Về sự kiện GS Ngô Bảo Châu: Chớ tin tâm mình

Hạ Đình Nguyên

24-7-2017

GS Ngô Bảo Châu

Dư luận đang sôi nổi trên diện rộng về vụ GS Ngô Bảo Châu. Trên truyền thông lề phải, báo chí nhà nước và một số youtube đã lên án GS Châu, rầm rộ như vào “chiến dịch”, là kẻ phản quốc, đã chống lại “đảng và nhà nước ta’. Dù không nhân danh chính thức là cơ quan tuyên huấn hay đơn vị nào, nhưng cách lên án, đồng thời là phỉ báng, rất gay gắt với khí lực hứa hẹn đầy quyền cước, hẳn là phái chính thống.

Rùm beng trên dư luận, vì GS Châu là nhà khoa học có uy tín lớn trong giới học thuật quốc tế, được sự ngưỡng mộ rộng rãi của người dân trong nước, đặc biệt là giới trí thức, sinh viên học sinh. Một thời, ông được nhà nước trải thảm khi đón về, với sự vinh danh hoành tráng ít có, và cả sự ưu đãi nhiều mặt, cả về cơ sở vật chất cho ông hoạt động.

Chiến dịch công kích đầy hằn học nhằm hạ bệ thanh danh ông đã gây hiệu ứng ngỡ ngàng trong xã hội. Từ sự ngỡ ngàng đi đến sự chiêm nghiệm sâu lắng về bản chất vấn đề. Nó không gây nên cuộc xô xát nhau trên đường phố với máu me tương ứng, nhưng đã giúp sự nhận diện kỹ càng hơn cái chấn thương thầm lặng trong nội tạng của cơ thể đất nước, tiếp tục làm xói mòn rồi bung vỡ các loại ảo tưởng còn vươn lại.

Đối thoại có thể thay cho một phần bạo lực, nhưng bạo lực cất lên thì đối thoại im tiếng. Kẻ sĩ xưa nay chỉ có cái tâm và lời nói làm phương tiện nội trị, chứ không biết sử dụng dù là trường đao hay đoản đao.

Lược bỏ bớt những ngôn ngữ đao kiếm và ý tưởng sỏi đá, ý chính rất thanh tao là thế nầy:
Thành quả lao động của anh đã đem lại sự vẻ vang chung cho đất nước, chúng tôi được quyền thay mặt tất cả – thật vinh dự – để vinh danh anh, cấp cho anh chỗ ở khang trang, phương tiện làm việc hoành tráng, có nghĩa từ đây anh phải nghe theo chúng tôi, và ngợi ca cho đúng hướngchỉ định. Và anh hiểu cho, anh là bình hoa chỉ cần trưng bày trong những ngày lễ lạc, chúng tôi đang mua anh kèm theo quyền lực, và sẽ mua với “rất nhiều tiền”. Ngược lại thì…, khởi đầu như chiến dịch này đây.

Nhưng có nhiều người không chịu nằm trong luật chơi nầy của một đất nước có đại ca Năm Cam làm tiêu biểu. Ngô Bảo Châu là một trường hợp, trong nhiều trường hợp đã qua và hôm nay. Buồn thay, những bước đi của lịch sử sao quá nhiều ngộ nhận đáng lẽ không cần có.

Trong các thứ tội mà người ta kể ra, như sự lên tiếng đồng tình với những người đấu tranh dân chủ, phê phán một số việc làm của nhà nước, thì cái tội lớn nhất của GS Châu là dám “động tới” ông Hồ chí Minh, vốn được xem là điểm tựa thiêng liêng duy nhất, là linh hồn của chế độ, là cái khiêng chống đở cho mọi sai lầm, nên dường như sự “động tới” nầy trở thành điểm nhấn cho cuộc ném đá. Người ta nhân danh và muốn ông Hồ Chí Minh trở thành một thứ mật ngọt để thu hút sinh linh.

Nhưng tất cả hình như không phải thế. Cái lý do mạnh mẽ nhất là từ đây, anh phải nghe theo chúng tôi, (chứ không ai khác). Mà anh đã không nghe theo. Không có vấn đề tư tưởng hay chính kiến nào ở đây cả, nơi mà đảng là sáng suốt và toàn diện! Họ cho anh vật chất và tước quyền làm người lương thiện của anh. Giới đấu tranh dân chủ cảnh báo anh về sức hút của quyền và lợi đang hiện diện một cách “có phương pháp” (1). Thế mà anh, trong những năm qua, đã ung dung đi giữa hai lằn đạn. Anh nói, đi trên lề, dù lề phải hay lề trái, cũng chỉ là cách đi của bầy cừu. Anh chọn cách đi tự do của trái tim và tinh thần sáng tạo, anh không muốn giam mình trong một loại “trại súc vật” nào, dù là nó ở trời đông hay trời tây.

Vào cái ngày mà phố xá đỏ một màu khẩu hiệu “Bác trong sự nghiệp chúng ta”, anh đã viết thế nầy, rất chơn chất và hồn hậu: “Có quý mến ai thì mong cho họ thoát khỏi vòng luân hồi. Đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!”.

Theo quan niệm của người có niềm tin vào triết lý Phật, siêu thoát là con đường cao cả nhất, tốt đẹp nhất không gì bằng, khi một người chấm dứt cuộc nhân sinh. Tuyệt nhiên không có ý gì gọi là xúc phạm. Có chăng là sự sai lầm hay gán ghép của chúng ta đã làm cho chính chúng ta tự xúc phạm? Đôi khi sự tự mình làm xúc phạm để nâng cao mình. Sao lại buột một người, dù là ai, phải lẩn quẩn mãi với cái sự và cái nghiệp đáng thương của chúng ta hôm nay?

Một thời đại đã vượt qua khỏi ngưỡng cửa giai đoạn thần quyền, không có cái gì để gọi là mãi mãi, là muôn năm. Dù là ngôn ngữ chính trị, nó cũng đã thay đổi trên diện rộng, không ở đâu trên thế giới còn nghe những từ ngữ lạc điệu ấy nữa. Chính ông Hồ Chí Minh ở nửa thế kỷ trước đã từng đùa cợt, sửa chữ “muôn năm” thành “muốn nằm”. Nhưng ông Hồ đã thất bại toàn diện về cái di chúc của mình, và tiếp tục thất bại nữa, “muốn nằm” nhưng vẫn không được, bởi ý chí “muôn năm” từ hàng hậu bối của ông. Trong chuyến công du sang Nga mới đây, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang, vẫn muốn quay ngược chiều kim đồng hồ, đã kêu gọi các nhà khoa học Nga sang, cố gắng bằng mọi giá, phục hồi di hài của ông, bất chấp thời tiết khí hậu đã thay đổi.

Hôm nay xem lại cái youtube cũ, tôi nhìn GS Châu ngồi thu mình khiêm tốn trong chiếc ghế bành to ở chùa Hoằng Pháp, trong một buổi giao lưu với trên 3000 thanh niên sinh viên đang dự khóa tu học tại đây, vào năm 2013. Ở anh, toát ra cái trẻ trung, khiêm tốn của sự đơn giản và chân thật, không một chút màu mè thường có của một kẻ có vai vế. Một nụ cười rất tươi và hồn hậu lúc bắt đầu, đã thay vào đó một vẻ buồn rượi ở lúc cuối buổi, khi anh trả lời những câu hỏi của sinh viên về vấn đề giáo dục. Anh nói ngắn gọn, nhẹ nhàng, thoang thoáng, nhưng cái ảm đạm của một nền giáo dục đã bao trùm.

Tôi cảm nhận cái buồn năm ấy và cái buồn năm nay trong anh, cứ theo thời gian mà lớn, như ánh chiều dần lên chứ chiều không xuống.

Không hiểu, trong những ngày rất “chiến dịch” nầy, GS Châu, anh đang nghĩ gì? Tôi chắc là anh khó ở.

Dù thế nào, thì anh cùng nhân dân có chung một sinh mệnh. Tôi thích cái đề mục trong sách Phật Chớ tin tâm mình. Cái tâm mù mờ, lang thang, lây lất trong cõi nhân gian, từ “vua quan” của thời đại “hùng hục” này, cho đến các tầng lớp thứ dân.

(1) Lời của Hollande, cựu Tổng Thống Pháp nói với tân Tổng Thống Macron: “ông ấy (Macron) đã phản bội tôi một cách có phương pháp”.

Sài Gòn tháng 7-2017

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ý kiến ngắn và nhỏ
    25.07.2017 15:56:46

    Trong tình hình bội phát thông tin, khi đọc, người đọc buộc phải tìm đề tài và người viết như 1 ưu tiên (favorite). Tác giả Hạ Đình Nguyên là 1 trong những người tôi chọn đọc trước. Về nội dung không mới, nhưng viết tốt. Điều làm tôi khó chịu là TG dẫn 1 câu của TT Hollande mà không có nguồn. Tôi khảo khá kỹ về TT Macron và cũng tìm thêm trên Google về câu “(1) Lời của Hollande, cựu Tổng Thống Pháp nói với tân Tổng Thống Macron: “ông ấy (Macron) đã phản bội tôi một cách có phương pháp”. – (Hollande: Macron hat mich mit richtigen Methoden abgesetzt).

    Viết báo, nhất là chính luận, KHÔNG NÊN VIẾT BÂNG QUƠ, không dẫn nguồn.
    Cảm ơn, BTP

  2. Kính thưa BBT Tiếng Dân!
    Tôi là Nguyễn Lân Bình, người làm trang tin điện tử Tannamtu.com.
    Tôi là người không có chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa, báo chí và xuất bản. Tuy nhiên, thực tế đó không cản trở tôi hiểu và viết bài cũng như làm sách.
    Khi tôi thấy trên thông tin đại chúng xuất hiện trang báo mạng TIẾNG DÂN, tôi đã tò mò tìm hiểu và quan tâm. Tôi có nhận thức nhanh, rằng đây là một trang tin có trách nhiệm và thể hiện thái độ chính trị khách quan, phục vụ đúng mục đích dân trí. Tôi rất trân trọng cách làm của BBT Tiếng Dân.
    Tuy nhiên, tôi không thấy yên tâm, nói đúng hơn là băn khoăn vì tên của bản báo điện tử là tên của tờ báo lịch sử TIẾNG DÂN ra đời năm 1926 và Chủ báo là Huỳnh Thúc Kháng. Tiếng Dân 1926 là tờ báo giấy đầu tiên in bằng chữ Quốc ngữ tại miền Trung Việt Nam. Việc ra đời báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng, là dấu ấn quan trọng trong tiến trình hình thành nền văn học chữ Quốc ngữ đối với toàn cõi VN.
    Với nhận thức như đã trình bày, nên chăng, BBT báo điện tử TIẾNG DÂN cần có một dòng xin phép các bậc tiền nhân về việc mang lại tên của tờ báo rất nhiều ý nghĩa này.
    Xin kính chúc các quý vị nhiều sức khỏe để bền vững trên con đường chông gai rất nhiều mà không nhìn thấy này!
    Trân trọng!
    Nguyễn Lân Bình

Leave a Reply to Nguyễn Lân Bình Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây