Về hướng đi xây dựng đảng chính trị trong tiến trình dân chủ hóa

Trung Nguyễn

5-9-2017

Ông Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ở Hà Nội. Ảnh tư liệu từ cổng thông tin điện tử Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 29/8, tại Hội nghị Quân ủy Trung ương, Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng lại kêu gọi phải đẩy lùi cái gọi là “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Ngay sau đó, trong ngày quốc khánh 2/9, một đảng viên cộng sản kỳ cựu và cũng là một trí thức, Giáo sư (GS) Tương Lai, đã ra tuyên bố rời bỏ đảng cộng sản của Nguyễn Phú Trọng để tiếp tục trung thành với đảng Lao Động của Hồ Chí Minh.

Theo như tôi hiểu, như vậy là đã có thêm một chính đảng công khai ngoài đảng cộng sản ở trong nước, đó là đảng Lao Động. Đảng này có một đảng viên công khai là GS Tương Lai và chúng ta vẫn chưa biết tên tuổi công khai của những đảng viên khác.

Tuy thế, theo như GS Tương Lai tuyên bố, đảng Lao Động có nhiều cảm tình viên ở ngay trong đảng Cộng sản: “Tôi hiểu rõ tôi không hề đơn độc. Trong Đảng còn nhiều đảng viên giữ được lý tưởng và phẩm cách đảng viên Đảng của Hồ Chí Minh, họ đã và đang thầm lặng nung nấu ý chí chiến đấu và bằng những cách riêng của mỗi người đã, đang và sẽ đấu tranh làm cho Đảng trong sạch trở lại, xứng đáng với vai trò lịch sử mà Đảng của Hồ Chí Minh từng có để cùng dân tộc đi tới trong bối cảnh mới.”

Với tâm tình cực kỳ trân quý bất kỳ nỗ lực nào nhằm dân chủ hóa đất nước, và rất yêu quý, tôn trọng GS Tương Lai, tôi cũng muốn thảo luận thêm một vài vấn đề từ kiến thức hạn hẹp của tôi. Tôi ý thức rất rõ rằng GS Tương Lai có tư duy, có chiến lược riêng và những gì ông phát biểu trên truyền thông chưa chắc thực sự là những gì ông suy nghĩ mà có khi lời phát biểu gây tranh cãi nào đó là để bảo vệ chính bản thân ông và gia đình ông trong chế độ toàn trị.

Chiến thuật lập đảng chính thống của Hồ Chí Minh đã từng thất bại

Thật ra, chiến thuật mà GS Tương Lai đang áp dụng thì cố GS Hoàng Minh Chính đã từng làm. Vào ngày 1/6/2006, GS Hoàng Minh Chính tuyên bố “phục hoạt” đảng Dân Chủ Việt Nam. Hồ Chí Minh là người đã ra lệnh cho GS Hoàng Minh Chính, dù đã là người cộng sản, vẫn đứng ra thành lập đảng Dân Chủ vào năm 1944, để thu hút thành phần trí thức tham gia vào mặt trận Việt Minh.

Khi cố GS Hoàng Minh Chính phục hoạt đảng Dân Chủ với tư cách là Tổng thư ký vào năm 2006, ông lấy danh nghĩa chính thống, rằng đảng Dân Chủ cũng là một đảng anh em với đảng Cộng sản, do Hồ Chí Minh sáng lập để giới lãnh đạo cộng sản hiện tại không thể quy chụp đảng Dân Chủ là một đảng “phản động”.

Tuy nhiên, sau khi cố GS Hoàng Minh Chính mất vào năm 2008, đến năm 2009 thì đảng Dân Chủ bị đàn áp và các lãnh đạo đảng cộng sản cầm quyền vẫn chụp cái mũ “phản động”, “lật đổ chính quyền” cho các đảng viên đảng Dân Chủ như Nguyễn Tiến Trung…

Do đó, tôi nghĩ rằng, nếu như đảng Lao Động bắt đầu phát triển lên được nhiều đảng viên như đảng Dân Chủ ngày trước, thì lãnh đạo đảng Cộng sản sẽ đàn áp. Hệ thống tuyên giáo và truyền thông có thể nhào nặn ra hàng ngàn lý do để chụp mũ GS Tương Lai và các đảng viên Lao Động khác là “phản động” để bắt bớ.

Người chết không thể lãnh đạo

Nếu chúng ta sa lầy vào cuộc tranh luận thân phận thực sự của Hồ Chí Minh là gì, công hay tội của ông ra sao, thì sẽ rất mất thời gian vì trong hoàn cảnh các sử gia không được lên tiếng một cách trung thực ở trong nước, các nguồn tài liệu bị hạn chế, bưng bít thì sẽ rất khó để có cái nhìn toàn diện, khách quan về Hồ Chí Minh.

Ở đây, những người dù ủng hộ dân chủ nhưng vẫn thần tượng Hồ Chí Minh, cần nhận thức rõ là ông Hồ đã mất vào ngày 2/9/1969. Ông sẽ không bao giờ sống lại để lãnh đạo hay chỉ đạo một đảng nào nữa. Thế nhưng, thời gian vẫn tiến về phía trước, đất nước vẫn tiến về phía trước và dân tộc này cần những con người lãnh đạo khác, giải pháp khác, tư tưởng khác phù hợp với hoàn cảnh đất nước hiện tại.

Giả sử ông Hồ sống lại vào thời điểm này thì chắc chắn cái nhìn của ông sẽ khác với trước đây vì hoàn cảnh toàn cầu và Việt Nam đã thay đổi quá nhiều: không còn chiến tranh lạnh nữa, không còn phân chia Nam – Bắc Việt Nam nữa, hầu như không còn ai trên thế giới tin vào chủ nghĩa Mác – Lênin nữa,…

Do đó, GS Tương Lai nên đưa ra cương lĩnh hành động cụ thể của đảng Lao Động để người dân có thể biết và ủng hộ, tham gia. Ông nên cụ thể hóa “tư tưởng Hồ Chí Minh” vào giải quyết từng vấn đề vĩ mô cụ thể của đất nước. Và cương lĩnh đó phải bảo đảm rằng, có thể hiện thực được qua các bộ luật chuẩn mực chứ không phải chỉ hô hào chung chung như các lãnh đạo đảng cộng sản vẫn làm.

Vấn đề không phải là đảng nào được độc quyền nhà nước, mà là thể chế chính trị

Ở lời tuyên bố trích dẫn ở phần đầu, GS Tương Lai cũng như một số đảng viên Cộng sản vẫn hy vọng họ có thể làm cho đảng cộng sản “trong sạch trở lại, xứng đáng với vai trò lịch sử mà Đảng của Hồ Chí Minh từng có để cùng dân tộc đi tới trong bối cảnh mới.”

Thực ra, vấn đề gốc rễ của Việt Nam là một đảng độc quyền chính trị, đứng trên pháp luật, tước đoạt quyền làm chủ của người dân. Bất kỳ đảng nào chủ trương độc quyền nhà nước cũng sẽ dẫn đến tình trạng suy đồi, hủ bại như đảng cộng sản hiện nay, dù đảng đó có tuyên bố là đi theo tư tưởng kiệt xuất của một vĩ nhân nào đó.

Đảng Dân Chủ, đảng Xã Hội, đảng Lao Động, hay Quốc Dân Đảng, đảng Đại Việt,… nếu như đi theo con đường độc tài thì cũng sẽ làm lụn bại quốc gia, bức hại dân chúng bằng cách bắt người, cướp của trái phép như tình trạng đất nước hiện tại.

Do đó, cái chúng ta cần tập trung là giải pháp tổng thể cho quốc gia, xây dựng nền tảng xã hội là pháp luật chuẩn mực, bắt đầu từ bản hiến pháp của toàn dân. Tập trung vào các giải pháp cục bộ cho cá thể hoặc đoàn thể sẽ lại quay lại con đường lầm lạc, mị dân từ ngày đảng Cộng sản cướp chính quyền năm 1945 đến nay.

Bản hiến pháp chuẩn mực của toàn dân phải đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu: đó là bảo đảm quyền công dân, quyền con người; bảo đảm nguyên tắc tản quyền, phân quyền nhà nước; bảo đảm giới hạn quyền lực nhà nước; và phải được toàn dân phúc quyết.

Bản Hiến pháp 1946 mà GS Tương Lai nhắc tới như kết quả của “tư tưởng Hồ Chí Minh” cũng chưa bao giờ được người dân chuẩn thuận phúc quyết, nên vẫn chưa thể là một bản Hiến pháp chuẩn mực. Nhà nước hiện tại không phải là một nhà nước pháp quyền, dân chủ, cộng hòa chính danh.

Không phải tranh cãi lý luận, mà là xây dựng lực lượng

GS Tương Lai đã tự nhận mình là: “Kiên trì dấn thân vào cuộc đấu tranh trên bình diện tư tưởng và lý luận một cách công khai.” Nhưng thực tế là về mặt tư tưởng và lý luận, đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn thất bại, thể hiện qua việc giới lãnh đạo, ban tuyên giáo cộng sản không bao giờ dám đối thoại một cách thẳng thắn, công khai, công bằng với các tri thức như GS Tương Lai, dù mới đây ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tuyên bố hùng hồn là đảng cộng sản “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận”.

Có lẽ chính GS Tương Lai đã nhận thấy điều đó nên ông đã quyết định xây dựng đảng Lao Động. Điều buộc các lãnh đạo của đảng cộng sản phải ngồi xuống đàm phán là thế và lực của các lực lượng độc lập ngoài đảng cộng sản phải đủ mạnh, đủ đông.

Dù hiện tại như chính GS Tương Lai nhận xét: “Vì tôi biết rằng hiện tại chưa có một lực lượng chính trị nào có thể thay thế đảng cầm quyền hiện nay và kinh nghiệm lịch sử cho thấy chỉ những người cộng sản, những người đảng viên trong nội bộ đó tự chuyển biến để mà giải quyết vấn đề thay đổi thế chế chính trị giống như những nước xã hội chủ nghĩa khác đã làm.”

Đúng là hiện tại chúng ta chưa thấy có chính đảng nào công khai đủ thế lực ngang ngửa với đảng cộng sản. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong tương lai sẽ không có. “Kinh nghiệm lịch sử” cũng cho chúng ta thấy một điều khác, đó là “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, Nhưng hào kiệt thời nào cũng có” (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi).

Trong hoàn cảnh nhà cầm quyền cộng sản đang bắt bớ hàng loạt những người hoạt động trong phong trào dân chủ, trong các hội nhóm xã hội dân sự, các bloggers, việc GS Tương Lai tiếp tục tuyên bố trung thành với một đảng khác đảng cộng sản, thực sự là một việc làm đầy dũng cảm và cần thiết, để nhà cầm quyền biết rằng họ sẽ không bao giờ có thể làm tất cả người dân Việt Nam run sợ.

Do đó, tôi chúc GS Tương Lai và các đảng viên cộng sản thật sự yêu nước thương nòi khác sẽ xây dựng được đảng Lao Động đủ mạnh để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa thật sự của đất nước, trên nền tảng một bản hiến pháp chuẩn mực, dù có theo tư tưởng Hồ Chí Minh hay không. Tôi cũng chúc tất cả các đảng phái chủ trương dân chủ hóa đất nước bằng con đường ôn hòa, sẽ vượt qua thử thách, trở ngại để đi tới thành công.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Ông Tương Lai đâu có bỏ đảng cộng sản,ông ta không ưa Nguyễn Phú Trọng và tôn thờ HCM thôi.
    Tác giả bài viết có vẻ cố tình hay thật sự không biết là “đảng lao động VN” đổi tên thành “đảng csvn”,nó chỉ là một đảng cs của HCM mà thội.(?!)

  2. Ông Tương Lai đâu có bỏ đảng cộng sản,ông ta không ưa Nguyễn Phú Trọng và tôn thờ HCM thôi.
    Tác giả bài viết có vẻ cố tình hay thật sự không biết là “đảng lao động VN” đổi tên thành “đảng csvn”,nó chỉ là một đảng cs của HCM mà thội.(?!)

  3. Tôi ủng hộ tuyên bố bỏ Đảng của Gs Tương Lai, 1 người rất đáng kính trọng, lúc ông nhận được quyết định khai trừ . Làm tôi nhớ đến tuyên bố giải tán nhóm IDS của những trí thức lớn, và cũng đồng thời nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định giải tán nhóm IDS. Perfect timing! Và rất anh dũng, can trường, rất đáng kính phục!

    Tôi cũng ủng hộ ý kiến của Gs Tương Lai xây dựng lại “Đảng của Hồ Chí Minh”. Vì đúng là từ hồi “đổi mới” tới giờ, Đảng Cộng Sản càng ngày càng xa rời lý tưởng Cộng Sản, lý tưởng Mác-Lê mà Bác Hồ đã chọn lựa cho dân tộc & đất nước . Đọc những thứ gọi là “đột phá” trong lý luận, tôi không khỏi không rùng mình vì chỉ chứng tỏ họ không hiểu gì về chủ nghĩa Mác-Lê & tư tưởng Hồ Chí Minh . Có thể vì điều kiện chiến tranh, những thế hệ đi trước đã phải học tập chủ nghĩa Mác-Lê trong điều kiện ngặt nghèo & thiếu xót, bây giờ truyền lại cho thế hệ hiện nay, các lỗ hổng kiến thức càng có dịp bộc lộ . “Đột phá” gần đây nhất là kết luận trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội, các nước tư bẩn đang đi trước mình rất xa, và dễ dàng hơn để tiến tới chủ nghĩa xã hội! Bác Hồ mà đọc được chắc cũng phải khóc thét lên .

    Vì vậy, tôi ủng hộ Việt Nam chúng ta quay trở lại thời kỳ trong sạch, thơ ngây & đầy tự hào, thời của “Đảng của Hồ Chí Minh”. Hãy trả lại cho dân ta nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với tất cả những hào quang sáng chói, những chiến thắng lẫy lừng cả trên chiến trường lẫn trên đồng ruộng, và cả 1 nền văn hóa văn học cách mạng ngời sáng . Trả lại cho đất nước những anh hùng như Nguyễn Thái Bình (*), Lê Văn Tám, Phan Đình Giót … Dân Việt Nam xứng đáng được như vậy .

    (*) Đọc báo nước ngoài thấy Mohammed Attah -kẻ chủ chốt 9/11- rất có cảm hứng từ tấm gương hy sinh anh dũng của anh hùng Nguyễn Thái Bình, và Gs Tương Lai cũng rất cảm xúc trước NTB. Vì vậy, tôi đề nghị thay vì gọi Nguyễn Thái Bình là Mohammed Attah Việt Nam, chúng ta nên gọi Mohammed Attah là Nguyễn Thái Bình Al Qaeda. Chuyện thành bại không nên đem ra để luận anh hùng ở đây . Không thành công cũng thành nhân .

Leave a Reply to VIET ANH Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây