Quyền lực vô hạn của một người áp đặt lên những người khác

S. Alexievich

Nguồn ảnh: Pinterest.com

Tôi không phải là một con người văn chương. Tôi là một nhà Vật lý học. Thế nên, tôi sẽ nói với bà về những dữ kiện. Chỉ những dữ kiện mà thôi.

Dần dà rồi thì sẽ phải có một ai đó trả lời về vụ nổ ở Chernobyl. Sẽ đến lúc họ không thể thoái thác được nữa, giống như hồi năm 1937. Có thể mình phải chờ thêm 50 năm, khi ấy ai cũng già nua, hoặc có thể chết hết cả rồi. Họ là những tên tội phạm {Im lặng}. Chúng ta phải lưu lại cho hậu thế những dữ kiện. Các thế hệ sau sẽ cần đến chúng.

Hôm ấy, ngày 26 tháng 4, tôi đang công tác ở Moscow. Đó là nơi tôi nghe tin về vụ nổ.

Tôi gọi điện thoại cho Nikolai Slyunkov, Tổng Bí Thư ủy ban trung ương đảng Cộng sản Belarus, lúc ấy ông ta ở Minsk. Tôi gọi một lần, hai lần, rồi ba lần, không có ai nối đường dây cho tôi. Tôi lại gọi đến viên phụ tá của ông ta. Ông này và tôi biết nhau khá rõ.

“Tôi đang gọi từ Moscow. Cho tôi nói chuyện với Slyunkov. Tôi có những thông tin mà ông ta cần biết ngay lập tức. Những thông tin rất khẩn cấp.”

Tôi gọi bằng đường dây của chính quyền, vậy mà họ đã chặn hết tất cả. Ngay khi mình bắt đầu nói về vụ nổ là đường dây bị ngắt tức thì. Như vậy có nghĩa là họ nghe lén. Hiển nhiên rồi! Đã rõ ràng người đang nghe trộm là ai rồi – cái cơ quan được giao nhiệm vụ nghe trộm chứ còn ai nữa. Một chính quyền nằm trong lòng một chính quyền. Và họ bất chấp sự kiện là tôi đang gọi cho viên Bí Thư thứ nhất của ủy ban trung ương đảng. Còn tôi? Tôi là đương kim giám đốc viện Năng Lượng Nguyên Tử thuộc Hàn lâm Viện Khoa Học Belarus, Giáo sư, Ủy viên thường trực của Hàn Lâm Viện. Thế mà tôi vẫn bị người ta chặn đường dây điện thoại.

Phải mất gần hai tiếng đồ trước khi tôi có thể nói chuyện với Slyunkov. Tôi bảo ông ta: “Đó là một tai nạn rất nghiêm trọng. Theo sự tính toán của tôi” – Lúc ấy tôi đã kịp tiếp xúc với một vài nhân vật ở Moscow và phác họa ra một số điều cần làm ngay –“Những đám mây mang theo phóng xạ đang di chuyển về phía chúng ta, về phía Belarus, chúng ta cần phải ngay lập tức cung cấp cho dân chúng I-Ốt để phòng ngừa việc bị nhiễm xạ và di tản những người ở quá gần trạm hạt nhân nơi phát nổ. Dân chúng, kể cả thú vật không được phép ở trong vòng chu vi 100 ki lô mét của khu vực nơi phát nổ.”

Ông ta trả lời: “Tôi đã nhận được báo cáo về việc này. Có một đám cháy xẩy ra, nhưng nó đã bị dập tắt rồi.”

Tôi không thể kiên nhẫn hơn nữa. “Đó chỉ là sự dối trá! Một sự dối trá rành rành ra đó! Bất cứ một Vật Lý Gia nào cũng biết rằng than chì cháy cứ mỗi giờ là 5 tấn. Hãy nghĩ xem nó sẽ cháy trong bao lâu!”

Tôi đáp chuyến xe lửa đầu tiên trở lại Minsk. Đêm đó tôi không ngủ. Về đến nhà vào buổi sáng, tôi vội đo tuyến giáp trước cổ con trai tôi. Lúc ấy, tuyến giáp cho biết mức độ nhiễm xạ khá tin cậy. 180 micro-roentgen một giờ. Nó cần chất I-Ốt có pha Kali. Đây là một loại I-Ốt thông thường. Một đứa bé chỉ cần uống từ 2 tới 3 giọt I-Ốt hòa tan trong nước. Người lớn thì cần từ 3 đến 4 giọt. Lò phản ứng cháy âm ỉ trong 10 ngày, có nghĩa là phải uống thứ dung dịch này trong 10 ngày. Nhưng không ai nghe lời khuyến cáo của chúng tôi! Không một ai nghe các khoa học gia và các bác sĩ. Người ta đã lôi khoa học và y khoa vào trong chính trị. Tất nhiên họ đã làm thế! Chúng ta không nên quên cái bối cảnh của sự việc lúc ấy, cũng như của 10 năm trước đây. Sở mật vụ KGB vào cuộc. Họ bí mật dò xét. “Những tiếng nói từ phương Tây” bị ngăn cấm triệt để. Thời buổi ấy có cả hàng ngàn những điều cấm kỵ, về Đảng, về những bí mật quân sự. Thêm vào đó, chúng ta đã được tuyên truyền rằng hạt nhân nguyên tử của nước Xô Viết yêu chuộng hòa bình vốn dĩ an toàn như than củi, như than đá. Chúng ta bị trói buộc bởi sự sợ hãi, bởi những thành kiến. Lòng tin của chúng ta đã mù quáng đến độ mê tín.

Thôi, được rồi, hãy chỉ nói về những dữ kiện. Ngày hôm sau, 27 tháng 4, tôi quyết định đi Gomel, vùng đất nằm ngay trên biên giới với Ukraine. Tôi đến những thành phố chính – như Bragin, Khoyniki, Narovlya – những nơi chỉ cách trạm hạt nhân chừng 20 hay 30 ki lô mét. Tôi muốn có thêm những thông tin cần thiết nên mang theo các dụng cụ để đo độ nhiễm xạ của môi trường xung quanh. Số đo của tôi ghi được như sau: Ở Bragin là 30 ngàn micro-roentgen/một giờ; ở Narovlya là 28 ngàn. Nhưng dân chúng vẫn tràn ra đồng cầy cuốc gieo trồng, chuẩn bị cho lễ Phục Sinh. Họ tô màu những quả trứng, làm bánh mừng lễ. Họ bảo, phóng xạ là cái gì? Ông nói cái gì thế? Chúng tôi chưa nhận được lệnh lạc gì hết từ ở trên, ngoài việc họ chỉ muốn biết vụ mùa năm nay như thế nào và tiến độ của nó thôi. Họ nhìn tôi như nhìn một thằng điên. “Thưa giáo sư, ngài muốn nói điều gì thế?”.  Roentgen, micro-roentgen – đây là thứ ngôn ngữ của người sống ở một hành tinh nào khác chứ không phải ở đây.

Thế là chúng tôi phải quay trở lại Minsk. Mọi người đổ xô ra đường. Kẻ bán bánh, người bán kem, thôi thì đủ loại. Và trên đầu họ vẫn treo lơ lửng đám mây chứa phóng xạ.

Vào ngày 29 tháng 4 – tôi nhớ rõ mọi chuyện chính xác đến cả ngày tháng – lúc 8 giờ sáng, tôi đã có mặt trong phòng chờ đợi của Slyunkov. Tôi cố tìm cách gặp ông ta. Nhưng họ không cho tôi vào. Tôi cứ ngồi ở phòng tiếp tân cho đến 5 giờ rưỡi chiều. Lúc này, có một nhà thơ nổi tiếng từ phòng của Slyunkov bước ra. Chúng tôi biết nhau trước đó. Ông nhà thơ nói với tôi: “Tôi vừa có buổi thảo luận với đồng chí Slyunkov về văn hóa của Belarus.”.

Tôi không thể kiên nhẫn được nữa: “Sẽ không có văn hóa Belarus hoặc bất cứ người nào sống sót để đọc những cuốn sách của ông nếu chúng ta không di tản tất cả dân chúng ra khỏi Chernobyl ngay lập tức. Chúng ta phải cứu dân trước đã!”

“Anh nói gì thế? Ngọn lửa ở đó đã bị dập tắt rồi mà.”.

Cuối cùng tôi cũng được cho vào gặp Slyunkov. Tôi kể lại cho ông ta nghe những gì tôi chứng kiến hôm trước. Chúng ta phải cứu dân! Tôi gọi hỏi thăm bên Ukraine. Người ta đang di tản dân chúng ra khỏi vùng.

“Sao các anh (người của Viện Hàn Lâm) cứ chạy rong khắp thành phố với cái máy đo độ phóng xạ rồi làm kinh hoảng mọi người lên như thế? Tôi đã tham khảo ý kiến của Moscow, với giáo sư Ilyn, chủ tịch hội đồng bảo vệ quang tuyến học Xô Viết. Ông ấy bảo mọi chuyện đều bình thường. Vả lại, ở trạm hạt nhân đã có sự hiện diện của một cơ quan chính quyền, thêm văn phòng làm việc của bên Công Tố Viện nữa. Hiện chúng ta đã đưa quân đội đến với mọi trang thiết bị quân sự để trấn giữ những nơi hiểm yếu rồi.”.

Chúng ta có hàng ngàn tấn cesium, i-ốt, chì, circonium, cadmium, berillium, borium và một lượng chưa được biết rõ Plutonium (riêng ở Chernobyl, lượng kết hợp phản ứng của than chì và uranium đã sản xuất ra một loại ở tầm mức vũ khí Plutonium, dành cho bom nguyên tử) – tất thẩy là khoảng 450 loại nguyên liệu hạt nhân phóng xạ khác nhau. Đó là một lượng tương đương với 350 quả bom nguyên tử lọai người Mỹ đã từng ném xuống Hiroshima.

Người ta cần phải nhìn vào những số liệu vật lý, ứng dụng những định luật vật lý. Nhưng không, họ chỉ nói về những kẻ thù, đi tìm những kẻ thù.

Sớm muộn gì, sẽ phải có người chịu trách nhiệm về những gì đã xẩy ra. Tôi bảo Slyunov: “Đồng chí sẽ nói rằng đồng chí là  một chuyên gia về xe kéo”. Slyunov trước đây là giám đốc xí nghiệp sản xuất xe kéo. “rằng đồng chí không hiểu chút gì về ảnh hưởng của chất phóng xạ, nhưng tôi là một chuyên viên vật lý học, tôi biết những hệ quả của nó là gì.”.Thế nhưng, theo quan điểm của ông ta, kiến thức chuyên môn của một giáo sư, hay một nhóm những nhà Vật lý học có là cái gì? Họ sẽ ra lệnh cho Ủy Ban Trung Ương Đảng phải làm thế này thế kia chăng? Thực ra, những viên chức chính quyền không phải là những tội phạm. Họ chỉ ngu dốt và chỉ biết tuân lệnh. Nguyên tắc sống còn của họ, như guồng máy của Đảng đã từng dậy dỗ họ, chớ có bao giờ thò đầu ra khỏi đám đông. Tốt nhất là làm sao cho ai cũng vui lòng. Trước đó, Slyunkov đã được gọi đến Moscow để nhận hứa hẹn sẽ được thăng quan tiến chức. Cơ hội tốt vừa vào được tầm tay ông ta. Tôi cho rằng ông ta hẳn đã nhận được lệnh trực tiếp từ điện Cẩm Linh, có thể là từ chính Gorbachev. Đồng chí biết đấy, tốt nhất là giữ cho nhân dân Belarus không được hoảng loạn. Bọn phương Tây chúng đang làm ầm ĩ vụ này lên rồi đấy. Tất nhiên, nếu không làm vừa lòng cấp trên thì đừng hòng có những thăng tiến trên hoạn lộ, đừng hòng có những chuyến đi nước ngoài và những căn nhà nghỉ ở ngoại ô. Nếu ngày nay chúng ta còn sống trong một chế độ khép kín, còn bị cách biệt với thế giới bên ngoài bằng một bức màn sắt, thì hẳn người dân vẫn còn bị buộc phải sống bên cạnh trạm năng lượng hạt nhân. Họ bưng bít, dấu diếm không cho người dân biết sự thực. Bà hẳn còn nhớ chứ – những Kytrym, Semipalatinsk (những nơi thử nghiệm vũ khí nguyên tử của Xô-Viết). Chúng ta vẫn còn bị thống trị bởi chế độ Stalin mà.

Theo những tiêu lệnh phòng vệ dân sự mà hồi đó chúng tôi được biết, thì trong trường hợp có sự đe dọa của một cuộc chiến tranh nguyên tử nổ ra, hay một tai nạn liên quan đến nguyên tử, thì tất cả mọi người dân đều sẽ phải được chính quyền cấp phát một lượng I-ốt để phòng ngừa bị nhiễm bệnh vì chất phóng xạ. Đó là trong trường hợp chúng ta bị đe dọa. Còn ở đây, trong thực tế, cứ mỗi giờ chúng ta nhận một lượng phóng xạ là 3 ngàn Micro-roentgen. Nhưng chính quyền còn bận lo lắng về quyền hành của mình, chứ không về mạng sống của người dân. Đó là một nhà nước vì quyền hành, không phải vì nhân dân, nên nhà nước bao giờ cũng ưu tiên một, còn giá trị con người là con số không to tướng. Bởi vì, có thể họ sẽ tìm ra cách đối phó mà không cần phải thông báo, nên sẽ không có những sự hoảng loạn xẩy ra. Họ có thể âm thầm đổ i-ốt vào nguồn nước uống, hay thêm vào sữa trong lúc chế biến. Thành phố lúc ấy sở hữu 700 ki lô tinh chất i-ốt được dự trữ là nhằm mục đích đó. Nhưng chúng vẫn còn nguyên trong kho. Họ sợ cấp trên của mình còn hơn sợ chất phóng xạ nguyên tử. Ai cũng bảo hãy chờ lệnh trên, chờ một cú điện thoại ban lệnh, nên chẳng có ai làm gì hết.

Lúc nào tôi cũng có một cái máy đo độ nhiễm xạ trong túi xách của mình. Để làm gì? Bởi vì người ta tìm cách ngăn tôi lại, không cho tôi được gặp những nhân vật quan trọng. Họ ngán tôi đến tận cổ rồi. Trong những trường hợp như vậy, tôi lấy cái máy đo ra, đưa sát vào cổ các viên thư ký hay các anh tài xế phục vụ các sếp lớn. Mấy anh chị hoảng sợ, nên cũng có lúc họ để tôi bước vào gặp sếp của họ. Có người than phiền: “ông giáo sư ơi, sao ông cứ đi tới đi lui dọa nạt mọi người thế? Bộ ông tưởng ông là người duy nhất quan tâm đến số phận của người Belarus hay sao? Vả lại, người ta ai cũng sẽ phải chết, vì hút thuốc, vì tai nạn xe trên đường phố, hay tự tử.”. Họ cười nhạo người dân nước Ukraine khi chính quyền nước này đến điện Cẩm Linh quỳ mọp xuống xin xỏ tiền bạc, thuốc men, các dụng cụ đo lường chất phóng xạ (mà họ đang thiếu). Trong khi đó, vị lãnh tụ của chúng tôi, Slyunkov, chỉ cần 15 phút để xác nhận tình hình: “Mọi chuyện ổn hết rồi. Chúng ta có thể tự mình lo lấy không cần đến ai cả .”. Người ta ca tụng ông ta: “Phải làm như thế chứ, đúng không các người anh em của chúng ta!”. Những lời ca tụng như thế đã lấy đi bao nhiêu mạng con người?

Tôi có những nguồn tin nói rằng các viên chức cao cấp của chúng ta đã uống i-ốt. Khi đồng nghiệp của tôi ở viện hàn lâm kiểm tra sức khỏe cho họ, tuyến giáp người nào cũng không có dấu hiệu nhiễm xạ. Nếu không dùng i-ốt thì không thể nào giữ được tuyến giáp sạch như thế cả. Và họ cũng âm thầm đưa con cái mình đi nơi khác để đề phòng. Khi đến những nơi bị nhiễm xạ, họ đeo mặt nạ, mặc áo choàng loại đặc biệt phủ kín – những thứ mà tất cả mọi người khác không ai có. Và cũng chẳng có gì bí mật về việc họ sở hữu một đàn bò ở gần Minsk được chăm nuôi đặc biệt – mỗi con đều được đánh số và trông coi kỹ lưỡng. Họ cũng có vùng đất riêng, vườn tược riêng, hoa màu riêng dành cho họ. Điều kinh tởm nhất là cho đến nay cũng không có ai công khai những đặc quyền đó cho người dân cùng biết.

Thế là các quan chức không ai muốn tiếp đón tôi nữa. Không cho gặp thì tôi liên tục tấn công họ bằng văn thư, bằng những bản báo cáo chính thức. Tôi gởi bản đồ, số liệu đến một chuỗi hệ thống quan chức trách nhiệm từ trên xuống dưới. Bốn tập tài liệu, mỗi tập dày 250 trang, gồm toàn những dữ kiện cần biết. Tôi sao chúng ra làm hai bản – một bản giữ ở Viện, bản kia tôi đưa cho vợ tôi cất dấu ở nhà  – đề đề phòng.Tại sao tôi làm vậy? vì cái nước của mình nó bắt mình phải thế. Phòng làm việc của tôi bao giờ cũng được khóa bởi chính tay tôi, thế mà sau một chuyến đi công tác trở về, tập hồ sơ tôi để trong văn phòng đã biến mất. Tôi gốc gác xứ Ukraine, tổ tiên tôi là nông dân Cossacks nên dòng máu ấy vẫn còn trong người tôi. Tôi đâu có chịu thua, vẫn tiếp tục viết, vẫn tiếp tục lên tiếng kêu gọi. Các ông phải cứu lấy dân. Hãy di tản họ ra khỏi đó ngay lập tức. Chúng tôi thường xuyên đi lại vùng nhiễm xạ. Viện của chúng tôi là cơ quan đầu tiên thiết lập một họa đồ chỉ rõ những vùng bị nhiễm xạ. Toàn bộ phía Nam đều bị nhuộm một màu đỏ chết chóc.

Sự việc đã thành lịch sử – lịch sử của một tội ác.

Họ cho lệnh lấy đi tất cả những dụng cụ đo độ nhiễm xạ của Viện. Họ tịch thu mà không một lời giải thích. Tôi bắt đầu nhận được những cú điện thoại hăm dọa gọi đến nhà. “Hãy ngưng ngay việc gây hoảng sợ cho mọi người, ông giáo sư nhé! Nếu không, ông sẽ gặp chuyện không ra gì đấy. Ông muốn biết nó sẽ tệ đến thế nào không? Chúng tôi sẽ cho ông biết ngay thôi.”.

Ngoài ra, những khoa học gia khác của Viện cũng gặp phải những áp lực tương tự, cũng bằng phương cách đe dọa.

Tôi viết báo cáo gởi đến Moscow.

Sau cùng, Platonov, chủ tịch Hàn Lâm Viện Khoa Học, cho gọi tôi đến. Ông ta bảo: “Một ngày nào đó, nhân dân Belarus sẽ nhớ đến anh vì anh đã làm rất nhiều điều tốt lành cho họ, nhưng anh không nên khiếu nại lên đến tận Moscow. Anh làm như vậy sẽ có những hậu quả tồi tệ. Người ta sẽ yêu cầu tôi phải sa thải anh ngay. Tại sao anh lại làm thế? Anh không biết là anh đang đối đầu với ai à?”

Nhưng tôi có bản đồ, có những dữ liệu. Họ có cái gì không? Họ có thể đưa tôi vào bệnh viện tâm thần. Họ đã hăm như thế mà. Họ cũng có thể bảo đảm cho tôi gặp một tai nạn xe hơi. Họ đã từng ám chỉ như thế. Họ cũng có thể truy tố tôi ra tòa về tội tuyên truyền chống chủ nghĩa Xô-Viết. Hoặc cũng có thể chỉ vì một hộp đinh bị phát gíac ra thiếu trong hồ sơ kiểm kê của Viện.

Và họ đã đưa tôi ra tòa.

Họ đã đạt được điều họ mong muốn. Tôi bị lên cơn đau tim. {Im lặng}.

Tôi đã ghi chép lại tất cả mọi thứ. Tất cả nằm trong tập hồ sơ này. Những dữ kiện. Thuần túy những dữ kiện.

Chúng tôi kiểm tra độ nhiễm xạ của lũ trẻ trong những ngôi làng, cả trai lẫn gái. Con số đo được là một ngàn rưỡi, hai ngàn, ba ngàn micro-roentgen. Có khi cao hơn cả ba ngàn. Mấy bé gái này khi lớn lên sẽ không thể sinh nở được. Chúng bị chứng hoán chuyển có tính di truyền.

Có chiếc máy cầy đang làm việc ngoài cánh đồng. Tôi hỏi một đảng viên đang có  mặt với chúng tôi: “Người tài xế lái máy cầy ấy có đeo mặt nạ chống hơi độc không?”

“Không, họ không đeo.”

“Hả? Không có mặt nạ cho họ sao?”

“Ồ, chúng tôi có nhiều lắm. Đủ để dùng cho đến năm 2000. Chúng tôi không phát ra là vì sợ sẽ tạo nên sự hoảng lọan trong công nhân. Họ sẽ bỏ chạy hết khỏi nơi đây thôi.”.

“Sao anh có thể làm thế được cơ chứ?”

“Nói thì dễ lắm, ông giáo sư à! Nếu ông bị mất việc, ông còn có thể tìm được công việc làm khác. Còn tôi thì sẽ ra sao, sẽ đi đâu?”.

Ôi cái thứ quyền lực ấy! thứ quyền lực vô giới hạn mà người ta có thể áp đặt lên kẻ khác. Nó không còn là mánh khóe hay sự dối trá nữa. Mà là cuộc chiến tranh nhằm tiêu diệt những người vô tội.

Cũng như khi chúng tôi lái xe đi suốt khu vực Pripyat, thấy người ta dựng lều, cắm trại với gia đình. Họ bơi lội, tắm nắng. Đã mấy tuần nay rồi không một ai biết rằng họ đang phơi nắng, đang tắm táp dưới một đám mây đầy phóng xạ nguyên tử. Trò chuyện với họ thì bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, tôi cũng có dịp gặp lũ trẻ con và giải thích đôi điều cho chúng biết. Chúng không tin tôi: “Sao không nghe thấy đài phát thanh, truyền hình thông báo gì hết vậy?”. Người đi theo bảo vệ chúng tôi – thường là  một đảng viên địa phương lúc nào cũng có mặt – không hé môi nửa lời. Tôi có thể đoán ý nghĩ trong đầu anh ta qua vẻ  mặt: Mình có nên báo cáo lại cấp trên chuyện này hay không? Nhưng cùng lúc đó, anh ta có vẻ thương hại cho đám người vô tội này. Dù sao, anh ta cũng là  một con người. Tôi chẳng biết điều gì sẽ xẩy ra khi chúng tôi trở về. Liệu anh ta có báo cáo lên với thượng cấp của mình hay không? Ai cũng sẽ phải có sự lựa chọn của riêng mình {Im lặng một lúc lâu}.

Bây giờ thì chúng ta sẽ làm gì với sự thực được  phơi bầy ra đây? Chúng ta sẽ phải làm gì với nó? Nếu có nhà máy năng lượng hạt nhân nào phát nổ nữa, thì người ta chắc cũng sẽ đối phó với nó như hiện nay người ta đang đối phó. Đất nước mình vẫn là của Stalin. Mình vẫn còn là người dân sống dưới chế độ Stalin.

 Vasily Borisovich Nesterenko, nguyên Giám Đốc Viện Năng Lượng Hạt Nhân thuộc Hàn Lâm Viện Khoa Học Belarus

*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

Về lại MỤC LỤC

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây