninh trật tự và quốc phòng,.v.v.. Nguồn lực đất nước vì thế mà suy yếu.

Và những nỗi đau lòng xót dạ cứ như lũ về…

Đều đặn, như sự im lặng của đám đông vô cảm và xu phụ quyền lực!

(Trong lòng bạn có cơn lũ nào không?)

Ảnh: Google

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Khi đưa ra ý kiến sau “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa” [Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Sự Thật, trang 283], thì Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói rõ vậy thì dân đuổi những kẻ báo hại thế nào. Và lúc này quyền hội họp tuần hành cũng bị ngăn chặn vô lý. Vì thế toàn dân Việt Nam phải hiểu quyền làm chủ đất nước của mình, đứng lên đuổi tất cả bọn giặc nội xâm „ăn không từ thứ gì của dân“ mọi nơi, mọi lúc, mọi cách, chứ không thể tha chúng theo lời Tổng bí thư „xử vài người để cứu muôn người“, „ai nhúng chàm hãy tự gột rửa“ …

Leave a Reply to Mỗi người hãy hành động theo khả năng Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây