Cán bộ Việt Nam mang luật Trung Quốc áp dụng với người Việt Nam

LTS: Đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền, về việc ông Trịnh Hữu Anh, cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, không cho bà nhận một kiện sách về Pháp Luân Công từ Đài Loan, với lý do “Trung Quốc không ủng hộ Pháp Luân Công” nên Sở 4T TPHCM không cho phép nhập sách, có thể thấy, ông Trịnh Hữu Anh, dù là quan chức Việt Nam, hưởng lương từ người dân Việt Nam, nhưng ông ta phục vụ cho chính quyền Trung Quốc!

Facebooker Linh Phan đặt câu hỏi: “Chúng ta có nên liên hệ Sở TT&TT, làm một bài phỏng vấn ông Anh như thế này: Động cơ nào khiến anh tích cực mẫn cán thực hiện đường lối chủ trương của… Nhà nước Trung Quốc trên một quốc gia độc lập có chủ quyền là Việt Nam đến như vậy?

____

FB Nguyễn Hiền

08-11-2017

Đơn Phản Ánh

V/v: Ông Trịnh Hữu Anh – Phó phòng Xuất bản, In và Phát hành thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh – có thái độ quan liêu, gây phiền hà, không tôn trọng người dân; yếu kém trong năng lực làm việc; gây ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; phân biệt đối xử đối với người dân học Pháp Luân Công.

Tôi tên: Nguyễn Thị Ngọc Hiền (đã lược thông tin cá nhân khi đăng lại trên Ghi chú này)

Vào tháng 7/2017, tôi có nhập 01 kiện sách Chuyển Pháp Luân ( cuốn sách chính của môn khí công Pháp Luân Công) từ Đài Loan theo hình thức xuất bản phẩm không kinh doanh. Tuy nhiên, tôi có nhận Giấy Xác nhận số 3349/GXN-STTTT đề ngày 21/7/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh – do ông Trịnh Hữu Anh – Phó phòng Xuất bản, In và Phát hành (sau đây viết tắt là XB, I&PH) ký. Nội dung của Giấy Xác nhận này là không cho tôi nhận 01 kiện sách về Pháp Luân Công.

Sau đó, tôi đã gửi Đơn Khiếu nại Giấy Xác nhận số 3349/GXN-STTTT, đề ngày 10/8/2017. Trong Đơn Khiếu nại, tôi đã đề nghị lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM hủy Giấy Xác nhận số 3349/GXN-STTTT và ra Quyết định cho tôi nhập 01 kiện sách Chuyển Pháp Luân. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết Đơn Khiếu nại của tôi, ông Trịnh Hữu Anh – Phó phòng XB, I&PH – có thái độ quan liêu, gây phiền hà, không tôn trọng người dân; yếu kém trong năng lực làm việc; gây ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; phân biệt đối xử đối với người dân học Pháp Luân Công. Vì vậy, tôi làm Đơn Phản ánh này gửi đến các cơ quan chức năng các nội dung như sau:

Ảnh minh họa. Nguồn: Nguyễn Hiền

Thứ nhất, về việc ông Trịnh Hữu Anh ba lần không nghiêm túc, gây phiền hà cho người dân trong việc giải quyết Đơn Khiếu nại.

Ngày 22/8/2017, tôi có nhận Giấy mời lần đầu số 115/GM-STTTT đề ngày 16/8/2017 do Phòng XB, I&PH soạn và được gửi qua đường bưu điện, nội dung mời tôi đến Sở Thông tin và Truyền thông để giải quyết Đơn Khiếu nại vào lúc 16g00 ngày 17 tháng 8 năm 2017. Tuy nhiên, điều đáng nói là giấy mời đề ngày 16/8/2017, mời làm việc ngày 17/8/2017 và cũng được gửi vào ngày 17/8/2017. Việc gửi Giấy mời một cách gấp rút như vậy là gây khó dễ và thiếu sự tôn trọng đối với người dân.

Ngày 24/8/2017, tôi đến Phòng XB, I&PH yêu cầu gửi lại giấy mời cho tôi. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 31/8/2017, tôi vẫn không nhận được Giấy mời nên tôi đã gọi điện cho Phòng XB, I&PH và người tiếp tôi là bà Hồ Yên Thảo – chuyên viên Phòng XB, I&PH. Bà Thảo trả lời rằng Phòng XB, I&PH đã gửi Giấy mời lần 2 cho tôi vào ngày 25/8/2017 qua đường bưu điện, thời gian làm việc là 16g00 ngày 31/8/2017. Tuy nhiên, tôi không nhận được Giấy mời nên tôi đã yêu cầu bà Yên Thảo sắp xếp cho tôi lịch hẹn lần 3. Bà Yên Thảo đã xếp lịch hẹn cho tôi vào 16g00 ngày 07/9/2017.

Tuy nhiên vào 16g00 ngày 07/9/2017, tôi đến Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đúng như lịch hẹn lần 3 nhưng ông Trịnh Hữu Anh lại không có ở cơ quan. Điều đáng nói là tôi không hề nhận được bất cứ thông tin nào từ phía Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM rằng ông Trịnh Hữu Anh sẽ vắng mặt vào 16g00 ngày 07/9/2017 – thời điểm lần hẹn thứ 3 để giải quyết Đơn cho tôi.

Qua sự việc trên, tôi thấy rằng ông Trịnh Hữu Anh có cách làm việc quan liêu, gây phiền hà, gây mất thời gian và không tôn trọng người dân. Đồng thời, thái độ và cách làm việc không chuyên nghiệp của ông Trịnh Hữu Anh – Phó phòng XB, I&PH – không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và hình ảnh của Sở Thông Tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước trong việc thực hiện đúng quy định tiếp dân và giải quyết khiếu nại cho người dân; cụ thể là Khoản 1, điều 6, Luật Khiếu nại “Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại.”.

Thứ hai, về việc ông Trịnh Hữu Anh không lập biên bản làm việc khi giải quyết Đơn Khiếu nại của người dân.

Ngày 14/9/2017, tôi đã có buổi làm việc với ông Trịnh Hữu Anh để giải quyết Đơn Khiếu nại của tôi. Trong buổi làm việc, ông Trịnh Hữu Anh khẳng định Đơn Khiếu nại của tôi là đúng. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu ông thực hiện việc cho phép nhập sách theo yêu cầu trong Đơn thì ông từ chối nhưng lại không dẫn được lý do thỏa đáng. Sau đó, tôi yêu cầu ông lập biên bản giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, nhưng ông Trịnh Hữu Anh lại không thực hiện việc lập biên bản.

Là cán bộ quản lý, ông Trịnh Hữu Anh phải nắm rõ và có nhiệm vụ thực hiện đúng những quy định, trình tự thủ tục pháp luật khi giải quyết khiếu nại của người dân. Tuy nhiên, ông Trịnh Hữu Anh lại có cách làm việc quan liêu, thiếu trách nhiệm, không tuân thủ đúng quy định giải quyết khiếu nại cho công dân; cụ thể ông Trịnh Hữu Anh vi phạm Khoản 2, điều 6, Luật Khiếu nại “Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật.”.

Thứ ba, về việc ông Trịnh Hữu Anh viện lý do Trung Quốc không ủng hộ Pháp Luân Công nên không cho phép nhập sách.

Trong buổi làm việc, ông Trịnh Hữu Anh đã khẳng định Đơn Khiếu nại của tôi là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu ông thực hiện việc cho phép nhập sách theo yêu cầu trong Đơn Khiếu nại thì ông lại viện lý do Trung Quốc không ủng hộ Pháp Luân Công nên không cho phép nhập sách. Về vấn đề này, tôi muốn phản ánh như sau:

– Nhà nước Việt Nam không cấm Pháp Luân Công và cũng không cấm việc nhập các sách đĩa của môn khí công này. Đồng thời, trong hệ thống văn bản của Nhà nước Việt Nam, không tồn tại một văn bản nào nói rằng công dân không được phép nhập sách về Pháp Luân Công vì lý do quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam. Bản thân là người dân, tôi chỉ quan tâm đến các chủ trương và đường lối của Nhà nước được thể hiện qua các văn bản. Tuy nhiên, khi làm việc với tôi, ông Trịnh Hữu Anh không thể dẫn chứng được bất cứ cơ sở pháp lý nào cũng như bất cứ văn bản nào của Nhà nước Việt Nam làm cơ sở cho lý do Trung Quốc không ủng hộ Pháp Luân Công nên không cho phép nhập sách.

Tôi nghĩ rằng lý do Trung Quốc không ủng hộ Pháp Luân Công nên không cho phép nhập sách mà ông đưa ra chỉ là quan điểm của cá nhân ông và quan điểm đó không thể đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong cách làm việc với người dân. Đồng thời, là một người cán bộ giải quyết khiếu nại cho công dân, ông Trịnh Hữu Anh chỉ nên làm việc dựa trên các quy định pháp luật Việt Nam và dẫn chứng rõ ràng đường lối, chủ trương của Nhà nước Việt Nam cho người dân. Cách làm việc không dựa trên cơ sở pháp luật cũng như đường lối, chủ trương của Nhà nước của ông Trịnh Hữu Anh thể hiện sự yếu kém trong năng lực làm việc và thái độ vô trách nhiệm, quan liêu, gây phiền hà cho người dân như tôi.

– Theo tôi được biết, chính chính phủ Trung Quốc đã bãi bỏ lệnh cấm xuất bản các sách về Pháp Luân Công, cụ thể là Cục trưởng Tổng Cục Báo chí và Xuất bản – ông Liễu Bân Kiệt, đã ký thông qua Thông cáo số 50 ngày 01/3/2011, tuyên bố bãi bỏ hai thông tri đã chính thức được ban hành vào năm 1999 (Thông tri về tái khẳng định quan điểm đối với việc xuất bản các ấn phẩm về Pháp Luân Công và Thông tri về lệnh cấm xuất bản các sách Pháp Luân Công và tăng cường quản lý các xuất bản phẩm). Do đó, lý do ông Trịnh Hữu Anh viện dẫn do Trung Quốc không ủng hộ Pháp Luân Công nên không cho phép nhập sách là không hợp lý và không phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Trịnh Hữu Anh (trái), Phó phòng Xuất bản, In và Phát hành thuộc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM. Ảnh: Việt Daily

– Có một sự thật rằng chính phủ Trung Quốc không ủng hộ rất nhiều vấn đề, và ông Đạt Lai Lạt Ma là một trong số đó. Tuy nhiên, thực tế thì các sách của ông Đạt Lai Lạt Ma vẫn được xuất bản tại Việt Nam và được khuyến khích tìm đọc. Trong buổi làm việc với ông Trịnh Hữu Anh, tôi đã đặt câu hỏi về việc Trung Quốc không ủng hộ rất nhiều vấn đề, một trong số đó là các sách của ông Đạt Lai Lạt Ma nhưng Việt Nam vẫn cho phép xuất bản rộng rãi; tuy nhiên ông Trịnh Hữu Anh không trả lời được câu hỏi này của tôi. Do đó, việc ông Trịnh Hữu Anh viện dẫn lý do Trung Quốc không ủng hộ nên không cho phép nhập sách về Pháp Luân Công là hết sức phi lý và thể hiện sự phân biệt đối xử đối với người dân học Pháp Luân Công.

– Hiện nay, cuốn sách Chuyển Pháp Luân đã được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ và được xuất bản tại rất nhiều quốc gia; trong đó cuốn sách này được xếp thứ hạng 14 trong 100 cuốn sách được đón đọc nhiều nhất tại Úc; và các nước này đều có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Nếu như ông Trịnh Hữu Anh dẫn lý do vì Trung Quốc không ủng hộ nên không cho phép nhập các sách về Pháp Luân Công, vậy thì câu hỏi được đặt ra là trong vấn đề biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển Đông thuộc chủ quyền của nước Việt Nam đang bị Trung Quốc xâm chiếm thì chúng ta cũng phải làm theo ý của lãnh đạo nhà nước Trung Quốc vì mối ban giao giữa Việt Nam và Trung Quốc hay sao?!

– Thiết nghĩ rằng ở vị trí là một cán bộ công tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thông tin – truyền thông, ông Trịnh Hữu Anh không nên nhầm lẫn tinh thần dân tộc với mối lo ngại phi lý trước một thế lực đang không ngừng dã tâm thôn tính chủ quyền nước ta. Trách nhiệm của một người cán bộ, công chức dù công tác trong bất cứ lĩnh vực nào, từ ngoại giao đến thông tin, đều phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân Việt Nam và làm việc đúng theo quy định pháp luật, chủ trương của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đó mới là lòng tự tôn dân tộc thật sự.

Cuối cùng, tôi cam đoan những nội dung trong Đơn Phản ánh này là đúng sự thật. Nếu Đơn Phản ánh này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Quý Cơ quan, tôi đề nghị Quý Cơ quan chuyển đơn này đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho tôi biết bằng văn bản.

Trân trọng kính chào và chân thành cảm ơn.

Ghi chú: Đơn này đã được gửi đến các cơ quan chức năng trước đó.

 Tài liệu đính kèm

  1. Đơn Khiếu nại Giấy Xác nhận số 3349/GXN-STTTT, đề ngày 10/8/2017.
  2. Chính phủ Trung Quốc đã bãi bỏ lệnh cấm xuất bản các sách về Pháp Luân Công.
  3. Sách Chuyển Pháp Luân được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ và xuất bản tại nhiều nước.
  4. Sách Chuyển Pháp Luân được xếp thứ hạng 14 trong 100 cuốn sách được đón đọc nhiều nhất tại Úc.

____

Ghi chú: Tựa đề do Tiếng Dân đặt.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ông cán bộ nầy chắc lảnh lương của Trung quốc nên mới cư xữ với dân Việt như thế… Lảnh đạo Tp nên làm rõ việc nầy nếu cần xa thải những loại người nầy,vì họ không phải là người VN.

  2. Tớ thấy lời lẽ của đơn quyết liệt & không ôn hòa chút nào cả . Theo tớ, đúng là lãnh đạo, qua đại diện là ô Trịnh Hữu Anh, sai rõ ràng ở phần này

    “chính chính phủ Trung Quốc đã bãi bỏ lệnh cấm xuất bản các sách về Pháp Luân Công”

    nên ta chỉ có thể dựa trên sự thật trên để phản biện thôi . Tức là ta chỉ nên khuyên nhủ ô Trịnh Hữu Anh nên theo sát luật của Trung Quốc để ra những quyết định đúng đắn . Tuyệt đối không nên đưa ra những câu hỏi kiểu “câu hỏi được đặt ra là trong vấn đề biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển Đông thuộc chủ quyền của nước Việt Nam đang bị Trung Quốc xâm chiếm thì chúng ta cũng phải làm theo ý của lãnh đạo nhà nước Trung Quốc vì mối ban giao giữa Việt Nam và Trung Quốc hay sao?!” vì câu hỏi đã là câu trả lời . Và câu trả lời, như tác giả đã biết, “ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, tức là ngay câu hỏi đã có tác dụng “ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

    Đây là những “khuyết điểm” của bà mà ô Trịnh Hữu Anh có thể dùng để bào chữa cho mình

    1- “tình hình thực tế”. Nếu xét về “tình hình thực tế”, ô THA biết rõ hơn tác giả những gì Trung Quốc có văn bản là không cấm, nhưng “tình hình thực tế” lại cấm .

    2- “thực tế thì các sách của ông Đạt Lai Lạt Ma vẫn được xuất bản tại Việt Nam và được khuyến khích tìm đọc” Không thể lấy sai sót của cán bộ biên tập để bào chữa . 2 cái sai chỉ làm cái sai trở thành bình thường ở Việt Nam .

    3- “và các nước này đều có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc”. Một lần nữa, tác giả mắc kẹt trong cái bẫy “tình hình thực tế” tự mình giăng ra . Các nước khác có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhưng Việt Nam mềnh có quan hệ nội giao với Trung Quốc . Thế nào là “nội giao”? Xin những người đã có gia đình giải thích dùm cho tác giả hiểu . Hoặc tác giả có thể tự tìm lấy . 75% web search ở VN là “nội giao”.

    4- “Trách nhiệm của một người cán bộ, công chức dù công tác trong bất cứ lĩnh vực nào, từ ngoại giao đến thông tin, đều phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân Việt Nam và làm việc đúng theo quy định pháp luật, chủ trương của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đó mới là lòng tự tôn dân tộc thật sự” . Phần hi-lite là câu trả lời . Nếu không hiểu tác giả có thể tự tìm hiểu lấy . Aka Trịnh Hữu Anh hoàn toàn có lý để cấm sách Pháp Luân Công .

    5- “những nội dung trong Đơn Phản ánh này là đúng sự thật” nhưng không phù hợp với “tình hình thực tế” aka chân lý cụ thể . Nếu không hiểu “chân lý cụ thể” là cái quái gì thì … tớ cũng không biết, và tớ ngờ rằng tác giả của cụm từ này cũng hoàn toàn mù tịt . Nếu cất công hỏi, chắc ổng sẽ kết hợp body language, aka hoa chân múa tay, và trích dẫn văn chương . Kết quả có thể sẽ là WTF!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây