Làm lại từ đầu

FB Mai Quốc Ấn

5-9-2017

Thứ trưởng Trương Quốc Cường. Ảnh: internet

Vụ thuốc trị ung thư giả H-Capita đã đi đến giai đoạn nước rút. Đây là giai đoạn rất nhạy cảm! Nhạy cảm từ tin đồn có những phe nhóm đánh nhau trong vụ VN Pharma. Nhạy cảm cả trong thông tin các món tiền undertable xử lý khủng hoảng truyền thông. Nhưng đó chưa là nhạy cảm nhất!

Sáng nay, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh văn phòng Trung ương Đảng đã trả lời VNN rằng: “Anh em hỏi thì tôi chỉ nói tinh thần chỉ đạo chung của Tổng bí thư trong chống tham nhũng tiêu cực các vụ việc nói chung, có vụ việc gì thì làm cho rõ ràng đến nơi, đến chốn cho minh bạch. Tinh thần này là chỉ đạo chung chứ không nói cụ thể vụ VN Pharma”. (Vài báo đã hố khi giật tít Tổng Bí thư chỉ đạo.)

Tại họp báo Chính phủ chiều 30/8/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng có nói: “Quan điểm của Thủ tướng là rất cương quyết kiểm tra sự thật, không loại trừ bất cứ trường hợp nào; như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là không có vùng cấm”.

Nghĩa là “đơn vị xử lý khủng hoảng” vụ việc liên quan đến VN Pharma và Bộ Y tế sẽ là Chính phủ. Vai trò của Đảng là chỉ đạo chung (tôi thấy điều này tốt, sẽ phân chia trách nhiệm rõ rệt hơn, trao quyền cho Nhà nước nhiều hơn). Vấn đề là Thủ tướng Chính phủ sẽ làm thế nào để giải quyết thứ bất cập cơ bản hiện nay về đấu thầu thuốc và thiết bị y tế (sẽ viết trong bài khác) chứ không phải chỉ là xử lý “án dư luận”.

Có một điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không thể không lưu tâm: 3 đơn vị là Thanh tra Chính phủ, Bộ Y tế và Cục quản lý dược. Thanh tra Chính phủ bị tố cáo bao che cho Bộ Y tế, Bộ Y tế bị tố cáo bao che cho cấp dưới trong 1 vụ còn nghiêm trọng hơn VN Pharma. (Không biết đơn đã tới tay Tổng Bí thư và Thủ tướng chưa, hay bị “ém” ở khâu nào đó?) Còn Cục Quản lý dược- nơi mà “dân trong nghề” đánh giá là nắm những “kèo thơm” nhất ngành y tế- thì cũng đồng nghĩa là nơi bí ẩn nhất mà chưa ai khám phá ra đến tận cùng.

Xin đề cử một cái tên để Chính phủ lưu ý: Trương Quốc Cường- Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục quản lý dược- người đã không xuất hiện bấy lâu nay.

Khoan bàn về vấn đề quản lý cấp phép nhập thuốc giả H-Capita, ông Cường cấp phép cho nhập 9,140 tấn salbutamol cho 20 doanh nghiệp trong hai năm 2014-2015. Hãi hùng thay 6,268/9,140 tấn salbutamol sau khi kiểm tra 17 doanh nghiệp, đã “trôi” ra thị trường để trộn vào thức ăn nuôi heo. Tháng 8/2016, ông Cường lại cho phép nhập hơn 6 tấn salbutamol và lượng chất tạo nạc này đang trôi nổi về đâu… chưa rõ.

Salbutamol chưa rõ “đi đâu” nhưng giá salbutamol thì rõ lắm: nhập 1,5 triệu/kg bán ra 15 triệu/kg. Một vốn mười lời, lời hơn ma túy. Ông Trương Quốc Cường nói rằng ông ta cho nhập vì không biết salbutamol là chất cấm. Ông Cường “không biết” nhưng danh mục chất cấm trong chăn nuôi (có salbutamol) đã ban hành từ năm… 2001. Còn theo kết quả nghiên cứu thì mỗi năm Việt Nam chỉ cần chưa đầy 1 tấn salbutamol để làm thuốc trong khi trong 3 năm, ông Cường duyệt nhập hơn… 15 tấn salbutamol. Quá kinh khủng!

Nhưng sao kinh khủng bằng việc ông Cường điều hành “kiểu như vậy” vẫn từ Cục trưởng Cục Quản lý dược vẫn lên chức Thứ trưởng Bộ Y tế (vẫn kiêm nhiệm Cục quản lý dược) một cách “đúng quy trình”…

Nhưng thứ cần quan tâm hơn cả là quy trình quản lý dược (và thiết bị y tế). Thay đổi theo hướng minh bạch quy trình này mới giảm được giá thuốc, đỡ áp lực kinh tế đất nước chi cho y tế và không để nhóm lợi ích chi phối. Muốn làm vậy, chỉ có thể nói với ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc rằng: “Thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu”!

Dân sẽ hoan hô, đảm bảo!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây