Những oan hồn của cuộc chiến

LTS: Sau khi đăng bài viết “Những oan hồn của cuộc chiến” của nhà báo Bùi Tín gửi, chúng tôi nhận được ý kiến phản hồi của nhà văn Nguyên Ngọc, cho rằng, trong bài viết, có một đoạn nhà văn Bùi Tín “bịa đặt”.

Chúng tôi đã chuyển thông tin đó cho nhà văn Bùi Tín và cũng đã nhận được phản hồi của ông. Cuối bài viết này là thông tin cập nhật nội dung trao đổi ý kiến giữa nhà văn Nguyên Ngọc và nhà báo Bùi Tín.

Xin các nhân chứng sống của cuộc chiến, những người đã từng đi B, cũng như các gia đình tử sĩ có con em bỏ mạng trong cuộc chiến, hãy đóng góp ý kiến, giúp làm rõ sự thật này.

_____

Blog VOA

Bùi Tín

5-10-2017

Lính Mỹ truy bắt Việt Cộng tại Đà Nẵng, tháng Tư 1965. Nguồn: AP

Bộ phim Chiến tranh Việt Nam của các đạo diễn Hoa Kỳ gây nên nhiều tranh luận, ý kiến khác nhau của người Việt trong và ngoài nước.

Đó là điều tất yếu vì cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm, liên quan đến nhiều nước, với những động cơ khác nhau, không thể làm thỏa mãn mọi người.

Đây là một dịp bổ ích và lý thú để công luận có thể được dịp phát biểu thêm, soi tỏ thêm nhiều điều mới mẻ, những góc tối của cuộc chiến, từ đó có thể bổ xung cho nhau nhiều hiểu biết mới để soi tỏ thêm quá khứ, hiện tại và tương lai của các bên tham chiến trong mối quan hệ quốc tế phức tạp hiện nay.

Một số nhà báo, làm phim truyền hình người Việt, người Pháp, Hoa Kỳ, Đức… phỏng vấn tôi nhân dịp này. Tôi đã phát biểu ý kiến của mình.

Với tư cách là một nhân chứng sống, từng tham dự cuộc chiến từ ngày đầu đến ngày cuối, ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, ở chiến trường Cam-bốt cũng như ở Lào, tôi có nhiều suy nghĩ, kỷ niệm về cuộc chiến tranh, nay có dịp để nói lên những điều quan trọng bị khỏa lấp mà bộ phim hoành tráng của các nhà làm phim Hoa Kỳ không đề cập đến.

Nhiều bạn hỏi tôi, nếu tôi tham gia một bộ phim khác về Chiến tranh Việt Nam, tôi sẽ nói lên những điều gì? Tôi có khá nhiều điều cần phát biểu về cuộc chiến, khi tưởng nhớ, ngẫm nghĩ lại về cuộc chiến. Qua bài báo này trước hết, tôi muốn nói đến những oan hồn của cuộc chiến.

Tôi có một số người thân, ông chú, các anh chị em họ Bùi vốn là đảng viên Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc dân đảng đã bị Việt Minh chụp mũ cho là Việt gian, bị bắt giam sau Cách mạng tháng Tám. Tiêu biểu là ông Bùi Nhữ Uyên chú ruột tôi từng theo cụ Nguyễn Thượng Hiền, người cùng làng sang Nhật Bản vận động cho phong trào Đông Du và sau đó về Trung Quốc, tham gia Việt Nam Quang Phục hội của Cụ Phan Bội Châu. Chú tôi bị bắt năm 1946, bố tôi (Bùi Bằng Đoàn) lúc đó là trong Ban Thường trực Quốc hội can thiệp với ông Hồ chí Minh, ông Hồ lệnh cho chính quyền tỉnh Hà Đông thả ngay chú tôi, nhưng đúng vào đêm lệnh thả đến nhà giam ở Vân Đình thì chú tôi mất vì «đau bụng» khẩn cấp. Bạn tù cùng giam cho rằng chú tôi bị trại giam đầu độc.

Những oan hồn tôi không thể quên. Việt Minh từ hồi đó coi tất cả các đảng yêu nước chống Pháp là Việt gian, như Quốc Dân đảng, Đại Việt, Việt Nam Quang Phục hội, Việt Nam Cách mạng đồng minh, đệ tứ (Trostkyt)… Họ phê phán rất mạnh cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, coi là sai lầm thân Tàu, chuộng Pháp.

Tôi còn nhớ trước năm 1940 – 1941 số đảng viên Quốc dân đảng rất đông, vượt con số đảng viên đảng CS Đông dương ở các nhà giam, ở Côn Đảo. Rất nhiều giáo viên tiểu học các xã, huyện, trí thức nông thôn tham gia phong trào Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học. Rất nhiều trung nông, phú nông, cả địa chủ nhỏ có học tham gia đảng này, về sau bị Cải cách ruộng đất kiểu Mao vu cáo là địa chủ ác bá, là việt gian, bị sát hại gần hết, theo thống kê khi sửa sai con số oan hồn này lên đến hơn 15.000.

Ngoài số nói trên cần kể đến oan hồn của các nhà yêu nước Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm – lãnh đạo nhóm Troskyt, tướng Nguyễn Bình và nhà sử học Trần Huy Liệu – nguyên là đảng viên Quốc dân đảng, cụ Đặng Văn Hướng – nguyên Bộ trưởng không bộ do ông Hồ phong chức và cụ Nguyễn Khắc Niêm, thân sinh ông Nguyễn Khắc Viện, chủ tịch Hội Việt kiều yêu nước ở Pháp – 2 cụ đều bị tàn sát trong Cải cách ruộng đất.

Cũng cần ghi thêm trong danh sách các oan hồn những cán bộ cộng sản có ít nhiều thức tỉnh đã bị thải loại, ra rìa, như tướng Đặng Kim Giang, tướng Nguyễn Vịnh, các đại tá Đỗ Đức Kiên, Lê Trọng Nghĩa, Lê Minh Nghĩa, Hoàng Minh Chính… trong vụ án «xét lại», Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán… trong vụ Nhân văn Giai phẩm, Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Nguyên Giáp… từng có tư duy độc lập chống lại một số chủ trương chính sách của đảng.

Các đồng đội của tôi vào Nam chiến đấu theo lời nguyện «sinh Bắc tử Nam để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc», chết vài chục vạn, hơn 300.000 tử sĩ hiện chưa tìm ra thi hài mộ chí, cũng là những oan hồn, nỗi đau lòng uất hận của hàng vài triệu bố mẹ, anh chị em ruột thịt. Đó là những oan hồn vì khi chiến đấu, tự nguyện hy sinh, các đồng đội của tôi đều mang theo hy vọng rồi gia đình mình, bố mẹ anh chị em mình, đồng bào mình sẽ được hưởng độc lập tự do, an bình, phồn vinh hạnh phúc. Những hy vọng thiêng liêng ấy đến nay vẫn còn xa vời. Ngược lại đất nước còn bị ách Bắc thuộc từ sau mật đàm Thành Đô năm 1990, tự do tư tưởng, ngôn luận còn bị cấm đoán, trừng phạt, an ninh của nhân dân, nông dân, trí thức, nhà kinh doanh tự do bị đe dọa, các chiến sỹ yêu nước, đòi tự do cho nhân dân bị tù đầy, chênh lệch giàu nghèo tồi tệ hơn thời phong kiến, thực dân, đảng cộng sản biến thành lực lượng kìm hãm đà tiến bộ, phát triển của đất nước, mắc nợ hàng triệu oan hồn đã hy sinh do những lời đường mật giả dối.

Tôi có nhiều anh em, cháu, – con các bà chị ruột và chị họ vào Nam chiến đấu và hy sinh ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, Bình Định nay vẫn chưa tìm ra thi hài, mộ chí. Đã đến lúc phải nói thẳng ra là gia đình và các cháu đã bị lừa. Họ đưa ra Luật nghĩa vụ quân sự, tuyên truyền về vinh quang trai thời loạn là sinh Bắc tử Nam, cưỡng bức các cháu bỏ học cầm súng, bắt ký các bản tình nguyện nhập ngũ, buộc bố mẹ phải ký tên «vinh dự hiến con cho Tổ quốc», trong khi con cháu các quan lớn hầu hết đều được xuất ngoại học tập ở Liên Xô, Trung Quốc , Ba lan, Đông Đức, Tiệp… Một sự bất công khổng lồ. Bố mẹ các cháu tôi lo nghĩ tiếc thương con, ban đêm xụt xùi khóc, nhưng vẫn phải tỏ ra vui vẻ khi tiễn con vào Nam. Các cháu đều miễn cưỡng ký giấy «tình nguyện vào Nam chiến đấu, đâu cần xin có mặt» theo ý nguyện (cưỡng bức) của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Cả một khoa học bịp bợm thành hệ thống.

Tôi đã từng nhiều lần vào Nam cùng các đơn vị, vào Bình Trị Thiên, rồi vào Tây Nguyên – Kon Tum, Gia Lai, vào Bình Định, Buôn Ma Thuột, Bình Long, Sài Gòn… có những điều ít ai biết, đó là tình trạng cực kỳ phi lý, thương tâm, oan trái, từ khi lên đường vào Nam, các cán bộ chiến sĩ đều bị cắt đứt liên lạc một cách tuyệt đối với bố mẹ, anh chị em, bạn bè, vài năm, có khi hàng chục năm, mà không có một lá thư được nhận hay được gửi về nhà. Sự bặt tin thật là buồn đau độc ác. Đây là một nét độc đáo của cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh không có thư từ của người cầm súng, đằng đẵng từ khi lên đường, cho đến khi trở về, lành lặn hay bị thương nặng nhẹ, hay thành người tàn tật suốt đời. Hoặc có khi tử trận, nhưng giấy báo tử để chậm vài năm là thường, vì chiến tranh khốc liệt, tử sỹ nhiều, đơn vị giải thể, tiêu tùng hết, nhiều đơn vị sát nhập vào nhau, sổ sách mất, cháy, chỉ huy thuyên chuyển liên miên, không có nền nếp chính quy, kiểu du kích, đại khái, lem nhem.

Cho đến chuyện quản lý tù binh Mỹ chặt chẽ, có sổ sách hàng ngày mà cuối cùng vẫn mất tích, không lý giải được, lên đến hơn 100 người, đủ biết công việc quản lý của quân đội thời chiến luộm thuộm ra sao.

Ở các nước văn minh, với quân đội hiện đại, họ rất quan tâm đến việc thông tin, thư từ gia đình quân nhân được chuyển nhanh nhất, chu đáo nhất đến tay chiến sĩ ngoài mặt trận. Đây là trách nhiệm, đền đáp thiết thực có ý nghĩa nhất những hy sinh của gia đình và các quân nhân. Ở Việt Nam, đảng Cộng sản cho việc cố tình bặt tin là biện pháp cưỡng bức để các chiến sĩ không còn suy nghĩ thao thức mong chờ thư đi từ lại, một lòng một dạ hy sinh chiến đấu cho những mục tiêu riêng của đảng. Đây là món rất độc của chiến tranh tâm lý. Vì nếu tự do thư từ, thông tin, các chiến sĩ sẽ kể về những trận đánh thiêu thân, cả đơn vị chết quá nửa như sau tết Mậu Thân thì hậu phương sẽ bị chấn động, rất nguy hiểm để kêu gọi tiếp những đợt «sinh Bắc tử Nam», mà phần lớn sẽ không trở về.

Ngoài hàng mấy chục vạn oan hồn trên đây, tôi không thể không nhắc đến vài vạn người chưa chết nhưng bị những oan khiên dằn vặt không kém các oan hồn kể trên. Họ rất đáng thương, nhưng xã hội đã lãng quên họ.

Đó là chừng 20.000 cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân (theo thống kê chưa đầy đủ của Cục quân lực Bộ Tổng tham mưu) vào Nam bị chiêu hồi bởi Việt nam Cộng hòa, sau chiến tranh trở về gia đình ở miền Bắc, đã bị hỏi tội, bỏ tù, cải tạo, trả thù, bôi xấu, hạ nhục, hành hạ ra sao, bị gia đình xỉ vả, láng giềng khinh miệt, không sao ngẩng mặt lên được. Theo tôi biết, rất đông anh em đó ở Hà Nội, Hà đông, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh… Một số bảo mạng, cầu an, không chịu được gian khổ, căng thẳng, nhưng không ít có ý nghĩ lành mạnh, không đang tâm bắn vào anh em trong một cuộc huynh đệ tương tàn phi lý vô đạo nên đã chịu chiêu hồi, hy vọng khi chiến tranh kết thúc, không ai nỡ trị tội mình. Đã có nhà văn nào nói lên thảm cảnh của số anh em bị chiêu hồi rồi trở về quê quán này để tiếp tục bị oan khiên, kêu trời không thấu này. Đã có tổ chức xã hội nào cúi xuống nâng đỡ các số phận đen đủi này, tất cả chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phi lý vô đạo do đảng Cộng sản gây nên vì những mục tiêu và cuồng vọng riêng.

Nếu tôi tham gia dựng lên những bộ phim về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, tôi sẽ nói đến bản chất của chiến tranh, qua những mặt tối, những góc tối bị che dấu, bị che lấp, nhưng oan hồn, những nỗi oan trái chưa được biết, để có thể nói lên hết mặt trái của cuộc chiến tranh không anh hùng, chẳng oanh liệt, một cuộc nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn đáng hổ thẹn, đáng sám hối. Tít bộ phim có thể là «Những oan hồn – hay mặt trái của chiến tranh», hay «Một cuộc chiến đầy dối trá», cũng có thể là «Cuộc chiến của những người nô lệ», vì đảng Cộng sản tự nguyện làm nô lệ cho học thuyết Mác – Lênin, rồi qua đó bắt nhân dân, quân đội làm nô lệ cho những tham vọng riêng của đảng, để cho đất nước lạc hậu, tàn lụi đổ nát, bất công như hiện nay.

Ông Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Sài Gòn, một đảng viên cộng sản kỳ cựu rất có lý khi đề nghị mỗi ngày kỷ niệm 30/4 là một cuộc Sám hối và xin lỗi của đảng Cộng sản đã chủ động gây nên những tổn thất về sinh mạng, tài sản, thời gian của dân tộc đến mức quá sức chịu đựng của nhân dân, để lịch sử có thể sang trang, đất nước có một chế độ chính trị dân chủ, độc lập thật sự, lãnh thổ toàn vẹn, có nhân quyền, phát triển phồn vinh cho toàn xã hội.

____

Cập nhật lúc 11h20 ngày 5-10-2017: Chúng tôi có nhận được email của nhà văn Nguyên Ngọc, nội dung như sau:

Kính gửi Ban biên tập Tiếng Dân,

Tôi vừa đọc trên Tiếng Dân hôm nay bài ”Những oan hồn của cuộc chiến” của ông Bùi Tín, thấy có đoạn trong file kèm đây là hoàn toàn sai, bịa đặt:

“Có những điều ít ai biết, đó là tình trạng cực kỳ phi lý, thương tâm, oan trái, từ khi lên đường vào Nam, các cán bộ chiến sĩ đều bị cắt đứt liên lạc một cách tuyệt đối với bố mẹ, anh chị em, bạn bè, vài năm, có khi hàng chục năm, mà không có một lá thư được nhận hay được gửi về nhà. Sự bặt tin thật là buồn đau độc ác. Đây là một nét độc đáo của cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh không có thư từ của người cầm súng, đằng đẵng từ khi lên đường, cho đến khi trở về, lành lặn hay bị thương nặng nhẹ, hay thành người tàn tật suốt đời”.

Trong chiến tranh chống Mỹ, tôi đã ở chiến trường miền Nam 13 năm, biết rõ hoàn toàn không có sự cấm đoán ”độc ác” nào với việc liên lạc thư từ giữa những người chiến đấu ở miền Nam và người thân ở miền Bắc. Tất nhiên là liên lạc có khó khăn, do chiến sự, nhưng tuyết đối không có chuyện cấm đoán, thậm chí trái lại còn được khuyến khích. Rất dễ hiểu: để người cầm súng yên tâm chiến đấu. Cũng dễ hiểu những thư từ đó không được tiết lộ những bí mật quân sự mà mọi người lính đều biết.

Không biết ông Bùi Tín bịa ra chi tiết này để làm gì, sẽ chỉ khiến cho những điều khác do ông nói ra có thể đúng sẽ trở nên khó tin. Khách quan, trung thực, đứng đắn bao giờ cũng cần thiết.

Nguyên Ngọc

_____

Cập nhật lúc 22h09 ngày 5-10-2017: Chúng tôi có nhận được email hồi âm của nhà văn Bùi Tín, nội dung như sau:

“Thân gửi cô Ngọc Thu và anh Nguyên Ngọc,  

Rất cám ơn cô NT đã đăng bài và cho biết ý kiến của anh Nguyên Ngọc.

Tôi hơi bất ngờ vì tôi nghĩ anh Nguyên Ngọc cũng rõ cái tình cảnh không có thư từ liên lạc công khai, chính thức qua bưu điện Nam – Bắc ra sao.  Sự bặt tin là phổ biến. Tôi đã sống với cả đại đội ở chiến trường miền Nam hàng tháng, đều là như thế. Anh em chỉ có thể gửi thư tay cho cán bộ, anh em bị thương trở ra miền Bắc đưa tay hộ. Hầu như 100% là thế.

Sao anh NN lại nói là thư từ được gửi bình thường?! Xin hỏi các anh em đi B mà xem. Các gia đình tử sỹ thì rõ.

Tôi có kinh nghiệm bản thân, 3 lần đi B – vào Nam là như thế.  Đi 8 tháng, 1 năm rưỡi mà bặt tin. Vợ trẻ, con gái 6 tuổi, con trai 2 tuổi mà bằng bẵng 8 tháng không một tin nào. Gửi ai được? đành chịu.  Tôi còn nhớ ghé qua Bộ Chỉ huy Quân khu 5 gặp anh Nguyên Ngọc, các bạn đi bắn con rộc – con vượn bao tử cho ăn cháo rộc. Còn nhớ mãi.

Tôi hiểu do chiến tranh, di chuyển, đơn vị cơ động, giải thể, sát nhập, giải tán … nên báo tử chậm một cách phổ biến. Cục Chính sách của Tổng cục Chính trị cho biết chậm trung bình là 18 tháng! Nhiều tử sỹ được anh em bạn từ miền Nam ra báo, sau mới được Bộ Quốc phòng báo chính thức.

Cháu Hưng 19 tuổi và cháu Hiệp 23 tuổi của tôi con 2 bà chị hy sinh ở Quảng Ngãi, Bình định đến nay vẫn không tìm ra mộ, thi hài. Cháu Hiệp học rất giỏi, là lớp trưởng. 2 cháu đi không có một lá thư, hy sinh không có một vật gì để lại.

Tôi thấy tất cả là sự thật.  Xin làm một cuộc điều tra xã hội học công khai khách quan thì sẽ rõ.

Tôi nghi đây là một chính sách thâm độc khôn ngoan, do thiếu tình người. Mang tính cưỡng bức tinh vi.

Tôi luôn định cho mình sự trung thực trên hết, và cả cái quyền tự do phán xét có trách nhiệm.

Tôi rất quý anh Nguyên Ngọc về tính ngay thẳng, và sự gắn bó với lý tưởng Phan chu Trinh.

Có gì xin anh trao đổi thêm.

Quý mến,

Bùi Tín   

Cô Ngọc thu có thể đăng lời nói lại trên đây. Cám ơn“.

_____

Cập nhật lúc 11h10′ ngày 6-10-2017: Chúng tôi có nhận được thư của nhà văn Nguyên Ngọc, nội dung như sau:

Thưa anh Bùi Tín,

Tôi vừa nhận được thư anh. Vì đã có quen biết anh, nên nói thật chuyện này khiến tôi buồn.

Ngay trong thư vừa gửi, anh đã tự mâu thuẫn. Đoạn trên anh vừa nói: “Tôi hiểu do chiến tranh, di chuyển, đơn vị cơ động, giải thể, sát nhập, giải tán … nên báo tử chậm một cách phổ biến”. Chỉ mấy dòng dưới anh đã viết ngược lại: “Tôi nghi đây là một chính sách thâm độc khôn ngoan, do thiếu tình người. Mang tính cưỡng bức tinh vi”. Lần này anh bảo anh “nghi”, còn lần trước, trong bài đăng trên Tiếng Dân, anh khẳng định và kết tội rất dứt khoát: “… đó là tình trạng cực kỳ phi lý, thương tâm, oan trái, từ khi lên đường vào Nam, các cán bộ chiến sĩ đều bị cắt đứt liên lạc một cách tuyệt đối với bố mẹ, anh chị em, bạn bè, vài năm, có khi hàng chục năm, mà không có một lá thư được nhận hay được gửi về nhà. Sự bặt tin thật là buồn đau độc ác”, và bảo đó là “một điều ít ai biết” nay anh phát hiện, tố cáo “một nét độc đáo của cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam …” Sự phát hiện này quả thật rất ấn tượng đối với người chưa biết!

Anh đã ở Tổng cục Chính trị, rồi ở báo Quân đội Nhân dân và cả báo Nhân dân khá lâu, tôi tin anh biết rõ không có một chủ trương hay chính sách như vậy. Thư từ chậm, có khi hằng năm, mấy năm, là do, như chính anh biết và nói “chiến tranh, di chuyển, đơn vị cơ động, giải thể, sát nhập, giải tán”, sao anh lại bịa ra chuyện chủ trương, chính sách độc ác?

Tôi cũng nghĩ chắc chắn anh biết ta không phải là Mỹ, không hiện đại như họ, tổ chức liên lạc của ta khó hơn họ gấp trăm lần. Sao lại quy cái đó thành “cưỡng bức tinh vi”? Thật buồn!

Tôi ở quân khu 5 mười ba năm, tôi biết ở quân khu còn có cả một bộ phận quân bưu để lo việc thư từ cho cán bộ chiến sĩ. Cũng xin chú ý: nếu quả có một chủ trương cắt liên lạc một cách tuyệt đối giữa người đã vào chiến trường với người thân ở Bắc, thì đương nhiên người ta cũng sẽ kiểm soát chặt và ngăn cấm cả việc gửi thư tay. Mà việc này, thì anh biết quá rõ, không ai kiểm soát và ngăn cấm cả, còn được hoan nghênh, khuyến khích … Đây là lô gích rất thông thường, sao anh lại bịa chuyện khác?

Tôi luôn nghĩ việc phản đối, chống lại những sai trái, to lớn và quan trọng hơn nhiều, của đảng và nhà cầm quyền là đúng và cần thiết. Nhưng phải đường hoàng, đứng đắn, không bịa đặt để cố bôi nhọ thêm, chỉ có thể phản tác dụng.

Đôi lời xin nói lại. Mong anh hiểu.

Nguyên Ngọc

____

Cập nhật lúc 12h13′ ngày 6-10-2017: Ý kiến của nhà văn Nhật Tiến, như sau:

Kính anh Bùi Tín,

Theo đề nghị của anh, tôi xin đóng góp một chút dữ kiện. Hồi còn sinh thời, trước năm 1975, Nhật Tuấn em trai tôi cũng đã đi B và lặn lội vài năm trên đường Trường Sơn. Sau 1975, khi Nhật Tuấn vào Sài Gòn, anh em chúng tôi có dịp hàn huyên nhiều chuyện. Khi đề cập đến chuyện nhà, Tuấn có than rằng nhiều năm xa Bố (sống ở Hà Nội), vậy mà không bao giờ có dịp viết thư hỏi thăm vì trong cuộc chiến làm gì có chuyện thư từ qua lại. Ngay cả khi đồng đội có người bỏ xác trên chiến trường cũng không có chuyện thư từ báo tin về cho gia đình hay nữa. Như vậy có ai cho rằng “anh bịa đặt xấu xa” theo tôi là không đúng. Riêng tôi, vẫn theo dõi các bài anh viết, tôi rất cảm phục sự trung thực và tấm lòng của anh đối với đất nước.

Nhật Tiến

____

Ý kiến của ông Nguyễn Quốc Khải:

Cám ơn anh Bùi Tín.
Một số phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam do quân đội Hoa Kỳ phổ biến mà tôi được xem cho thấy bộ đội miền Bắc không có phương tiện chuyên chở trong vùng rừng núi. Cho nên sau nhiều trận giao tranh, trước khi vôi vã rút lui, họ chỉ có thời giờ vội vã chôn vùi bộ đội tử thương trong nhửng mồ chôn tập thể trong rừng núi. Vì vậy chuyện mất xác là chuyện bình thường. Miến Bắc cố tình dấu con số thương vong. 
Bộ Đội Việt Nam có nhiều binh tử trận và mất tích ở Campuchia, cho tới nay vẫn chưa tìm thấy hết. Do đó mà trong những lần các nhà lãnh đạo cao cấp của VN gặp lãnh đạo Campuchia đều thảo luận về ba vấn đề then chốt là (1)Tranh chấp biên giới; (2) Người gốc Việt sống ở Campuchia; và (3) binh sĩ Việt mất tích tại Campuchia theo các bài tường thuật của báo Việt Nam gần đây. Việt Nam chiếm đóng Campuchia từ 1978-1889. Trong 10 năm đã không hoàn tất được việc tìm kiếm này. Do đó, VN liên tục kêu gọi Campuchia giúp đỡ.
Thành ra, những lời anh kể phản ảnh đúng sự thật. 
Nhân tiện xin gửi các anh chị hai bài báo mới. Bài tiếng Anh có nội dung như bài tiếng Việt nhưng phải cô đọng lại vì số chữ có giới hạn, nhắm vào độc giả Mỹ. Có thể một số anh chị đã có bài này rồi thì xin bỏ qua.
Nguyễn Quốc Khải

____

Cập nhật lúc 19h30′ ngày 6-10-2017: Chúng tôi có nhận được email của nhà báo Bùi Tín, nội dung như sau:

Cám ơn anh Nhật Tiến đã chân thành góp ý. Tôi xin gửi anh Nguyên Ngọc và cô Ngọc Thu báo Tiếng Dân, để hiểu thêm tình hình. Báo Tiếng Dân hôm nay đăng tin bà cụ ở Hà Tĩnh có con hy sinh, sau mấy chục năm mới có giấy báo tử của Bộ Quốc phòng!

Anh Nguyên Ngọc nói các trạm Giao Liên hồi ấy nhận đưa thư của cán bộ chiến sỹ ra Bắc là điều tôi không hề thấy , dù đã qua mấy chục Trạm giao liên. Không có 1 trạm nào nhận chuyển thư riêng, chỉ chuyển công văn. Nên chỉ có thể gửi thư tay, mà hiếm lắm, vì người vào Nam thì đông, người ra Bắc thì quá hiếm. Tôi nghi và nghĩ rằng đây là một sự cố tình tinh vi.

Tôi biết, tự tin là tôi không xấu tính, bịa đặt vu cáo ai như anh Nguyên Ngọc nhận xét. Biết mà không nói, không dám nói là không nên, là có tội với dân, với nước, với đồng đội.

Tôi đi B 3 lần; đều bặt tin tuyệt đối. Tôi nhớ vợ, 2 con, 7 chị, 1 em ruột, 1con gái lên 6, 1 con trai lên 2, mong tin nhà khắc khỏai mà đành chịu. Tôi về nhà gầy ốm 52 cân chỉ còn 39 cân, vợ tôi khóc than buồn khổ, nhưng may mà còn sống. Không như 2 cháu tôi, ra đi cho đến hy sinh là biệt tăm tích.

đây là một góc khuất của cuộc chiến mọi người cần biết, ngẫm nghĩ cho cuộc đấu tranh hiện tại.

Kính thư

Bùi Tín

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. “Ken Burns và Lynn Novick là những người hàng đầu về làm phim chiến tranh”. Xin cho hỏi họ đả đạo diển ai trong 10 Tập phim tài liệu lấy của nhửng phóng viên đả phát hành gần hơn nửa thế kỷ qua? Chỉ có nhửng đọan phỏng vấn là do người làm việc cho họ dàn dựng mà thôi. Nhửng người được phỏng vấn không đại diện cho vài triệu người trực tiếp tham chiến từ 1945 đến 1975, nhất là cho gần 4 triệu người đả bị hy sinh trong cuộc chiến mà nguyên nhân chính là 2 chử “Cộng Sản”. Hồ Chí Minh (HCM) đả chọn Cộng Sản Quốc Tế do Liên Xô và Trung Cộng lảnh đạo khi đi tha phương cầu thực chứ không hẳn là đi làm cách mạng chống bọn thực dân Pháp sau khi không được chính phủ Pháp nhận vào Trường Huấn Luyện để làm việc cho Chính Phủ Thuộc Địa Pháp! Sau khi nhận lệnh của Borodin ở Liên Xô, HCM về Trung Quốc để phục vụ cho Mao Trạch Đông, rồi nhờ Mao giúp đở thành lập Đảng Cộng Sản ở Việt Bắc. Trung cộng đả huấn luyện, chỉ huy, cung cấp vỏ khí, quân trang, và lương thực cho lính bộ đội trong cuộc chiến ở Việt Nam.
    Phim Chiến Tranh Việt Nam Ken Burns và Lynn Novick chỉ có nhửng clips phóng vấn không ra đâu cả là mới, còn lại là ăn cắp hay mượn không cần hỏi nhửng clips tài liệu củ rích (Déjà Vu) đả được phát hành ở Mỹ mấy chục năm qua rồi! Ken Burns và Lynn Novick đả nhận hơn 30 triệu đôla để thực hiện 10 tập của phim Chiến Tranh Việt Nam? Họ sẽ nhận tìền bán nhửng DVD do họ sản xuất nên rốt cuộc họ chỉ làm vì tiền mà thôi! Họ đả phản bội sự hy sinh cao cả của gần 60 ngàn người lính Mỹ đồng hương của họ và xúc phạm vong linh của gần 4 triệu người Việt Nam không đựơc yên nghỉ ở bên kia thế giới. Chỉ có người khờ dại mới không biết điều này!

  2. Ken Burns và Lynn Novick là những người hàng đầu về làm phim chiến tranh”. Xin cho hỏi họ đả đạo diển ai trong 10 Tập phim tài liệu lấy của nhửng phóng viên đả phát hành gần hơn nửa thế kỷ qua? Chỉ có nhửng đọan phỏng vấn là do người làm việc cho họ dàn dựng mà thôi. Nhửng người được phỏng vấn không đại diện cho vài triệu người trực tiếp tham chiến từ 1945 đến 1975, nhất là cho gần 4 triệu người đả bị hy sinh trong cuộc chiến mà nguyên nhân chính là 2 chử “Cộng Sản”. Hồ Chí Minh (HCM) đả chọn Cộng Sản Quốc Tế do Liên Xô và Trung Cộng lảnh đạo khi đi tha phương cầu thực chứ không hẳn là đi làm cách mạng chống bọn thực dân Pháp sau khi không được chính phủ Pháp nhận vào Trường Huấn Luyện để làm việc cho Chính Phủ Thuộc Địa Pháp! Sau khi nhận lệnh của Borodin ở Liên Xô, HCM về Trung Quốc để phục vụ cho Mao Trạch Đông, rồi nhờ Mao giúp đở thành lập Đảng Cộng Sản ở Việt Bắc. Trung cộng đả huấn luyện, chỉ huy, cung cấp vỏ khí, quân trang, và lương thực cho lính bộ đội trong cuộc chiến ở Việt Nam.

  3. mọi kiếp nạn, đau khổ của dân tộc hình chữ s trong thế kỷ XX đều do hai chữ CS mà ra. nếu năm 1945 thực hiện tổng tuyển cử tự do trên toàn quốc thì chắc dân tộc này đã có những trang lịch sử khác. nếu Bắc Việt không bị cộng hóa thì chắc không có cuộc chiến nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn, dân tộc quốc gia đổ nát. diệt thực dân, đuổi đế quốc để dựng lên một chế độ toàn trị, độc đảng man rợ không kém. ngày xưa thuở đi học thầy giáo lịch sử cứ nhai đi nhai lại luận điệu ngụy quân, ngụy quyền, công trạng của đảng CS VN là vô cùng lớn cho dân tộc vì đã giải phóng thống nhất đất nước. lớn lên mới hiểu được, đó chỉ là nhồi sọ, dối trá. hãy xem những sự tha hóa của lũ tư bản đỏ ngày nay đối với đất nước mới thấy độ tham lam, man rfợ, tàn bạo của nó.

  4. Tôi xem nhửng ngưòi như cựu Đại Tá Bùi Tín ở Miền Bắc là người không cùng 1 chiến tuyến vì anh tôi, tôi, và 1 đứa em trai là người ở Miền Nam nên phải chiến đấu chống lại quân cộng sản Miền Bắc, hay quân cộng nô của Liên Xô và Trung Cộng, là giặc xâm lăng!
    Ông Bùi Tín dùng chử “Nhửng Oan Hồn Cuả Cuộc Chiến” cho bộ đội cộng sản “Sinh Bắc Tử Nam”. Đúng hơn là nên làm 1 phim tài liệu dùng chử “Nạn Nhân của Chủ Nghỉa Cộng Sản Quốc Tế” với con số trên 100 triệu ở các nước trên thế giới vì thảm họa cộng sản dả man và khác máu. Họ bao gồm gần 4 triệu người Việt Nam ở cả 2 Miền trong nhửng vụ ám sát, thanh trừng và cuộc chiến do cộng sản gây ra trong gần 40 năm (1945-1975). Theo tài liệu sau đây của Bộ Quốc Phòng Quân Đội Nhân Dân công bố vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017) thì có gần 1,2 triệu liệt sỹ, gần 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt, khoảng 300 nghìn hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính (có chiếu trên phim Chiến Tranh Việt Nam là nhửng ngôi mộ trong nghỉa trang với nhửng tấm bia ghi Liệt Sỹ Vô Danh); hàng triệu thương, bệnh binh mang trên mình thương tích, bệnh tật.
    https://www.baomoi.com/ca-nuoc-con-200-000-liet-sy-chua-tim-thay-hai-cot/c/22792119.epi

    Ông Bùi Tín là người cộng sản thức tỉnh, muốn sống lại nhửng ngày còn lại làm 1 người tử tế trên 1 xứ sở độc lập và tự do.
    Ông Nguyển Ngọc như cá nằm trong chậu phải ngất ngoải cố sống trong 1 đất nước độc tài, công an trị và cộng nô (Lê Duẩn: Ta đánh Mỹ là đánh cho Xô Viết và Trung Quốc), là con người nhưng phải làm như trâu ngựa và nói như vẹt theo chỉ đạo của đảng cộng sản Việt Nam.
    Lịch sử sẽ phán xét 2 ông ai là người yêu nước và ai là kẻ bán nước!

  5. Lãnh đạo CS không công khai cấm liên lạc, nhưng không muốn việc đó vì nó không có lợi cho tuyên truyền. Gọi “độc ác” không có gì sai vì tất cả việc làm của CS nhằm vào mục đích bất kể phương tiện. Hãy tưởng tượng các gia đình có con em đi B nhận thư từ đều đều mỗi tháng, những mẫu chuyện chết chóc, khốn khổ, tuyệt vọng… sẽ thay đổi thái độ của dân Bắc thế nào, làm sao tuyên truyền để gạt gẫm được nữa?
    Ngay cả việc làm thẻ bài cho mỗi người lính, có ghi loại máu để cứu thương, nhận dạng lý lịch khi chết, rất đơn giản và rẻ tiền CS cũng không làm, không phải vì không biết. Không gọi độc ác thì còn gọi là gì nhỉ?

  6. Thực ra 2 anh Bùi Tín và Ng Ngọc ko mâu thuẫn bao nhiêu. Điểm khác là anh BT nói ko thư từ, tin tức là âm mưu thâm độc, anh Ng Ngọc nói ko có chủ trương ấy. Nhưng thực tế ko thư tù, tin tức lại là việc thật. Em ruột tôi chết 1,2 năm mới báo tử với 1 cái ba lô mới tinh (fake) và ko có thông tin gì xác thực về cái chết (năm 2015 tôi đã post 1 bài thơ về việc này nhân ngày “thương binh liệt sĩ”). Nhưng chắc là do bất cập trong chiến tranh. Còn những ý khác của anh BT là chuẩn!

  7. Cả hai ông nói đều đúng! Có vô vàn kiểu ngăn chặn thông tin giữa người lính QĐNDVN và người thân của họ. Nếu ở miền Bắc thì kiểm soát thư từ chặt chẽ, có đơn vị thực hiện chế độ: Mọi thư từ của chiến sĩ đều được ban chính trị đại đội, tiểu đoàn kiểm duyệt…Còn khi vào Nam thì có cho viết thư cũng chả gửi ra được, khi gặp thương binh ra (thường là ít gặp vì tải thương đỉ ra lối khác tránh cho gặp người đi vào chiến trường) thì không có bút giấy để viêt, hoặc không kịp viết, họa hoằn có thể gửi tay ai đó thì bản thân họ chưa chắc về tới miền Bắc an toàn nguyên vẹn,…tóm lại là cực kỳ khó khăn về thông tin nên có nhiều người ra đi biền biệt không có thông tin gì 5,7 năm là chuyện thường. Không rõ cán bộ cấp tiểu đoàn trở lên thì tôi không biết, chứ từ đại đội xuống tới chiến sĩ chúng tôi thì khi vào tới Quảng Bình, Vĩnh Linh rồi vượt qua giới tuyến coi là đứt liên lạc với người thân trên đất Bắc tới khi nào được trở ra tới Quảng Bình…

Leave a Reply to Người SG Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây