Cộng sản đã giấu kho báu của họ ở đâu sau khi Liên Xô sụp đổ?

Russia Beyond

Tác giả: Oleg Yegorov

Dịch giả: Trúc Lam

26-9-2017

Một số nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Liên Xô có thể là những người rất giàu có. Nguồn: Varvara Grankova

Khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991, có nhiều tin đồn về số phận của “vàng dự trữ” của Đảng Cộng sản. Vài sử gia và các nhà báo tin rằng, các quan chức Đảng đã tích lũy nhiều khoản tiền khổng lồ, bí mật chuyển vào các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.

Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCS LX) hơn cả một đảng chính trị. Được hưởng quyền độc quyền cho đến cuối thập niên 1980, các cấp trên của ĐCS LX – Ủy ban Trung ương và Bộ Chính trị – tồn tại dưới dạng một đất nước riêng biệt và nhiều quan chức này được hưởng các đặc quyền mà không phải lúc nào cũng hợp pháp.

Những năm đầu thập niên 1990, ngay sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, một số nguồn tin cho rằng, khoảng 10 tỷ USD từ ngân khố của Đảng đã biến mất không để lại dấu vết, Đa số người Nga tin rằng, số tiền này đã bị đánh cắp.

Một đảng giàu có

Viktor Mironenko, cựu lãnh đạo Komsomol, một tổ chức thanh niên của Đảng, đề cập trong một cuộc phỏng vấn rằng, ngay trước khi Liên Xô sụp đổ, ĐCS LX đã có 10 tỷ đô la trong sổ sách kế toán.

Có nhiều nguồn khác nhau về sự giàu có đó, từ đảng phí hàng tháng của các đảng viên (ĐCS LX có khoảng 19,5 triệu đảng viên hồi năm 1990), bao gồm cả Quỹ Bảo vệ Hòa bình do nhà nước tài trợ với khoảng 4,5 tỉ rúp (tương đương 2,6 tỷ Mỹ kim) là tài sản tiền mặt.

Thật khó để nói chính xác liệu ông Mironenko nói đúng về số tiền đó hay không. Văn khố lưu trữ của đảng được tách riêng khỏi ngân sách của chính phủ, và chỉ các quan chức cao cấp mới có quyền truy cập dữ liệu. Trả lời câu hỏi: “Ai đã lấy cắp tất cả số tiền này?” Ông Mironenko nhún vai: “Không rõ. Không phải tôi”.

Viktor Gerashchenko, cựu giám đốc Ngân hàng Nhà nước Liên Xô, đã xác nhận hồi năm 2011 rằng, có rất nhiều tiền trong tài khoản tiền mặt của Ủy ban Trung ương, nhưng tất cả đều biến mất một cách bí ẩn hồi năm 1991.

Những cái chết đáng ngờ

Tình hình trông có vẻ rất đáng ngờ, đặc biệt là sau một loạt những cái chết bí ẩn. Vào ngày 26 tháng 8 năm 1991, sáu tháng trước khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Nikolai Kruchina, người quản lý tài chính của ĐCS Liên Xô, là người thân cận với ông Mikhail Gorbachev, rơi ra ngoài cửa sổ và qua đời.

Người tiền nhiệm của ông ta là ông Georgy Pavlov, là người đã điều hành hoạt động của Đảng trong 18 năm, cũng đã cùng chung số phận với Kruchina một tháng sau đó. Chủ tịch ngân hàng thứ ba, ông Dmitry Lisovolik, là người đứng đầu khu vực Mỹ của bộ phận quốc tế, thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, là người có liên quan chặt chẽ với dòng tiền mặt, cũng bị rơi ra ngoài cửa sổ của ông ta vài ngày sau đó.

Mặc dù có những trường hợp kỳ lạ như vậy, nhưng các quan chức chính phủ cho rằng “vàng của Đảng” chưa bao giờ tồn tại, và tất nhiên những tuyên bố đó đã vấp phải nghi ngờ từ dư luận. Tuy nhiên, những cái chết đáng ngờ vẫn không thể trả lời câu hỏi chính – tiền đã đi đâu?

Phương thức tìm kiếm

Tò mò và khát khao tìm công lý không phải là yếu tố chính, thúc đẩy các nhà lãnh đạo Nga đi tìm kiếm “vàng của Đảng”. Sau khi nước Nga mới được sinh ra từ tro tàn của Liên bang Xô viết, họ rất cần tiền. Các tỷ phú của Cộng sản có thể sẽ giúp được rất nhiều.

Để truy tìm tiền, ông Yegor Gaidar, thủ tướng thời Tổng thống Boris Yeltsin năm 1992, thậm chí đã thuê các thám tử tư từ Kroll, một cơ quan điều tra nghiên cứu của Mỹ rất nổi tiếng. Theo các hồi ký của Gaidar, chính phủ Nga ngừng tìm kiếm vì người Mỹ “không tìm thấy thông tin quan trọng”. Cuối cùng, chính phủ cũng chưa bao giờ công bố bản báo cáo của Kroll.

Mối quan hệ với châu Á?

Vậy thì điều gì đã xảy ra với tiền bạc? Theo một lời giải thích thì có khả năng những kẻ trộm đưa “vàng của Đảng” vào tài khoản ngân hàng bí mật ở Hồng Kông, bằng các mối quan hệ với Trung Quốc.

Vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, các ngân hàng Hồng Kông đã có nhiều tài khoản ẩn danh và không hợp tác với các nhà điều tra quốc tế về chủ tài khoản (không giống như các ngân hàng Thụy Sĩ).

Các quốc gia khác mà tiền bác có thể đã biến mất, gồm Síp hoặc Li-băng. Nếu tiền không thực sự đi ra nước ngoài thì “vàng của Đảng” đã biến mất từ ​​lâu, được chia nhỏ và gửi tới hàng chục ngân hàng trên toàn cầu, có lẽ sẽ không bao giờ được tìm thấy.

Mạnh ai nấy lo

Một giả thuyết được đặt ra rằng, tiền chưa bao giờ rời khỏi Nga. Các quan chức cao cấp của đảng lo xa về cái chết của chủ nghĩa xã hội, rửa tiền trong các hợp tác xã và nổi lên đầu cơ lén lút giữa tư và công hồi cuối thập niên 1980, điều này dẫn tới sự hình thành sự tập trung vốn tư nhân lớn đầu tiên thời hậu Xô viết.

Điều duy nhất hiện giờ đã rõ là, chúng ta có thể sẽ không bao giờ tìm thấy chính xác những gì đã xảy ra với số lượng lớn tiền của Đảng Cộng sản. Ngoài ra, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng đó không phải là một âm mưu có tổ chức của những người Cộng sản cũ, những người đã lấy trộm “vàng của Đảng” trong một vụ trộm được dàn dựng cẩn thận.

Mỗi người đều tự cho mình lấy càng nhiều càng tốt khi con tàu chủ nghĩa xã hội bị nhấn chìm, và để bảo đảm cho mình một vị trí đặc quyền trong trật tự tư bản mới.

Bài viết này là một phần của loạt bài hồ sơ X của Nga, trong đó RBTH khám phá ra các bí mật liên quan đến Nga và những điều không bình thường.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây