Những chuyện chưa quên (phần 3)

Hồ Phú Bông

Phần 3: Trại Khe Tối

Ảnh: Dãy Hoàng Liên Sơn. Nguồn: travelvietnamtour.blogspot.com

Tiếp theo phần 1phần 2

Áp Tết. Trời se lạnh. Những cơn mưa phùn thoa mỡ trên các lối đi. Tù trợt té lạch bạch. Tù trẻ còn gượng đứng dậy, nhưng tù già phải có người đỡ. Tù dặn dò nhau trước: vác cây vầu như thế nào để khi trợt chân thì quăng nó ra xa dù lăn xuống suối bèn không thì cũng gãy cổ hoặc gãy chân, vì vầu vừa nặng, vừa dài đến bảy tám mét lại cong, nên rất khó giữ thăng bằng. Bùn đất không chỉ trên quần áo. Bùn trên mặt. Trên tóc. Trên khắp người.

Cá lóc tẩm bùn, nướng tên lửa rơm, khi chín lột ra, là một món ăn tuyệt vời của người miền Nam, nhưng tù đói tẩm bùn từ miền Nam ra, lại ăn món điểm tâm: một giờ lao động Xã Hội Chủ Nghĩa sáng Chúa nhật!

Ông Thiên, trật tự trại, thông báo tối qua, sáng mai, Chúa nhật, toàn trại có một giờ lao động Xã Hội Chủ Nghĩa. Mọi người đều phải tham dự, chỉ trừ những ai được cán bộ y tế cho nghỉ bệnh. Công việc là vô rừng vầu, đã có các đội đốn sẵn chất thành đống, vác một cây vầu ra đường ô tô cách trại khoảng 2 cây số. Vầu là họ nhà tre, giống như tre Mạnh Tông ở miền Nam. To. Dài. Ruột gần như đặc. Vầu càng non càng nặng, vì chứa nhiều nước. Một cây vầu khoảng 25 đến 30 ký. Ông cán bộ quản giáo lên lớp trước:

– Các anh mà cũng được nao động Xã Hội Chủ Nghĩa nà một vinh dự nắm. Vì trước đây nao động Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ dành cho người dân nương thiện để góp phần vào xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội mà thôi.

Như vậy, chính ông quản giáo đã chỉ cho tù biết, tù là loại bất lương và Chủ Nghĩa Xã Hội lại cần đến công sức tù đói và bất lương để xây dựng!

Đây là trại Khe Tối thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Trại nằm sâu trong một thung lũng hẹp. Sườn đồi có độ dốc thật đứng. Từ lộ chính đi vào phải qua một cây cầu khỉ, có suối khá lớn bên dưới. Đi trên đường lớn, nếu không tinh ý thì không nhận ra. Cây cầu thật nhỏ nhưng một trại tù thật lớn bên trong.

Qua cây cầu khỉ là con đường độc đạo, rộng khoảng một mét, chạy viền theo lưng chừng đồi. Một đập nước đắp cao ngăn dòng suối nhỏ nên khu lòng chảo biến thành một hồ nước thật lớn. Triền đồi hai bên hồ còn trơ những thân cây khô mục, cỏ mọc um tùm cao quá đầu người, chứng tỏ đây là một trại tù cũ đã hoang phế, nay lại đón tù mới.

Gần ba trăm người, lũ lượt bị gậy đi vào cổng. Hai lớp hàng rào nứa đã xiêu vẹo.

Trong sách giáo khoa cấp tiểu học, có bài tả về những ổ rơm trong mùa lạnh ở miền Bắc, thì lần đầu tiên, tù từ miền Nam được biết đến thế nào là ổ rơm. Một số lán đã xiêu vẹo, đổ nát, nên tù không đủ chỗ ở. Nghiêm thuộc trong nhóm được chia cho một phần tư hội trường, và ngủ trong ổ rơm. Nền đất hang hốc, ẩm mốc, bốc lên một mùi ngai ngái. Rơm cũng không có đủ cho nên chỉ trải ra một lớp thật mỏng rồi mỗi người đem đồ cá nhân ra trải lên làm chỗ nằm. Đám tù thật mệt mỏi nên chẳng mấy chốc đã thiếp vào giấc ngủ. Nhưng giấc ngủ thì chập chờn vì cơn đói lại hành hạ. Có tù đang lục soạn lại hành trang, moi móc chút sắn “đánh” được đêm qua ở trại tù cũ. Có tù khật khừng bên điếu thuốc lào. Tiêu với lấy cây đàn thùng tự làm của Nghiêm, so dây, rồi đánh nhịp rời một tình khúc. Nhiều tù đang nằm im, nhiều tù vắt tay lên trán. Tiếng đàn, từng giọt, từng giọt, rơi vào mênh mông.

Tiếng suối róc rách đâu đó, chảy len lỏi qua những riềm lá mục, âm vang giữa hoàng hôn của núi rừng tĩnh mịch. Tù không có án nên không biết ngày về.

Công tác đầu tiên là dựng lại trại. Đội làm nền. Đội vào rừng, đốn dang, chặt gỗ. Đội chặt dang thành từng khúc ngắn, dài độ bốn tấc, rồi đập dập, tách ra thành miếng, đan lại thành từng tấm lớn làm tranh để lợp nhà. Công việc tất bật vì phải hoàn thành để kịp đón năm mới, để khỏi bị ướt lạnh vì những cơn mưa phùn. Chỉ ba tuần nữa là Tết. Ba tuần nầy bên ngoài xã hội rất nhộn nhịp. Vất vả. Nghiêm lại nghĩ về Hoàng. Cô nữ sinh chưa kịp rời mái trường đã bị ném thẳng vào biến cố trọng đại của xã hội, không một xu dính túi, lại đèo bòng hai con còn thơ dại. Hoàng giờ nầy đang làm gì? Đang sửa soạn đón Tết hay vẫn những khoai sắn, nơi kinh tế mới? Con đâu rồi, đứa về nội, đứa về ngoại, hay mẹ con cùng ở với nhau đón Tết? Tết ngày xưa mất rồi. Tết đã trong mịt mờ, ký ức.

Cứ mỗi lần di chuyển là mỗi lần tù nghĩ về gia đình, và mỗi lần xa gia đình hơn.

Dao thì cùn mà cạnh dang rất sắc. Sắc như dao cạo. Chúng cứa một đường ngọt lịm, đến khi biết đau thì đã ăn sâu vào tới tận xương. Tù thiếu máu, nhưng máu tù lại rải rác khắp nơi. Nào muỗi, nào vắt, nào đỉa, nào rệp, nào ruồi vàng, nào con ve. Gặp ruồi vàng hoặc ve chích thì đau buốt tới tim. Máu tù đã thiếu nhưng rẻ. Máu tù đâu phải là máu người! Đảng đã dõng dạc lên lớp khi còn ở trong Nam: các anh nà tội đồ của dân tộc, các anh đã từng ăn gan người, uống máu người không biết tanh. Cách Mạng giải phóng các anh sớm, nếu không, các anh đem dâng cả vợ con các anh cho đế quốc Mỹ để đổi nấy bơ thừa, sữa cặn!

Máu, cái quý nhất của sự sống thân xác, giờ đây là con số không. Con chó còn để giữ nhà hoặc ăn thịt, nhưng tù thì không là gì cả.

Từ ông trại trưởng cho đến các ông quản giáo đều cùng một điệp khúc trong dịp Tết: thi đua nập công dâng Đảng. Năm mới thắng nợi mới. Tập trung cải tạo tốt, nao động tốt, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy trại để sớm được về đoàn tụ với gia đình. Tù nghe điệp khúc nầy để có được mấy miếng thịt trâu, mấy điếu thuốc, cục thuốc lào, một tí đường. Hồ hởi. Phấn khởi!

Trên hội trường, ông Đại Úy trại trưởng không bao giờ xưng tên (nên tù đặt tên ông là “chín ngón”, vì một bàn tay của ông cụt mất một ngón) bắt đầu điệp khúc. Sau đó, ông nhìn khắp hội trường như tìm kiếm một điển hình quan trọng. Cuối cùng ông chỉ tay vào Việt, một tù trẻ gầy yếu, mang đôi kính dày cộm. Việt đứng dậy, gỡ mắt kiếng ra, vì nội qui bắt buộc bất cứ tù nào nói chuyện với cán bộ đều phải lấy kiếng xuống, để tỏ ý tôn trọng, nhưng thực ra họ rất dị ứng với những người đeo kiếng. Ông chín ngón hỏi Việt:

– Tôi nghe nhiều người than là đói quá không cải tạo được, anh kia, trả lời tôi là có cải tạo được không?

Có lẽ là do thói quen, sau khi đặt câu hỏi, ông chín ngón đặt tay mặt của ông lên khẩu súng lục ông đang đeo lủng lẳng bên hông.

Việt, sĩ quan tình báo mới ra trường còn hiền lành đến ngây thơ. Khi lấy kiếng xuống, đôi mắt Việt như lồi ra, khuôn mặt thật khù khờ:

– Tôi tên là Nguyễn Hoàng Việt, xin trả lời cán bộ: dạ, thưa được.

Việt ngồi xuống. Ông cười. Nếp nhăn hai bên má ông sâu xuống. Lưỡng quyền nhô lên. Hàm răng vẫu, vàng khói thuốc, lộ rõ. Ông tiếp:

– Anh Việt nói được, còn cả hội trường, ai nói không được, thử đưa tay lên coi nào?

Hội trường im phăng phắc. Tù ngơ ngác nhìn nhau. Yên lặng. Yên lặng là đồng ý! Tù “đồng ý” là cải tạo được. Vì cải tạo là tư tưởng. Tư tưởng đâu có liên quan gì đói hay no. Trong truyện phim Cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn, đã được học tập, chiến sĩ Nam sốt đến 41 độ C nhưng nhờ tư tưởng vững mạnh nên vượt qua cả bệnh để tiếp tục chiến đấu cơ mà! Do vậy, bệnh tật đâu có ảnh hưởng gì đến tư tưởng! Đảng bảo được, thì dĩ nhiên là được. Đảng bảo khắc phục, thì dĩ nhiên là khắc phục. Đảng như không khí, trùm lấp khắp nơi. Đôi mắt của Đảng nhìn thấy tất cả. Xuyên qua bóng đêm. Thấy cả những giấc mơ của tù, kể cả trong việc đi ỉa, đi đái (vì nội quy trại bắt buộc, ban đêm tù ra khỏi chỗ ngủ, đều phải nói to vào bóng đêm: xin phép cán bộ tôi đi đái hay xin phép cán bộ tôi đi ỉa). Trong đêm thanh vắng, tĩnh mịch nơi núi rừng, cứ vang vang tiếng đi ỉa đàng nầy, tiếng đi đái đàng kia. Tiếng ỉa, đái rõ ràng thay vì dùng tiếng khác tế nhị, lịch sự. Loại ngôn ngữ thô lỗ nầy là hình thức giải tỏa những dồn nén, thay cho tiếng chưởi vào tai cán bộ.

Vô tình, Đảng là bóng đêm đầy đe dọa, đang rình mò những việc riêng tư nhất của con người!

Ông chín ngón trại trưởng, đại diện cho Đảng, cho nên ông thấy hết, ông biết hết. Nhân danh Đảng, ông bắt mọi người tuân hành. Rồi ông mở lại điệp khúc khoan hồng nhân đạo, yên tâm cải tạo tốt, đường lối chính sách trước sau như một (dù cái thông cáo tập trung cải tạo hai tuần của chính phủ Cộng Hòa Giải Phóng Miền Nam Việt Nam vẫn còn đó).

Có bao giờ ông Đại Úy trại trưởng chợt hỏi trong đêm: Đảng, Đảng là ai mà giờ nầy chính bản thân ông và đơn vị của ông cứ lận đận trong rừng sâu cả cuộc đời? Đố ai biết! Ông đang sống không vợ con, không nhà cửa. Ăn theo tiêu chuẩn, có chút cơm, nhưng cũng phải độn khoai, sắn dù ông đang có quyền, cái quyền trên ba trăm sinh mạng tù. Thứ quyền nhờ ông đang có khẩu súng bên hông. Còn ngoài ra ông không có được cái gì cả. Không có được đời sống của chính ông. Tù đói canh chừng ông hơn canh chừng một con cọp. Vì con cọp có thể vồ con mồi bất cứ lúc nào. Nhưng con cọp là con cọp, con cọp không thể là con người! Đảng là ông. Ông là con cọp. Con cọp thì làm sao khuất phục được con người? Người tù!

Có thể ông biết nhưng bổn phận ông phải nói, ông cứ nói. Có thể ông không biết, vì ông tin là Đảng hoàn toàn sáng suốt. Ông Tố Hữu đã ca ngợi ba mươi năm đời ta có Đảng, Đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng! Ông Tố Hữu là Nguyễn Du thứ hai của Việt Nam, các ông bên văn học ở Hà Nội nói vậy, chẳng lẽ họ sai? Nhưng nếu đúng, thì ông rất có công với Đảng! Chính Ủy nhìn ông. Các đồng chí nhìn ông. Ông phải đi tới!

Ba ngày tết qua đi. Đời tù không mới như mùa xuân đang về. Rừng núi vây quanh vẫn đầy đe dọa và bí hiểm. Khẩu phần ăn ngày một tuột dốc. Sắn tươi không có, khoai bắp không có, đừng nói gì đến cơm! Liên tục là sắn. Sắn xắt lát đã lên màu xanh, loại sắn xắt lát nhưng không có nắng để phơi nên ẩm mốc và bốc mùi. Có lẽ heo cũng không muốn ăn nhưng giờ đây là khẩu phần chính của tù. Tiêu chuẩn được một chén. Lúc nhão. Lúc khô. Lúc đầy thêm một tí. Lúc vơi đi một tí. Muối cũng thiếu và được hòa tan trong nước, vì họ sợ tù tích trữ muối để trốn trại, nên phải dùng muỗng để chia.

Rừng chung quanh không có gì để cải thiện. Những nơi khác còn có rau tàu bay, rau kim thất, nhưng ở đây chúng cũng không mọc lên nổi. Tù quơ quào cây lá hai bên đường khi đi lao động, như đàn bò bị lùa đi, nhưng mồm cứ ngoạm đại một chút lá xanh xanh bên đường. Đội rau xanh, bao nhiêu giống gieo xuống đều không thấy một cây nào mọc lên. Tại đất? Tại nước? Tại giống? Tại khí hậu? Hay tại tù? Tù không biết. Một vùng đất thật khắc nghiệt. Sức khỏe ngày một tồi tệ.

Những bộ xương tù di động. Dật dờ!

– Ngày mai ba đội đi dỡ sắn. Sáu giờ sáng sẽ rời trại!

Chưa bao giờ tin đi lao động lại được tù hoan hỉ đón nhận như vậy. Những người bệnh nhẹ cũng đi. Đường thì chắc hẳn xa vì phải khởi hành sớm, nhưng cũng không cần đắn đo. Đi. Phải đi để kiếm sống. Kiếm chút gì bỏ vào bụng.

Bụng đói đầu gối phải bò!

Buổi tối, nằm suy nghĩ cách “chôm”. Những tù thân nhau đặt cả kế hoạch riêng. Phải chôm như thế nào để thoát được quản giáo. Thoát được vệ binh. Để đem được vô cổng trại! Những cây đòn để khiêng bằng dang loại lớn, được âm thầm đục xuyên các mắc bên trong, chỉ chừa một mắt đầu cùng. Những lát sắn xắt nhỏ, những củ sắn vừa phải, sẽ được lột vỏ, luồn vào, rồi dựng đứng cây đòn lên như không có chuyện gì xảy ra. Những mảnh niềng sắt nhỏ, mảnh thiếc các lon sữa bò, được mài bén và nhọn để sẵn sàng xắt nhỏ các củ sắn trong thời gian nhanh nhất. Đựng vào ống bương. Đựng vào bi đông. Đựng vào bình chứa nước. Đựng vào lon lọ. Đựng vào bất cứ thứ gì có thể đựng được. Chọn bộ quần áo nào dày và rộng, có may sẵn các túi bên trong. Thực sự thì bộ quần áo nào đối với tù bây giờ cũng rộng thùng thình cả, vì thân xác chỉ còn là da và xương. Cái quần được treo lủng lẳng trên hai xương hông nhờ sợi dây lưng buộc nơi bụng. Chưa bao giờ có một âm mưu chôm nào to lớn như vậy, đối với tù. Đó là thành quả của ba năm tù, từ Nam ra Bắc. Đó là kết quả của các lần biểu dương học tập tốt, lao động là quang vinh, mà Đảng muốn đào tạo. Từ những con người trí thức, lương thiện, đã trưởng thành trong nền giáo dục nhân bản, thoáng chốc đã trở thành con người mới: con người Xã Hội Chủ Nghĩa!

Tù mừng rơn, khi giờ giải lao tại hiện trường dỡ sắn được cho kéo dài. Trời lại mưa bụi, sình lầy nhầy nhụa, nên quản giáo và vệ binh trú trong nhà dân. Giờ nghỉ trưa là thời điểm tù tranh thủ cật lực nhất. Như một đàn khỉ rừng tràn về phá nương rẫy! Tha hồ lựa sắn ngon mà ăn. Củ sắn lớn không ngon bằng củ sắn nho nhỏ, dài dài. Dòn và ngọt. Mọi kế hoạch chuẩn bị trong đêm qua đều được thực hiện chu đáo.

Đường về thì nặng và xa nhưng tù khiêng chung với nhau tiếp tục bàn bạc để khi về đến kho giao nộp cho hậu cần không gặp trở ngại, sau đó tập họp vô cổng trại được an toàn. Toan tính, hồi hộp, âu lo, làm đường dài như ngắn lại. Khát nước cũng cắn răng chịu đựng, vì bi đông, ống bương, gô coóng, đều đầy ắp sắn. Quần áo cũng bớt rộng thùng thình, vì sắn lớn, sắn nhỏ, được cài cùng khắp. Trời lại mưa dai dẳng, ướt đẫm, giúp cho việc ngụy trang được dễ dàng hơn. Những trái tim bình tĩnh, chai lỳ trong chiến trận trước kia, giờ đây lại đập vang cả lồng ngực khi sắp vào đến kho hậu cần. Lúc nầy thì những cây đòn khiêng đã được dựng lên đây đó. Nơi thì hàng rào, nơi thì gốc cây. Tù dùng tay khiêng mấy chục ký sắn để cân nhập kho. Lệnh ông quản giáo là chờ tất cả nhập kho xong các đội mới được tập họp vô trại. Cho nên tù nhập kho trước quay ra đứng lớ ngớ, hoặc ngồi chuyện vãn với nhau, trông thật hiền lành. Khi tù cuối cùng cân xong thì ba ông quản giáo xuất hiện cùng một lúc, ra lệnh tập họp, khác với ngày thường khi vừa về đến trại thì các ông quản giáo đã biến mất và giao hai ông vệ binh tập họp, đếm rồi cho vô trại. Tù nhìn nhau hồi hộp, nhưng vẫn hy vọng. Hy vọng luôn luôn là cái đặc biệt nhất của con người trong những éo le gay cấn. Vẫn hy vọng. Hy vọng mấy ông quản giáo lên lớp ngắn, gọn, nhận xét lao động trong ngày, rồi cho vào trại. Nhưng tất cả vệ binh không lơ đễnh như hàng ngày. Vệ binh chia nhau đứng rải rác khắp nơi. Có vệ binh đứng gần một số đòn khiêng đang dựng ở bờ rào. Có vệ binh đứng gần ở những lùm bụi. Bình thường mặt ông quản giáo nào cũng mét mét, tai tái, nhưng hôm nay lạnh lùng hơn. Chì chiết hơn, dõng dạc:

– Các anh nới rộng hàng. Trật tự trại cùng các đội trưởng, lục soát kỹ từng người. Không để sót bất cứ vật dụng gì.

Tù xanh mặt. Đứng yên như phỗng. Ba ông quản giáo trực tiếp xét từng người một. Một ông vệ binh dời một cây đòn sắp ngã, ngạc nhiên vì cây đòn rất nặng. Cây đòn được hạ xuống. Những cây đòn được hạ xuống. Ông vệ binh gom hết lại. Những bi đông, những gô[1], những coóng[2], những ống bương, bình đựng nước chất thành đống. Từng tù một, dang tay, dạng chân như kiểm tra vũ khí. Vài tù đau lòng quá, co cượng, bị những cái tát xiểng liểng. Đám tù bây giờ mới thật sự thê thảm.

Bầy khỉ rừng đã tung hoành nơi rẫy sắn, bây giờ đứng chết dí, vì những chiếc vòng kim cô của Phật Bà Quan Âm[3]! Những Tôn Ngộ Không ứa máu!

Ông quản giáo mặt mét như chì. Lạnh lùng:

– Tịch thu tất cả! Cho vào trại!

Không tù nào nói với nhau câu nào. Tất cả yên lặng vào cổng. Mỗi tù đau khổ khác nhau. Riêng Nghiêm thì quặn thắt: mất cái bi đông màu ô liu có dòng chữ nổi QLVNCH đã được cấp phát từ ngày đầu vào lính. Ngày 13 tháng 7 năm 1968.

Vào lán, Tiêu than:

– Mất cái gô, hết đường ca coóng. Chỉ an ủi còn được cái nầy.

Tiêu kéo trong đáy quần ra một bọc nhỏ chứa củ sắn khá dài, đã lột vỏ trắng phau, được Tiêu đeo tòn teng giữa háng.

Hôm sau, ngoài hiện trường lao động, nghe hai ông vệ binh nói chuyện:

– Kế hoạch cả đấy! Có thế chúng mình mới có sắn ngoài tiêu chuẩn chứ lỵ.

____

[1] Lon sữa hộp guigoz bằng nhôm được buộc sợi dây kẽm trên miệng để có thể móc trên một nhánh cây, đứng từ xa có thể đưa vào trong lửa để nấu.

[2] Cái ca bằng nhôm được dùng như cái nồi

, để nấu

[3] Truyện Tây Du Ký

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây