‘Việt Nam là cứ bám víu quá mức vào cái bằng’

BBC

26-9-2017

Trường mà ông Nguyễn Xuân Anh lấy bằng sau đó đổi tên thành California Southern University. Ảnh: SOUTHERN.EDU

Một giảng viên gốc Việt ở Hoa Kỳ bình luận về vụ bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh.

Vũ Quý Hạo Nhiên, giảng viên toán tại Coastline Community College, Hoa Kỳ ông cho biết ông quan tâm đến vấn đề bằng cấp của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh mà dư luận xôn xao nhiều ngày qua.

“Trường ông Xuân Anh học, California Southern University (CSU), thực sự có rất nhiều bằng cấp học từ xa, nhưng đến năm 2015, trường đã được công nhận rồi.

“Quy chế công nhận trường ở Mỹ khác Việt Nam. Ở Việt Nam, mình trông vào nhà nước, Bộ Giáo Dục để công nhận. Ở Mỹ là dựa vào sự tự nguyện và uy tín của các cơ quan tư nhân làm việc đó. Giờ ai học trường đó là bằng cấp được công nhận hoàn toàn.

“Ông Xuân Anh học từ 2006 … thì hơi rắc rối xíu. Khi cơ quan kiểm định thì họ kiểm định trong sáu năm.

“Mình đã làm sau năm qua, bài vở soạn đàng hoàng hay không, chứ không phải năm nay họ tới là kiểm định năm nay đâu. Khi trường được công nhận từ 2015 thì họ đã kiểm định từ 2009 rồi”.

Theo ông Hạo Nhiên, có nhiều cơ quan thẩm định chứng chỉ quốc gia (National Accreditation), không có uy tín bằng các cơ quan thẩm định vùng (Regional Accreditation).

“Có nhiều cơ quan không uy tín bằng bao trùm cả nước, ai muốn họ sẽ đến, họ kiểm tra, không có bề dày hoạt động. Nhiều trường tuyên bố là cơ quan toàn quốc không đáng tin cậy bằng những cơ quan vùng vì những cơ quan này làm 100-200 năm nay rất biết việc, rất uy tín.

Trên thực tế, dường như trường CSU đã tiến hành thủ tục xin chứng chỉ từ năm 2012, theo báo cáo của cơ quan WASC, một trong sáu cơ quan thẩm định chứng nhận chất lượng các trường đại học khu vực miền Tây Hoa Kỳ.

Khi được hỏi vụ điều tra bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh sẽ có hệ lụy gì đến hàng chục ngàn học sinh và sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, ông Hạo Nhiên cho biết:

“Các em du học sinh qua đây, phụ huynh hay các em không rõ nhiều trường, nhìn chứng chỉ quốc gia là ngon, trong khi phải được kiểm định vùng mới được công nhận.”

“Cứ nhìn trên các quảng cáo tìm việc, trang web tuyển sinh cao học, tiến sĩ, họ đòi hòi từ trường thẩm định vùng.”

“Ở Mỹ có những người làm những công việc cơ quan nhà nước mà công việc đó phải có bằng cử nhân mới được chức đó trong khi họ hoàn toàn đầy đủ khả năng, chỉ là tiền bạc, hồi nhỏ học kém, nên.nhiều người đi vào trường không được cộng nhận để được vào chức vụ mà ai cũng biết họ làm được.

“Việt Nam mình là cứ bám víu quá mức vào cái bằng, từ trường nào, ở Mỹ hay Pháp, để cân đo đong đếm bằng cấp của người khác.

“Việt Nam coi trọng bằng quá mà không quan tâm đến khả năng thực sự. Khả năng thực sự của ông Xuân Anh được làm chức đó được hay không hay ông là con của ông kia để lên chức đó, hay là chuyện tranh chấp nội độ để đem bằng cấp của nhau ra để nói …”

“Theo báo chí thì tôi thấy đã có nhiều quan chức Việt Nam học như thế rồi, dù trường đó có được công nhận đi chăng nữa thì trường đó có đủ tiêu chuẩn, đủ cao để giảng dạy về quản trị kinh doanh hay không thì chưa chắc. Họ chỉ đạt yêu cầu tối thiểu trong khi hầu hết đòi hỏi của người ta trên thế nhiều…

“Có rất nhiều người chỉ học trung học thôi mà rất giỏi, cử nhân thôi mà rất giỏi, nếu mình cứ nói học càng cao bằng càng giỏi thì cái đó là vô lý,” ông Nhiên nói thêm.

Trong khi đó Tiến sĩ Donald Hecht, chủ tịch của California Southern University (CSU) được VOA Việt Ngữ dẫn lời nói “chúng tôi không bao giờ muốn dính líu tới chính trị nội bộ của bất kỳ nước nào, nhưng chúng tôi chắc chắn muốn bảo vệ phẩm giá, danh tiếng và danh dự của trường và các sinh viên.

“Chúng tôi có thể khẳng định rằng Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh học tại SCUPS và nhận bằng MBA [Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh] vào tháng Sáu năm 2002 và bằng DBA [Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh] vào tháng 12 năm 2006. Bằng của ông ấy và của các sinh viên Việt Nam khác đã được chứng thực bởi cơ quan chức năng của California và Tổng lãnh sự Việt Nam ở San Francisco. Ông ấy học một khóa liên kết giữa SCUPS và Đại học Bách khoa”.

Tiến sĩ Hecht nói rằng mất “3 năm” và “dưới 30 nghìn đôla” để hoàn tất và lấy được bằng DBA và lưu ý về cái gọi là không nên nhầm lẫn giữa DBA và Ph.D [bằng tiếng sĩ được nhiều trường cấp]”.

Trong khi đó báo Tuổi Trẻ ngày 24/09 có bài mô tả Bộ giáo dục Đào tạo Việt Nam đồng ý cho Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác đào tạo từ xa với Đại học chuyên ngành Nam California (SCUPS), nơi ông Nguyễn Xuân Anh lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ, nhưng lại không công nhận bằng của học viên nhận từ chương trình này.

“Vậy tại sao Bộ GD-ĐT lại cho phép ĐH Bách khoa Hà Nội hợp tác đào tạo với SCUPS, sau đó lại không công nhận văn bằng được cấp của trường này? Tuổi Trẻ đã liên lạc với người có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính thức?” tác giả viết.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to trần nguyên Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây