“Dân” và “Bịp Dân Chủ Nghĩa”

Thời Đại Mới

Cao Huy Thuần

Số 36 – Tháng 9/2017

Ba nhân vật mỵ dân nổi tiếng: Donald Trump ở Mỹ, Marine Le Pen ở Pháp và, Viktor Orban ở Hungary. Ảnh: David Parkins

(Tham luận tại Hội Thảo Hè, Budapest, 31-8-2017)

“Dân”, tiếng Pháp là “peuple”, tiếng Anh là “people”. Rõ ràng. Nhưng “Bịp dân chủ nghĩa” là chữ của tôi bịa ra để tạm dịch chữ “populisme” – “populism”. Tại sao tôi bắt buộc phải bịa? Tại vì tiếng Việt không có từ. Cái nạn “populisme” đang bành trướng tại Âu Mỹ này, ta chưa biết. Ta chỉ biết, và quá biết, bà con của nó thôi: “démagogie”, ta dịch là mỵ dân; “xénophobie”, ta dịch là bài ngoại.

“Populisme” bao gồm hai khía cạnh đó, nhưng không phải chỉ thế. Nó mở rộng ra thêm nhiều khía cạnh khác, lý thuyết hóa, ý thức hệ hóa, chính đáng hóa, để trở thành một cao trào chính trị đe dọa các nước dân chủ lâu đời, đe dọa chính lý thuyết dân chủ làm nền tảng cho các chế độ đó. Ta đã dân chủ đâu mà biết nó, cho nên không có tên để đặt thì cũng là tất nhiên. Hình như bên nhà gọi nó là “dân túy”. Nếu “túy” là say, là làm cho say, thì đó cũng chỉ là một khía cạnh thôi và cũng không phải là đặc trưng của nó. Vả chăng, say sưa có khi là chính đáng: nghe Tuyên ngôn độc lập mà không say à? Say ấy thì đẹp quá!

Mỵ dân, lừa dân, gạt dân, phỉnh dân, làm cho dân say… tất cả đều có trong hiện tượng populisme. Nhưng chính xác nó là gì, kẻ nạn nhân là Âu Mỹ hiện nay cũng không định nghĩa nổi. Tại sao? Tại vì, xét về chiều ngang thì bất cứ ở đâu có chính phủ, ở đấy có chú phỉnh, phỉnh là nghề của chàng chính trị gia, tả hay hữu không khác; còn xét về chiều dọc thì thiếu gì dấu chân của nó trong lịch sử? Vậy thì, nó là một hay khác với tổ tiên của nó trong các chế độ trước đây, nó là một hay khác với bà con của nó ở tứ xứ? Đề tài quá rộng, cho nên tác giả nào viết về populisme gần đây đều rào đón khiêm tốn: tôi nói chuyện ngày nay, không nói xa xôi; tôi nói về đe dọa mà các nước Âu Mỹ đang gặp, không nói ở đâu khác.

Tôi dài dòng nhập đề như vậy là cốt ý nói rằng: ở đây, các tác giả lúng túng trong việc định nghĩa chính xác như vậy, thì làm sao tôi khỏi lúng túng trong việc tìm từ để dịch? Đành bịa thôi. Và tôi dùng từ “bịp” là vì tôi đặt trọng tâm trên một mánh khóe của các tay populiste mà các tác giả đáng kính cho là đặc trưng: đánh lộn sòng. Đánh lộn sòng cái chữ, cái khái niệm “dân” trong triết lý dân chủ của thế kỷ Khai Sáng. “Dân”, trong triết lý ấy, là một khái niệm trừu tượng, không thấy được. Các tay chính trị gia populiste sử dụng chính cái khái niệm ấy nhưng biến thể nó từ trừu tượng thành cụ thể, từ vô hình thành có xương có thịt. Phải khởi đi từ đó, từ những khó khăn bất toàn mà các chế độ dân chủ ngày nay gặp phải trong quá trình hiện thực hóa lý thuyết “dân là chủ tể” mới nắm được hình thù diện mạo của hiện tượng populisme. Vậy, trước hết, “dân” là ai trong lý thuyết dân chủ? Và “chủ quyền thuộc về dân” là dân nào? Tất nhiên, tôi phải đi vào triết lý chính trị.

“Dân” là một thực thể xã hội. Có những cá nhân tập hợp thành một tập thể. Có ông A bà B, chàng trai mười tám, ông già tám mươi, kẻ giàu người nghèo, ai cũng khác ai. Từ thực thể xã hội chẳng ai giống ai đó, lý thuyết dân chủ biến thành một giả tưởng chính trị, trong đó ai cũng như ai, có quyền như nhau, bình đẳng trước pháp luật. Đó là “dân”. Nhưng ông A bà B thì có miệng để nói. Dân giả tưởng kia nói làm sao, miệng đâu để nói lên quyền của mình? Thì phải mượn miệng của những người có thực. Những người đó là đại diện của “dân”: đó là chính thể dân chủ đại diện mà ai cũng biết. Thế nhưng cũng có lúc dân giả tưởng kia cũng nói được. Miệng của họ là lá phiếu. Và bởi vì nguyên tắc là bình đẳng, miệng ai cũng giống miệng ai, lời nói có giá trị là của con số: của đa số. Đó là dân chủ đa số mà ai cũng biết. Chế độ dân chủ khó lòng quan niệm ngoài hai thể thức đó: đại diện và đa số. Ấy vậy mà ngay cả trên lý thuyết, vấn đề không đơn giản.

Câu hỏi đặt ra là: cái gì biện minh tối hậu cho giải pháp đại diện? Vì không thể áp dụng dân chủ trực tiếp được, cho nên phải thông qua đại diện? Hay là vì chế độ đại diện tự nó có những đặc điểm tích cực mà không chế độ nào khác có được? Trong lịch sử học thuyết chính trị, câu hỏi này chưa hề được giải quyết ổn thỏa. Một, làm sao tin được rằng các người đại diện nói lên “ý muốn tổng quát”  – “volonté générale” trong Rousseau – chứ không phải ý muốn riêng của họ? Hai, vì “dân” là một thực thể xã hội không đồng nhất, làm sao tin được rằng thảo luận giữa kẻ giàu người nghèo, giữa người vô học với người học thức, có thể đưa đến một quyết định tốt? Và đa số, ai bảo đảm đa số là có lý? Trong lịch sử học thuyết chính trị, Aristote không chọn chế độ dân chủ vì ông cho đó là chế độ của người nghèo chống lại người giàu, chẳng khác nào chế độ thiểu số là của người giàu chống lại người nghèo. Ông nói: khi một thành phần xã hội (nghèo-giàu, học thức-vô học…) nhảy vào tranh luận về ích lợi chung, nền Cộng Hòa sẽ bị hủ hóa. Platon nặng nề hơn: ông nói “dân” (demos) trong chế độ dân chủ là ngu dốt, trì trệ, đầy phi lý tính. Chẳng khác gì anh đầu bếp kết án ông thầy thuốc là chẳng biết gì về trẻ con khi bắt chúng uống thuốc đắng thay vì cho ăn kẹo như anh ta làm.”Dân” ấy, ông chế giễu, chỉ biết nghe dụ dỗ bùi tai của các tay hùng biện. Ngay cả Rousseau, ông tổ của lý thuyết dân chủ trực tiếp, cũng nói về “dân” như là một “đám đông mù quáng, không biết mình muốn gì, bởi vì hiếm khi biết cái gì là tốt cho mình”. Hegel nói không khác: “Biết mình muốn cái gì, hơn thế nữa, biết cái gì lý trí muốn, là kết quả của tri thức và của khả năng biết phân biệt sâu sắc – điều mà dân không biết được”.

Thế mà “dân” ấy lại được xem như một đơn vị chính trị duy nhất phán ra quyết định chính trị trên đó chế độ dân chủ làm nền tảng để cai trị. Chế độ dân chủ chỉ có một cách biện minh quyết định theo đa số thôi: quyết định đó là chính đáng. Nhưng tính chính đáng ấy chỉ dựa trên một tiêu chuẩn hình thức: đó là thể thức biểu quyết. Đứng về phương diện nội dung, nếu một quyết định là xấu, là tai hại, nó còn chính đáng không? Để trả lời, chế độ dân chủ chỉ có cách đưa ra một giả thiết: giả thiết rằng biểu quyết theo đa số và bình đẳng đem lại nhiều khả năng nhất để đi đến quyết định tốt nhất bởi vì quyết định ấy đã được bàn cãi, thảo luận một cách tự do để ai nấy đều thông suốt.

Từ xưa, giả thiết ấy đã bị nghi ngờ. Platon đề nghị một biện pháp lãnh đạo khác mà ông gọi là “chính phủ của triết gia” (“gouvernement des philosophes”). Ngày nay, không ai giao quyền chính trị cho các triết gia nữa, nhưng, dưới một cái tên tương tự, lắm khi người ta cầu viện đến ý kiến của các “nhà minh triết”, các “hiền nhân”, một thứ “gouvernement des sages”. Tocqueville gọi đó là một thứ “độc đoán thông minh” (“despotisme intelligent”). Quyết định theo đa số thì cũng là độc đoán vậy: độc đoán của đa số! Mà đa số ấy, không thiếu gì lý thuyết gia ngày nay, theo vết của người xưa, chĩa mũi dùi vào tính phi lý, vào những quyết định không theo lý trí mà theo xung động. Chỉ cần đọc nhan đề một quyển sách của một tác giả Mỹ gần đây thôi, Bryan Caplan, “The Myth of the Rational Voter. Why Democracies Choose Bad Policies” (“Huyền thoại về người bầu phiếu có lý tính. Tại sao các chế độ dân chủ lựa chọn những chính sách dở?”), đủ thấy vấn đề thời đại nằm trong câu hỏi đó. Tại sao? Phải chăng nên nhường lại cho các chuyên gia một phần quyền lực chính trị để quyết định cho toàn thể trong những vấn đề mà “dân”, đầy phi lý tính, đầy xung động, có cơ đưa đến những quyết định xấu? Đi sâu hơn: giữa “dân” vô khả năng, và chuyên viên có thẩm quyền, chế độ dân chủ ngày nay phải ứng xử thế nào để đem lại hiệu quả? Câu hỏi đó cứ chờn vờn hoài, không giải quyết ổn thỏa được trong Cộng Đồng Âu châu. Giữa Ủy Ban Âu châu (Commission européenne) và Quốc hội Âu châu, trọng tâm quyền lực nằm ở đâu? Ở cơ quan dân cử? Ở bộ máy chuyên viên xa vời dân chúng? Các tay populiste tha hồ mượn danh nghĩa “dân” để tấn công vào một “bộ máy kỷ trị” vô hồn, lương tiền rủng rỉnh tận Bruxelles.

Những khó khăn, những khủng hoảng đó mà khái niệm “dân” gặp phải ngày nay, giúp các tay populiste mượn danh nghĩa “dân” để đánh lộn sòng. Miệng họ nói “dân” nhưng “dân” của họ không phải là “dân” trong Rousseau. “Dân” của họ là ai?

Như tôi đã nói ở trên, phải khởi đi từ đó để nhận diện hiện tượng populisme. Là ai, “dân” của họ? Là họ! Chấm dứt trừu tượng. Dân là ta, cụ thể. Chấm dứt luôn đa số. Vì “dân” là ta 100%. Trăm phần trăm! Không phải 99%. Ta là 100%, đó là chủ thuyết của populisme. Cho nên chấm dứt trung gian. Chấm dứt chính thể đại diện. Chấm dứt dân chủ đa số. Đại diện bây giờ là lãnh tụ. Lãnh tụ nói là 100% ấy nói. Ý muốn mà lãnh tụ nói ra là ý muốn của tất cả, rõ ràng, cụ thể, chẳng chút trừu tượng. Ai phong chức đại diện cho lãnh tụ? Lãnh tụ tự phong. Lãnh tụ là độc quyền đại diện. Ở đâu có populisme, ở đấy có lãnh tụ tự phong. “Tôi là dân, ông là ai?”, lẫm liệt như thế, Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ tự phong trước mặt đối lập.

Thần phục lãnh tụ: ấy là đặc điểm thứ nhất của populisme. Lãnh tụ không nhất thiết phải có hấp lực nhưng phải có tài đánh động lên được cảm tính, xung động, thù ghét trong lòng người. Tả hay hữu giống nhau ở mặt này, Mélenchon hay Le Pen không khác.

“Ta là 100%” là đặc điểm thứ hai. Vì sao trăm phần trăm? Vì tất cả những ai không phải là ta thì đều không phải là “dân”. Ai vậy? Bọn élite, thượng tầng. Bọn này “tous pourris”, hủ nát tất tần tật, về luân lý, về chính trị, thối um, không phải là “dân” vì “dân” là trong sạch, thuần túy, chỉ dân thuần túy ấy mới là “dân”. Đó là “dân Phần Lan gốc” hoặc là “dân Phần Lan đích thực”, chẳng có liên hệ gì với bọn Rom, bọn Gitans, mà lớp thượng tầng kia nâng đỡ ở Đông Âu để xã hội hậu cộng sản ngày nay đầy dẫy bọn trộm cắp, cướp bóc. Đó là “real Americans” của Trump, chẳng ăn nhậu gì với bọn ô mô nam, ô mô nữ, phụ nữ chủ nghĩa, phong trào dân quyền, bảo vệ môi trường, bênh vực da đen, tả khuynh miền duyên hải Đông Tây, nhất là bọn học thức cao có cái đầu quốc tế. Chính bọn này bầu cho Obama, siêu đẳng thượng tầng của Harvard, lên tổng thống: Obama là tay đào ngạch để trà trộn vào “dân” của Trump, không phải “birthers”. Ted Cruz, người tranh cử với Trump cũng vậy, Cruz sinh ở Canada, đâu phải “natural born citizens”. Bọn Mễ, bọn Hồi, bọn trốn nạn chính trị tứ xứ, đất Mỹ xây hàng rào.

“Trăm phần trăm” là thế. Ai không phải là ta, kẻ ấy tự gạt mình ra khỏi “dân”. “Dân” là “dân tộc ròng” “dân bình thường”, trung lưu lớp dưới, kể cả thợ thuyền trước đây mắc mưu cộng sản. Dân ấy là trong sạch, đạo đức, luân lý. Tại sao? Tại vì đã gạt ra ngoài những gì là thối nát của “système”. Cực hữu đâu đâu cũng cùng một giọng: bài “bộ máy”, bài thượng lưu,  bài Cộng đồng Âu châu, bài ngoại, bài di cư, bài toàn cầu hóa. Bài, bài, bài… populisme là chủ nghĩa gạt bỏ. Họ đánh đúng tâm lý sợ hãi, ghét bỏ của quần chúng trước những khó khăn đang giáng xuống đầu các chế độ dân chủ về mọi mặt, kinh tế, chính trị, xã hội, khủng bố, cuồng tín tôn giáo, chiến tranh từ xa với làn sóng tỵ nạn đe dọa. Phải vận dụng tối đa lý trí mới hiểu được “ý muốn tổng quát” của Rousseau; với populisme, dễ ợt, nó rành rành trước mắt, hiển nhiên, chẳng cần giải thích lôi thôi. Đối lập muốn tranh luận trên đài với Orban? Orban trả lời:

“Ngày nay, chúng ta không cần tranh luận về những biện pháp chính trị này nọ, giải pháp là hiển nhiên trước mắt […] Tôi chắc chắn quý vị đã có lần thấy phải làm gì khi một cây lớn ngả xuống trên đường vào lúc đông người. Trong những trường hợp như vậy, luôn luôn có hai loại người. Loại người đầy lý thuyết lớn trong đầu sẽ bắt đầu bằng những thảo luận về cách dời cây đi, thao thao bất tuyệt giảng nghĩa cho các người khác những lý thuyết hoa mỹ, những lời khuyên thông thái. Loại người thứ hai là bắt tay vào việc, dời cây tức khắc. Thưa quý bà, thưa quý ông, chúng ta phải hiểu rằng chẳng có lý thuyết nào cần thiết để vực dậy kinh tế của ta: chỉ cần xắn tay áo lên và đây là lúc”.

Chỉ cần thế thôi và lãnh tụ là người nắm bắt  lấy cái hiển nhiên ấy để truyền thẳng vào tim của “dân”, chẳng cần trung gian. Trump có cách nói tương tự, vắn tắt hơn nữa, chẳng cần lập luận, chỉ cần “Think about it” bằng những cái tweet của ông trong thời gian tranh cử. Đây là tweet gửi ngày 6-1-2016 sau biến cố ở Köln trong đêm cuối năm 2015: “Tại Đức tấn công ồ ạt vào dân chúng do bọn di cư tỵ nạn được phép nhập vào lãnh thổ Đức. Đêm cuối năm Saint Sylvestre đã trở thành tai họa. Think about it!”. Tweet gửi ngày sau đó, 7-1-2016: “Một người bị hạ sát trong trạm cảnh sát tại Paris. Nhà cầm quyền Pháp vừa loan báo rằng đe dọa khủng bố đang vọt lên mức cao nhất. Nước Đức hoàn toàn hỗn loạn; tội phạm nặng nhất xảy ra ở đấy. Think about it!”. “Dân” của Trump think about it, láo mấy cũng thành thiệt. Hiển nhiên!

Đó là đặc điểm thứ ba của populisme: chẳng cần chuyện trò lôi thôi với lý trí, trực chỉ tấn công vào đam mê, những đam mê mà Spinoza gọi là “đam mê buồn bã”: thù ghét, cuồng hận, sợ hãi, bạo lực… Những đam mê ấy đang thắng thế ở khắp nơi, như sẵn sàng chờ đợi các tay populiste châm ngòi để nổ. Những Trump, những Orban, những Le Pen, những Brexit, những Kaczynski tha hồ khai thác bằng một thứ ngôn ngữ chợ búa, láo khoét, thô bỉ, mạ lỵ, khiêu khích.

Họ lên như diều gặp gió, bởi vì, như một nhận xét đã bắt đầu quen tai, dân chủ ở Âu châu đã “mệt mỏi”. Mệt mỏi, một phần dân chúng không đi bầu phiếu nữa, hoặc thả cái mệt mỏi ấy vào thùng phiếu. Mệt mỏi, dân chúng muốn thay đổi, và thay đổi nhanh, kết quả phải trông thấy trong tức khắc. Mà chế độ dân chủ thì thể thức chậm chạp, biểu quyết lòng thòng, không thể thay đổi nhanh được. Thì dân chúng mất kiên nhẫn, đổ giận dữ lên chế độ, nghe xúi giục vô trách nhiệm, bán trời không văn tự!

Bài học ngày nay cho Âu châu là gì? Ngoài việc phải bổ túc dân chủ đại diện bằng “dân chủ tham dự ” mà ai cũng nói, bây giờ ai cũng nhấn mạnh sự cần thiết của giáo dục. Giáo dục trong xã hội, giáo dục từ trên ghế nhà trường. Dân chủ là một quá trình lịch sử dài hằng thế kỷ, Âu Mỹ may mắn mà đạt được, đừng nhìn kết quả kinh tế nhảy vọt ở đâu đâu mà quên phức máy chém với Thiên An Môn. Có điều là các nước dân chủ Âu châu quá thiên về lý trí mà quên mất tình cảm, nhường cái phần quan trọng ấy trong con người cho các tay phù thủy bịp bợm. Những “đam mê buồn bã” kia, chỉ có giáo dục mới thay thế được bằng những đam mê tích cực: thương thay thế cho ghét, thương cái chậm chạp của dân chủ để bền chí, kiên nhẫn mà thay đổi. Dân chủ cũng phải biết hướng vào tình cảm. Vào đạo đức.

Tôi mượn cái ý này để nói đôi lời có liên quan đến Việt Nam của chúng ta.

Trong lý thuyết của Rousseau về hợp đồng xã hội, ông cắt nghĩa: Khi từ bỏ tình trạng thiên nhiên nguyên thủy để thành lập xã hội, mỗi người cam kết từ bỏ tất cả quyền nguyên thủy của mình cho tập thể. Ai cũng từ bỏ ngang nhau như thế, tức là chẳng ai mất, chẳng ai được, mỗi người nhượng thì mỗi người nhận lại được từ xã hội toàn vẹn những quyền đã nhượng, chẳng ai lệ thuộc ai, ai cũng tự do như trước. Tập thể đó là dân và dân là chủ tể. Mỗi thành viên là thành phần của chủ tể. Tuân theo luật của chủ tể là tự do, vì đó là tuân theo “ý muốn tổng quát” mà mỗi thành viên đóng góp vào.

Cắt nghĩa này tinh tế quá, đâm ra khó hiểu. Nhưng phải hiểu để phân biệt với populisme. “Ý muốn tổng quát” không phải đơn thuần là tổng số những ý muốn riêng. “Ý muốn tổng quát” cũng không phải là ý muốn của tất cả hay của đa số. Rousseau đưa vào đây một yếu tố luân lý để phân biệt hai thế giới. Một mặt, thế giới của những quyền lợi riêng, của những ý muốn riêng, những hành vi riêng. Một mặt, thế giới của quyền lợi chung, của ý muốn chung. Ý muốn chung ở đây là ý muốn nhắm đến quyền lợi chung chứ không phải quyền lợi riêng. Hai thế giới ấy hoàn toàn khác biệt nhau về bản chất. Thế giới thứ hai là thế giới của Dân, Dân như là chủ tể. Là chủ tể, Dân chỉ có thể nhắm đến quyền lợi chung mà thôi. Trái lại, mỗi thành viên, vừa là con người cá nhân, vừa là con người xã hội, có thể có hai ý muốn. Như là người cá thể, con người có thể nghe theo bản năng tự nhiên, ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, đến quyền lợi riêng. Nhưng con người xã hội trong nó hướng đến quyền lợi chung “trong sự im lặng của những đam mê”. Tự do – tức là tự do nguyên thủy được biến thể – chính là khả năng mà mỗi người đều có để làm ngự trị ý muốn tập thể trên ý muốn riêng, khả năng xóa đi tình thương ích kỷ riêng cho mình để làm nảy nở tình yêu đoàn thể. Tuân theo “chủ tể” đó, “dân” đó, tức là tự do, tự do đích thực.

Vâng, không dễ gì để được thuyết phục bởi một lý thuyết trừu tượng như vậy. Không tưởng chăng? Rất dễ kết luận như thế. Nhưng càng ngẫm nghĩ ta càng thấy gần với Rousseau hơn bao giờ cả trong thời đại khủng hoảng dân chủ, bành trướng populisme này. Phải thấy rằng cái hợp đồng xã hội mà Rousseau lập thuyết là hợp đồng thỏa thuận giữa những con người đã có ý muốn, đã có ý thức làm cho tập thể vốn là chưa có, vốn chỉ là trừu tượng, thành ra có, thành ra hiện hữu thực sự. Mầm mống luân lý nằm trong ý muốn ấy, ý thức ấy. Nghĩa là: cái hợp đồng thực sự là “ký” giữa những cái “tôi” và cái “chúng ta”; cái “chúng ta” ấy chưa hiện hữu trước khi có hợp đồng, nhưng hiện hữu ngay lúc thỏa thuận. Hành ví thiết lập tập thể chính trị và hành vi của mỗi người cam kết với tập thể là đồng thời với nhau. Như vậy, Nhà nước là “chúng ta”, và cái “chúng ta” ấy có được là do ý muốn của mỗi cái “tôi” hướng đến “mọi cái tôi” bây giờ là mọi công dân, thành phần như nhau của tập thể, và đều có ý muốn như nhau làm cho tập thể hiện hữu, tồn tại. Điều đó giả thiết rằng mỗi người tương đối hóa những đòi hỏi của mình để công nhận những đòi hỏi của người khác cũng là chính đáng. Như vậy là trái với tính thiên nhiên của con người quá chăng? Đúng. Và chính Rousseau cũng công nhận. Cho nên ông mới nói: tất cả nghệ thuật chính trị là “đổi tính thiên nhiên” của con người – “dénaturalisation”. Cất đi cái hiện hữu tuyệt đối của nó, thế vào đó một hiện hữu tương đối, đưa cái “tôi” vào cái đồng nhất, thế nào để cho mỗi người nghĩ rằng mình không là một nữa, mà là thành phần của đồng nhất, đồng cảm với đồng nhất ấy. Ông viết như vậy trong tác phẩm Émile (Livre I, &IV). Cũng vậy, ông viết trong Contrat social: “Người nào tự nghĩ mình có khả năng để thành lập Dân, phải cảm thấy có thể thay đổi bản tính người, biến đổi mỗi người từ một tổng thể hoàn hảo, lẻ loi, thành thành phần của một tổng thể lớn hơn mà người đó nhận lại được đời sống và hiện hữu” (Livre II, &II).

Ta hiểu vì sao trong Nhà nước, mỗi người vừa là “công dân”, vừa là “thần dân” (sujet). Công dân, vì tham dự vào “chủ tể”, Dân là chủ tể. Thần dân, vì phải tuân theo luật mà Nhà nước ban hành. Trong cả hai tư cách, nếu mỗi người không có ý thức về trách nhiệm, tập thể không tồn tại được. Ý thức trách nhiệm ấy là yếu tố luân lý không thể thiếu. Nói rằng con người phải biết biến đổi tính thiên nhiên của mình là lối nói triết lý. Dễ hiểu hơn, có thể nói: con người phải biết trưởng thành trong ý thức, trong đạo đức. Sự trưởng thành ấy, Rousseau nói đã xảy ra khi con người chuyển từ giai đoạn sống theo thiên nhiên qua tình trạng sống trong xã hội. Ý thức về công bằng thay thế cho bản năng, tiếng nói của bổn phận thay thế cho những xung động tham muốn của thể xác, lý trí được vận dụng để suy xét hành động. Tập thể chính trị mà Dân là chủ tể là một tập thể luân lý.

Tôi biết: nhiều tác giả đã vẽ một đường thẳng nối kết tư tưởng của Rousseau với Hegel. Ý họ muốn nói rằng, coi chừng, cái “chúng ta” ấy có ngày nuốt sống cái “tôi”. Tôi biết thế, nhưng tôi muốn suy ngẫm về Rousseau trước đe dọa của populisme ở tứ xứ và trong tình trạng dân chủ mệt mỏi này ở Âu châu. Làm sao diễn tả tư tưởng của Rousseau một cách thuyết phục hơn, nhất là về điểm con người thiên nhiên vụt thay đổi bản tính khi cam kết bước vào hợp đồng xã hội?

Tôi đang bối rối về câu hỏi đó thì bỗng nhận được bài diễn văn của Mark Zuckerberg, cha đẻ của Facebook, đọc tại Harvard trong ngày lễ tốt nghiệp hàng năm của đại học này, ngày 25-5-2017, đúng lúc tôi viết bài này. Ngay câu đầu, khi bắt đầu vào đề, tôi đã có cảm tưởng Zuckerberg dúi vào tay tôi cái chìa khóa. Ông viết: “Hôm nay, tôi muốn nói chuyện với các bạn về ý nghĩa mà ta trao cho đời sống của ta”. Zuckerberg không phải là triết gia để nói chuyện lý thuyết trừu tượng kiểu Rousseau, cũng không phải là đạo đức gia để viễn vông về luân lý trong đời sống. Quý hóa quá, chàng trai trẻ này là nhà khoa học, lại là nhà tư bản kinh doanh, chỉ có kinh nghiệm làm ăn bản thân, chỉ có vốn liếng cụ thể để kể, một người như thế đúng là người đứng vững trên đất để nói chuyện trên cao. Câu tiếp theo của ông càng làm tôi tin tưởng hơn nữa: “Nhưng tôi không phải đến đây để giải đáp cho các bạn bằng cách nào các bạn phải bắt đầu để tìm cái ý nghĩa đó”. Tất cả tinh hoa của bài diễn văn nằm trong hai chữ “bắt đầu” ấy. Tôi có cảm tưởng nắm được chìa khóa bởi vì tất cả tinh tế của Rousseau cũng nằm nơi cái điểm bắt đầu: bắt đầu từ tình trạng thiên nhiên qua tình trạng xã hội. Tôi đọc câu tiếp theo ngay sau đó:

“Thách đố của thế hệ chúng ta là tạo ra một thế giới trong đó mỗi người trả lời được tại sao mình sống, mình sống để làm gì. Cái ý nghĩa ấy làm phát sinh ra mối tình cảm mình thuộc vào một cái gì cao hơn mình, mình là có ích, mình phải làm việc cho một cái gì tốt hơn cho tương lai. Ý nghĩa, chính là cái tạo ra hạnh phúc thực sự”.

Nhưng cái ý nghĩa đó, bạn tìm ở đâu? Nếu bạn bắt đầu bằng cách loay hoay tìm ý nghĩa thì bạn không tìm ra đâu. Hãy bắt đầu bằng hành động, bằng dấn thân. Chính trong hành động mà mình mới nảy ra tình cảm mình thuộc vào một cái gì cao hơn, và khi đó thì mới thấy ra ý nghĩa cho đời sống. Hãy bắt đầu một cách gần như bản năng, gần như trực giác, instinctively, chưa thấy gì rõ rệt.

“Tôi không biết làm thế nào để kích thích một triệu người dấn thân vào bất cứ việc gì. Nhưng tôi xin thổ lộ với các bạn một bí mật: chẳng ai biết làm thế nào lúc bắt đầu. Ý nghĩ không bao giờ đến như đã soạn sẵn. Ý nghĩ dần dà được mài dũa trong hành động. Các bạn chỉ cần nhảy vào”.

Chỉ cần nhảy vào. Tôi nghĩ con người thiên nhiên của Rousseau cũng nhảy vào hợp đồng xã hội như vậy. Nhảy vào, và bỗng thấy mình đổi khác, bỗng khám phá ra có cái gì cao hơn cái “tôi”. Và khám phá ra ý nghĩa. Thật vậy:

“Các bạn cũng không phải chỉ tìm ý nghĩa cho đời sống của chính mình […] Hãy bắt tay làm những việc lớn, không phải chỉ để đem lại tiến bộ, mà là để tạo ra ý nghĩa. Làm những dự án lớn thích đáng là công việc đầu tiên mà chúng ta có thể làm để tạo ra một thế giới trong đó mỗi người có một mục đích trong đời sống […] Bây giờ là lúc đến phiên của chúng ta để định nghĩa một hợp đồng xã hội mới cho thế hệ của chúng ta”.

Zuckerberg nói tại Harvard, trước tinh hoa của nước Mỹ, nên ông nói đến những “dự án lớn”. Nhưng đâu cần phải có dự án lớn. Bất cứ dự án nào, dù khiêm tốn, một hoạt động từ thiện chẳng hạn, đều giúp chúng ta thấy cái cao hơn cái “tôi” khi hành động, và ý nghĩa nằm trong đó. Hạnh phúc cũng nằm trong đó.

Các anh chị thân mến, nói chuyện người là để đi đến kết luận về chuyện chúng ta. Hơn hai mươi năm rồi, chúng ta làm hội thảo hè để thiết tha với dân chủ. Bây giờ, hoàng hôn của một đời người, là lúc chúng ta phải kết luận thôi: dân chủ không thể có được ở Việt Nam chừng nào bộ máy cứ nói mà không hành động, không nhảy vào. Càng nói, dân chủ càng xa dần, như con tàu chở tù nhân ra Côn Đảo trong bài hát ngày xưa: “Kìa xa xa nơi Côn Đảo ú ù…” Dân không phải là lãnh tụ. Lãnh tụ không nói thay được cho dân. Chừng nào lãnh tụ chưa ký với dân một hợp đồng xã hội để nhảy vào, chừng đó lãnh tụ còn ở trong rừng rú của tình trạng thiên nhiên, chẳng biết đạo đức là gì vì chẳng biết cái gì là cao hơn chính mình, cái gì là đáng sống hơn chính đời sống của mình, cái “tôi” gì phải từ giã, dứt khoát. Cám ơn các anh chị.

_____

Chú thích:

– Xin các anh chị miễn cho tôi những chú thích tỉ mỉ không cần thiết cho một bài viết buồn trong buổi chiều hôm. Phần chính kiến thức về populisme, tôi chọn từ hai quyển sách: Catherine Colliot-Thélène et Florent Guénard, Peuples et populisme, Puf, “La vie des idées”, 2017, và Yan-Werner Müller, Qu’est-ce que le populisme? Définir enfin la menace, Premier Parallèle, 2016.

– Diễn văn của Mark Zuckerberg tại Harvard, báo Le Monde (28-29/5/2017) của Pháp dành nguyên cả một trang để dịch phần lớn với nguyên nửa trang đầu để đăng hình của diễn giả tại Harvard. Trân trọng văn hóa đến thế, các anh chị ơi, ôi, báo chí của một nước văn minh!

Tôi đối chiếu nguyên bản tiếng Anh và bản dịch tiếng Pháp để dịch vài chỗ khó diễn ra tiếng Việt một cách giản dị. Những chỗ tôi trích dẫn đôi khi lấy từ nhiều đoạn khác nhau đặt chung vào một câu cốt để bài viết dễ đọc.

– Tôi ghi thêm một câu danh ngôn của ông Trump, phát biểu ngày 5-8-2017, ngay sau khi ông Chưởng lý tuyên bố sẽ triệu tập một hội thẩm đoàn đặc biệt để xét cáo trạng tố cáo ông Trump đã có bí mật liên lạc với chính quyền Nga trong mùa tranh cử tổng thống: “Đó là bọn Dân chủ bày đặt… Có ai thấy người Nga nào ở Ohio không? Có ai thấy người Nga nào ở Pensilvania không?” Đáng ghi vào từ điển populisme. Thế nhưng 1/3 dân chúng Mỹ vẫn ủng hộ lãnh tụ Trump.

– Lại xin ghi thêm vài câu của ông Viktor Orban. Vài ngày trước khi đi hội thảo, tôi đọc được nguyên một trang lớn trong báo Le Monde (25-8-2017) về “Nước Hung: ngã tư của các lực lượng cực hữu” trong đó tất nhiên có nói nhiều đến vị đương kim thủ tướng của nước mà chúng ta đang mượn kinh đô để hội thảo. Trích vài câu này trong báo là để khen ông Viktor Orban chứ không phải để đả kích đâu nhé: “Thủ tướng Hung nói đến một “xâm lăng”. Trong một diễn văn đọc ngày 25-7-2017, ông vẫn còn cho rằng “không có bản sắc văn hóa nếu không có một tập hợp chủng tộc bền vững”. Ông cũng nói sẽ đấu tranh để “Âu châu vẫn là của người Âu châu”, chống lại “các tay bàn giấy của Bruxelles”, các “báo chí truyền thông”, các “nhà trí thức libéraux” đồng minh với “các giới kinh doanh toàn cầu hóa” “sửa soạn để Âu châu hiến lãnh thổ của mình cho một tân Âu châu trà trộn chủng tộc và Hồi giáo hóa”.

Vì sao “khen” ông? Vì rằng ông là đại bợm populisme, lại là lý thuyết gia của “démocratie illibérale”, nhưng ông vẫn vui vẻ mở cửa đại học đón chúng ta hội thảo chỉ trích ông. Lời cám ơn trước hết, xin gửi đến ông.

© Thời Đại Mới

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “dân chủ không thể có được ở Việt Nam”

    Bổ xung thêm, đã có, trước 30-4 ở miền Nam . Dân chủ phôi thai . Những gì xảy ra với nó là quá khứ cần phải được khép lại .

    Ở miền Bắc, theo Giáo sư Tương Lai, thì dân chủ hiện diện từ 2-9-45 tới lúc đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam . Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa . Đ/v (rất) nhiều người Cộng Sản chân chính khác, dân chủ tồn tại cho tới khoảng những năm 90 thì Đảng bắt đầu thoái hóa trở thành Đảng “nó”. Cùng với sự thoái hóa của Đảng là sự ra đi của nền dân chủ . Nhưng trước đó thì dân chủ đầy đường .

    Tới bây giờ thì ô Cao Huy Thuần bảo hết hy vọng dân chủ .

    Chung quy cũng tại đổi mới!

    Phần trên nữa, rất vui thế giới cũng biết học tập tư tưởng của Bác Hồ .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây