Chia rẽ về quỹ xây trường từ con gái Nguyễn Tấn Dũng

VOA

11-9-2017

Hình ảnh ngôi trường Lũng Luông trên trang Facebook của Quỹ Phượng Hoàng.

Vài ngày qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam tranh cãi gay gắt về việc một quỹ của con gái cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đóng góp tiền xây dựng một ngôi trường miền núi.

Ngôi trường liên quan đến cuộc tranh cãi là trường tiểu học Lũng Luông ở tỉnh Thái Nguyên, cách thủ đô Hà Nội khoảng 100 kilomet về phía bắc.

Trường đã khai trương đầu tháng 9 năm ngoái. Trước khi được xây dựng, nơi được gọi là trường thực tế chỉ có 4 cái lán “ọp ẹp” cho học sinh và giáo viên, theo báo chí trong nước.

Báo chí hồi mùa thu năm ngoái cho hay, trường Lũng Luông mới là kết quả của nỗ lực vận động đóng góp từ thiện do những nhân vật nổi tiếng thực hiện. Đóng vai trò chủ chốt là giáo sư Ngô Bảo Châu và cựu nhà báo truyền hình Trần Đăng Tuấn.

Tin cho hay trường mới trông như một “bông hoa nổi bật giữa núi rừng”, có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, phòng đa năng, thư viện, bếp nấu, nhà ăn, nhà nội trú, khu vệ sinh, sân vui chơi cho các em. Khi đó, tin không nói rõ ai là nhà tài trợ chính cho khoản tiền 6 tỷ đồng xây trường.

Tranh cãi dường như đã nổi lên sau khi hôm 9/9 vừa rồi, trang Facebook của Quỹ Phượng Hoàng đăng một bức ảnh về việc khai trương trường Lũng Luông. Chú thích ảnh ghi “Ngày này 1 năm về trước của Phoenix Foundation – Quỹ Phượng Hoàng”.

Trong ảnh, bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, và giáo sư Ngô Bảo Châu cùng hai người khác gỡ tấm băng che một tấm biển màu đồng. Một phần nội dung tấm biển cho hay nhà tài trợ chính cho trường Tiểu học Lũng Luông là “Quỹ Phượng Hoàng, TP. Hồ Chí Minh”.

Quỹ Phượng Hoàng được thành lập tháng 5/2011, và một phần sứ mệnh của quỹ là “hỗ trợ địa phương trùng tu hoặc xây dựng những trường học xuống cấp hoặc thiếu kém”, theo trang Facebook của quỹ, với hình đại diện là ảnh chụp trường Lũng Luông từ trên cao.

Sau khi bức ảnh xuất hiện, nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích, dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.

Ông Hoàng Dũng ở TP. HCM, người từng nhiệt tình tham gia các hoạt động vì dân chủ, viết: “Nếu cả tập đoàn dòng họ nhà bạn khai thác 1 đất nước đến kiệt quệ rồi xây dựng lại dăm vài chục công trình thiện nguyện bất kể đó là tiền sạch hay bẩn, thì bạn có xứng được tung hô không?”

Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang, người thường xuyên lên tiếng về những chuyện gây bất bình ở Việt Nam, viết: “Cứ mặc sức tham nhũng trăm nghìn tỷ, phá nát đất nước, tạo trường rách nát đi. Hưu, bỏ vài tỷ xây 1 trường, sẽ được tri ân”.

Đã có hàng trăm những lời bình luận hay các ý kiến tương tự như của ông Dũng và ông Tạo.

Đáp lại các ý kiến này, trên trang Facebook cá nhân, giáo sư Ngô Bảo Châu Đầu bày tỏ ông có cái nhìn “đơn giản” về việc vận động nguồn tài trợ xây trường.

Ông viết thêm về những người có vai trò chính: “Ba người làm việc này bao gồm cô [Nguyễn Thanh] Phượng là người cho tiền, anh [Trần Đăng] Tuấn là người quản lý, anh [kiến trúc sư Hoàng Thúc] Hào thiết kế và thi công. Tôi chỉ có công mời ba người kia đi ăn tối”.

Vị giáo sư toán – người đã được chính phủ Việt Nam thời ông Dũng làm thủ tướng vinh danh sau khi đoạt một giải quốc tế lớn về toán học – tỏ ý phiền lòng vì sự việc theo cách nhìn của ông “đơn giản là tốt” song đã trở thành “chuyện để ầm ĩ soi mói”.

Kết thúc ý kiến trên trang cá nhân, giáo sư Châu dùng cụm từ “những chuyện thị phi lăng nhăng kia” để nói đến những tranh cãi đã diễn ra.

Đã có nghìn 12 nghìn lượt like (thích) và rất nhiều ý kiến ủng hộ cho việc làm của vị giáo sư, thể hiện trực tiếp trong trang của ông hoặc trên trang của những người sử dụng Facebook có nhiều ảnh hưởng khác ở Việt Nam.

Một status (ý kiến bày tỏ tâm trạng) của nữ nhà báo Bạch Hoàn nói cô ủng hộ và kính trọng giáo sư Châu liên quan đến trường Lũng Luông nhận được hơn 9 nghìn lượt like và các phản ứng khác.

VOA cố gắng liên lạc với các ông Ngô Bảo Châu, Trần Đăng Tuấn và Quỹ Phượng Hoàng để lắng nghe ý kiến trực tiếp nhưng không nhận được hồi âm.

Một tiến sỹ thường đưa ra các phân tích, phản biện xã hội về Việt Nam nói với VOA những phản ứng trái chiều nhau về khoản tài trợ của Quỹ Phượng Hoàng cho các hoạt động thiện nguyện là “trường hợp rất thú vị”.

Đề nghị không nêu tên, vị tiến sĩ nói rằng bản thân vị này cũng chưa thể quyết định nên đứng về bên ủng hộ hay bên phản đối. Vị này nhận định những trường hợp tương tự sẽ còn xảy ra ở Việt Nam trong tương lai.

Theo tiến sĩ, về mặt đạo đức, ở mức độ nhất định, có thể so sánh trường hợp Quỹ Phượng Hoàng với việc các công ty thuốc lá tài trợ cho các dự án nghiên cứu ung thư hoặc các chiến dịch vận động về sức khỏe. Từ đó, mỗi người tự đưa ra quyết định có hay không ủng hộ những nguồn tiền bị xem là “không sạch” dùng cho các dự án từ thiện.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Ai tài giỏi cho biết tiền nào không bẩn mà có nhiều dư sức làm từ thiện hàng tỉ ? Đấu đá bon chen lòn lách để lên chức, cuối tháng lảnh lương cao, tiền đó có bẩn không ?

  2. “Một tiến sỹ thường đưa ra các phân tích, phản biện xã hội về Việt Nam”

    Và ví dụ của ông ta

    “Theo tiến sĩ, về mặt đạo đức, ở mức độ nhất định, có thể so sánh trường hợp Quỹ Phượng Hoàng với việc các công ty thuốc lá tài trợ cho các dự án nghiên cứu ung thư hoặc các chiến dịch vận động về sức khỏe”

    Dạ thưa ông tiến sĩ “thường đưa ra các phân tích, phản biện xã hội về Việt Nam”, ví dụ của ông cụt cả 2 giò chứ không khập khễnh . Những cty thuốc là họ làm ăn đàng goàng, bao thuốc lá ghi rõ hút thuốc có hại cho sức khỏe . Ai muốn hút thì mua, ai không hút thì thôi . Tham nhũng làm khánh kiệt Đảng … Oh, shoot, tớ ủng hộ chị Phượng . My bad!

    Nói chung chúng ta không nên phân biệt sạch & bẩn, nhất là tiền . Có 1 trí thức lớn như Ngô Bảo Châu đứng tên thì tiền bẩn cũng trở thành sạch sẽ như lau/rửa . Chúng ta chỉ nên phân biệt tiền này trị giá bao nhiêu thôi . Biết đâu chị Phượng có được số tiền đó là do lao động thối cả móng tay thì sao ?

  3. Theo sự hiểu biết của tôi, tất cả các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới đều được tạo nên bởi các kiến trúc sư tài năng biết sử dụng nguồn tiền của các mạnh thường quân, dù đó là những người từ thiện vô cùng giầu có nhờ tài năng hay các bạo chúa.
    Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào là một người có tài, chỉ có 6 tỷ đồng mà anh xây được một ngôi trường đẹp như mơ ấy là một chuyện tuyệt vời.
    Chương trình cơm có thịt của anh Trần Đăng Tuấn và Gs Ngô Bảo Châu đã có đóng góp nỗ lực để KTS Hoàng Thúc Hào có điều kiện mang lại niềm hạnh phúc cho thầy trò trường Tiểu học Lũng Luông là việc làm rất đang hoan nghênh.
    Tôi không quan tâm đến việc người đóng góp tiền đó là ai, hình thức đóng góp như thế nào?
    Đề nghị các anh tiếp tục công việc này để có nhiều ngôi trường khác được tiếp tục xuất hiện.
    Đứng quá khe kẽ để ngăn cản các ngôi trường mới sắp có cơ hội xuất hiện

Leave a Reply to KTS Trần Thanh Vân Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây