Việt Nam và các vùng nước bị khuấy đục ở biển Đông

China Policy Analysis

Tác giả: Carlyle Thayer

Dịch giả: Song Phan

4-10-2017

Đảo Đá Đông (East London Reef) do VN làm chủ. Nguồn: internet

Hồi tháng 1/2017, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã gây ra một cơn bão truyền thông tại Trung Quốc (TQ) trong phiên điều trần chuẩn nhận chức vụ của ông khi trả lời câu hỏi liệu ông có ủng hộ một thái độ quyết đoán hơn đối với TQ hay không. Tillerson trả lời, “Chúng ta sẽ phải gửi tới TQ một tín hiệu rõ ràng rằng, thứ nhất, dừng lại việc xây dựng đảo và, thứ hai, sẽ không được cho phép truy cập vào những đảo này”. Tillerson cũng kêu gọi các đồng minh của Mỹ trong vùng “bày tỏ sự ủng hộ.”

Thời báo Hoàn Cầu của TQ đáp trả, “Tillerson tốt hơn nên nghiên cứu thấu đáo chiến lược năng lượng hạt nhân nếu ông muốn buộc một cường quốc hạt nhân lớn rút ra khỏi vùng lãnh thổ của riêng mình … Nếu nhóm ngoại giao của Trump định hình quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai như đang làm hiện giờ, thì hai bên tốt hơn nên chuẩn bị cho một cuộc đụng độ quân sự”. Cựu Thủ tướng Úc Paul Keating mô tả nhận xét của Tillerson “đơn giản là buồn cười” và “đe dọa kéo Australia vào chiến tranh”.

Trong hai năm rưỡi qua, TQ đã bắt tay vào một kế hoạch tổng thể để hậu thuẫn các yêu sách về “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ ở biển Đông qua việc xây dựng và củng cố các rạn đá và bãi triều thấp trong quần đảo Trường Sa. TQ đã xây dựng sân bay dài 3 km trên ba thể địa lý và sau đó xây dựng hơn hai chục chỗ chứa kiên cố liền kề các sân bay này, có khả năng chứa máy bay phản lực, máy bay ném bom, máy bay chiến đấu điện tử và máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Trong diễn tiến gần đây nhất, TQ đã xây dựng các hệ thống phòng thủ điểm trên cả 7 thể địa lý họ chiếm đóng, có cả súng phòng không và hệ thống tên lửa.

Việc quân sự hóa của TQ trên quần đảo Trường Sa đã được sự quan tâm rộng rãi của các phương tiện truyền thông trên thế giới, các chuyên gia về an ninh khu vực và các nhà bình luận học thuật. Các nỗ lực của Việt Nam trong việc củng cố sự kiểm soát của mình đối với 21 thể địa lý mà họ đang trú đóng ít được chú ý hơn.

Chính phủ hiện nay ở Hà Nội, chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, được chính thức thành lập năm 1976 sau khi Việt Nam thống nhất về chính trị. Trước khi Sài Gòn sụp đổ vào tháng 4 năm 1975, Lực lượng Đặc biệt Việt Nam đã nắm quyền kiểm soát các thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa, lúc đó do VNCH (Nam Việt Nam) trú đóng. Những thể địa lý  này đã được một cộng đồng hài quân và dân sự nhỏ trú đóng kể từ đó. Năm 1992, Việt Nam đã lắp đặt máy thu phát vệ tinh để đưa truyền hình màu tới Trường Sa. Năm 1994, Việt Nam đã xây dựng một ngọn đèn biển trên đá Tây (West London Reef) và từng bước nâng cấp cơ sở vật chất trên tất cả các thể địa lý của mình.

Trong số 21 thể địa lý mà Việt Nam trú đóng trong quần đảo Trường Sa, 9 thể là đá nằm trên mặt nước khi thủy triều dâng cao, và 12 là bãi triều thấp mà Việt Nam có xây dựng các công trình trên đó. Việt Nam nói rằng họ vẫn duy trì 33 điểm đóng quân ở quần đảo Trường Sa, với một số thể địa lý có hơn một điểm đóng quân.

Lầu Năm Góc nói rằng Việt Nam duy trì 48 tiền đồn ở Trường Sa; con số này có thể bao gồm 15 nhà giàn – hoặc điều mà Việt Nam gọi là “cụm dịch vụ kinh tế-khoa học-kỹ thuật” – ở bãi Tư Chính (Vanguard Bank). Việt Nam không coi bãi Tư Chính thuộc Trường Sa. Số lượng nhân viên quân sự trên 21 thể địa lý của Việt Nam không được biết chắc chắn, chỉ ước tính khoảng từ vài trăm đến 1.000.

Trong năm 2007, Việt Nam đã vạch ra Chiến lược biển đến năm 2020, trù tính lồng ghép nền kinh tế ven biển với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, bao gồm thủy sản và các nguồn dự trữ dầu khí. Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, từ năm 2009 đến năm 2015, Việt Nam đã lắp đặt thiết bị truyền thông và radar trên 15 thể địa lý và đã cải tiến hệ thống phòng thủ điểm trên 18 thể địa lý.

Từ năm 2010 đến năm 2012, Việt Nam đã xây dựng các tòa nhà hành chính, 5 cấu trúc quân sự nhiều tầng và một đèn biển trên đá Tây. Ngoài ra, từ năm 2011 đến năm 2015, Việt Nam đã xây dựng các bãi đáp trực thăng trên 6 tiền đồn.

Từ tháng 8 năm 2011 đến tháng 2 năm 2015, Việt Nam đã cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng trên đảo Sơn Ca (Sand Cay) bằng cách mở rộng bãi biển khoảng 2,1 ha, củng cố tường bao chắn biển, xây dựng bến tàu, cảng và khu phức hợp lớn chứa bãi đáp trực thăng, và các cấu trúc phòng thủ (hào, kho bảo vệ, công sự và chỗ chứa cho hai pháo phòng không 20 milimet).

Từ năm 2014 đến năm 2015, Việt Nam xây dựng một nhà hộp ba tầng, hai bến tàu, và các tòa nhà có gắn các tấm pin mặt trời, ăngten truyền thông và vệ tinh trên đá Núi Le (Cornwallis South Reef). Vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, Việt Nam nạo vét hai kênh sâu ở phía nam đá Núi Le, cho phép các tàu lớn không thể chạy trên kênh tự nhiên nhỏ có sẵn. Việt Nam cũng đã xây dựng được những đảo nhân tạo nhỏ dọc các kênh mới và bắt đầu xây dựng nhiều công trình. Đến tháng 8 năm 2015, Việt Nam đã thêm khoảng 1,6 ha cát vào phía đông nam và tây nam của đá Núi Le và bắt đầu xây dựng một số tòa nhà. Tháng 12 năm 2015, bão Melor đã quét mất đi khoảng 0,7 ha đất mới. Việt Nam nhanh chóng khắc phục những thiệt hại ở phía tây nam.

Vào ngày 7 tháng 5 năm 2015, Sáng kiến ​​minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (AMIS) cho biết, ảnh vệ tinh xác nhận rằng Việt Nam đã bổ sung khoảng 65.000 mét vuông [6,5 ha] đất cho đá Tây. Một tuần sau, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, Việt Nam đã tăng cường kè cho một vài thể địa lý của Trường Sa để ngăn xói mòn của gió và nước. Tướng Thanh lưu ý rằng, Việt Nam cũng xây dựng những ngôi nhà nhỏ có thể “chứa được một vài người” và rằng “tầm cỡ và đặc tính công việc của chúng tôi là hoàn toàn dân sự”.

Ngày 14 tháng 5 năm 2015, Đại sứ Việt Nam tại Philippines, Trương Triều Dương, trả lời các câu hỏi của báo chí về AMTI trong một email “Các hoạt động của Việt Nam … hoàn toàn nhằm mục đích cải thiện cơ sở vật chất cũ để phục vụ nhu cầu tối thiểu hàng ngày của những người sống trên các đảo thuộc thẩm quyền của Việt Nam ở Trường Sa … Trên thực tế, Việt Nam đã nhiều lần tôn tạo một số đảo thuộc thẩm quyền của mình, nhưng ở quy mô rất nhỏ, chủ yếu là xây dựng các bờ kè chống xói lở bờ biển; xây dựng bến cảng; (và cung cấp) hậu cần cho đánh bắt cá. Việc xây dựng và tôn tạo của chúng tôi không làm thay đổi hiện trạng”.

Một năm sau đó, vào ngày 17 tháng 5 năm 2016, AMTI của CSIS báo rằng họ đã khảo sát tất cả 21 đảo và rạn đá do VN trú đóng ở quần đảo Trường Sa và “thấy có bằng chứng về việc bồi đắp tại 10 đảo trong số đó. Những hình ảnh này… cho thấy, Việt Nam đã tạo ra hơn 120 mẫu tây [48,6 hecta] đất mới ở biển Đông, chủ yếu ở đảo Trường Sa, Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, và đá Tây. Phần lớn công việc này đã diễn ra trong hai năm qua. So với TQ đã tạo ra gần 3.000 mẫu tây [1214 ha] đất mới tại 7 thể địa lý mà họ chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa thì công trình của Việt Nam không những nhỏ nhoi hơn nhiều mà cũng ít phá hoại môi trường hơn, vì họ không thực hiện nạo vét quy mô lớn các rạn đá có các tiền đồn của Hà Nội đóng trên đó. Công việc cũng chủ yếu (nhưng không phải luôn luôn) liên quan đến việc mở rộng các đảo nhỏ đã có trước đó chứ không phải là tạo ra đất mới ở các thể địa lý ngầm”.

Ba phát triển lớn trong năm 2016 đáng được làm rõ thêm:

Thứ nhất, vào ngày 9 tháng 8 theo báo cáo “trong những tháng gần đây”, Việt Nam đã triển khai các dàn phóng tên lửa di động  phạm vi mở rộng (EXTRA) trên 5 thể địa lý của quần đảo Trường Sa. Hệ thống EXTRA có tầm bắn 150 km và có thể được sử dụng để bắn vào các sân bay của TQ. Những người phát ngôn của Việt Nam đã phủ nhận việc Việt Nam đặt các dàn phóng và tên lửa ở quần đảo Trường Sa, “nhưng bảo lưu quyền thực hiện những biện pháp như vậy”.

Thứ hai, ngày 15 tháng 11, ảnh vệ tinh xác nhận rằng Việt Nam đang mở rộng đường băng trên đảo Trường Sa (Lớn) từ 760 mét (m) lên 1,2 km và đang xây dựng hai nhà chứa máy bay lớn. Việc mở rộng sân bay mới sẽ cho phép Việt Nam triển khai máy bay tuần tra biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295.

Thứ ba, vào ngày 30 tháng 11, ảnh vệ tinh cũng khẳng định, rằng Việt Nam đã bắt đầu nạo vét cát ở đá Lát (Ladd Reef) nhằm mở một kênh mới cho tàu đánh cá và tàu tiếp tế có thể ra vào.

Trong những năm gần đây, TQ đã biện hộ cho việc họ xây dựng các đảo nhân tạo trên cơ sở là để chạy theo kịp và làm những gì mà các nước đòi chủ quyền khác khác đã làm. Tuy nhiên, các hoạt động của TQ đã thu lại và tiến sâu hơn vào toàn bộ các cung bậc của việc quân sự hóa hơn bất kỳ quốc gia yêu sách nào khác.

Xem xét lại các hoạt động của Việt Nam ở Trường Sa cho thấy, việc Việt Nam trú đóng các thể địa lý ở Trường Sa xảy ra gần 4 thập niên trước những hoạt động xây dựng gần đây của TQ. Việt Nam đã quân sự hóa các đảo của mình trong chừng mực mà bộ binh hải quân cấu thành việc quân sự hoá, ở bậc thấp của nó, trong giai đoạn chiến tranh lạnh, và trước khi Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 được  thông qua.

DOC kêu gọi tất cả các bên, kể cả TQ, “tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong đó, bên cạnh những việc khác, có việc kiềm chế các hành động đưa người đến cư trú trên các đảo không có người ở, các rạn san hô, bãi cát, và các thể địa lý khác …”

Từ năm 2002, Việt Nam đã xây dựng các công trình phòng thủ nhỏ (hệ thống phòng thủ điểm và các cấu trúc quân sự nhiều tầng), bãi đáp trực thăng và thiết bị truyền thông quân sự và radar.

Ngoại lệ chính là việc Việt Nam mở rộng đường băng trên đảo Trường Sa để phục vụ cho máy bay tuần tra biển và việc Việt Nam đặt các dàn phóng EXTRA (nhưng không phải tên lửa) trên 5 thể địa lý của Trường Sa. Điều này tạo thành bước tiến quan trọng trong việc quân sự hóa nhưng không sao chép theo quy mô các hoạt động của TQ.

Việc triển khai các dàn phóng EXTRA phải được xem như là phản ứng của Việt Nam đối với việc TQ xây dựng các trạm vận hành tiền phương cho các đường băng và nhà chứa máy bay, có khả năng phục vụ hầu như tất cả các máy bay quân sự TQ có và các hệ thống phòng thủ điểm với súng và tên lửa phòng không.

Tất cả các công trình xây dựng khác của Việt Nam có vẻ theo hướng dân dụng, chẳng hạn như việc gia cố tường bao chắn biển, việc xây dựng cầu cảng, bến tàu và mở rộng các kênh đi lại. Các hoạt động mở rộng đất đai của Việt Nam chỉ khoảng 4% “việc bồi đắp đất” của TQ.

Các nỗ lực của Việt Nam trong phòng vệ tự lực đi cùng với các nỗ lực chính trị và ngoại giao nhằm tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho các tranh chấp lãnh thổ và giữ cho biển Đông ổn định. Chẳng hạn, Việt Nam đã phản ứng lại với Hoạt động Tự do đi lại của Hoa Kỳ gần đây nhất do USS Decatur thực hiện vào tháng 10 năm 2016, qua việc tuyên bố rằngViệt Nam tôn trọng việc các quốc gia khác thực hiện các quyền của họ ở biển Đông theo quy định của UNCLOS, trong đó có quyền tự do đi lại trên biển và trên không. Các yêu sách biển và các hoạt động có liên quan của các nước phải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”.

Gần đây nhất, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến thăm Bắc Kinh từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 1, bên cạnh các vấn đề khác, ông đã thảo luận về Biển Đông với đối tác Tập Cận Bình.Theo thông cáo chung, “Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả ‘Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông’ (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng ‘Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông’ (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Nói tóm lại, chính sách của Việt Nam đối với vùng nước bị khuấy đục ở biển Đông là dấn vào một chương trình phòng thủ tự vệ vững mạnh ở trong nước (Việt Nam vừa nhận tàu ngầm Kilo thứ sáu và là tàu cuối cùng), trong khi lôi kéo cả TQ lẫn Hoa Kỳ (cũng như các cường quốc khác – Nga, Ấn Độ và Nhật Bản) vào việc duy trì sự cân bằng sức mạnh ở biển Đông.

Carlyle Thayer là Giáo sư danh dự, Đại học New South Wales tại Học viện Quốc phòng, Australia, Canberra. Bài viết này lần đầu tiên được xuất bản trên Hiệp hội Chính sách Châu Á Thái Bình Dương và có thể tìm thấy ở đây.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây