Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức có lỗi trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?

Thạch Đạt Lang, lược dịch từ Taz

7-8-2017

Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên đài VTV ngày 3/8/2017. Ảnh chụp màn hình

Ai có lỗi trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, Cộng Hòa Liên Bang Đức? Ông Bộ trưởng ngoại giao Sigmar Gabriel hay hãng chế tạo xe BMW ở München?

Truyền thông Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc về căng thẳng quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam là do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin vào sáng ngày 23.07.2017. Hơn thế nữa, họ cho rằng nước Đức phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc làm xấu đi quan hệ ngoại giao giữa hai nước qua những lời tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao Đức, Sigmar Hartmut Gabriel cùng với việc trục xuất Nguyễn Đức Thoa, đệ nhất tham vụ đặc trách tình báo của tòa đại sứ CSVN tại Berlin.

Theo hãng Thông Tấn Xã Đức DPA (Deutsche Presse Agentur), việc doanh nhân Trịnh Xuân Thanh biến mất khỏi nước Đức đã gây ra một vụ tai tiếng nặng nề về ngoại giao cho Việt Nam.

Theo Berliner Tageszeitung TAZ (Nhật Báo Berlin), việc Trịnh Xuân Thanh đang bị giam giữ tại VN tiếp tục là một trong những đề tài nóng sốt trong bản tin tức hàng ngày, đồng thời dấy lên những bàn tán, tranh luận chung quanh chuyện bắt cóc hay đầu thú, chẳng những ở Việt Nam mà ngay cả ở hải ngoại.

Truyền thông Việt Nam vào ngày thứ Sáu đã công khai thừa nhận kết luận của chính phủ Đức là Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc chứ không tự ý trở về. Trịnh Xuân Thanh – một thương gia và cựu đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam – đã bị một số điệp viên dùng vũ lực cưỡng bức lên một chiếc xe hơi đem đi mất tích vào sáng ngày 23.07.2017.

Thanh bị kết tội gây thất thoát khoảng 3.300 tỉ VNĐ, tức khoảng 125 triệu euro trong thời gian làm giám đốc công ty PVC, một công ty con thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Vụ bắt cóc Thanh khiến quan hệ ngoại giao Đức-Việt trở nên tồi tệ.

Giới truyền thông của Cộng sản Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, theo lệnh chế độ tìm mọi cách hạ nhiệt, làm nhẹ đi vấn đề bằng những talk show như của KBC HN hay những tờ báo online được chế độ tài trợ.

Nguyễn Thế Nhật Phong, tổng giám đốc của Đài Tiếng nói Việt Nam đã viết như sau: “Cho đến lúc này chính phủ Đức hoàn toàn không thể cung cấp môt bằng chứng nào về chuyện bắt cóc. Ngay cả cảnh sát cũng chỉ nói đến một sự nghi ngờ. Nếu có nhân chứng trông thấy và báo cáo về một vụ bắt cóc, tại sao cảnh sát không lập tức lập vòng vây và truy nã, tìm kiếm, giải cứu?

Phong còn nói tiếp: “Nước Đức không đưa ra được bằng chứng. Không có hình ảnh hay video nào chứng minh sự bắt cóc”. Tuy nhiên, những phát biểu của viên giám đốc truyền thông này hoàn toàn dựa vào lời của một nhân vật tên là Hồ Ngọc T, một luật sư người Đức gốc Việt, từng làm việc cho các cơ quan công quyền Đức (sic). Theo tiểu sử trên facebook của luật sư này, ông ta có thời gian làm việc ở đại học Jena thuộc tiểu bang Thüringen (phía Đông Đức cũ) nhưng hiện tại thì chỉ có trời mới biết ông ta làm việc ở đâu.

Phong, tổng giám đốc đài, đồng thời cũng là thành phần lãnh đạo đảng. Trong bài viết của mình, Phong đã phổ biến những điều công kích Ngoại trưởng Đức, ông Sigmar Gabriel như sau: “Tất cả đều do Sigmar Gabriel – người duy nhất muốn đem quan hệ Đức-Việt ra thử thách. Gabriel thuộc đảng xã hội Đức SPD (Sozialdemokratische Partei Deutschlands). Đảng SPD đang suy thoái như một cành cây đã bị nghiêng ngã, sắp gẫy”.

Phong nhận định tiếp theo “Nước Đức sắp có bầu cử vào tháng 9, chỉ vài ngày hay vài tuần nữa mọi chuyện sẽ chìm vào quên lãng”. Phong tin tưởng chắc chắn vào điều này. (Lời người dịch: hạ nhiệt kiểu nay giống như chữa lửa bằng xăng)

Tuy nhiên, một số độc giả Việt Nam lại nghĩ khác. Họ cho rằng lý do chính phủ Đức phản ứng gay gắt vụ bắt cóc Thanh chỉ vì 700 chiếc xe BMW đang nằm phơi sương gió ở các hải cảng tại Việt Nam, không thể lên bờ được – không phải vì chuyện khí thải CO2 – mà theo thông tin của hải quan VN, vì hồ sơ nhập khẩu bị thiếu sót (Lời người dịch: Chắc tại thiếu hình ông Benjamin Franklin).

Bên lề cuộc họp thượng đỉnh G-20 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam đã chấp thuận cho BMW gửi nhân viên sang Việt Nam lau chùi và bảo trì số lượng xe đang bị neo tại các hải cảng. Một người Việt Nam đã phỏng đoán: “Phải chăng Đức muốn làm khó dễ Việt Nam trong chuyện Trịnh Xuân Thanh để được nhập khẩu số lượng xe này?

Bớt 20% cho các loại dao, nồi nhà bếp

Có thể sẽ có thêm trục xuất các nhà ngoại giao Việt Nam khác. Một thương gia Việt Nam cho báo Berliner TAZ biết, theo sự tiết lộ của chính đại sứ Đoàn Xuân Hưng, Bộ Ngoại giao Đức đang cân nhắc việc trục xuất 5 nhân viên ngoại giao khác, trong đó có cả ông Hưng. Tuy nhiên nguồn tin này chưa được kiểm chứng.

Điều này gây náo động, xôn xao trong cộng đồng người Việt tại Berlin. Một người buôn bán dao, nĩa, dụng cụ nhà bếp nói với TAZ: “Tôi sẽ đem hàng hóa bầy ra trước cửa tòa đại sứ VN. Những nhân viên ngoại giao nào tự nguyện trở về nước sẽ được bớt 20% cho tất cả các loại nồi và dao. Cuối cùng thì họ cũng muốn đem về cho thân nhân nhân họ một vài món quà đặc biệt nào đó. (Lời người dịch: Cha này khôn quá, rành tâm lý mấy bà nội trợ Việt Nam, dao, nồi, dụng cụ nhà bếp của Đức nổi tiếng thế giới, dao Zwilling, nồi, chảo Fissler…)

Một dân biểu của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Đức CDU (Christlich Demokratische Union Deutschlands), ông Martin Patzelt, người đầu tiên của quốc hội Đức đã phát biểu về vụ Trịnh Xuân Thanh, ông nói với TAZ như sau: “Việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thật là quái đản. Nếu Việt Nam muốn hội nhập với cộng đồng thế giới dân chủ, tự do thì họ phải tôn trọng nhân quyền”.

Patzelt là người trong hơn một năm rưỡi qua đã đến Việt Nam nhiều lần và gặp gỡ những người tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam.

Hàng trăm tù nhân chính trị và tôn giáo đang bị giam giữ mà không được xét xử bởi một phiên tòa công bằng, hợp lý. Mới đây, trong tháng Sáu và tháng Bảy, 2 blogger nổi tiếng vì tranh đấu cho nhân quyền đã bị kết án chín năm và mười năm tù về tội tuyên truyền chống chế độ. Patzelt nói thêm: “Phong trào chống lại chế độ ở Việt Nam hy vọng là chúng ta, những người đang ở thế giới tự do sẽ không mệt mỏi trong việc kêu gọi cải cách nhân quyền. Nền dân chủ công khai ở đây là sự bảo đảm duy nhất cho họ”.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây