Kiến nghị đổi mới

FB Mai Quốc Ấn

6-10-2017

Cự đại sứ Nguyễn Trung, là người đưa ra ra kiến nghị gần đây, kêu gọi đảng CSVN cải cách chính trị, thành lập một thể chế mới đa đảng. Nguồn: internet

Năm 1998, giá cước di động siêu cao: 4.200VND/phút (giá Vinaphone). Nếu so sánh giá USD và vàng của năm 1998 với hiện nay bạn sẽ hiểu 4.200VND/phút khủng khiếp cỡ nào.

Năm 1993, Mobifone ra đời nhưng chưa rộng khắp cả nước. Sự xuất hiện sau đó của Vinaphone và nhất là Viettel làm người dân được sử dụng di động với giá cước thấp hơn nhiều. Điều tương tự xảy ra với Vietnam Airlines, Jetstar và nhất là VietJet Air của ngành hàng không.

Nhưng con số 3 vẫn không là điều mà người dân mong đợi để xóa độc quyền mà là con số mang tên “càng nhiều càng tốt”.

Status này viết trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương 6, khóa XII và bàn nhiều về đổi mới Đảng, đổi mới chính quyền. Cũng trong hôm nay, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ có bài trên Tuổi Trẻ với tựa “Hội nghị trung ương 6: Mở đường cho cải cách sâu rộng hơn”. Trong đó, TS Vũ nhấn mạnh 3 nội dung gồm:

1- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
2- Sắp xếp lại bộ máy chính trị
3- Công tác quản lý cán bộ

TS Vũ đã cẩn thận mào đầu về Hội nghị 6 rằng đây sẽ là hội nghị “mở đường cho cải cách khác sâu rộng hơn”. Và cải cách chính trị, theo tôi, là bắt buộc vì 3 lý do sau:

1- Dư địa phát triển kinh tế bằng tài nguyên đã hết
2- Hội nhập sâu rộng và cách mạng 4.0 cần cải cách bên trong bộ máy cho tương xứng
3- Bộ máy hiện tại quá cồng kềnh và “tham nhũng ổn định”

Tôi không đủ tầm để đoán “cải cách khác sâu rộng hơn” là gì nhưng ghi nhận một trường hợp rất thú vị:

Kiến nghị của ông Nguyễn Trung- cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Đức và nguyên cộng tác viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kêu gọi Đảng cầm quyền (Đảng CSVN) ra quyết định “khép lại quá khứ”, “huy động toàn đảng” và “dựa vào trí tuệ nhân dân cả nước” tiến hành “một cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn”. Xin trích:

“Nên tham khảo mô hình thế chế chính trị hay nhà nước và bộ máy hành chính sự nghiệp của Singapore, Nhật và Hàn Quốc để vận dụng vào nước ta theo tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945, Hiến pháp 1946 và cách tổ chức quốc hội 1946, được bổ sung những nét cập nhật phù hợp với đòi hỏi của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện tại.

Nét đặc trưng chung của 3 mô hình này (Singapore, Nhật, Hàn Quốc) là tính tập trung để tạo ra khả năng quyết đoán cao, đồng thời bảo đảm được dân chủ, tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Trên cơ sở những bước tiến mới nói trên, tiến hành xây dựng một thể chế chính trị hay nhà nước đa nguyên, hình thành một số đảng chính trị mới theo Hiến pháp mới và Luật về đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội dân sự như đã được thông qua ở giai đoạn II.”

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII tôi đã kiến nghị thành lập nhóm ad hoc gồm các đồng chí Bùi Quang Vinh [cựu Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, nguyên Ủy viên BCHTƯ Đảng], Vũ Đức Đam [Ủy viên BCHTƯ Đảng Phó Thủ tướng Chính phủ] và Phạm Bình Minh [Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao] giúp đảng xây dựng nội dung Đại hội theo hướng xúc tiến cải cách nói trên.” (hết trích)

Trừ ông Bùi Quang Vinh đã về hưu (nhưng đang làm cố vấn kinh tế cho Chính phủ) thì ông Vũ Đức Đam, ông Phạm Bình Minh đều đang tại vị ở các vị trí quan trọng trong Chính phủ. Và cả 3 vị này đều là Đảng viên, đều được ông Nguyễn Trung gọi là đồng chí. Vấn đề là 18 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và hơn 200 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng sẽ nghĩ sao về kiến nghị này.

Tôi hiểu một cách bình dân và đơn giản nhất: Nếu thực hiện kiến nghị này, Đảng CSVN sẽ tự giảm bớt sự độc quyền của Đảng cầm quyền nhưng không mất đi vai trò lãnh đạo của Đảng này. Để xây dựng một đất nước tiến bộ, phát huy nội lực và đoàn kết trong và ngoài nước thì đây là một đột phá rất lớn! Và bình dân nhất về sự cải tổ này cứ hiểu đơn giản như việc xài di động, đi máy bay tôi đã nói ở trên…

Càng nhiều sự lựa chọn càng tốt! Chính trị không ngoài quy luật đó!

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Đừng mài rũa thêm nanh vuốt cho cọp.
    Bài “ HN TU6 mở đường cho công cược cải cách sâu rộng hơn “ của TS Trương Minh Huy Vũ đã có lời giải trong 2 bài :
    “ HN TU6 , sự thất bại của Nhất thể hóa “ của Bùi Quang Vơm và “ Góp ý với HN TU6 “ của GS Nguyễn Đình Cống , cùng đăng trên Bauxite VN ngày 8-10-2017.
    Tôi bổ sung thêm một ý :
    Cụ Nguyễn Trung đã đề xuất lộ trình cải cách , thay cái vỏ ĐCSVN sang cái vỏ mới là ĐLDVN , còn cái ruột , cái bản chất vẫn là cộng sản độc tài ( chưa xóa bỏ Điều 4 HP ) thì vận dụng mô hình của Nhật hay Hàn Quốc .. nhằm “ tạo ra tính tập trung , để tạo ra khả năng quyết đoán cao “ sẽ chỉ tạo thêm tính độc tài đến mức cực đại cho ĐCS , càng tệ hại hơn cho dân cho nước . Nó giống như việc “ cải tử hồi sinh cho con cọp già , rồi mài rũa lại nanh vuốt cho nó “ . Trong cặp đôi Con Người và Thể chế , hình như cụ quên mất nhân tố Con Người .
    Cái tai nạn dân ta nước ta đang phải gánh là do “ một lũ bất tài thất đức , vừa ngu , vừa tham , vừa đểu lên làm lãnh đạo , nắm quyền cai trị đất nước. Vẫn con người ấy , cái đảng độc tài ấy , bản chất ấy thì dù học theo mô hình nào cũng sẽ chỉ là diễn vở “ Hồn Trương Ba da hàng thịt “ .
    Các bạn đã thấy ngay trước mắt rồi đó : Mô hình “ Kinh tế thị trường “ phổ quát của thế giới hiện đại và Mô hình “ Nhà nước pháp quyền “ của thế giới dân chủ được Nhà nước cộng sản Việt Nam du nhập về đều bị biến dạng , gắn thêm cái đuôi “ xã hội chủ nghĩa “ vào . Để làm gì vậy ? Bây giờ nói Chuyên chính vô sản thì không thể thu phục nhân tâm những người tử tế . Nhưng gắn cái đuôi XHCN vào thì vẫn thực hiện được Chuyên chính Đảng trị mà không cần tuyên bố Chuyên chính vô sản . Cái đuôi XHCN có phép thần thông hơn cả cái tài của Tề Thiên Đại thánh , có thể dùng nó để đảng hóa nhà nước bằng Điều 4 Hiến pháp , nhà nước hóa nền kinh tế với kinh tế nhà nước làm chủ đạo , ruộng đất là của toàn dân để đảng toàn quyền sử dụng và ban phát , nền giáo dục dù đã nát bấy như tương vẫn phải học Chủ nghĩa Mác-Lê và dù làm mãi chưa được , vẫn cứ phải đào tạo “ con người xã hội chủ nghĩa “ phục vụ cho đảng .
    Cụ Nguyễn Trung nói lộ trình cải cách là sự nghiệp của Dân và Vì Dân nhưng quả thật rất hiếm thấy vai trò của Dân trong Lộ trình Đó . Do vậy chúng ta vẫn nên đi theo con đường cải cách thể chế bằng phương cách hòa bình do cụ Nguyễn Trung đề xuất , nhưng cần bổ sung bằng cách tổ chức , huy động Dân tham gia cuộc cải cách này càng đông càng tốt , thông qua các Hội đoàn , các Chính Đảng đại diện cho Dân , cùng cạnh tranh bình đẳng với ĐCS trong cuộc bầu cử tự do , chứ không phải do ĐCS hay ĐLD nào áp đặt , để tham gia Quốc hội mới , thiết lập thể chế Dân chủ , Pháp trị , đa nguyên đa đảng và lập ra Hiến pháp mới .
    Đỗ Thái Bình

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây