Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG: đề nghị Tổng bí thư, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phải công bố kết luận trước Hội nghị Trung ương 6 (kỳ 24)

Nguyễn Văn Tung

28-9-2017

Việc thanh tra toàn diện Mobifone đã kéo dài hơn 1 năm (từ tháng 9/2016), việc kết thúc thanh tra cũng đã hơn 8 tháng (từ tháng 1 năm nay). Tổng Bí thư đã chỉ đạo Ban Phòng chống tham nhũng trung ương đưa vụ AVG vào danh sách 11 vụ án điểm của 6 tháng cuối năm 2017. Tuy vậy, Thanh tra Chính phủ vẫn tiếp tục trì hoãn không chịu công bố kết luận thanh tra.

Sự lừa dối trắng trợn và âm mưu che dấu thông tin khuất tất đối với Nhà nước

Trong vụ đại án này, Phạm Nhật Vượng và Phạm Đình Trọng (Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TTTT) đã nặn ra cái gọi là “công ty 8046 Hồng Kông” có quan tâm đến việc mua lại công ty AVG với mức giá 700 triệu USD và Công ty 8046 chuyển tiền đặt cọc 10 triệu USD cho Phạm Nhật Vượng. Thực ra, đây là trò lừa đảo vì Công ty 8046 này đã không chuyển 1 USD tiền đặt cọc nào cho Phạm Nhật Vượng và đây là thủ thuật để tạo ra thương vụ bán AVG và hướng đến Mobifone (để họ nặn ra lý do “không bán cho nhà đầu tư nước ngoài, tốt nhất là bán cho doanh nghiệp nhà nước”).

Để che dấu thông tin bất minh của vụ mua bán, Phạm Đình Trọng đã ký văn bản đề nghị Bộ Công An “không phổ biết thông tin của dự án Mobifone mua AVG, tránh bị hiểu là quốc hữu hóa”. Sau đó, tháng 4 năm 2015, Phạm Đình Trọng ký văn bản yêu cầu Mobifone xếp dự án Mobifone mua AVG vào “bí mật Nhà nước, không phổ biến tuyên truyền”.

Đã rõ tội “cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng” của băng đảng mafia

Tam giác quỷ: doanh nghiệp tư nhân – AVG (Phạm Nhật Vũ), Bộ TTTT (Phạm Đình Trọng), doanh nghiệp Nhà nước – Mobifone (Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Phương Anh…) đã bắt tay phá sập Mobifone trong thương vụ AVG.

Mức tội trạng của nhóm cán bộ Mobifone về “cố ý làm trái” đã quá rõ ràng, cụ thể một số sai phạm chính như sau:

– Không lập dự án nhóm A để báo cáo các bộ ngành và Thủ tướng phê duyệt (mua 95% cổ phần: về bản chất là mua tài sản mới).

– Cố tình viết các tài liệu báo cáo, tài liệu AVG gửi Bộ TTTT theo kiểu “tô hồng” và “viết lấy được” để trình duyệt vụ mua bán AVG.

– Cố tình phớt lờ việc AVG đã mất hết vốn chủ sở hữu ở thời điểm mua bán (lỗ lũy kế đã trên 50% vốn điều lệ, số vốn còn lại bị rút ruột thông qua việc AVG đầu tư vào 2 công ty con với mức giá gấp 15 lần mệnh giá, số tiền vay ngân hàng đã trên 50% vốn điều lệ).

– Cố tình tình 4 băng tần 700 Mhz (vốn là tài nguyên quốc gia, phải trả lại nhà nước để đấu giá theo quy định của Luật Tần số) vào thành tài sản vô hình của AVG.

– Cố ý đưa ra các dự báo kinh doanh hết sức lạc quan, không có sở cứ, dẫn đến việc định giá AVG ở mức cực kỳ cao so với giá trị thực.

– Cố tình chuyển 8.000 tỷ đồng của Mobifone cho Phạm Nhật Vượng mặc dù đã có cảnh báo của Bộ KHĐT.

– Cố ý xóa thương hiệu AVG, dẫn đến thất thoát về tài sản vô hình.

– Cố ý bù chéo hơn 300 tỷ lợi nhuận của Mobifone sang AVG (mua đầu thu, mua thẻ kích hoạt dịch vụ, quảng cáo, tăng tỷ lệ ăn chia dịch vụ GTGT…) để AVG tuyên bố “có lãi” trong năm 2016 và “hòa vốn” trong 6 tháng đầu năm 2017 (cho C46 vào kiểm tra là ra ngay).

Chỉ cần xử một tội trong những tội nói trên thì Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Phương Anh… đã đi tù mọt gông rồi!

Về mức độ “gây hậu quả nghiêm trọng” thì khỏi phải nói! Hội đồng định giá đã xác định giá trị thật của công ty AVG chỉ là 800 tỷ đồng. Giá trị tham chiếu cũng đã có (Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị của VTV Cab là 4.200 tỷ đồng, trong khi VTV Cab cao gấp 4 đến 5 lần AVG về quy mô và hiệu quả tài chính). Chưa kể Mobifone mất ít nhất 150 tỷ đồng/năm khoản tiền lãi ngân hàng (do Mobifone rút hơn 8.000 tỷ đồng từ ngân hàng để mua AVG). Ngoài ra, do tác động của vụ mua AVG, lợi nhuận của Mobifone đã sụt 2.000 tỷ vào năm 2016 (đây là sự mặc cả giữa Lê Nam Trà và Nguyễn Bắc Son). Khi Mobifone cổ phần hóa, chắc chắn giá trị Mobifone phải giảm ít nhất 1 tỷ USD (đơn giản là do Mobifone bỏ ra 65% vốn điều lệ để mua 1 tài sản không sinh lời).

Xướng tên “bộ ba phá hoại” của Mobifone

Lê Nam Trà được Nguyễn Thanh Phượng và Nguyễn Bắc Son (Bộ trưởng Bộ TTTT) đưa lên ghế Chủ tịch Mobifone (tháng 1/2015) để làm thương vụ AVG. Cho chắc chắn là thương vụ này sẽ thành, Nguyễn Bắc Son đã điều Phạm Phương Anh (em ruột Phạm Anh Tuấn: chủ tịch VN Post, con rể Hồ Tiến Nghị là trợ lý của Nông Đức Mạnh, đang âm mưu leo lên ghế Thứ trưởng Bộ TTTT) từ sân bay Nội Bài về làm PTGĐ tài chính của Mobifone vào tháng 3/2015; tiếp theo, Nguyễn Bắc Son điều Cao Duy Hải từ Vinaphone về làm TGĐ Mobifone vào tháng 4/2015 (nghe nói Cao Duy Hải thân với vợ Thủ tướng nên Cao Duy Hải đã “trụ hạng” thành công và không bị điều chuyển như Lê Nam Trà vào đầu tháng 6 năm nay). Với ba trợ thủ “tay to” như vậy, Mobifone làm sao mà không nát!

Lê Nam Trà đóng vai trò định hướng và giao diện với nhóm bên ngoài (Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Thanh Phượng), là người trực tiếp ký hợp đồng AVG và ký các báo cáo lên Bộ TTTT; Cao Duy Hải thì chỉ đạo trực tiếp các tổ công tác (đàm phán, tài chính, kinh doanh, công nghệ) viết lách hồ sơ dự án và bày trò đàm phán với nhóm của Phạm Nhật Vũ, Hải còn trực tiếp ký trình HĐTV Mobifone và ký duyệt các ủy nhiệm chi để chuyển 8.000 tỷ cho Phạm Nhật Vũ; Phạm Phương Anh ở vai trò nhào nặn số liệu, bàn bạc trực tiếp với lãnh đạo 4 công ty định giá để nhịp nhàng tâng giá AVG.

Tình cảnh Mobifone hiện ra sao sau khi phải “đèo bòng” con nghiện AVG

Do vụ mua AVG, Mobifone đã từ “công tử nhà giàu” thành “gã nhà nghèo”. Đã nhiều tháng liên tiếp trong năm nay, Mobifone không hoàn thành kế hoạch. Tình hình tài chính của Mobifone đang căng như dây đàn (do đột nhiên bị hụt đi 8.000 tỷ vào vụ AVG). Tất cả các đơn vị (kinh doanh, kỹ thuật, quản lý) đều bị cắt giảm 15% đến 20% kinh phí hoạt động trong năm nay. Cả 9 công ty khu vực đều đang phải ôm số lượng lớn hàng tồn là đầu thu, thẻ dịch vụ truyền hình của AVG (rất nhiều cán bộ kinh doanh của Mobifone phải bỏ ra nhiều tháng lương để ôm đầu thu AVG, thẻ dịch vụ truyền hình AVG để hoàn thành chỉ tiêu phát triển truyền hình mà cấp trên giao). Tội của nhóm Trà, Hải, Phương Anh là rất to!

Kiến nghị

Việc thanh tra AVG đã kéo dài quá lâu và gây cực kỳ bức xúc trong công luận, Thanh tra Chính phủ có nhiều dấu hiệu tiếp tục trì hoãn việc công bố kết luận thanh tra mặc dù các thiệt hại và các sai phạm trong việc Mobifone mua AVG đã quá rõ ràng.

Do vậy, đề nghị Tổng Bí thư, Thủ tướng, Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết liệt chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phải công bố kết luận thanh tra trước Hội nghị trung ương 6 để mang lại niềm tin cho nhân dân cả nước!

____

Mời đọc lại: kỳ 21 và các kỳ trước: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG  —  Kỳ 22: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG  — Kỳ 23: Các lý do đằng sau việc Thanh tra Chính phủ tìm cách chậm trễ công bố kết luận thanh tra (TD).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây