Điện và lũ – Đến lúc phải bàn lẽ công bằng

FB Lê Vĩnh Triển

17-10-2017

Ảnh biếm họa của báo Tuổi Trẻ

TRONG cái mớ bòng bong của thông tin về thủy điện, lũ lụt, phá rừng – (chưa bao giờ quan và quân cùng nhau tích cực phá rừng bạo tàn như vậy); TRONG nỗi ám ảnh bởi xác người, gia súc trương phình hay bị vùi dập, và bởi cả những phát biểu của các quan chức liên quan; TRONG đầy dẫy những thông tin trách cứ phê phán lãnh đạo vô tâm đối với vùng lũ, với những gia đình có người thân mất tích…;

Trong sự ngập tràn những thông tin như vậy còn có những lời bào chữa, chống chế từ các DLV hay tương tự DLV rằng ách nước tai trời đã có từ ngàn đời, rằng thủy điện là điều tất yếu của phát triển kinh tế, rằng lũ lụt là bởi biến đổi khí hậu, rằng cái gì cũng lỗi của chính quyền (cộng sản) hay sao vv và vv, chúng ta đều xúc động và có thể …RỐI nếu không tỉnh táo. Rối vì mớ bòng bong thông tin và nhận định, vì tình đồng bào và tri thức để đánh giá nguyên nhân của tai ương và trách nhiệm. Nhưng không thể vì thế mà không nhìn thằng sự thật.

“Let’s be fair!” Nghĩa là hãy công bằng với người dân! Đặc biệt là dân những vùng thủy điện, những vùng lũ, và công bằng với các chiều thông tin bằng các câu hỏi khách quan.

Trước thảm cảnh của lũ lụt, với sự chết chóc tang thương của quá nhiều gia đình, chính quyền cần phải trả lời trên nhiều nhất các phương tiện truyền thông có thể có những câu hỏi nhân quả sau đây nếu còn có trách nhiệm tối thiểu:

Lũ lụt Thường Xuyên (giết người diện rộng, gia súc, nhà cửa hoa màu tan nát) – tình trạng hiện nay – có là hậu quả của các nguyên nhân?

– Xả lũ đập thủy điện (chủ động), vỡ đập, vỡ đê (thụ động)

– Phá rừng tàn bạo, làm hoang hóa đất không giữ nước

– Biến đổi khí hậu…

Mức độ tác hại? Bao nhiêu phần tai ương do lũ lụt, người và gia súc chết, mùa màng tan nát có nguyên nhân từ vỡ đập, vỡ đê và XẢ ĐẬP thủy điện (chủ động)? Bao nhiêu phần có nguyên nhân từ PHÁ RỪNG tàn bạo bởi cả quan và quân? Bao nhiều phần có nguyên nhân từ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU?

Một chính quyền nếu muốn được xem là có trách nhiệm phải trả lời cho người dân những câu hỏi này chứ không thể làm ngơ, đầy quyền lực mà bất lực như vậy! Không thể lấp liếm rồi đổ hết cho tăng trưởng/phát triển kinh tế (bất chấp mọi thứ!) hay biến đổi khí hậu!

Khi đã xác định mức tác hại của các nguyên nhân nêu trên, cần thiết xác định tham nhũng trong xây dựng thủy điện đồng nghĩa với giết người, phá rừng, đồng lõa phá rừng để chiếm đất, cướp gỗ, tài nguyên cũng đồng nghĩa với giết người!

Cần phải công bằng với dân, đặc biệt là dân vùng lũ, vùng có đập thủy điện. Chứ không thể điện thì hầu hết người dân dùng, phủ khắp các tỉnh thành nhưng hậu quả thì chỉ một nhóm, một số khu vực gánh chịu. Đó là chưa kể đến yếu tố tham nhũng thì chỉ có một nhóm lợi ích nào đó được hưởng trên xương máu (nghĩa đen) của người khác.

Nếu không nhìn thẳng vào sự thật và trả lời các câu hỏi trên, tìm các giải pháp kinh tế, khoa học và pháp lý thì thảm cảnh hàng năm sẽ cứ tiếp tục và trầm trọng hơn.

Nói cách khác, nếu không nhìn thẳng vào sự thật và trả lời, SỰ CỘNG HƯỞNG của 1) Nhân tai – lòng tham con người, sự nhẫn tâm của quan chức (phá rừng chiếm đất gỗ, tư lợi, phát triển thủy điện bất chấp hiệu quả kinh tế và xã hội, môi trường) và 2)Thiên tai – biến đổi khí hậu, sẽ làm cho lũ lụt và tai ương càng kinh khủng hơn. Kinh khủng hơn nhưng lại trở thành điều bình thường bởi vì người dân chấp nhận sự vô trách nhiệm của chính quyền (biết làm gì hơn) sẽ giống như chấp nhận biến đổi khí hậu là khách quan vậy!

Rồi chúng ta liệu sẽ quen dần, trở nên vô cảm trước xác đồng bào vì chuyện đó được lập đi lập lại đến mức đến hẹn lại lên! Qua thời gian, tính nhẫn tâm vô cảm sẽ trở nên một đặc tính mới của người Việt bên cạnh những tính chất tự cho như cần cù, chịu khó, yêu nước “thương nòi”! Tục ngữ ca dao lại có thêm câu:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Dùng điện nhớ kẻ phơi thây ngoài đồng?

(Bài viết thay một nén nhang thắp cho đồng bào chết vì nhân tai và thiên tai vừa qua)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây