Khi Hoa Kỳ rút lui, người Việt lo ngại Trung Quốc kiểm soát

Washington Post

Tác giả: Vincent Bevins

Dịch giả: Trúc Lam

26-8-2017

Do hệ thống chính trị khép kín của Việt Nam giữ bí mật những âm mưu ngoại giao, nên hầu hết người dân bình thường không biết chuyện gì đang xảy ra. Ảnh: Hoàng Đình Nam / AFP / Getty Images.

HÀ NỘI — Các công dân Việt Nam phát triển một trò tiêu khiển không bình thường của đất nước: Trên cả nước và mạng xã hội, người ta đưa ra những nghi ngờ rằng chính phủ của họ đang bí mật đầu hàng một nước Trung Quốc hung hãn. Và gần đây, đã có rất nhiều chứng cứ cho những tin đồn của họ.

Một số người đổ lỗi cho Mỹ về việc giảm sự hiện diện của họ, đã cho Bắc Kinh một cơ hội để hành động đằng sau hậu trường. Nhiều người đổ lỗi cho các quan chức Hà Nội về việc hợp tác kinh tế hoặc cáo buộc họ đặt tình đoàn kết cộng sản lên trên vấn đề thể diện quốc gia. Tháng trước, khi một dự án lớn được công ty Repsol của Tây Ban Nha thực hiện, đã bị đình chỉ mà không có lời giải thích, nhiều người đưa ra hai giả thuyết này.

Dũng Nguyễn, một chủ doanh nghiệp nhỏ ở Hà Nội, là người thường giao dịch với nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, nói: “Có phải do ông Trump yếu, nên Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn? Có lẽ thế. Mọi người còn lo lắng, trong tương lai chúng ta có thể có một cuộc chiến tranh nữa với Trung Quốc. Thật là đáng sợ”.

Nhưng với hệ thống chính trị khép kín của Việt Nam, giữ bí mật những trò ngoại giao, nên hầu hết mọi người – ngay các chuyên gia – đơn giản không biết điều gì đang diễn ra, là điều kiện hoàn hảo để đưa ra đồn đoán lung tung.

Nguyễn nói: “Chúng tôi thực sự không biết điều gì đang xảy ra. Bây giờ mọi người sử dụng mạng, nên chúng tôi nhận ra rằng truyền thông [nhà nước] không nói toàn bộ sự thật, nhưng chúng tôi cũng không có quyền biết được toàn bộ sự thật đó nữa“.

Trong nước, Trung Quốc là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất đối với chính quyền cộng sản Việt Nam, ngoài vấn đề đó ra, chính quyền này vẫn vững như bàn thạch. Cộng đồng những người bất đồng chính kiến không nhiều nhưng hầu hết họ tấn công Đảng Cộng sản về vấn đề này và nhận thức điểm yếu là Bắc Kinh, thường được xem như điểm dễ bị tổn thương nhất – hơn là kêu gọi dân chủ, mở rộng nhân quyền, hoặc thậm chí cần phải duy trì tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam là một trụ cột đối lập với Bắc Kinh – ít nhất theo quan điểm của công chúng. Trong số mười nước thuộc khối thương mại ASEAN của các nước Đông Nam Á, đã theo hướng ủng hộ Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, Việt Nam là thành viên cuối cùng công khai thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn đối với sự mở rộng của Trung Quốc trên biển Nam Trung Hoa – Việt Nam gọi là Biển Đông. Mặc dù nhiều nước này bày tỏ mối quan tâm cá nhân, Hà Nội hiện đang bị cô lập công khai về vấn đề sử dụng luật pháp quốc tế để đẩy lùi Trung Quốc.

Tại một diễn đàn ASEAN ở Manila hồi đầu tháng 8, không lâu sau khi thông tin về kế hoạch ngừng khoan dầu, Việt Nam khẳng định lại sự phản đối của họ đối với Bắc Kinh trước công chúng. Ông Richard Javad Heydarian, phó giáo sư môn khoa học chính trị tại trường Đại học De ​​La Salle ở Manila, nói rằng, trong khi đó, Hoa Kỳ rõ ràng là đã giảm bớt vai trò của họ.

Đối với những người trong khu vực chống lại sự mở rộng của Trung Quốc, ông Heydarian nói, “Trump chẳng giúp được gì cả. Chúng ta chứng kiến ​​sự sụp đổ nhanh chóng về lòng tin trong vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. Tillerson chẳng giống như người đại diện cho một siêu cường [tại diễn đàn]. Ông ta trông giống như người đại diện của quyền lực thứ hai hơn, và mọi người ở đây đều biết ông ta đang bị bao vây ở nhà“.

Việt Nam và Trung Quốc có một lịch sử xung đột kéo dài hàng thế kỷ, và vẫn tiếp tục xung đột trong thời hiện đại. Mặc dù Trung Quốc ủng hộ Bắc Việt (tức CSVN: ND) trong cuộc chiến chống Mỹ, nhưng cuộc chiến cuối cùng của Việt Nam là chống lại đất nước khổng lồ phương Bắc, khi Trung Quốc xâm lược năm 1979. Quân đội Việt Nam kiên cường đẩy lui quân đội Trung Quốc đã làm Bắc Kinh ngạc nhiên và những cuộc đụng độ lẻ tẻ vẫn tiếp tục cho đến khi có hòa bình chính thức vào năm 1990.

Sự cạnh tranh khốc liệt của Việt Nam với Trung Quốc thường vượt qua bất kỳ sự bất mãn kéo dài nào chống lại Mỹ, vốn được coi là một đối trọng đối với những tham vọng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, việc tạm dừng dự án khoan dầu của Repsol đã cung cấp sự cảnh giác cho người dân Việt Nam một lý do để tin rằng chính phủ của họ đang đứng đằng sau hậu trường. Cả công ty Tây Ban Nha lẫn chính phủ Việt Nam đều không đưa ra lời giải thích về việc tạm ngừng các hoạt động khoan dầu ngoài khơi.

“Có rất nhiều tin đồn xung quanh vụ Repsol, như những tin đồn luôn có khi nói đến Trung Quốc và Việt Nam. Những chẳng có lý do nào khác ngoài sức ép từ Bắc Kinh”. Một thành viên nổi tiếng trong cộng đồng kinh doanh quốc tế thường xuyên có quan hệ với các quan chức đại diện của ba nước liên quan, nói trong điều kiện ẩn danh, vì người này không được phép nói công khai về các vấn đề chính trị.

Ông nói, nếu Việt Nam bí mật rút lui, là bởi vì họ không còn nhiều sự lựa chọn khi Tổng thống Trump nhậm chức. “Mỹ đã thực sự rời bỏ Việt Nam vào thời điểm khó khăn khi hủy bỏ TPP. Họ phải làm gì bây giờ?” Ông hỏi, đề cập đến Hiệp định Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương, thỏa thuận thương mại trong đó có Việt Nam và rõ ràng là nhằm mục đích loại trừ Trung Quốc. Trump đã nã đạn vào thỏa thuận này vì cho rằng nó đã lấy mất công ăn việc làm [của người Mỹ] trong chiến dịch tranh cử tổng thống, và ông ta rút lui khỏi hiệp định này chỉ vài ngày sau khi nhậm chức.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây