Bản tin ngày 17-11-2017

Tin trong nước

Tin Biển Đông

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Năm tài công nhận án tù của Indonesia, một kêu oan. Sáng qua, Tòa án Ranai, tỉnh Natuna, Indonesia, mở phiên xét xử 6 ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ. Năm ngư dân gồm: Võ Văn Tuấn và Lê Văn Thức ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Nguyễn Quang Thanh và Nguyễn Văn Nguyên ở Bình Định, Đỗ Được ở Bình Thuận. Cả năm ngư dân bị tuyên án tù từ 4-6 tháng và bị phạt hàng trăm triệu rupiah.

Riêng ngư dân Hứa Minh Trung vẫn một mực kêu oan và cho rằng ông bị bắt khi đang đánh cá trên vùng biển Việt Nam. Ông Trung đưa bản đồ, chỉ vào đó và cho rằng ông đánh bắt đúng khu vực được cơ quan chức năng Việt Nam hướng dẫn. Ông đề nghị bên công tố trưng ra máy định vị trên tàu của ông vào thời điểm ông bị bắt để xem tọa độ. Ông Trung nói: “Tôi đánh bắt đúng theo quy định, không vi phạm chủ quyền biển của Indonesia. Đề nghị đại diện Đại sứ quán vào cuộc bảo vệ quyền lợi cho tôi...”

Phiên xử tài công Hứa Minh Trung – Ảnh: Ái Nhân/ báo TT

Có hai người của ĐSQ Việt Nam đến dự phiên tòa, gồm ông Trần Minh Cừ, tham tán phụ trách chính trị và ông Nguyễn Thanh Giang, bí thư thứ 3 phụ trách lãnh sự tại Indonesia. Nhưng mục đích của hai viên chức ngoại giao này đến để “chứng kiến, ghi nhận các thông tin từ phiên xét xử. Tiếp nữa là ghi nhận việc ngư dân kêu oan”, rồi sau đó “báo cáo về cho Bộ Ngoại giao để xin ý kiến”, chứ không biết làm gì để bảo vệ ngư dân.

RFI đặt câu hỏi: Liệu Trung Quốc sẽ phá dự án Cá Voi Xanh của ExxonMobil tại Việt Nam? Về dự án khai thác Cá Voi Xanh, Việt Nam hợp tác với ExxonMobil của Mỹ, dự tính thông báo hồi tuần trước, đã gặp trở ngại. Phát biểu tại diễn đàn APEC hôm 7/11, ông Liam Mallon, giám đốc ExxonMobil Development Company,  nói rằng “Có những thỏa thuận đặc biệt mà chúng tôi cần phải bàn bạc và hoãn lại quyết định đầu tư đến năm 2019“.

Giáo sư Carl Thayer cũng lo ngại về sự đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp dầu khí ở VN. Ông Thayer nhận định: “Nếu Việt Nam ngưng hẳn thăm dò, sẽ gây tác động lâu dài đến các hợp đồng hiện nay với các công ty nước ngoài, và nhất là an ninh năng lượng của Việt Nam trong tương lai”.

RFI có bài: Biển Đông: ASEAN kêu gọi ‘‘phi quân sự hóa’’, nhưng tránh chỉ trích Bắc Kinh. Dẫn nguồn từ báo chí Philippines, thông báo chung của ASEAN có đoạn: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và cổ vũ cho hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, trật tự và quyền tự do hàng hải tại Biển Đông”.

VOA có bài: Bắc Kinh và Manila ‘tránh dùng vũ lực’ ở Biển Đông. Dẫn nguồn từ Reuters, Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc và Philippines đồng ý “không nên để xảy ra bạo lực hoặc đe dọa bạo lực, và tranh chấp nên được xử lý thông qua đàm phán giữa ‘các nước có chủ quyền liên quan’.”

RFI có bài viết về cỗ máy “chế tạo đảo”: Bắc Kinh hạ thủy tàu nạo vét khổng lồ với Scarborough trong tầm nhắm. Theo chuyên gia Pháp, “cho dù phần lớn các công trình bồi đắp đảo ở Trường Sa xem như đã hoàn tất, nhưng bãi Scarborough, ở phía đông của Biển Đông, là nơi cần đến một công trình bồi đắp to lớn hơn rất nhiều so với những gì được thực hiện đến nay. Do đó, sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu chiếc Thiên Côn Hiệu được trưng dụng vào công trình nạo vét ở Scarborough”. Và có thể nhắm tới những đảo ở Trường Sa của Việt Nam mà TQ chưa chiếm được?

Mời  đọc thêm: Trung Quốc và Philippines đồng ý tránh vũ lực ở biển Đông (RFA). – Trung Quốc cam kết không dùng vũ lực với Philippines ở Biển Đông (TN). – Đàm Phán COC: Một Số Câu Hỏi Ban Đầu (ĐSKBĐ/ TD). – Cướp mộ biển sâu (NLĐ). – Giúp ngư dân không trở thành “ngư tặc” (DV). – Quy định IUU phải ‘ngấm’ vào máu ngư dân!  —  Gần 1.000 tàu thuyền nằm bờ do Cửa Đại bồi lấp, ngư dân ‘thất nghiệp’ (NNVN). – Cá chết hàng loạt ở vịnh Đà Nẵng có thể do bị đánh thuốc nổ (LĐ).

Quan hệ Việt – Trung

Đài Tàu CRI đưa tin: Chuyên gia Việt Nam cho rằng quan hệ Việt Nam-Trung Quốc sẽ bước lên tầm cao mới. CRI dẫn lời các quan chức và cựu quan chức VN như: chuyên gia kinh tế Việt Nam Võ Đại Lược, ông Đỗ Tiến Sâm, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện KHXH Việt Nam, ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ca tụng mối quan hệ Việt – Trung khi trả lời phỏng vấn truyền thông TQ như Tân Hoa xã.

Facebooker Nguyễn Ngọc Chu có bài: APEC 2017 và vóc dáng lãnh tụ. Bài viết có đoạn: “Trung Quốc luôn kiên trì đàm phán song phương để ỷ thế nước lớn bắt nạt nước bé. Nổi cộm là vấn đề lãnh thổ và BIỂN ĐÔNG NAM Á. Trung Quốc xem mọi cố gắng đa phương hóa là sự can thiệp của bên ngoài và không bao giờ chấp nhận. Đừng ngây thơ tin vào diễn văn mà ông Tập Cận Bình đã đọc. Hơn nữa cũng đừng tin hoàn toàn vào các hiệp ước mà Trung Quốc đã đặt bút ký. Lúc cần người ta sẽ xóa bỏ như một tờ giấy lộn. Hãy đọc lại Lịch sử để không phải hoài nghi về điều đó“.

RFA có bài: Sức mạnh “mềm” của Trung Quốc sẽ được tăng cường qua Cung hữu nghị Việt-Trung? GS Ngô Đức Thọ cho biết: “Trong khi tuyên truyền về văn hóa Trung Hoa sẽ bao gồm tất cả tư tưởng chủ nghĩa bành trướng hiện đại của Trung Quốc. Vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề rất lớn. Đây không phải là chuyện ngoài Biển Đông đâu, mà là mang tư tưởng bành trướng Đại Hán cắm ngay ở thủ đô Hà Nội. Tôi cho đó là một sự xúc phạm rất lớn đối với những tư tưởng độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam“.

Tiến sĩ Vũ Cao Phan, cựu Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Trung, cho biết: “Tôi hoan nghênh việc Trung Quốc phát triển văn hóa khắp thế giới. Nhưng chúng ta phải luôn luôn thấy rằng trong phát triển và quảng bá văn hóa thì Trung Quốc luôn luôn đưa những mục đích khác vào. Có thể là Trung Quốc sẽ rất khôn khéo đưa những vấn đề liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa, Biển Đông một cách nào đó qua quảng bá của họ để tuyên truyền”.

Mời đọc thêm: Ông Tập Cận Bình: Các quốc gia nên sống hoà thuận với nhau để mình tao làm bá chủ… huhu (Tin Việt). – EU phát hiện thép Trung Quốc phù phép thành thép ‘Made in Vietnam’ để trốn 9,6 triệu USD tiền thuế (NĐT). – Đoàn tháp tùng ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam vừa qua có gì đặc biệt? (Zing).

Chuyến Á du của Trump

Tuổi Trẻ đưa tin: Tổng thống Mỹ khẳng định công du châu Á thành công vang dội. “Ông khẳng định nước Mỹ chưa bao giờ được tôn trọng như hiện nay trên toàn cầu và người Mỹ một lần nữa ‘lạc quan về tương lai, tự tin vào các nguyên tắc và tự hào về lịch sử và vai trò của chúng ta trên thế giới’.”

Còn đây là nguyên văn bài phát biểu của ông Trump, tổng kết chuyến Á du của Tổng thống Mỹ đăng trên website tòa Bạch Ốc, trong đó: Thủ tướng Việt Nam được gọi là Thủ tướng ‘Fook’. Bài phát biểu tổng kết chuyến Á du của Trump có đoạn: “Tại Việt Nam, trong chuyến thăm cấp nhà nước ở Hà Nội, tôi cũng đã gặp Chủ tịch Quang và Thủ tướng Fook để thảo luận về mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước”. Có vẻ như cách viết này giúp ông Trump phát âm tên ông Phúc chuẩn hơn, vì nhiều khi phát âm tiếng Anh tên của ông Phúc “nhạy cảm” quá.

Tạp chí The Atlantic của Mỹ có bài phân tích bài phát biểu của ông Trump qua chuyến đi này, với cái tựa: Trump rất khao khát được tôn trọng. Bài viết nói rằng, Trump chẳng mang được gì về cho nước Mỹ, ngoại trừ “vài món quà lưu niệm và một sự hoài nghi”. Nói như kiểu TBT Trọng thì “mình có như thế nào mới được người ta mời tới và được đón tiếp như thế”. Cả hai ông Trump – Trọng đều giống nhau ở điểm này: luôn khao khát được mọi người tôn trọng.

VOA có bài: Tổng thống Trump ‘báo cáo’ về chuyến Á du. Đặc biệt về vấn đề hạt nhân Bắc Hàn, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi nhất trí với nhau rằng sẽ không chấp nhận một thỏa thuận gọi là ‘đình chỉ đổi lấy đình chỉ’ như những thỏa thuận đã bất thành trong quá khứ”. RFI có bài: Bắc Triều Tiên, thương mại: Tổng thống Trump khoe những tiến triển sau chuyến công du châu Á.

Trump, Trọng: thi nhau nổ

Bên Mỹ, Trump khoe “thành công vang vội”, bên Việt Nam, ông Trọng cũng không chịu thua “Cơ đồ Việt Nam chưa bao giờ có được như ngày hôm nay”. Tạp chí CS có bài: Tổng Bí thư: Vai trò, vị thế Việt Nam chưa bao giờ được như hôm nay. Trong chuyến thăm tới Làng văn hóa Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, ông Trọng tuyên bố:

Tư tưởng đoàn kết của Đảng, của Bác Hồ đã có từ lâu và xuyên suốt gần chín chục năm qua, chính vì vậy đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân đi theo Đảng, Bác Hồ thực hiện các nhiệm vụ cách mạng đề ra trong từng giai đoạn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và có được cơ đồ như ngày hôm nay. Vai trò, vị thế Việt Nam, cơ đồ Việt Nam chưa bao giờ có được như ngày hôm nay. Đó là nhờ công lao to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tập hợp, đoàn kết toàn dân“.

Báo SGGP có bài: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Ngăn chặn tình trạng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”. Cũng tại Hải Phòng, trong buổi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt tại đây, ông Trọng cảnh báo: “cần nhận thức sâu sắc hơn nữa, nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, không phải chỉ là mấy triệu đảng viên, mà liên quan đến cả hệ thống chính trị, cả tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, cả phương thức, lề lối làm việc. Công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân… cần hết sức thấm thía, từ đó ngăn chặn tình trạng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị“, ngăn chặn cho được tình trạng tha hóa, hư hỏng, tư tưởng dao động không vững vàng, kèn cựa nhau…”

Mới giúp 5 triệu đô đã thành bạn “chân chính”

Báo Sputnik của đồng chí “lái súng” Putin lên tiếng: Bạn chân chính là người đến giúp trước tiên. Bài báo dẫn lời ông Pham Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương cho biết: “Mỹ giàu hơn Nga, thường nói ‘hào hiệp, phóng khoáng giúp các nước khác’, nhưng với Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại.

Để giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão lụt các tỉnh miền Trung Việt Nam vừa qua, Nga công bố sớm và làm ngay viện trợ 5 triệu USD cho Việt Nam, kêu gọi các nước giúp Việt Nam, còn Mỹ cách đây 2-3 hôm công bố giúp Việt Nam 1 triệu USD. Thật đáng suy nghĩ qua câu chuyện này. Trước đây trong chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước, Nga ra sức giúp vũ khí, vật chất và cả sương máu cho Việt Nam, còn Mỹ thì ra sức phá hoại, tàn phá, giết chóc người Việt Nam“.

Còn ông Trịnh Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga thì “hoàn toàn đồng ý với ý kiến này”, đồng thời khẳng định: “Viện trợ của Nga được cung cấp cho các nạn nhân cơn bão tái khẳng định sự vững bền của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước chúng ta, một lần nữa cho thấy ai là người đến giúp trước tiên trong cơn hoạn nạn. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Putin, người khởi xướng việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Việt Nam, đã được đón tiếp rất nồng hậu ở Đà Nẵng“. Bạn Nga “chân chính” mà lúc Việt Nam bị Tàu đánh, chẳng thấy mặt “bạn” này ở đâu.

Còn đây là viện trợ của ASEAN: Asean viện trợ sau bão Damrey. ASEAN vừa gửi 17 tấn hàng viện trợ trị giá 175,000 đô la sau bão Damrey cho Việt Nam vào ngày 16/11.

Nhân quyền ở Việt Nam

BBC đặt câu hỏi: Việt Nam: Tự do Internet dậm chân tại chỗ? Freedom House, tổ chức đánh giá dân chủ do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, xếp hạng Việt Nam 76/100 trên mức thang tự do Internet. Bản báo cáo cho biết: “Từ 2013, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng an Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tuyên bố thành phố có một đội ngũ ‘dư luận viên’ 900 người, được ‘giao nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền tư tưởng cho Đảng’.  Đội ngũ này đã thành lập 18 trang web và hơn 400 tài khoản để giám sát và định hướng thảo luận trên mạng về mọi chủ đề từ chính sách đối ngoại đến tranh chấp đất đai”.

Luật Khoa có bài: Freedom House: Việt Nam dẫn đầu châu Á về kiểm duyệt Internet sau Trung Quốc. Việt Nam bị Freedom House liệt vào nhóm 10 nước cản trở tự do Internet nhất trong số 65 quốc gia được đánh giá và dẫn đầu châu Á, chỉ sau Trung Quốc về kiểm duyệt nội dung trên Internet.

Báo cáo của Freedom House cho rằng, chính quyền Việt Nam đang sử dụng “hai chiến thuật” để thao túng mạng internet, là “dư luận viên nhận tiền từ nhà nước” và “truyền thông thân nhà nước & tuyên truyền“.

Biểu đồ Tự do Internet 2017. Ảnh: internet

Global Voice có bài: Hãy ngưng đàn áp Việt Nam: Các nhóm toàn cầu kêu gọi bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. NOW! (Ngay bây giờ) là chiến dịch do 14 tổ chức nhân quyền thành lập, kêu gọi trả tự do cho 165 tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Theo dữ liệu của chiến dịch này cho biết, các tù nhân lương tâm Việt Nam,  đang chịu tổng hình phạt 955 năm và một tháng tù, thêm 204 năm quản chế. “Hầu hết những người này đều bị buộc tội vi phạm điều 79 Bộ luật Hình sự: ‘âm mưu lật đổ chính phủ’, và điều 88: ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’. Nhưng Tổ chức Civil Rights Defenders, một trong những thành viên của chiến dịch ‘NOW!’ nói rằng, số tù nhân lương tâm có thể cao hơn“.

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến có clip nói về việc Công an Việt Nam bắt giữ người trái pháp luật, ngay trước Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam”

Công an Việt Nam bắt giữ người trái pháp luật ngay trước Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam.#HumanRightsViolation #EU_VNDialogue #Arrests #Standup4YourRights

Publié par Nguyen Chí Tuyen sur jeudi 16 novembre 2017

BBC có bài: Bộ trưởng Thụy Điển ‘sẽ gặp xã hội dân sự VN’. Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển cho biết: “Tôi cũng sẽ gặp gỡ thanh niên Việt Nam và các nhà hoạt động xã hội dân sự”, trong chuyến thăm tới ba nước ở châu Á từ ngày 19-23 tháng 11.

Các tổ chức nhân quyền lên tiếng: Trump bị chỉ trích vì ‘làm ngơ’ nhân quyền khi thăm Châu Á. VOA trích Giám đốc vận động của tổ chức Phóng viên Không biên giới, Margaux Ewen, nói: “Lãnh đạo một số quốc gia đàn áp ký giả nhất thế giới đang chứng kiến Tổng thống Mỹ đánh giá Tu chính án Thứ nhất tới mức tối thiểu như thế nào. Điều này hoàn toàn có hại cho các nỗ lực của Mỹ trong tương lai muốn thúc đẩy phóng thích blogger và ký giả tại những nước như Việt Nam, Trung Quốc, hay kêu gọi để ký giả tại Philippines được bảo vệ tốt hơn”.

VOA có bài: Các nhà tranh đấu VN: TT Trump thấy kinh tế, quên nhân quyền. Từ Khánh Hòa, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo nêu ý kiến: “Kỳ này ông Trump đã làm tôi và một số anh em tranh đấu cho quyền tự do dân chủ tại Việt Nam rất thất vọng vì ông đây mà không hề nói năng gì đến nhân quyền”.

Mời đọc thêm: Giới hoạt động dùng phim ảnh giúp dân Việt ‘vượt qua nỗi sợ hãi’Các nhà tranh đấu VN: TT Trump thấy kinh tế, quên nhân quyền (VOA). – TỰ DO BIỂU ĐẠT TRONG GIỚI HẠN CỦA VĂN HÓA (NCTG). – Những nhà văn bị cầm tùTổng thống Trump, vị thế nước Mỹ và nhân quyền ở Việt Nam (RFA).

Xây dựng đặc khu

Báo The Leader có bài: GS. Đặng Hùng Võ: “Đặc khu kinh tế mà phải theo luật chung là tư tưởng hẹp hòi”. Về việc giao đất ở đặc khu kéo dài tới 99 năm, ông Đặng Hùng Võ cho rằng: “99 năm hay thậm chí là hơn nữa thì cũng không ảnh hưởng gì. Thời hạn sử dụng đất cho sản xuất kinh doanh chỉ là mốc xác định quyền của các chủ đầu tư là đến vậy, còn việc vượt quá thời hạn còn phải có sự chấp thuận và đồng ý từ cơ quan quản lý“.

Theo ông Võ, chính sách đất đai hiện có hai nhược điểm chính. Thứ nhất, là “chưa lồng được quyền tài sản theo pháp luật dân sự vào trong đất đai. Lồng vào đâu cũng vướng. Đất đai là một chuyện còn quyền sử dụng đất lại là chuyện khác. Cả hai vấn đề này đều không gắn vào được với quyền tài sản.” Thứ hai, là “Nhà nước hiện vẫn can thiệp quá sâu bằng những cách thức quá mạnh và thậm chí là can thiệp trực tiếp vào thị trường đất đai. Điều này làm cho thị trường bị méo mó chỗ này hay chỗ khác”.

Báo NLĐ có bài: Trưởng đặc khu Phú Quốc có những quyền gì?Người đứng đầu đặc khu, nếu là Bí thư đồng thời là Trưởng đặc khu sẽ tập trung đầu mối chỉ đạo, điều hành một cách toàn diện, trực tiếp; có đủ thẩm quyền giải quyết kịp thời, nhanh chóng công việc của đặc khu theo nguyên tắc giao việc phải kèm theo giao quyền“.

Ảnh: báo NLĐ

Đặc khu Phú Quốc sẽ thuộc về ai?

Báo Lao Động có bài: Họ đã không thấy 2 tầng Seashells vượt phép. Khách sạn Seashells hạng 5 sao, nằm tại một trong những vị trí đẹp nhất thị trấn Dương Đông, Phú Quốc vừa bị UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản chỉ đạo cắt hai tầng trên cùng. Bài báo viết: “Quyết định cắt 2 tầng vượt phép của khách sạn Seashells của UBND tỉnh Kiên Giang là đúng đắn và cần thiết, phép nước không thể có chuyện co kéo, xuê xoa, lý lẽ để qua chuyện.

Thế nhưng, nhà báo Huy Đức cho rằng, cần thanh tra Phú Quốc ngay. Lý do, theo ông: “Chuyện UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo “cắt hai tầng” của khách sạn Seashells chỉ có tác dụng xoa dịu dư luận. Trước hết đây là nơi từng được quy hoạch làm quảng trường biển, tạo thành một điểm du lịch kết nối tâm linh – gần Dinh Cậu“.

Nhà báo Huy Đức cho biết thêm: “Cần làm rõ dư luận cho rằng, Seashells là của Tư Thắng, em trai Nguyễn Tấn Dũng – có nguồn gốc tài sản nhà nước, được cổ phần hoá với không ít khuất tất – được xây trong giai đoạn Nguyễn Tấn Dũng đưa con trai Nguyễn Thanh Nghị về nắm đảo. Đồng thời, cần thanh tra Phú Quốc ngay để làm rõ nhiều sai phạm trong giao đất cấp phép ở đây; đặc biệt làm rõ trách nhiệm của những ai đã xẻ thịt Phú Quốc để chỉ trong vòng hơn 5 năm qua, diện tích rừng tự nhiên của Phú Quốc đã giảm từ 14.000 hecta giờ chỉ còn 6.000 hecta“.

Mà dư luận đâu chỉ có nói về Seashells hay Tư Thắng vang danh một vùng Kiên Giang. Họ còn chỉ ra một loạt các dự án mà dòng họ 3X và tay chân đang cát cứ ở Phú Quốc đây này:

Ảnh: internet

Báo Đầu tư có bài: Phú Quốc: Xây vượt tầng so với giấy phép, chủ Khách sạn Seashells tự nguyện “cắt ngọn”. Ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành, cho biết: “Có thể nói việc phải đập phá, tháo dỡ công trình là thiệt hại nhiều về vật chất cho chủ đầu tư và tài sản xã hội. Nhưng không vì thế mà chấp nhận cái sai, cho tồn tại những công trình sai phép làm ảnh hưởng đến trật tự xây dựng và lợi ích cộng đồng“. Thế suốt thời gian họ xây vượt tầng, các ông ở đâu? Hay do bị kẻ khác “chơi” nên các ông buộc phải “làm màu”?

Loạn tiến sĩ

Báo Tiền Phong có bài: 12.000 tỷ đồng đào tạo 9000 tiến sĩ: Bộ trưởng Giáo dục nói gì? Theo ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, thì “Tỉ lệ tiến sĩ của Việt Nam còn quá thấp nên phải đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ và không đào tạo tràn lan“. Cụ thể, theo ông Nhạ: “Tỉ lệ tiến sĩ ở ta hiện nay khoảng 21% như vậy là quá thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên. Theo đề án 911 là phải 35%. Nếu với 9.000 tiến sĩ như trong đề án thì cũng mới chỉ đáp ứng được 30%”.

Trả lời câu hỏi về việc “kiểm soát, siết chặt chất lượng đào tạo tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo như thế nào?” Ông Nhạ cho biết: “Lúc đầu nhiều cơ sở đào tạo cũng rất lo ngại nhưng cũng phải chấp nhận. Theo lộ trình thì tiến sĩ phải có ít nhất một năm học chuyên và phải có bài báo đăng. Như vậy cách tiếp cận này thì cơ sở đào tạo dần tiến tới tự chủ và có trách nhiệm chia sẻ thì họ sẽ có trách nhiệm. Chứ không phải đào tạo tràn lan“.

Theo GS Ngô Bảo Châu, việc dùng ngân sách để gửi 9.000 sinh viên đi làm tiến sĩ ở nước ngoài “sẽ được sử dụng hiệu quả hơn vào hai việc như sau: 1) làm startup grant để các trường đại học có thể tuyển những người đã có bằng tiến sĩ và có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc; 2) đào tạo tiến sĩ trong nước với chất lượng tốt, theo chuẩn mực quốc tế. Việc này có thể làm được nếu có funding thông qua các application call minh bạch, dựa trên các tiêu chí khoa học, để thành lập các chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước có chất lượng“.

Cũng theo GS Châu thì, “điều bất hợp lý lớn nhất là nhà nước có thể bỏ ra 2.000 USD / tháng cho một người đi học tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng khi họ đã tốt nghiệp và đi dạy ở đại học VN thì mức lương khởi điểm của họ sẽ nhỏ hơn 150 USD/ tháng. Nếu thu nhập khởi điểm của giáo viên đại học đạt ở mức tương đương, hoặc chỉ bằng 70% thu nhập ở các ngành khác trong xã hội với yêu cầu trình độ tương đương, thì có lẽ không cần nhà nước phải hỗ trợ, các bạn trẻ sẽ tự tìm cách mà đi làm tiến sĩ ở nước ngoài“.

Nhà báo Vũ Kim Hạnh có bài: 12.000 tỉ, đóng góp gì cho giáo dục. Bà Hạnh cho biết: “Tôi cũng đã chứng kiến hai vị tiến sĩ, giờ đang làm to lắm, đi học tiến sĩ bằng tiền nhà nước (lúc ấy tôi đi nghiên cứu cùng trường, chỉ 3 tháng) và thuê ‘lính’ dịch giùm luận văn, nên mỗi lần đọc thấy học vị TS ghi trước tên họ, lại thấy buồn cười“.

Facebooker Song Chi viết: “Giáo dục lạc hậu, nặng lý thuyết, yếu kỹ năng, yếu thực hành khiến sinh viên tốt nghiệp Cử nhân, Thạc sĩ xong ra trường cũng không kiếm được việc làm đã đành, nhưng một phần do văn hóa VN từ xưa đến giờ vốn trọng bằng cấp, rồi tâm lý nhiều người Việt cũng vậy, chuộng cái bằng, ham làm thầy hơn làm thợ, nhà nghèo, cực khổ đến đâu cũng ráng chạy vạy cho con vào được đại học dù sau này học xong cũng thất nghiệp, nhưng vẫn là ‘thất nghiệp có chữ, có học’, hic. Rốt cuộc ‘thầy chẳng ra thầy, thợ chẳng ra thợ’, dở dang, chỉ khổ thêm cho mình và cho cha mẹ, gia đình“.

Cũng theo tác giả: “Thay vì chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ có lẽ nên nghiên cứu lại mấy trường dạy nghề ở VN, làm sao có những khóa/ ngành đào tạo thợ trong nhiều lĩnh vực cho tốt, có tay nghề hẳn hoi, từ điện, điện tử, cơ khí, xây dựng, nấu ăn, nhà hàng, bảo mẫu, hộ lý, chăm sóc người già v.v… Học xong vừa kiếm sống được mà nếu có xin đi lạo động ở nước ngoài, có tay nghề giỏi nước người ta còn chuộng hơn là có mấy cái bằng với mớ kiến thức nặng lý thuyết, sách vở!”

Biếm họa của báo Tuổi Trẻ Cười.

Báo PLVN có bài phỏng vấn Bộ trưởng Nhạ: Tỉ lệ tiến sĩ quá thấp, phải tăng lên! GSTS Vũ Triệu Minh bình luận: “Học bổng và học phí chỉ có ở bậc đại học và thạc sỹ thôi. Còn làm tiến sỹ là do các dự án nghiên cứu tuyển chọn và trả tiền 100%. Bây giờ làm gì có trường nào thu học phí tiến sỹ mà cấp học bổng hả ông Nhạ?

Nhà báo Huy Đức bình luận: “Với một gương mặt mới như ông Nhạ, vẫn tưởng có thể chờ đợi ở ông cái dân cần là chính sách: Trao quyền tự chủ cho các trường đại học (dù một số trường đang được ngân sách bao cấp không thích); Nới rộng không gian tự do học thuật; Sử dụng ngân sách đầu tư trực tiếp cho người học… chúng ta lại chỉ thấy ông say sưa dự án. Hai năm nay, nghe chuyện thê đội ông mang về từ Đại học Quốc gia đã cố không tin. Vẫn mong ông nghĩ lại, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ạ, đã ngồi ở chỗ ông thì đừng đặt tiền bạc lên đầu“.

Báo GDVN đưa tin: Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang sử dụng bằng Tiến sĩ không được công nhận. Vụ ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, thuộc Bộ GTVT, sử dụng bằng tiến sĩ dỏm, hôm 15/11 Tiếng Dân cũng đã có bài viết về vấn đề này: Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng, công tác cán bộ – Phần 7: Cục trưởng Cục Hàng hải.

Mời đọc thêm: Giáo dục VN cần thêm 9.000 tiến sĩ để ‘đổi mới’ (VOA). – Chiếc điện thoại Note 8 và tiền nuôi tiến sĩ (LĐ). – Nền giáo dục Việt Nam: Vẫn lạc đường sau 35 năm (RFA). – “Thời đại 4.0, giáo dục Việt đang đâu đó ở giai đoạn… 2.0” (DT).

Những kẻ kéo đất nước về thời kỳ tăm tối

Báo VnExpress có bài: Việt Nam sẽ thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp trong nước cung cấp. Cuồng chế độ và đã “nhúng chàm” hay sao mà lúc nào ông Trương Minh Tuấn cũng bị ám ảnh như vậy: “Các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước… chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài, do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân“.

Ông Tuấn chắc lại định học Trung Quốc: “Mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ sẽ được thúc đẩy. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp với các bộ, ngành chức năng để xử lý các thông tin vi phạm chuyên ngành liên quan đến thuế, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử“.

Nhà báo Tâm Chánh có bài: Ai sẽ là vua Tự Đức. Tác giả viết: “Sự nghèo nàn dữ liệu Việt Nam hay tình trạng thưa vắng trao đổi trên mạng mới đáng là ưu tư thường xuyên của các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu QH có lẽ thay vì chỉ chăm chăm việc mà chất vấn về mức độ lành mạnh hay yếu kém của các cuộc thảo luận xã hội trên không gian ấy. Ở đó các chủ đề chính bị xao lãng? Ở đó có bao nhiêu là dữ liệu vê Hoàng Sa-Trường Sa được trao đổi?

Theo tác giả: “Ai nghĩ có thể cấm đoán Facebook, Google như là một không gian mới mẻ của đại đa số người Việt trưởng thành? Ai bảo đó không phải là hoạ mất còn nếu trong Quốc hội chỉ thấy bóng dáng các trọng thần bảo thủ, đóng cửa? Có thể lại xuất hiện một ông vua Tự Đức của thời điểm mới này nế triều đình hôm nay không bắt kịp chuyển động của tri thức nhân loại.”

Báo Lao động Nghệ An có bài: “Khó chấp nhận”. Bài viết cho rằng, nếu Dự thảo Luật An ninh mạng quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet phải đặt cơ quan đại diện, phải đặt máy chủ ở Việt Nam vẫn được thực thi thì “rất có thể nhiều nhà cung cấp dịch vụ như Google, Facebook phải rút khỏi Việt Nam vì khó mà đáp ứng được yêu cầu. Và, khi họ rút đi thì dân ta sẽ rất thiệt thòi vì không ứng dụng mạng xã hội để kết nối, giao lưu, tra cứu và nghiên cứu… Chỉ nói đến việc gửi thư tay thôi cũng đủ phiền toái cho con người. Còn nói về sức sáng tạo và lãng phí trong sáng tạo thì không thể tính được bằng tiền, mà phải nói bằng sự thụt lùi của dân tộc“.

Tưởng là giỏi lắm hay sao mà khoe: 10 tháng tước thẻ 10 nhà báo. Ông Trương Minh Tuấn vẫn còn: “Yêu cầu Cục Báo chí xử lý quyết liệt các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, đưa tin sai phạm, không đúng sự thật. Không để tình trạng báo chí bị dẫn dắt bởi các thông tin trên mạng, đưa tin không chính thống. Dứt khoát không để tình trạng mạng xã hội dẫn dắt báo chí như hiện nay”.

LS Trần Vũ Hải đặt câu hỏi: Các nhà báo ở đâu, khi đồng nghiệp bị nạn và bị hạn chế quyền làm việc? Theo ông Hải, việc Bộ 4T vừa ra quyết định phạt và đình bản báo Người Đưa Tin và Tạp chí Nhà Quản Lý, đã gây “hậu quả nhãn tiền là khoảng 60 nhà báo, nhân viên của hai báo này bị nghỉ việc trong mấy tháng hai báo bị tạm đình chỉ, cho dù phần lớn họ không có lỗi. Quyền làm việc của họ, được Hiến pháp 2013 bảo hộ, bị ảnh hưởng nghiêm trọng“.

Ông Hải viết: “Tại sao họ không dám đặt câu hỏi, với chính những kẻ hạ bút “tạm đình chỉ” đồng nghiệp, liệu với những quyết định đó, quyền làm việc của các nhà báo vốn được Hiến pháp bảo hộ có bị hạn chế đúng Hiến pháp không trong trường hợp này? Chẳng nhẽ quyền làm việc của nhà báo mỏng manh, dễ mất vậy khi chính nhà báo không có lỗi? Liệu Bộ 4T có thể có cách xử lý khác tốt hơn, mà vẫn đảm bảo được quyền làm việc của các nhà báo?

Bộ Tài nguyên … ô nhiễm môi trường

Báo PLTP có bài: Dân lại kêu Nhà máy Lee & Man phát mùi hôi. Theo phản ánh của nhiều người dân sống tại ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, thời gian gần đây, Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam lại phát tán mùi hôi thối rất khó chịu. Người dân tại đây bức xúc: “Mùi hôi khó chịu làm cho mọi người nhức đầu, rồi tiếng ồn lớn nữa. Bây giờ chỉ mong chính quyền các cấp và phía nhà máy bồi hoàn thỏa đáng để chúng tôi đi chỗ khác chứ sống như vầy hoài sao chịu nổi!”

Như vậy là chưa đầy một tháng, sau khi chính Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà “vui mừng” thông báo: Nhà máy giấy Lee & Man đã đủ điều kiện để vận hành chính thức, thì những lời có cánh đó giờ đây đã sớm bốc mùi thối như mùi đặc trưng của Lee&Man – Hậu Giang vậy.

Mời đọc thêm: Nhà máy giấy Lee & Man phát mùi hôi thối (RFA). – Dân Hậu Giang tiếp tục khốn khổ vì mùi hôi từ nhà máy giấy (VNN).

Vụ án xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu

Báo Phụ Nữ Vn có bài: Ngày mai, xét xử công khai ông lão dâm ô nhiều trẻ em ở Vũng Tàu. Ông Nguyễn Văn Tuyền, Phó Viện trưởng Viện KSND TP Vũng Tàu cho biết, ngày 17/11, Tòa án Nhân dân TP Vũng Tàu đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Khắc Thủy sinh năm 1940, ngụ tại chung cư Lakeside Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với tội danh “Dâm ô đối với trẻ em”.

LS Lê Ngọc Luân viết: “Gần hai năm theo đuổi, sáng mai, Vụ án xâm hại trẻ em tại Vũng Tàu chính thức đưa ra xét xử công khai. Bị cáo Nguyễn Khác Thủy sẽ đối diện với khung hình phạt 7 năm tù giam bởi cáo buộc xâm hại nhiều trẻ em. Kết quả thế nào chúng ta cùng chờ đợi.

Mời đọc thêm: Ngày mai xét xử vụ ông lão dâm ô ở Vũng Tàu (NLĐ). – Ngày mai ông lão U80 dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu ra hầu tòa (PLVN).

Vụ bồi thường nạn nhân chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Ai phải bồi thường vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình? Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Cty Luật TNHH Trường Lộc cho biết: “Viên chức khi thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được phân công có lỗi gây thiệt hại cho người khác thì đơn vị sự nghiệp công lập phải bồi thường thiệt hại do viên chức thuộc quyền quản lý gây ra theo quy định của pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng“. Còn nếu “Viên chức có lỗi gây thiệt hại cho người khác mà đơn vị sự nghiệp công lập đã bồi thường phải có nghĩa vụ hoàn trả cho đơn vị sự nghiệp công lập“.

Báo SGGP có bài: Bồi thường vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Không chỉ làm khó mà còn vô cảm! Bài báo viết: “liên quan tới việc bồi thường thiệt hại cho những gia đình có bệnh nhân tử vong đến nay mới chỉ có phía bệnh viện đứng ra đối thoại trao đổi và hỗ trợ ban đầu cho những gia đình có người tử vong. Trong khi đó, Sở Y tế Hòa Bình và Bộ Y tế lại dường như vô cảm, vô can khi không có động thái, ý kiến nào đề cập tới việc bồi thường thiệt hại nhằm chia sẻ sự mất mát rất lớn của 8 gia đình có người thân tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình vào cuối tháng 5 vừa qua“.

Bài viết cho rằng: “Tính mạng con người không có gì có thể đánh đổi, tiền bạc nào cũng không thể mua được. Vì thế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình yêu cầu người nhà của 8 bệnh nhân tử vong trong vụ tai biến chạy thận phải có hóa đơn, chứng từ về việc lo ma chay để làm cơ sở cho việc được bồi thường là hoàn toàn vô lý, không thực tế và cũng rất lạnh lùng và vô cảm“.

Người Việt hải ngoại

VOA đưa tin: Nữ thương gia Việt bị bắt ở Malaysia vì hối lộ sĩ quan hàng hải. Dẫn nguồn từ Malaysia, cho biết, người phụ nữ Việt (không nêu danh tính), 41 tuổi, bị bắt tại văn phòng của Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) ở Kuantan vào ngày 15/11, “vì cáo buộc hối lộ cho các sĩ quan hàng hải nước này để được thả các tàu cá bị Malaysia tịch thu”.

Về vụ ám sát Kim Jong nam, VOA có bài: Đoàn Thị Hương bị bắt như thế nào? Ông Husny Hussein, cảnh sát trưởng, Phòng Cảnh sát Sepang, cho biết: “Tôi được thông báo rằng cảnh sát đã bắt người phụ nữ này khi cô đang ở trong một chiếc xe Uber mà không có tài xế trên xe. Họ (cảnh sát sân bay Kuala Lumpur) đã giải cô ấy về đồn để thẩm vấn”. Nhưng ông Hussein không đưa ra lý do vì sao Đoàn Thị Hương quay trở lại hiện trường vụ án. Phiên tòa xét xử Đoàn Thị Hương sẽ kết thúc vào giữa năm 2018 (RFA).

Tin quốc tế

Tình hình châu Á

Nam Hàn lên tiếng trước tuyên bố đã “đặt mọi phương án lên bàn” của Tổng thống Trump: ‘Mỹ chớ qua mặt Hàn Quốc động binh với Triều Tiên’. VOA dẫn lời chủ tịch đảng cầm quyền ở Hàn Quốc, bà Choo Mi-ae, tuyên bố ngày 15/11: “Chúng tôi muốn bảo đảm là phương án về một cuộc chiến nữa không được bàn tới. Trong bất kỳ trường hợp nào, Mỹ cũng không được tiến hành biện pháp quân sự mà không có sự đồng ý của Hàn Quốc”.

RFI đưa tin: Tập trận chung Mỹ-Nhật vào lúc căng thẳng với Bắc Triều Tiên gia tăng. Theo thông báo của Hải Quân Mỹ, “đợt tập trận sẽ kéo dài 10 ngày, với sự tham gia của 14.000 quân nhân Mỹ, tàu sân bay USS Ronald Reagan, các tàu khu trục USS Stethem, USS Chafee và USS Mustin”.

Về lý do tại sao CPTPP vẫn ‘khó nuốt’ đối với người Canada. VOA dẫn lời bà Sujata Dey, đại diện của Hội đồng người Canada, cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng chính phủ đã đúng khi đứng lên bảo vệ quan điểm trong các cuộc đàm phán vì nó không những có ích cho người dân Canada, mà nó còn hữu ích cho người dân khắp thế giới, đảm bảo rằng người lao động trên khắp thế giới được bảo vệ quyền lợi và môi trường được bảo vệ. Về phía Canada là các vấn đề về văn hóa, quản lý chuỗi cung ứng, công nghiệp xe hơi và nhiều vấn đề khác nữa chưa được giải quyết. Cho nên đây vẫn là một thỏa thuận tồi”.

VOA đưa tin: Trung Quốc chỉ trích báo cáo của Quốc hội Mỹ. Trong phúc trình thường niên mới nhất, Ủy ban Xem xét Kinh tế và An ninh Trung Quốc của cơ quan lập pháp Hoa Kỳ, đưa ra nhận định rằng, “trong khi Bắc Kinh gia tăng hạn chế truyền thông nội địa và nước ngoài ở Trung Quốc, thì truyền thông nhà nước của quốc gia đông dân nhất thế giới lại nhanh chóng mở rộng ra nước ngoài”.

RFI có bài: Miến Điện bị tố cáo phạm tội diệt chủng và cưỡng hiếp người Rohingya. Nhiều tổ chức nhân quyền tố cáo các lực lượng an ninh Miến Điện và một số phần tử dân sự phạm tội ác chống nhân loại, diệt chủng, cưỡng hiếp người Rohingya và thanh lọc sắc tộc. Theo báo cáo của Human Rights Watch, “trong số 52 phụ nữ và thiếu nữ được các nhà điều tra phỏng vấn, có tới 29 người cho biết họ đã bị cưỡng hiếp và phần lớn bị cưỡng hiếp tập thể”.

Thủ tướng Hun Sen tiếp tục củng cố quyền lực: Campuchia giải tán đảng đối lập. VOA dẫn nguồn từ AP, cho biết, ngày 16/11, Tòa án tối cao Campuchia ra lệnh giải tán đảng đối lập chính, Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), với cáo buộc có âm mưu lật đổ chính quyền.

Mời đọc thêm: Tòa Campuchia giải thể đảng đối lập chính (BBC). – Cam Bốt: Tòa Án Tối Cao ra phán quyết giải thể đảng đối lập (RFI). – Campuchia giải tán Đảng đối lập  — Nhật bản xem xét kế hoạch ứng phó khủng hoảng quân sự với Bắc Hàn  —  Trung Quốc: Mỹ – Nam Hàn ngưng tập trận để giải quyết căng thẳng với Bắc Hàn (RFA). – Singapore cắt đứt quan hệ thương mại với Bắc Hàn (VOA). – Đã có bằng chứng về tội diệt chủng ở Myanmar  —  ASEAN không lên án chiến dịch thanh lọc sắc tộc tại Miến  —  Thái Lan liên doanh sản xuất vũ khí với Trung Quốc (RFA). – Trung Quốc thúc giục Hong Kong thực hiện điều luật an ninh  —  Jack Ma tụt hạng trong danh sách người giàu TQ (BBC).

Tin nước Mỹ

RFI có bài về dự luật cải tổ thuế của đảng Cộng Hòa: Mỹ: Cuộc đọ sức về dự án cải tổ thuế. Luật sư Catherine Iandfill đã biểu tình trước Quốc Hội để phản đối dự luật, giải thích: Dự luật cải tổ thuế của chính quyền muốn dùng tiền của người nghèo để tặng những món quà khổng lồ cho người giàu. Đó là điều tai hại hơn hết của dự án này. Nói cách khác, bà không hề tin vào hứa hẹn của chính quyền Trump là giải pháp giảm thuế sẽ có lợi cho tầng lớp trung lưu. Tệ hơn nữa, đây là một trò lừa đảo trên mọi phương diện”.

TT Trump “nối lại” quan hệ với Phillipines: Quan hệ Mỹ-Philippines quan trọng về quân sự hơn thương mại. VOA dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump, tuyên bố: “Mối quan hệ giữa Philippines với chính quyền trước của Mỹ thật kinh khủng. Dùng từ kinh khủng là nói một cách giảm nhẹ. Giờ đây, chúng ta đang có mối quan hệ rất vững mạnh với Philippines vốn rất quan trọng: trong trường hợp này, quan trọng cho mục đích quân sự hơn là cho thương mại”.

VOA đưa tin: Đài Tiếng nói Hoa Kỳ trong danh sách ‘trả đũa’ của Nga. Hôm 16/11, Nga đã nêu tên 9 cơ quan báo chí được chính phủ Mỹ bảo trợ, trong đó có Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), trong danh sách nhiều khả năng sẽ bị coi là “điệp viên nước ngoài”.

Chính trường Zimbabwe

BBC có bài: Khủng hoảng Zimbabwe ‘có dấu hiệu đảo chính’. Chủ tịch Liên minh Châu Phi nói: “Việc quân đội Zimbabwe giành quyền lực và giam giữ Tổng thống Robert Mugabe có vẻ như là một cuộc đảo chính”, nhưng Quân đội phủ nhận việc đảo chính, nói rằng ông Mugabe an toàn, và đây chỉ là hành động chống lại “bọn tội phạm” xung quanh ông.

RFI đưa tin: Tổng thống Zimbabwe cố chống chọi áp lực từ quân đội. Dẫn nguồn tin từ Reuters, cho biết, “vị tổng thống 93 tuổi vẫn không hề có ý định từ chức, trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới”.

Tác giả Thạch Vũ có bài: Mugabe: độc tài nào cũng tan hoang đất nước. Tác giả viết về vị tổng thống độc tài 93 tuổi như sau: “Ông Mugabe cũng sử dụng nhuần nhuyễn bạo lực cách mạng dựa trên quân đội và công an. Đặc biệt ông mời các ‘thầy’ Bắc Hàn vào dạy cho các lữ đoàn hung thần chuyên trấn áp quần chúng. Cứ mỗi lần cho bầu cử mà ông có vẻ thua phiếu, hàng chục ngàn người dân tại những vùng ủng hộ ứng viên đối lập lại bị thảm sát, mặc cho thế giới lên án. Và thế là các ứng viên đối lập lại trân trọng nhượng ghế tổng thống cho ông Mugabe, rồi khép mình vào ghế phó tổng thống hoặc chạy ra nước ngoài“.

Mời đọc thêm: Zimbabwe: “Chuyển giao không đổ máu” có thể thành đảo chính vì tổng thống cự tuyệt từ chức (Soha). –Tổng thống Zimbabwe không chịu từ chức dù bị quân đội gây áp lực (Zing). – Vợ Tổng thống Zimbabwe – nguồn cơn dẫn đến binh biến (VNE). – Tư lệnh Zimbabwe đến Trung Quốc 7 ngày trước vụ hạ bệ tổng thống Mugabe để làm gì? (Soha). – Tài sản khổng lồ của Tổng thống Zimbabwe vừa bị lật đổ (DV/ 24h). – Tương lai chính trị Zimbabwe bất định, 2 ngày sau khi Mugabe bị lật đổ (VOA).

Các tin quốc tế khác

VOA có bài: Nga không đáp ứng quy định WADA, có thể bị cấm dự Olympic mùa đông. Cơ quan chống doping thế giới, gọi tắt là WADA, “không cấp chứng nhận lại cho Cơ quan chống doping của Nga (RUSADA), với lý do được loan báo là RUSASA vẫn chưa tuân thủ các quy định của cơ quan giám sát thuốc cấm trong thể thao toàn cầu này”.

Chẳng còn giải pháp gì ngoài việc “tin tưởng”: Nga, Trung Quốc vẫn tin Venezuela trả được nợ, BBC đưa tin.

RFI có bài về bảo vệ môi trường toàn cầu: Lập liên minh quốc tế ‘‘đoạt [đoạn] tuyệt than đá’’ để bảo vệ khí hậu. Tại hội nghị khí hậu COP23 ở Bonn, một liên minh quốc tế gồm 20 nước được thành lập, nhằm đoạn tuyệt với than đá. Được biết, than đá là nguồn năng lượng chính trong sản xuất điện, chiếm 40% sản lượng toàn cầu. Năng lượng than gây tổn hại nghiêm trọng cho chất lượng không khí, môi trường, và là thủ phạm chính của việc Trái đất bị hâm nóng.

Giá bán kỷ lục cho một bức tranh: Ai mua tranh ‘Leonardo da Vinci’ với giá 450 triệu USD? (BBC). – Nghị Viện Châu Âu không muốn thảo luận về tình hình Catalunya (RFI). – Luật Lao động Pháp: Phong trào phản đối “đảo chính xã hội” bị thất bại? (RFI). – Ả Rập Xê Út tuyên bố thủ tướng Liban có thể tự do rời Ryad (RFI).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Chuyên gia Việt Nam cho rằng quan hệ Việt Nam-Trung Quốc sẽ bước lên tầm cao mới”

    Tớ cũng nghĩ như vậy . Có ngay đây; Phát biểu tại diễn đàn APEC hôm 7/11, ông Liam Mallon, giám đốc ExxonMobil Development Company, nói rằng “Có những thỏa thuận đặc biệt mà chúng tôi cần phải bàn bạc và hoãn lại quyết định đầu tư đến năm 2019“

    Ông Thayer nhận định: “Nếu Việt Nam ngưng hẳn thăm dò, sẽ gây tác động lâu dài đến các hợp đồng hiện nay với các công ty nước ngoài, và nhất là an ninh năng lượng của Việt Nam trong tương lai”

    Trong mối quan hệ Việt-Trung, Trung Quốc lãnh nhiệm vụ khoan, Việt Nam chỉ việt hút dầu . No Star Where. Ông Carl Thayer lo bò trắng răng, lo tình quốc tế vô sản không bền vững .

    “chứ không (cần) biết làm gì để bảo vệ ngư dân”

    “Facebooker Nguyễn Ngọc Chu có bài: APEC 2017 và vóc dáng lãnh tụ”

    Đọc bài này tớ có cảm tưởng NNC nói về 1 nước độc tài toàn trị nào đó, nhưng tớ không thể hình dung được đó là nước nào . Có thể là Mỹ, hoặc Nga .

    “Vai trò, vị thế Việt Nam, cơ đồ Việt Nam chưa bao giờ có được như ngày hôm nay”

    Đúng . Nép bóng tùng quân Trung Quốc, chưa bao giờ Việt Nam được như ngày hôm nay . Cuối cùng, Lê Chiêu Thống & Trần Ích Tắc có thể nở mày nở mặt vì đã có Đảng Cộng Sản nối tiếp tinh thần của mình .

    “Bạn Nga “chân chính” mà lúc Việt Nam bị Tàu đánh, chẳng thấy mặt “bạn” này ở đâu”

    Well, lúc Việt-Trung lâm cảnh nồi da xáo thịt, Mỹ càng mắt tăm mặt mày . All & all, Nga “chân chính” hơn .

    “Đặc khu Phú Quốc sẽ thuộc về ai?”

    Phú Quốc nổi lên vài điểm: 1- Sứ quân đầu tiên ra mặt . 2- Đây là cách 3X “làm người tử tế”? 3- Đứa nào hồi đó bênh chị Phượng cho rằng phê bình chị Phượng là chủ nghĩa lý lịch ? 4- Tớ mong cả gia đình 3X sẽ có nhiều cơ hội giúp các projects của ô Ngô Bảo Châu hơn nữa .

    Chuyện 9 000 tiến sĩ, ô Trần Hữu Dũng của viet-studies nêu băn khoăn là liệu trường sở Việt Nam có đủ khả năng đào tạo số lượng Tiến Sĩ . Rest assured, với tinh thần tiến công cách mạng, tớ nghĩ Việt Nam sẽ làm được điều thần kỳ này .

    “Nhà báo Vũ Kim Hạnh có bài: 12.000 tỉ, đóng góp gì cho giáo dục”

    Câu hỏi sai, hoặc anh đánh máy thiếu chữ “quan” Nhà báo Vũ Kim Hạnh có bài: 12.000 tỉ, đóng góp gì cho quan giáo dục . Và câu trả lời là sẽ mọc thêm những biệt phủ .

    “Bây giờ làm gì có trường nào thu học phí tiến sỹ mà cấp học bổng hả ông Nhạ?”

    Hmm, what’d ya think? Thời cơ vàng ?

    “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ạ, đã ngồi ở chỗ ông thì đừng đặt tiền bạc lên đầu“

    Tớ kiến nghị ngược lại, ngồi được chỗ ấy thì phải kiếm tiền bù lại .

    “LS Trần Vũ Hải đặt câu hỏi: Các nhà báo ở đâu, khi đồng nghiệp bị nạn và bị hạn chế quyền làm việc?”

    Họ ở đâu vẫn ở đó .

    Những kẻ kéo đất nước về thời kỳ tăm tối . Báo VnExpress có bài: Việt Nam sẽ thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp trong nước cung cấp

    Rồi sẽ tới tay Alibaba của Jack Ma, và các dịch vụ khác từ Trung Quốc .

    “Nhà báo Tâm Chánh có bài: Ai sẽ là vua Tự Đức”

    Thời này ai cũng lo làm Minh Mạng hết rồi .

    Báo Lao động Nghệ An có bài: “Khó chấp nhận”

    Ta chấp nhận được sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản . Đây chỉ là 1 trong những hệ quả (quá) nhỏ nhoi của sự chấp nhận lớn

    “Còn nói về sức sáng tạo và lãng phí trong sáng tạo thì không thể tính được bằng tiền, mà phải nói bằng sự thụt lùi của dân tộc“

    Trước giờ có tiến bước nào đâu. Thụt lùi thêm nữa thì càng xa cái bờ vực thẳm tư bẩn đang đứng . Hổng sao hớt chơn hớt chọi á .

    “Tác giả Thạch Vũ có bài: Mugabe: độc tài nào cũng tan hoang đất nước”

    Chỉ có “đảng của Nguyễn Phú Trọng” mới độc tài thôi . Nên trở về với “Đảng của Bác Hồ”, với “Đức Trị”, với lòng tin vững chắc vào Bác Hồ, vì hồi đó hổng có độc tài .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây