Hãy mở mắt ra lật xác quân thù

Trung Nguyễn

1-10-2017

GS Dennis Murphy, cựu binh Mỹ trong buổi gặp gỡ ông Nguyễn Xuân Thu, một cựu chiến binh Việt Nam. Nguồn: VietTimes.

Hai tin tức đối ngược nhau, một về chuyện nhà văn hải ngoại Phan Nhật Nam từ chối “hòa giải, hòa hợp” với một nhà thơ cộng sản Hữu Thỉnh, và một về chuyện những cựu chiến binh phi công Việt – Mỹ gặp mặt nhau như những người bạn, có lẽ sẽ khiến những ai còn ưu tư về dân tộc phải trăn trở.

Việt – Việt là kẻ thù, Việt – Mỹ là anh em

Tối 21/9 vừa qua, tại bảo tàng tàu sân bay USS Midway, ở San Diego, California, 11 cựu phi công chiến đấu Bắc Việt, dẫn đầu bởi Trung tướng Nguyễn Đức Soát, đã giao lưu với các cựu phi công Mỹ. Vào cuối buổi nói chuyện thân tình thì đại tá Lê Thanh Đạo đã nói rằng: “Chúng ta đã ngồi đây như những người bạn. Chúng ta hãy khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, tình hữu nghị Việt – Mỹ của chúng ta”.

Trước đó, ngày 1/9, nhà thơ Hữu Thỉnh đã mời nhà văn Phan Nhật Nam về nước tham dự giao lưu nhà văn trong nước với hải ngoại, nhưng câu trả lời của nhà văn Phan Nhật Nam cũng đã gây chú ý:

Hãy hòa hợp, hòa giải với ‘Khúc ruột ở trong nước’ trước. Khi ấy không cần mời, chúng tôi ‘Khúc ruột ngàn dặm’ sẽ về. Về rất đông. Người Viết Văn – Lương Tri và Chứng Nhân của Thời Đại sẽ VỀ. TẤT CẢ CÙNG VỀ VIỆT NAM”.

Như thế, điều cay đắng là cùng một dân tộc vẫn không “hòa giải, hòa hợp” được với nhau, trong khi những người lính Bắc Việt thì đã “hòa giải, hòa hợp” được với lính Mỹ. Thậm chí, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện tại và chính phủ Mỹ còn là “đối tác toàn diện”, dù thời chiến tranh hai bên là kẻ thù không đội trời chung, sẵn sàng cầm súng giết nhau.

Bình đẳng là cơ sở cho “hòa giải, hòa hợp”

Như nhà văn Phan Nhật Nam nhận định, giới lãnh đạo cộng sản cần phải “hòa giải, hòa hợp” với người dân trong nước trước khi nghĩ tới “khúc ruột ngàn dặm”. Thế thì cơ sở nào cho “hòa giải, hòa hợp”?

Thật ra, “hòa giải, hòa hợp” chỉ có thể dựa trên cơ sở bình đẳng. Cơ sở của bình đẳng lại là pháp luật chuẩn mực. Thật vậy, bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng là người chủ của đất nước và bình đẳng với nhau trước pháp luật. Điều này cũng được minh định trong điều 2 và điều 16 Hiến pháp do giới lãnh đạo cộng sản ban hành.

Thế nhưng, cũng chính điều 4 Hiến pháp lại “hợp pháp hóa” cho giới lãnh đạo cộng sản được độc quyền nhà nước, đứng trên pháp luật. Công dân Việt Nam bị phân chia thành hai giai cấp rất rõ rệt: giai cấp thống trị là giới lãnh đạo cộng sản nắm thực quyền, còn giai cấp bị trị là đa số đảng viên cộng sản cấp thấp và người dân.

Rõ ràng không thể có chuyện “hòa giải, hòa hợp” giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Giai cấp thống trị được đặc quyền thu thuế, bắt lính, làm ra luật pháp, v.v… Còn giai cấp bị trị chỉ có thể phục tùng cam chịu.

Nghịch lý ở đây là “không còn giai cấp, không còn người bóc lột người” lại là mục tiêu của lý tưởng cộng sản.

Do đó, nếu thực sự giới lãnh đạo cộng sản muốn “hòa giải, hòa hợp” với người dân thì hãy hiện thực hóa quyền làm chủ bình đẳng của người dân bằng một bản hiến pháp chuẩn mực, được sự phúc quyết của toàn dân.

Mọi công dân đều bình đẳng với nhau trước Hiến pháp và pháp luật chuẩn mực, và bình đẳng với nhau ở lá phiếu bầu lên các cá nhân, đảng phái lãnh đạo quốc gia. Có như vậy thì mới mong có “hòa giải, hòa hợp” thực chất. Nói cách khác, phải đoàn kết quốc gia trên nền tảng pháp luật chuẩn mực.

Khôn ngoan đá đáp người ngoài

Nhìn rộng ra trên bình diện quốc tế cũng vậy, các quốc gia đoàn kết với nhau là trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các công ước quốc tế, các luật lệ của Tổ chức thương mại thế giới WTO,…

Ngày 22/9 vừa qua, chính phủ Đức đã tuyên bố đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Lý do là vì Việt Nam đã vi phạm luật pháp Đức và công pháp quốc tế khi tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay thủ đô Berlin.

Nguyên nhân chính gây mất đoàn kết giữa hai đảng cộng sản “anh em” Trung Quốc – Việt Nam cũng là từ việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải “đường lưỡi bò” trái với pháp luật quốc tế, cụ thể là Công ước quốc tế về luật biển. Tòa trọng tài PCA đã tuyên bố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc là bất hợp pháp.

Do nhà cầm quyền Việt Nam liên tục vi phạm Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, vi phạm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền nên vấn đề nhân quyền luôn là yếu tố gây mất đoàn kết giữa Việt Nam và các nước, thêm trở ngại cho Việt Nam trên đường hợp tác quốc tế. Không ai hoặc nước nào có thể tin tưởng kết bạn, hợp tác, làm ăn với những cá nhân, tổ chức, chính quyền vi phạm công pháp quốc tế.

Do đó, để “đá đáp người ngoài” thì lời khuyên khôn ngoan dành cho nhà cầm quyền là hãy tuân thủ và vận dụng luật pháp quốc tế một cách chính trực.

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau

Không phải là người cộng sản thì tất cả đều là những người tham tàn, vô liêm sỉ, “hèn với giặc, ác với dân”.

Không phải hễ là người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây thì đều là những người phản bội đất nước, thèm “bơ thừa sữa cặn” của Mỹ.

Những định kiến trên cần được giải tỏa, như ngay từ thời chiến nhà báo Bùi Tín và nhà văn Phan Nhật Nam đã tâm sự với nhau: “chúng mình là con đẻ của thời thế (thời thế thế nào tất mình phải thế), rằng nếu cậu ở miền Bắc cậu sẽ có thể như mình, nếu mình ở miền Nam sẽ có thể như cậu…”

Dân tộc này chia rẽ, hận thù nhau đã quá đủ! Cần khẳng định giữa người Việt không có thù địch, mà pháp luật bất công, nghèo đói, bệnh tật, dốt nát mới là kẻ thù của dân tộc.

Xoá bỏ lối mòn tư duy của các bên hiển nhiên cần phải hướng tới đoàn kết quốc gia. Đoàn kết sẽ giúp tránh chiến tranh, và cũng sẽ chiến thắng nếu có chiến tranh. Sức mạnh của đoàn kết quốc gia là sức mạnh của nội lực dân tộc, là điểm mạnh của tất cả chúng ta. Đoàn kết quốc gia cần dựa trên nền tảng quốc gia là pháp luật chuẩn mực, bắt đầu từ bản Hiến pháp của toàn dân.

Đừng để nhà tù mang tên thù hận giam cầm

Nhân buổi gặp mặt giữa các cựu phi công chiến đấu Việt – Mỹ, Đại úy Hải quân Jack “Fingers” Ensch phát biểu trên báo San Diego Union-Tribune:

“Nhà tù nhỏ nhất thế giới là giữa hai tai anh. Nếu anh cứ tiếp tục căm thù, thì họ cũng vẫn cách xa nửa thế giới. Họ không biết anh đang nghĩ về họ, hận thù họ hay những thứ như thế. Họ tiếp tục với cuộc sống của mình. Nếu anh vẫn hận thù, thì anh vẫn bị giam cầm”.

Hãy cùng lắng lòng nghe lại một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Những ai còn là Việt Nam”:

Hãy mở mắt ra nhìn quanh đây

Những ai còn là Việt Nam

Triệu người đã chết!

Hãy mở mắt ra lật xác quân thù

Mặt người Việt Nam trên đó

____

Tham khảo:

Phi công Việt – Mỹ: ‘Kẻ thù xưa, anh em nay’ (BBC). – Quả mồi chài vô duyên! (VOA/ TD).

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Bàn chuyện hòa giải hòa hợp là thừa thãi vô ích. Chủ trương Tam Vô ,nói lên tất cả, Vô gia đình( đấu tố giết cả cha mẹ ), vô Tôn Giáo , vô Tổ quốc( CS chỉ có Tổ quốc là XHCN). Hòa giải hòa hợp chỉ có được chỉ khi VN không còn CS

  2. Chắc đây là ẩn dụ Mạc Văn Trang nên thuộc loại “hiểu chết liền”

    “Không phải là người cộng sản thì tất cả đều là những người tham tàn, vô liêm sỉ, “hèn với giặc, ác với dân”

    Tôi nghĩ không người Cộng Sản nào “hèn với giặc” hết . Đ/v người Cộng Sản, Trung Quốc không phải là giặc . Và rõ ràng, họ đã không hèn với Mỹ .

    Ác với dân thì phải coi dân nào . Dân phản động, địa chủ, nhân văn-giai phẩm, chống Đảng thì phải kiên quyết với chúng . Nếu chúng muốn bình yên, đừng trở thành những thứ người Cộng Sản ghét .

    “Không phải hễ là người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây thì đều là những người phản bội đất nước, thèm “bơ thừa sữa cặn” của Mỹ”

    Nếu tôi không lầm -hy vọng không phải ẩn dụ Mạc Văn Trang- nghĩa của câu trên là nhìn chung, người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây đều phản bội đất nước -chắc tại họ không “đồng ý & tán thành” tuyên cáo chủ quyền của Trung Quốc, đã vậy còn chống trả lại 1974 nữa!- & thèm “bơ thừa sữa cặn” của Mỹ -Gia công với lương công nhân bằng 1/20 cho hãng Mỹ không phải là “thèm bơ thừa sữa cặn của Mỹ”. Nhưng trong số đó có những người “không phản bội đất nước” -có nghĩa đồng ý & tán thành bản công hàm đồng ý & tán thành- & không thèm “bơ thừa sữa cặn của Mỹ”. Tớ hiểu vậy có đúng không ?

    Nếu đúng như vậy thì chỉ có những người tích cực & chủ động góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam mới đủ tiêu chuẩn như trên, nhất là các “đảng viên hoạt động nội thành”. Ngoài ra không ai đủ tiêu chuẩn đó cả .

  3. Những ngưòi lính Viêt Nam Cộng hòa phải chịu tù đày, tha hương, tỵ nạn CS ở nước ngoài, chính là những người bị mất nước!
    Trong khi những người lính Mỹ đã tham chiến ở VN thì không hề biết “bị mất nước” là thế nào!

    Vì vậy, tuy là người VN từng thuộc “phe thắng cuộc” sau 1975, nay tôi thấy “phe thua cuộc” chính là nhân dân VN, và cái trò “hòa hợp, hòa giải” của những kẻ thống trị đất nước VN – chỉ có thể mua vui được người Mỹ, chứ không thể lừa bịp được những người VN đang phải tha hương, đang bị mất nước!
    Bức thư của ông Phan Nhật Nam đã trả lời qúa rõ ràng.
    Ông Hữu Thỉnh trót mời các nhà văn VNCH về VN, vì ông Hữu Thỉnh chưa từng trải qua nỗi đau mất nước, đau như thế nào, thế hệ cha ông của ông Hữu Thỉnh, sinh thời còn mồ ma Thực dân Pháp mới biết.

  4. Chính phủ Mỹ và chính phủ cộng sản tại Việt Nam “hòa giải, hòa hợp” với nhau theo nhu cầu chính trị và kinh tế khu vực và thế giới hiện nay. Người dân Việt Nam hai chế độ thì hòa giải với nhau theo nhu cầu tình cảm, không phụ thuộc vào không gian hay thời gian, và sự hòa giải đó diễn ra lâu rồi, từ trước khi cộng sản tràn vào miền Nam. Ngoài người dân Việt Nam ra thì tầng lớp cán bộ cộng sản các cấp phải “sống và làm việc” theo chỉ thị và cương lĩnh cộng sản. Những người này một khi nói tới “hòa hợp hòa giải” họ sẽ phải nói với mục đích và nhiệm vụ chính trị. Cán bộ văn hóa cộng sản, đảng viên Hữu Thỉnh, không là một ngoại lệ khi cán bộ này nói về hòa hợp hoài giải. Người Việt Nam chế độ cũ trong và ngoài nước không có hệ thống chính trị nào chỉ đạo, và họ không sống và làm việc theo cương lĩnh hay chỉ thị chính trị đảng phái hay thủ đoạn chính trị nào cả.

    Vài lời,
    qx

Leave a Reply to Mai Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây