Kỳ 3: Làm “phù phép” để cấp số đăng ký lậu cho hàng trăm loại thuốc

Thanh Niên

Lật lại hồ sơ vụ tham nhũng lớn tại cơ quan Quản lý Dược – Bộ Y tế (kỳ 3) – Kỳ 3: Làm “phù phép” để cấp số đăng ký lậu cho hàng trăm loại thuốc

Hoàng Hải Vân – Võ Khối

14-6-2004

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiếp theo kỳ 1: Tâm tư của 1 cựu phó Viện trưởng Viện KSND tối cao và kỳ 2: Cơ quan quản lý dược “mở cửa” cho thuốc kém chất lượng tràn vào Việt Nam

Được cấp 1 số đăng ký, loại thuốc đó có thể được nhập hàng chục, hàng trăm tấn vào thị trường Việt Nam không bị bất cứ hạn chế nào. Hàng trăm loại thuốc và nguyên liệu thuốc đã được Thanh tra Bộ Y tế phát hiện là đã được cấp số đăng ký lậu.

Tuy câu chuyện xảy ra hơn 10 năm rồi nhưng đến giờ vẫn còn mang tính thời sự. Thời sự ở chỗ, mặc dù đã có kết luận thanh tra, nhưng hàng trăm loại thuốc đó vẫn tiếp tục tràn vào Việt Nam không hạn chế số lượng và những kẻ bất chấp luật pháp, bất chấp sức khỏe của nhân dân cho đến giờ vẫn được coi là vô tội…

Mục đích của việc cấp số đăng ký thuốc (số visa) là để đảm bảo loại trừ những loại thuốc kém chất lượng và thuốc cấm lưu hành trên thế giới nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe của nhân dân. Đây là thông lệ quốc tế. Nhiệm vụ cực kỳ quan trọng liên quan đến sức khỏe của hàng chục triệu dân này đã được giao cho Vụ Quản lý dược Bộ Y tế.

Để giúp Vụ Quản lý dược “siết chặt” công tác này, tháng 9/1991, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt (HĐXD), trong đó phân công Thứ trưởng Nguyễn Văn Đàn làm chủ tịch, Vụ trưởng Vụ Quản lý dược Phan Văn Tín làm phó chủ tịch. HĐXD này hoạt động đến tháng 6/1992 thì được giải tán để bàn giao lại cho một HĐXD mới mang tên “Hội đồng xây dựng chính sách kinh tế đối ngoại kinh doanh thuốc đối với Việt Nam”, do Bộ trưởng Phạm Song làm chủ tịch, Thứ trưởng Lê Văn Truyền làm phó chủ tịch và Vụ trưởng Vụ Quản lý dược Phan Văn Tín làm ủy viên thư ký.

Tuy đã có một HĐXD uy tín, song Bộ Y tế và bản thân hội đồng này vẫn bị một số cán bộ chuyên trách của Vụ Quản lý dược thời điểm lúc bấy giờ qua mặt một cách quá dễ dàng. Giờ đây, khi lật lại những gì mà đoàn thanh tra Bộ Y tế đã kết luận, chúng tôi thực sự rất kinh ngạc. Theo nguyên tắc, thư ký HĐXD và các chuyên viên Vụ Quản lý dược phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hợp lệ để khi HĐXD nhóm họp thì trình ra xét duyệt, lần lượt thông qua các mặt hàng của từng hãng thuốc. Sau khi có kết quả xét duyệt, HĐXD chính thức phát hành văn bản và việc cấp số đăng ký cho các mặt hàng thuốc mới được tiến hành. Thế nhưng thực tế, HĐXD và những thủ tục pháp lý chặt chẽ lúc bấy giờ chỉ mang tính hình thức, bởi vì Vụ Quản lý dược hoàn toàn không có bộ máy chuyên môn giúp việc nào cả. Đảm nhận công việc nặng nề và quan trọng có liên quan đến sức khỏe của toàn dân này thực chất chỉ có một người làm từ A đến Z. Người đó là ông Phạm Xuân Lễ, Ủy viên thường trực kiêm thư ký HĐXD. Trừ ông Lễ và một, hai người giúp việc không chính thức và không thường xuyên cho ông Lễ, đằng sau HĐXD là một con số 0.

Những bê bối đầu tiên mà đoàn thanh tra phát hiện là sự tùy tiện về thủ tục: Tiếp nhận hồ sơ không hề có biên lai, không hề mở sổ sách đăng ký… Theo kết quả thanh tra: Nhiều công ty cùng với nhiều mặt hàng không đầy đủ hồ sơ mà vẫn được cấp số đăng ký. Cụ thể như trường hợp của Công ty Ampharco (Mỹ). Doanh nghiệp này được cấp số đăng ký 15 mặt hàng thì 5 mặt hàng không có giấy xác nhận được phép lưu hành tại nước sở tại; 8 mặt hàng không được thử nghiệm dược lý, 8 mặt hàng không có kết quả thử nghiệm…

Cũng theo kết quả thanh tra thì “đã có những hồ sơ không đủ tư cách pháp lý, có dấu hiệu giả mạo nhưng thư ký hội đồng đã bỏ qua hoặc cố tình bỏ qua để cấp số đăng ký cho những mặt hàng này nhập vào Việt Nam”. Cụ thể là: 4 giấy chứng chỉ của Bộ Y tế Ý cho phép lưu hành hợp pháp tại Ý 4 mặt hàng Gentamycin, Antalgin, Dexa và K-Cort, nhưng là những bản photocopy chỉ mang một số ký hiệu 5714DEL 13/2/1978, không có bản chính, không có công chứng của cơ quan chức năng và có dấu hiệu giả mạo. Và trên thực tế, đây là những văn kiện giả mạo vì, như một nhà chuyên môn đã phân tích trong đơn tố cáo đề ngày 22/5/1997: “Không thể có 4 chiếc xe ô tô mang cùng một biển số đăng ký, thì trong ngành dược cũng vậy, không thể có 4 mặt hàng thuốc mang cùng một số đăng ký lưu hành (tức visa), mà lại phát hành cùng ngày”. Đáng lưu ý hơn, cũng theo kết luận thanh tra, là thư ký hội đồng chuẩn bị hồ sơ để đưa ra HĐXD số lượng rất ít, nhưng khi làm văn bản chính thức công bố kết quả lại điền thêm nhiều hơn. Chẳng hạn như: Công ty Rotex SĐK 024/CTNN tn91 chỉ được HĐXD 10 mặt hàng, nhưng kết quả công bố lại đạt đến… 27; Công ty Sanophi SĐK 010/CTNN tn91 xét duyệt 3, công bố 8; Công ty Farmitalia Carlo SĐK 030/CTNN tn91 xét duyệt 8, công bố 14…

Đoàn thanh tra đã khẳng định hành vi này “thực chất là cấp số đăng ký lậu” và con số “cấp lậu” chính thức được tìm thấy lúc ấy là 192 mặt hàng. Đến tháng 6/1992, Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định thành lập “Hội đồng xây dựng chính sách kinh tế đối ngoại kinh doanh thuốc đối với Việt Nam”, giao nhiệm vụ thay thế HĐXD cũ xét duyệt cấp số đăng ký thuốc nhưng Vụ Quản lý dược không chấp hành triển khai mà vẫn tiếp tục duy trì hội đồng cũ. Bởi vậy, mặc dù trong “Hội đồng mới”, dược sĩ Phan Văn Tín chỉ là ủy viên kiêm thư ký và dược sĩ Phan Xuân Lễ “không có nhiệm vụ gì”, song dược sĩ Lễ vẫn tiếp tục “quy trình” chuẩn bị các văn bản và dược sĩ Tín vẫn tiếp tục ký quyết định công bố cấp số đăng ký (ngày 13/7/1992) cho 14 công ty với tổng cộng 149 mặt hàng nữa. Đối với nguyên liệu làm thuốc, quy trình cũng tương tự và kết quả mà đoàn thanh tra phát hiện là chỉ thông qua HĐXD 62 mặt hàng nhưng lại cấp số đăng ký cho 175 mặt hàng (!).

Từ những phát hiện đó, đoàn thanh tra tiếp tục “bới tung” tất cả tài liệu tại Vụ Quản lý dược thời điểm ấy nhưng không thể tìm thấy hồ sơ của 158 mặt hàng thuốc đã được cấp số đăng ký. Hàng loạt các câu hỏi đã được đặt ra lúc bấy giờ: Thuốc cấp lậu nên không có hồ sơ? Hồ sơ bị thủ tiêu trước khi đoàn thanh tra đến? Hồ sơ bị mất do thiếu trách nhiệm?… “Dù bất cứ nguyên nhân nào thì việc 158 thứ thuốc đã được hợp pháp hóa bằng việc cấp số đăng ký nhưng không có hồ sơ là một hành vi vi phạm pháp luật, có hậu quả xấu, vì ai dám bảo đảm 158 thứ thuốc này là đạt được các yêu cầu về chất lượng, về độ an toàn, về hiệu lực khi dùng cho người. Vì không có hồ sơ nên cũng không thể quản lý được những hậu quả của thuốc gây ra do thiếu cơ sở để truy tìm, xem xét” – Tại bản báo cáo “hệ thống hóa và bổ sung các chứng cứ cho kết luận thanh tra” đề ngày 25/6/1994, Thanh tra Bộ Y tế đã nhấn mạnh như vậy.

Kỳ 4: Người đứng đầu cơ quan tự sát

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây