Vụ VN Pharma: Xuất hiện những yếu tố hình sự liên quan đến người ở Bộ Y tế

Một Thế Giới

Hồ Quang

22-10-2017

Ông Giang Hán Minh – Phó chánh thanh tra Bộ Y tế (đại diện Bộ Y tế) xuất hiện tại tòa nhưng không trả lời được bất kỳ câu hỏi nào của đại diện Viện Kiểm sát liên quan đến những sai phạm Cục Quản lý dược. Ảnh: Báo MTG

Vụ án VN Pharma xét xử phúc thẩm đã khép lại, chờ tuyên án vào sáng 23.10 tới. Vụ xử đã ghi nhận nhiều tình tiết sai phạm nghiêm trọng của những người ở Bộ Y tế mà theo đại diện Viện Kiểm sát là bỏ lọt tội. Đây chính là một trong những lý do Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy án sơ thẩm, điều tra trở lại.

Liệu có phải giấy phép hoạt động khống?

Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án này đã không ít lần chứng kiến các bị cáo đẩy hành vi phạm tội của mình cho những đối tượng khác không có mặt ở phiên tòa này cũng như không bị khởi tố xử lý hình sự.

Những đối tượng này đã xác nhận, cung cấp những giấy tờ bất hợp lý, thậm chí là giấy tờ giả nên các bị cáo không biết, tin tưởng làm theo.

Một trong những đối tượng mà các bị cáo đẩy trách nhiệm nhiều nhất chính là Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Một trong 2 bị cáo cầm đầu của vụ án này là Võ Mạnh Cường – nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải Quốc tế H&C và luật sư của mình đã không ít lần đẩy những sai phạm của mình là do tin vào Cục Quản lý dược.

Bị cáo Cường đã cung cấp cho Hội đồng xét xử một giấy phép hoạt động tại Việt Nam của Công ty Helix (Canada) do Cục Quản lý dược cấp, có thời hạn 5 năm, kể từ ngày 18.6.2014 (trước thời điểm vụ án này khởi tố).

Từ đây bị cáo Cường lập luận rằng, không thể nào nói Công ty Helix là công ty “ma” không có thật mà do Cường và bị cáo Nguyễn Minh Hùng – nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma tự dựng lên như trong cáo trạng đã nêu. Bị cáo Cường đã không ít lần khẳng định mình làm đúng, vì Công ty Helix có thật đã được Bộ Y tế thừa nhận.

Trước chứng cứ ấy, vị chủ tòa phiên tòa chỉ biết im lặng, không đưa ra bất cứ một đối đáp nào. Từ đây vấn đề được đặt ra, tại sao cơ quan an ninh điều tra xác định Công ty Helix (Canada) là công ty “ma”, không có thật nhưng lại được Cục Quản lý dược cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam và giấy phép này vẫn còn đang có hiệu lực.

Tất nhiên, khi vụ án này được điều tra lại theo đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao thì tài liệu bất thường mà Bộ Y tế cấp này sẽ được tòa án chuyển cho Cơ quan an ninh điều tra để làm rõ.

Tuy nhiên lúc này dư luận đang đặt vấn đề, phải chăng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cùng cấu kết với 2 đối tượng cầm đầu là Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường để thiết lập bộ hồ sơ giả nhằm nhập khẩu lô thuốc trên (?). Nếu Cơ quan an ninh điều tra xác định, Cục Quản lý dược cấp giấy phép hoạt động khống cho công ty “ma” này thì đây rõ ràng là có yếu tố hình sự.

Không có tình tiết giảm nhẹ

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm lần này, bị cáo Nguyễn Minh Hùng cho rằng, Cục Quản lý dược khai báo với cơ quan điều tra đã phát hiện những bất thường của lô thuốc H-Capita 500mg Caplet rồi yêu cầu Công ty VN Pharma giải trình và báo với các cơ quan chức năng điều tra là sai sự thật.

Theo bị cáo Hùng, khi thuốc H- Capita 500mg được một số bệnh viện phản ánh có những bất thường, Công ty VN Pharma đã cho thu hồi lại lô thuốc nói trên, và báo cho Cục Quản lý Dược, Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) và các cơ quan chức năng khác vào cuộc làm rõ.

Nhận định về điều này, PSG.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan-nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thường trong ngành dược muốn nghi ngờ chất lượng thuốc đó phải đưa ra ngoài thị trường, vào các bệnh viện, phòng khám và bị phản ánh lên thì Sở Y tế mới báo cho Cục Quản lý dược, lúc đó mới nghi ngờ chất lượng.

“Như vậy, việc Công ty VN Pharma phát hiện ra lô  H-Capita 500mg Caplet có bất thường từ các bệnh viện thông báo là điều hợp lý”, bà Lan nhận định.

Bà Lan cho rằng Cục Quản lý dược khai báo với cơ quan an ninh điều tra, thuốc H-Capita 500mg Caplet còn niêm phong chưa đưa ra ngoài thị trường thì bản thân Cục Quản lý dược không có cơ sở để nghi ngờ chất lượng thuốc này, đề nghị VN Pharma giải trình rồi báo với các cơ quan chức năng vào cuộc thẩm định.

Như vậy rõ ràng, những sai phạm của Cục Quản lý dược trong việc thẩm định hồ sơ và cấp phép cho lô thuốc H-Capita 500mg Caplet được cơ quan an ninh điều tra xác định trước đó không phải là người phát hiện, tố giác như trong cáo trạng đã nêu ở phiên sơ thẩm làm tình tiết giảm nhẹ, không khởi tố trách nhiệm hình sự.

Viện Kiểm sát đề nghị xử lý theo pháp luật

Ngay như cả bị cáo Phan Cẩm Loan –  nguyên Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần VN Pharma cũng đẩy sai phạm của mình là xuất phát từ Bộ Y tế và Cục Quản lý dược. Bị cáo Loan cho rằng không thể nói bị cáo làm phụ lục hợp đồng giả với Công ty Austin Hồng Kông hay thanh toán hợp đồng giả để nhập khẩu trái phép 9.300 hộp thuốc H- Capita 500mg Caplet. Bởi Công ty Austin Hồng Kông được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam, còn thuốc H- Capita 500mg Caplet  được Cục Quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu.

Rõ ràng, trong tình huống này chẳng khác nào Cục Quản lý dược đã “bật đèn xanh” để cho bị cáo Loan làm phụ lục hợp đồng giả với Công ty Austin Hồng Kông, cũng như thanh toán hợp đồng giả đó để nhập thuốc H- Capita 500mg về Việt Nam tiêu thụ.

Chính trong phần kháng nghị của mình tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đã phải thốt lên rằng, Cục Quản lý dược có quá nhiều thiếu sót và sai phạm nghiêm trọng trong việc thẩm định, cấp phép lô thuốc H-Capita 500mg để tiếp tay cho những bị cáo trên.

Trong đó có hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng như: Hội đồng giám định Bộ Y tế giám định lô thuốc H-Capita Caplet có nhiều mâu thuẫn, không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của vụ án; giấy phép hoạt động tại Việt Nam của Công ty Austin Hồng Kông hết hạn nhưng vẫn ký giấy phép cho công ty này nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500mg Caplet; không phát hiện 2 tài liệu giả là chứng nhận bán hàng tự do (FSC), giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP)…

“Cần điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm, và các hành vi khác của tổ thẩm định, những người tham gia ở Cục Quản lý dược, lãnh đạo Cục Quản lý dược để xử lý theo pháp luật mới thỏa đáng”, vị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị.

_____

Người Lao Động

Vụ VN Pharma: Cục Quản lý dược cấp phép cho công ty “ma”!

Phạm Dũng

22-10-2017

Trong vụ án VN Pharma, Cục Quản lý dược cấp phép cho công ty “ma” Hilex Canada để nhập thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Dư luận đang rất quan tâm việc Bộ Công an xác định Hilex Canada là công ty “ma”, trong khi vụ án VN Pharma xuất hiện tình tiết mới cho biết Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp phép cho công ty này hoạt động tại Việt Nam.

Helix Canada là công ty không có thật !

Về nguồn gốc lô thuốc H-Capita 500 mg Caple, Võ Mạnh Cường (nguyên giám đốc Công ty TNHH Hàng hải quốt tế H&C) khai không biết thực tế thuốc được sản xuất ở đâu. Quá trình điều tra phát hiện trên các thùng thuốc có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore.

Xác minh mã số, mã vạch in trên vỏ hộp thuốc, Bộ Công Thương xác định mã vạch không được đăng ký bởi quốc gia nào.

Ngày 30-9-2014, Bộ Ngoại giao có công văn trả lời Bộ Công an, nêu rõ kết quả xác minh địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto, Ontario – Canada không có Công ty Helix Pharmaceuticals Inc như giấy tờ nộp cho Cục Quản lý dược.

Như vậy, Helix Canada là công ty “ma” và lô thuốc H-Capita 500 mg Caple do VN Pharma nhập khẩu là thuốc không rõ nguồn gốc.

Truy trách nhiệm lãnh đạo Cục Quản lý dược

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm vừa qua, bị cáo Võ Mạnh Cường lại bất ngờ trưng ra giấy phép “hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc là nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam”, do Cục Quản lý Dược cấp vào ngày 18-6-2014, thời hạn hoạt động 5 năm.

Dư luận đang nóng lòng chờ đợi các cơ quan chức năng trả lời câu hỏi: Helix Canada là một công ty “ma” nhưng tại sao Cục Quản lý Dược lại cấp phép cho hoạt động tại Việt Nam?

Bên cạnh đó, Hội đồng Giám định gồm 10 người do ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, làm Chủ tịch hội đồng. Tuy nhiên, ông Đông là cấp dưới của ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng, người ký văn bản cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500 mg Caple. Việc này theo đánh giá là không khách quan.

Trong vụ án này, Cục Quản lý dược là đơn vị cấp phép nhập khẩu, quá trình cấp phép có thiếu sót, sai phạm. Việc cục giám định chính lô hàng mình cấp phép cũng không khách quan.

Trên thực tế, quá trình cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500 mg Caple và 3 lô thuốc khác đã nhập khẩu của Cục Quản lý dược có rất nhiều sai phạm chưa được làm rõ. Chính việc làm tắc trách của cơ quan này đã tạo điều kiện cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Cho nên, VKS đề nghị làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của tổ thẩm định và lãnh đạo Cục Quản lý dược.

Đáng chú ý, các hồ sơ thẩm định lô thuốc có 10 chuyên gia tham gia thì 3 chuyên gia không ký tên, không có ý kiến. Công ty đối tác Hồng Kông đã hết hạn hoạt động nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho qua để ký tên nhưng Cục Quản lý Dược vẫn cấp phép cho nhập lô thuốc này.

Ngoài lô thuốc H-Capita 500mg Caplet, Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch VN Pharma) và các đồng phạm còn thực hiện các hành vi tương tự đối với 7 bộ hồ sơ của 7 loại thuốc khác lấy tên Công ty Helix Canada và cũng được Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký lưu hành cần được các cơ quan tố tụng làm rõ.

Ông Raymundo là ai?

Tại phiên phúc thẩm, Võ Mạnh Cường đã nêu một nhân vật quyền lực của Công ty Helix Canada và yêu cầu tìm bằng được ông này để tham gia vụ án.

Cường khai tại thời điểm bị cáo làm đại diện cho Công ty Helix Pharma, ông Raymundo nhiều lần sang Việt Nam, cùng với bị cáo gặp gỡ đối tác và giải quyết công việc. Ông Raymundo thường xuyên trao đổi với bị cáo Cường về lịch trình qua email.

Khi ông này ở Việt Nam, Cường đã trực tiếp đưa đón và sắp xếp chỗ lưu trú. Ông Raymundo thường lưu trú tại Khách sạn Viễn Đông (đường Phạm Ngũ Lão, quận 1) và tại một số Khách sạn ở Phú Mỹ Hưng (quận 7).

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Cường, bị cáo đã cung cấp các thông tin cá nhân của ông Raymundo cho cơ quan điều tra, trong đó có các nội dung email liên lạc giữa bị cáo với ông Raymundo, các giấy chứng nhận do ông này gửi từ Philippines về Việt Nam cho bị cáo (gồm giấy chứng nhận bán hàng tự do – FSC, giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc -GMP…).

Theo luật sư, đối chiếu trong trường hợp này, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể điều tra xác minh nhân thân ông Raymundo qua các thông tin khai báo của ông khi đến Việt Nam tại địa chỉ lưu trú, hoặc tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Dù vậy, cơ quan điều tra không tiến hành xác minh nhân thân, lai lịch của ông Raymundo trước khi đưa ra xét xử là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Cường đã nhiều lần trình bày rằng chính ông Raymundo là người cung cấp con dấu cho bị cáo để phát triển khách hàng tại Việt Nam và bị cáo không biết con dấu đó là giả. Cho nên, cần làm rõ vai trò của ông Raymundo.

Bị cáo Cường cũng yêu cầu các cơ quan chức năng xác định vai trò của ông Raymundo và xem xét việc bị cáo kêu oan là không biết ông ta làm ăn phi pháp.

Cục Quản lý Dược cấp phép cho công ty “ma”? Ảnh: Báo NLĐ
Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây