Vượt trên quan hệ ngoại giao bình thường giữa Trung Quốc và Việt Nam

LTS: Một bài viết đưa ra nhiều quan điểm rất lạ, của một giáo sư Trung Quốc và một nghiên cứu sinh tiến sĩ, người Việt Nam, cô Đỗ Quỳnh Anh, hiện là nghiên cứu sinh ngành Quan hệ Quốc tế, tại Đại học Cát Lâm, Trung Quốc.

Bài viết này, nếu không thấy tên tác giả là người Việt Nam, có thể nói, rất giống những bài xã luận đăng trên Hoàn Cầu Thời báo hoặc Nhân Dân Nhật báo Trung Quốc, mà dịch giả Trung Nguyễn nói rằng: “Cô Đỗ Quỳnh Anh này đi khám ADN chắc có gen là người Trung Quốc“.

____

Modern Diplomacy

Tác giả: Wang Li Đỗ Quỳnh Anh

Dịch giả: Trung Nguyễn

17-11- 2017

Người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội. Ảnh: internet

Đối với đa số các học giả bị ám ảnh bởi lý thuyết thực dụng, Trung Quốc và Việt Nam không thể duy trì một mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau do những ký ức lịch sử và quan ngại địa chính trị. Ngay cả Henry Kissinger đã lập luận rằng, “với sự sụp đổ của Sài Gòn vào năm 1975, sự cạnh tranh mang tính tự nhiên và lịch sử giữa hai nhà nước cộng sản sẽ bắt đầu, dẫn tới một chiến thắng của địa chính trị đối với ý thức hệ”.

Như vậy, Bắc Kinh đã bị bắt buộc phải đối mặt với một cơn ác mộng chiến lược từ biên giới phía Nam. Đúng một phần, nhưng đó không phải là bức tranh toàn cảnh của mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam trong những thập niên vừa qua.

Trung Quốc và Việt Nam, mặc dù có tranh chấp lãnh thổ, đã có thể duy trì mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu rộng và những liên hệ chính trị bền vững. Vượt trên quan hệ ngoại giao bình thường giữa Bắc Kinh và Hà Nội, có một sự kết nối mạnh mẽ trong sự đoàn kết giữa hai đảng cầm quyền. Do đó, từ ngày 10 đến 13/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng là Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (CPC), đã có một chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, nơi ông đã gặp những quan chức cao cấp nhất của đất nước này. Đã có tường thuật rằng cả hai phía, trên cơ sở đồng chí và anh em, đã tiếp tục trao đổi cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước.

Thật vậy, cần thiết phải ghi chú rằng Trung Quốc có ba kênh ngoại giao với nước ngoài trên khắp thế giới. Đầu tiên, quan hệ ngoại giao giữa chính phủ và chính phủ là sự công nhận bình thường lẫn nhau; do đó, nó có ý nghĩa pháp lý. Thứ hai, sự thông thái của Trung Quốc lập luận rằng, mối liên hệ kinh tế, văn hóa và nhân dân là cơ sở cho ngoại giao. Thứ ba, Trung Quốc rất chú ý tới việc liên lạc giữa các đảng cầm quyền của nước ngoài. Là một quốc gia cộng sản, Trung Quốc hiển nhiên cam kết vào đối thoại với các đảng cầm quyền của các nhà nước cộng sản khác như Cuba, Việt Nam, Lào và Bắc Hàn. Do chỗ Việt Nam là nền kinh tế năng động nhất, cởi mở và phát triển nhanh giữa bốn anh em cộng sản, trong ba ngày viếng thăm Hà Nội, Tập Cận Bình đã thúc đẩy một cách thông minh lòng tin lẫn nhau, và cả hai bên đã đồng ý làm việc trên nền tảng đồng thuận đã có, nhằm liên tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – Việt Nam.

Xem xét khía cạnh đó, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng chuyến thăm của ông tới Việt Nam là để củng cố tình bạn thân thiết lâu năm, làm sâu sắc sự hợp tác trên thực tế, và vẽ ra các kế hoạch cho một tương lai sáng ngời của mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều giữ vững sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội, làm mạnh mẽ hơn sự đoàn kết và hợp tác, và theo đuổi sự phát triển và thịnh vượng chung, cũng chính là nằm trong lợi ích căn bản của hai dân tộc, dẫn tới hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trung Quốc sẵn sàng làm việc cùng Việt Nam nhằm thực hiện các chính sách 16 chữ vàng và 4 tốt: “ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, hữu nghị láng giềng, hợp tác toàn diện” trong tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, để đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì sự phát triển không ngừng. Trong khi đó, Trung Quốc và Việt Nam đã có những bước đi tiên phong nhằm quản lý bất đồng. Qua ý tưởng tôn trọng lẫn nhau và lợi ích qua lại, cả hai quốc gia đều cam kết tìm một giải pháp cho tranh chấp lãnh hải, chấp nhận được bởi cả hai phía. Như một học giả Trung Quốc đã lập luận, các mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam đặc biệt và đã có lịch sử lâu dài. Liên lạc chặt chẽ trong quản trị công giữa hai quốc gia và hai đảng sẽ giúp tăng cường mối tin cậy chính trị, vốn rất quan trọng cho sự hợp tác song phương toàn diện hơn nữa trong thời đại mới.

Luôn là như vậy, tình bạn giữa hai nhà nước không bao giờ là đầu môi chót lưỡi. Do đó, một loạt đồng thuận quan trọng đã đạt được Trung Quốc và Việt Nam biến thành kết quả thực tế. Về kinh tế và thương mại, Trung Quốc đã mời Việt Nam tham gia vào “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, vốn là phần cốt lõi trong chiến lược phát triển của Trung Quốc cho những thập kỷ tới, bao gồm cả vùng kinh tế xuyên biên giới và nhiều dự án quan trọng khác. Trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ nhập khẩu hàng tỷ đô-la Mỹ hàng hóa từ Việt Nam và đầu tư vào Việt Nam, cam kết hơn 10 tỷ đô-la Mỹ vào hơn 500 dự án, như cơ sở hạ tầng, giáo dục, văn hóa và du lịch. Trong chuyến thăm của ông Tập tới Việt Nam, cả hai phía cũng đã ký hàng loạt thỏa thuận và nghị định thư liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp, hàng không, năng lượng tái tạo, quản trị tài chính, an ninh song phương và kiểm soát biên giới. Cùng với đó, trong quan hệ nhân dân, Chủ tịch Tập đã dự buổi khai trương Cung hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, đã được xây với sự giúp đỡ của Trung Quốc. Tòa nhà này sẽ là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, xã hội và văn hóa, biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Tòa nhà cũng là món quà của Trung Quốc dành cho nhân dân Việt Nam, như thế hai quốc gia sẽ có cơ sở vật chất để tiến hành các hoạt động hữu nghị và trao đổi văn hóa, và tổ chức các sự kiện quốc tế khác.

Tóm lại, cả Trung Quốc và Việt Nam đều là nhà nước có chủ quyền với ham muốn mãnh liệt trở thành các cường quốc mạnh mẽ và văn minh. Những thành công trước đây và kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ và những vấn đề khác đã cho hai nước này sự tự tin, và tạo cảm hứng cho cả hai quốc gia nắm tay nhau trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, bình đẳng và thịnh vượng. Trong thời đại toàn cầu hóa, cả hai quốc gia cam kết sẽ tiếp tục sự nghiệp cải cách, đổi mới và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về chế độ đảng trị và hành chính công. Ông Tập đã nói với những người đồng cấp ở Việt Nam rằng, Trung Quốc sẵn lòng làm việc với Việt Nam để tăng cường hơn nữa mối quan hệ toàn diện lên mức chưa từng có trong tất cả mọi lĩnh vực.

____

Tác giả:

Đỗ Quỳnh Anh, người Việt Nam, hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, tại Đại học Cát Lâm (Jilin), Trung Quốc.

Wang Li là Giáo sư Quan hệ Quốc tế và Ngoại giao tại Trường Các vấn đề Công cộng và Quốc tế, tại Đại học Cát Lâm, Trung Quốc.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây