Thảm sát tại Las Vegas không phải là khủng bố?

Thạch Đạt Lang

4-10-2017

Stephen Paddock, kẻ đã xả súng giết chết 59 người ở Las Vegas đêm 1/10/2017 vừa qua

Đã có ít nhất 59 người bị bắn chết và trên 500 người khác bị thương trong một vụ tàn sát tại đại nhạc hội Route 91 Harvest Festivals vào lúc 22h08’ ngày 01.10.2017 ở Las Vegas. Tính đến thời điểm này, đây là vụ giết người hàng loạt nơi công cộng, lớn nhất trên nước Mỹ với số thương vong cao nhất từ trước đến nay.

Thủ phạm vụ tàn sát, Stephen Paddock 64 tuổi, dùng búa phá vỡ cửa kính của một phòng ở tầng lầu thứ 32 khách sạn Mandalay Bay rồi từ đó chĩa súng vào đám đông khoảng 22.000 khán giả của một đại nhạc hội và khai hỏa liên tục trong khoảng10 phút.

Ngay sau khi tiếng súng vừa được phát giác là xuất phát từ trong khách sạn, tầng 32, lực lượng an ninh của Mandalay Bay Hotel đã tìm cách xông vào căn phòng Paddock trú ngụ. Stephen Paddock từ trong phòng bắn xuyên qua cửa khóa, làm bị thương một nhân viên an ninh. Chỉ một thời gian ngắn sau, lực lượng SWAT tấn công vào căn phòng nhưng thủ phạm đã tự tử chết trước khi nhân viên SWAT vào được bên trong. Hệ thống báo động hỏa hoạn tầng thứ 32 đã được kích hoạt vì khói súng.

Eric Paddock, em trai hung thủ cho biết, anh mình, Paddock không phải là kẻ túng thiếu tiền bạc hay nợ nần chồng chất. Paddock là triệu phú, đời sống rất sung túc, từng là nhân viên kế toán, có nhiều cơ sở địa ốc nhưng đồng thời cũng là kẻ nghiện cờ bạc, nhiều khi sống ở các casino vừa là khách sạn vừa là sòng bài hàng tháng trời. Eric không hiểu vì sao anh mình đột nhiên trở thành kẻ sát nhân, giết người hàng loạt.

Số người bị bắn chết và bị thương ở buổi hòa nhạc 91 Route Havest Festivals ngày 01.10.2017 vượt qua số nạn nhân trong vụ thảm sát tại Pulse Night Club, Orlando, bang Florida ngày 12.06.2016 nhưng Tổng thống Donald Trump không gọi đây là một vụ khủng bố. Ông ngỏ lời chia buồn với gia đình nạn nhân, ra lệnh treo cờ rũ để tang cho nước Mỹ, gọi kẻ sát nhân là một người điên khùng, bị bệnh tâm thần nhưng hoàn toàn không nói gì đến hai chữ khủng bố.

Cũng như Tổng thống Donald Trump, các giới chức cảnh sát ở  Las Vegas không dùng hai chữ “khủng bố” để gọi kẻ sát nhân ở khách sạn Mandalay Bay, phải chăng vì Stephen Paddock là người da trắng? Hai chữ khủng bố (Terror) – Donald Trump luôn phát biểu ngay lập tức khi nghe tin về nạn nhân chết hàng loạt nơi công cộng ở các nước khác trên thế giới cho dù chính phủ và cảnh sát các nước sở tại còn đang điều tra, chưa đưa ra kết luận – lần này đã được tránh né, không nhắc đến.

Nhớ lại những tuyên bố của ông Donald Trump khi nghe tin về vụ hỏa hoạn khiến 37 người thiệt mạng tại sòng bạc khu nghỉ mát World Manila ngày 02.06.2017 ngoại ô thành phố Pasay, Manila, Philippines. Trump đã lập tức lên tiếng tại Washington rằng đó là một vụ khủng bố: “Thật là đáng buồn với những gì đang xảy ra khắp nơi trên thế giới với nạn khủng bố.” và gọi ngắn gọn đó là “Khủng bố ở Manila”. Tuy nhiên giới chức có thẩm quyền ở Manila đã nhanh chóng phủ nhận chuyện khủng bố.

Tương tự như thế, trong tháng Tư năm 2017 tại Paris, một tay súng đã bắn chết một cảnh sát, làm bị thương 2 người khác cùng một du khách người Đức. Trump phán ngay không cần chờ chính phủ Pháp đưa tin: “Vụ án mạng ở Paris là một cuộc tấn công của khủng bố”, trong khi chính phủ Pháp đã nói rõ rằng, còn quá sớm để xác định nguyên nhân vụ nổ súng.

Từ chuyện sát thủ Stephen Paddock đến chuyện Charllottesville, Trump cũng không gọi James Alex Fields Jr. là kẻ khủng bố cho dù hành động lái xe lao vào đám đông gây tử thương cho cô Heather Heyer, làm bị thương 35 người khác, giống như hành động của những tên khủng bố Hồi Giáo dùng xe tải lao vào đám đông trên đường phố ở Berlin, Barcelona…

Vậy thì khủng bố là ai? 

Trở lại quá khứ, chữ “Khủng Bố” không hề được dùng rộng rãi sau vụ bắn giết tại Isla Vista, California năm 2014, gây ra bởi một thanh niên da trắng, không phải là kẻ cuồng tín được ISIS kích động, tuyển mộ mà do bị xúi dục và thù ghét phụ nữ. Hoặc sau cuộc tấn công vào những người da đen ở nhà thờ Mother Emanuel ở Charleston hay vụ thảm sát trẻ em tại trường tiểu học Sandy Hook.

Tất cả các vụ tấn công trên đều có chung những điểm sau: Đàn ông da trắng, súng trường tấn công. Và tất nhiên, khủng bố, theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên không ai trong số những tên tội phạm này được gọi chung là “kẻ khủng bố”.

Điều đó đã trở thành một sự khôi hài đen với các phương tiện truyền thông của Mỹ khi sát thủ là người da trắng. Báo chí sẽ mô tả sát thủ là một người người hiền lành, dễ thương, cư xử lịch sự, tốt với láng giềng, không hề làm tổn thương đến cả con ruồi…

Omar Mateen, sát thủ ở Pulse Night Club, Orlando, Florida sinh ra và lớn lên ở New York, sau đó là Port St. Lucie, Florida, trở thành người địa phương như Paddock. Tuy nhiên, ngay khi được biết Mateen theo đạo Hồi, Mateen bị buộc tội là một tên khủng bố.

Trở lại chuyện Stephen Paddock. Khi khám xét căn phòng Paddock thuê ở Mandalay Bay, cảnh sát tịch thu được 23 khẩu súng đủ loại, ngoài ra tại nhà của Paddock ở Mesquite họ tìm thấy thêm 19 vũ khí khác cùng hàng ngàn viên đạn và nhiều kg Ammonium Nitrat, một nguyên liệu chính dùng để chế tạo thuốc nổ.

Sau khi thảm sát xảy ra, chứng khoán của các công ty sản xuất vũ khí tăng vọt, đồng thời tu chính án thứ hai lại được đem ra tranh luận gay gắt. Nhiều thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ một lần nữa yêu cầu cần phải suy nghĩ lại về tu chính án này cũng như cần phải thảo luận, tìm cách ngăn chận những vụ sử dụng vũ khí quá tự do trong lúc Donald Trump và đảng Cộng Hòa bác bỏ mọi lập luận của đảng Dân Chủ, cho rằng vụ thảm sát gây ra bởi Stephen Paddock chỉ là trường hợp cá thể, không liên quan gì đến chính trị hay khủng bố.

Tổ chức ISIS lên tiếng tự nhận đứng sau vụ thảm sát do Paddock gây ra, có thể nhằm mục đích chiêu dụ, tuyển mộ thêm những chiến binh da trắng mới nhưng hiện tại hoàn toàn không có chứng cớ nào chứng tỏ có sự liên hệ giữa Paddock với ISIS.

Ngoài ra, có một điều may mắn trong vụ thảm sát tại Las Vegas ngày 01.10.2017 vừa qua, Stephen Paddock là người da trắng, không theo Hồi giáo. Do đó sẽ không có những buổi họp ở quốc hội để lên án người Hồi Giáo, đồng thời tổng thống Donald Trump cũng không phải ban hành những sắc luật hoặc đề nghị những biện pháp kiểm soát gắt gao dân nhập cư các nước Á Rập. Những người sử dụng mạng xã hội Twitter sẽ không bị tràn ngập bởi những Tweet than phiền hay giận dữ của Trump về vụ khủng bố. Chuyện bắn giết người hàng loạt của Paddock nhờ đó đã không bị chính trị hóa.

Vậy để gọi một kẻ sát nhân, bắn giết người hàng loạt bằng những tiểu liên tự động, súng trường xung kích hoặc lái xe với tốc độ nhanh lao vào đám đông người đi bộ là kẻ khủng bố, cần phải có đủ 2 điều kiện: Da màu và Hồi giáo. Thiếu một trong 2 điều kiện này, kẻ sát nhân không phải là khủng bố, cho dù hắn đã giết vài người hay vài chục và làm bị thương hàng trăm người khác.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Sau mỗi vụ cuồng sát, cảnh sát và các nhà điều tra cố gắng tìm hiểu vì sao tên sát nhân làm như vậy? Nếu gọi hắn là thằng điên, thì rõ ràng người Mỹ cứ tìm hiểu vì sao một thằng điên làm việc điên thay vì tìm cách không cho thằng điên thủ đắc vũ khí.

Leave a Reply to Trần quang Hạ Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây