Ngoại tộc dày xéo, cai trị Trung Quốc (phần 2)

Hồ Bạch Thảo

22-9-2017

Tiếp theo phần 1

III. Thời Trung Quốc phân chia nam bắc: nước Bắc Nguỵ [386- 557]

Sau thời 16 nước Ngũ Hồ loạn Hoa, đến lượt Thác Bạt Khuê người gốc Tiên Ty kiến lập chính quyền Bắc Nguỵ; đây là chính quyền phương bắc đầu tiên thời Nam Bắc triều. Bộ tộc Thác Bạt Tiên Ty nguyên lai cư trú tại Hắc Long Giang ngày nay, chuyên về du mục. Sau đó di cư đến vùng Nội Mông Cổ, rồi xuống phương nam. Đến năm 315, Thác Bạt Kỳ Lô giúp nhà Tây Tấn đánh Hung Nô, nên được phong Vương đất Đại, rồi lập thành nước. Năm 376, Phù Kiên nước Tiền Tần tấn công, Đại bị diệt vong.

Sau khi thất bại trận Phì Thuỷ, Tiền Tần suy sụp, kế đó Phù Kiên bị giết; lợi dụng tình thế này, vào năm 386 Thác Bạt Khuê khôi phục nước Đại; rồi dời đô đến Thịnh Lạc [nay thuộc Nội Mông Cổ], đổi quốc hiệu là Nguỵ, sử gọi là Bắc Nguỵ. Bắc Nguỵ làm cuộc chiến tranh thống nhất miền bắc Trung Quốc vào giai đoạn cuối Ngũ Hồ Thập Lục Quốc. Bấy giờ các nước cát cứ không ngừng phân tranh, đương đầu với nhiều đối thủ, tình thế phức tạp đa biến; tuy nhiên lãnh tụ Bắc Nguỵ biết xét thời độ thế, xác định các mục tiêu ưu tiên trước sau cần đả kích, dùng chiến lược chiến thuật linh động, đạt được mục đích cuối cùng. Sau đây là những chiến công nỗi bật giúp Bắc Nguỵ điện định phương bắc:

– Chinh phục Hậu Yên, mở đường xuống phương nam

Hậu Yên thống trị khu vực thuộc các tỉnh Liêu Ninh, Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam ngày nay. Bắc Nguỵ năm Đăng Quốc thứ 10 [395], Hậu Yên mang quân xâm lăng. Thác Bạt Khuê thấy quân Hậu Yên cậy mạnh khinh địch, bèn từ từ rút lui, đợi lúc địch quân mỏi mệt mới bắt đầu phản kích, thu chiến thắng lớn tại Tham Hợp Pha [Lương Thành, Nội Mông Cổ], tiêu diệt 4, 5 vạn quân Hậu Yên. Nhờ đó cải biến tương quan lực lượng, Bắc Nguỵ bắt đầu dòm ngó Trung Nguyên.

Năm 396 Thác Bạt Khuê thừa thắng tiến đánh, đích thân mang 40 vạn quân khắc phục thành Tấn Dương [Thái Nguyên, Sơn Tây]. Tiếp tục đánh tan các thành tại phía đông, tháng 11 Thác Bạt Khuê vây đánh kinh đô Hậu yên tại Trung Sơn. Hậu Yên Cao Dương Vương Mộ Dung Long cố thủ Trung Sơn [Định Châu, Hà Bắc], đốc suất quân ra sức chống cự, đánh lui quân Bắc Nguỵ mấy lần tấn công, khiến quân Nguỵ thương vong nhiều. Thác Bạt Khuê thấy thành Trung Sơn kiên cố phòng thủ nghiêm nhặt, bèn mang quân xuống phương nam công hãm Tín Đô; kế tiếp đến Nghiệp Thành [Hà Bắc] tấn công mấy lần nhưng không hạ được, bèn tạm thời rút về đóng tại Dương Thành. Bấy giờ trong nước Bắc Nguỵ có nội biến, Thác Bạt Khuê hay tin, định mang quân về dẹp nội loạn, nhưng sợ quân Hậu Yên đánh sau lưng; do đó cho Sứ giả đến giảng hoà, xin đưa em làm con tin. Vua nước Yên Mộ Dung Bảo nghe tin nội bộ nước Nguỵ có loạn nên không hứa; bèn điều bộ binh 12 vạn, kỵ binh hơn 3 vạn, chặn tại phía bắc sông Hô Đà Hà [Sơn Tây], đòi Vương Thác Bạt Khuê quyết chiến. Thác Bạt Khuê cầu hoà không thành, nỗi giận ứng chiến. Mấy ngày sau mang quân lên phía bắc, đặt doanh trại tại phía nam sông Hô Đà Hà. Mộ Dung Bảo chủ trương ra tay trước để chế ngự, chọn lúc quân Bắc Nguỵ trú chân chưa ỗn, bèn mang tinh binh đang đêm đột kích. Quân Hậu Yên sử dụng hoả công đốt trại, tạo yếu tố bất ngờ. Bấy giờ Thác Bạt Khuê đang ngủ, bèn choàng tỉnh dậy, chân trần chạy đến chỗ tập trung quân, đánh trống liên hồi. Phía quân Yên nghe tiếng trống, chiêng nỗi lên, không biết lý do gì; cho rằng đã trúng phục kích, trở nên kinh hoàng đại loạn, tự dày xéo chém giết lẫn nhau. Quân Bắc Nguỵ nghe tiếng trống bèn tập hợp nhanh, Thác Bạt Khuê ra lệnh bộ binh vừa đánh vừa đốt đuốc sáng rực, kỵ binh xung kích mãnh liệt. Quân Yên bốn phía đều gặp địch, lại bị kỵ binh dày xéo, tử thương trầm trọng. Mộ Dung Bảo chỉ còn cách thu thập tàn quân, vượt sông chạy lên phía bắc; quân Bắc Nguỵ tinh thần cao, đuổi bén gót không tha. Lúc bấy giờ vào chiều tối, gió tuyết nỗi lên, quân Yên rét lạnh phải vượt sông, gối đầu nhau chết cóng. Mộ Dung Bảo lo giữ mạng sống, bỏ đại quân, mang 2 vạn kỵ binh thoát hiểm. Quân Bắc Nguỵ suốt ngày đêm truy kích, đuổi đến kinh đô Trung Sơn. Trong thành, viên Thượng thư lang Mộ Dung Hạo mưu giết Yên Vương Mộ Dung Bảo không thành, bèn giết quân gác cửa ra hàng. Mộ Dung Bảo biết thành Trung Sơn không thể giữ được, mang 1 vạn quân kỵ vượt trùng vây, đến Long Thành [Triều Dương thị, Liêu Ninh]. Tháng 10 ngày Giáp Thân [397] quốc đô Trung Sơn phồn hoa bị Bắc Nguỵ chiếm, nước Hậu Yên trên đà sụp đổ.

– Củng cố nội bộ và lo mở nước

Năm Thiên Hưng thứ nhất [398] Thác Bạt Khuê dời đô đến Bình Thành [Đại Đồng, Sơn Tây], xưng Đế thuỵ hiệu là Vũ Đạo Đế. Sau khi đánh bại Hậu Yên, tiến vào Trung Nguyên, bắt đầu từ bỏ du mục, cổ vũ nông nghiệp, tiến hành Hán hoá. Trong vòng mấy năm, Bắc Nguỵ một mặt củng cố nội bộ, một mặt lo mở nước. Hướng phía bắc, đánh Nhu Nhiên, một nhánh thuộc bộ tộc Hung Nô. Lại vươn sang phía Tây, diệt hơn 3 vạn quân Hậu Tần tại Trà Bích [Tương Bồn, Sơn Tây].

Năm Vĩnh Hưng thứ nhất [409], nội bộ gia tộc có chính biến, Thác Bạt Khuê bị giết năm 39 tuổi, con là Thác Bạt Tự lên thay thuỵ hiệu là Minh Đế. Năm Thái Thường thứ 7 [422] Minh Đế thừa dịp vua Tống Lưu Dụ bệnh mới mất, bèn mang đại quân làm cuộc tấn công lớn dọc lưu vực sông Hoàng Hà, chiếm các trọng điểm phía nam như Hổ Lao [Vinh Dương, Hà Nam], cố đô Lạc Dương, Hoạt Thai [Hoạt huyện, Hà Nam]. Do quânTống nam triều cương quyết đề kháng, nên quân Bắc Nguỵ phải trả giá với thương vong cao.

Năm Thái Thường thứ 8 [423] Thác Bạt Tự chết, Thác Bạt Đảo kế vị, thuỵ hiệu Thái Vũ Đế. Lúc bấy giờ tại phương bắc còn tồn tại một số nước thuộc Thập Lục Quốc như Đại Hạ, Bắc Lương, Tây Tần, Bắc Yên, và bộ tộc Nhu Nhiên thường quấy rối tại phương bắc; Thác Bạt Đảo hùng tài đại lược, thông hiểu binh pháp, lâm trận dõng mạnh, nên đã lần lượt tiêu diệt được phần lớn các thế lực nêu trên.

– Đánh bại nước Hạ

Nước Hạ thuộc bộ tộc Hung Nô, thống trị vùng Thiểm Tây, Cam Túc, Nội Mông Cổ. Vào các năm Thuỷ Quang thứ 3, thứ 4 [426- 427] thừa dịp Hoàng đế nước Hạ Hách Liên Bộ Bột mới mất, các Hoàng tử tranh ngôi, vua Bắc Nguỵ mang quân đến đánh. Quân 2 lần xâm phạm thành Thống Vạn [Thiểm Tây], lần sau vua Bắc Nguỵ Thác Bạt Đảo làm kế dụ địch, đem một ít kỵ binh đến dưới chân thành, không có bộ binh tháp tùng. Vua nước Hạ, Hách Liên Xương mới lập, thấy quân Nguỵ ít bèn mang kỵ binh ra đuổi đánh; bị phục kích chặn phía sau, không kịp vào thành, bèn chạy đến Thượng Bang [Thiên Thuỷ, Cam Túc], sau đó bị bắt. Quân Bắc Nguỵ xông vào thành Thống Vạn, bắt Vương, Công, cung nữ hàng vạn; tịch thu 50 vạn ngựa, trâu dê hàng ngàn vạn, còn đồ trân quí không kể xiết.

Riêng người em là Hách Liên Định, rút về Bình Lương [Cam Túc] lên ngôi vua, bị Tiên Ty Thổ Cốc Hồn bắt năm 439 rồi trao cho Bắc Nguỵ.

– Đại phá Nhu Nhiên

Bắc Nguỵ năm Thuỷ Quang thứ nhất [424], Khả hãn Nhu Nhiên Đại Đàn nghe tin vua Bắc Nguỵ Thác Bạt Tự mất, bèn mang 6 vạn kỵ binh đến đánh chiếm kinh đô cũ Thịnh Lạc và bao vây thành Vân Trung [Nội Mông]. Vua kế vị Thác Bạt Đảo mới 16 tuổi mang quân đến vùng Hà Khoá tại cực bắc sông Hoàng Hà bảo vệ Trường thành, chống Nhu Nhiên xâm nhập. Sau khi củng cố biên giới, bèn mang 2 vạn kỵ binh đi cứu Vân Trung. Quân Nhu Nhiên cậy đông, bao vây trùng điệp, tuy nhiên Hoàng đế Bắc Nguỵ Thác Bạt Đảo, tuổi trẻ quả cảm “ Lâm địch cùng sĩ tốt dưới lằn tên mũi giáo, tuy hai bên quân lính tử thương, thần sắc vẫn xem thường” đã cỗ vũ lòng quân, khiến Nhu Nhiên 2 lần tấn công bị thất bại, tướng bị giết; cuối cùng hỗn loạn chạy trốn. Năm sau vào tháng 10, đại quân Bắc Nguỵ chia làm 5 đạo vượt sa mạc lớn chinh thảo, Nhu Nhiên kinh hãi chạy lên phía bắc.

Vào năm Thần Lộc Gia thứ 2 [429] sau khi đánh dẹp nước Hạ, chiếm kinh đô Thống Vạn, vua Bắc Nguỵ quyết định đánh Nhu Nhiên một lần nữa. Trận này quân Bắc Nguỵ chia làm 2 cánh đông tây; cánh phía tây do Tư đồ Trường Tôn Bình tiến theo hướng Đại Nga Sơn; riêng nhà vua đích thân chỉ huy cánh quân phía đông theo hướng Hắc Sơn, hẹn đánh Nhu Nhiên tại Khả Hản Đình [Kháp nhĩ Hoà Lâm, Mông Cổ]. Cánh quân phía đông gặp quân Nhu Nhiên dưới quyền Đại Đàn, bi đánh bất ngờ quân Đại Đàn tan vỡ, bỏ lều trại gia súc chạy trốn. Em Đại Đàn nghe tin anh bị đánh bèn mang quân đến cứu, bị Trường Tôn Hàn chặn đánh, giết mấy trăm cừ soái. Sau khi Đại bại Nhu Nhiên, uy phục cả bộ lạc Cao Xa miền bắc sa mạc, từ đó thế lực Nhu Nhiên suy giảm, ít khi dám quấy phá.

– Đánh chiếm Bắc Yên

Tháng 5/432 vua Bắc Nguỵ Thác Bạt Đảo chuẩn bị quân lương từ Bình Thành [Đại Đồng, Sơn Tây], rồi xuất phát đi đánh nước Bắc Yên tại phía đông. Trước lực lượng hùng mạnh của đại quân Bắc Nguỵ, nên trên đường chinh phạt gặp sự chống cự không đáng kể. Tháng 8 quân đến dưới chân kinh thành Hoà Long [Liêu Ninh]; vua Bắc Yên không chịu đầu hàng, cho 3 vạn quân ra đánh, đều bị tiêu diệt. Cuối cùng vua Bắc Yên cùng bộ hạ chạy trốn sang Cao Ly, sau bị Cao Ly giết.

– Hàng phục Bắc Lương

Tháng 3 năm Thái Diên thứ 5 [439] vua Bắc Nguỵ sai Sứ đến Bắc Lương, nghe được lời vua Bắc Lương lặp lại lời nói sàm của Nhu Nhiên rằng:

Năm ngoái Bắc Nguỵ đánh ta bị đại bại, không chấn phục được”.

Vua Bắc Nguỵ giận Bắc Lương là nước phiên thuộc hai lòng, bèn quyết định đánh Cô Tang [Vũ Uy, Cam Túc] kinh đô Bắc Lương . Quân Bắc Nguỵ xuất phát từ Bình Thành [Đại Đồng, Sơn tây]; dùng Nguyên Hạ làm hướng đạo. Nguyên Hạ là con vua Nam Lương, trước kia làm chủ thành Cô Tang, bị Bắc Lương chiếm. Nguyên Hạ tâu với vua Bắc Nguỵ Thác Bạt Đảo rằng:

Cạnh thành Cô Tang có 4 bộ lạc Tiên Ty, là dân của ông nội thần, xin khuyên chúng qui phụ”. Vua Nguỵ rất mừng.

Quân đến nơi, vua Bắc Lương một mặt cầu cứu Nhu Nhiên, một mặt sai em mang 1 vạn quân đánh phía nam thành; nhưng quân Bắc Lương thế yếu tan vỡ. Vua Bắc Nguỵ sai sứ dụ vua Bắc Lương ra hàng, nhưng vua nước này còn chờ Nhu Nhiên đánh biên giới Nguỵ, rồi có thể quân Nguỵ phải rút về giữ nước, nên không chịu hàng. Phía Bắc Nguỵ, nhờ Nguyên Hạ phủ dụ hơn 3 vạn dân phụ cận thành theo, nên thế thêm mạnh, chuyên tâm đánh thành, tháng 9 cháu vua Bắc Lương ra hàng thành tan; đến lượt vua Bắc Lương cùng 5. 000 người, cuối cùng xin hàng. Quân Bắc Nguỵ tiếp tục chiếm cứ các nơi như Trường Dịch [tỉnh lỵ Cam Túc], Lạc Đô [Hải Đông thị, Thanh Hải], Tửu Tuyền [Cam Túc].

Nam Bắc triều đối lập, Bắc Nguỵ cải cách, rồi suy thoái diệt vong

Trải qua mấy triều đại cho đến đời Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo, Bắc Nguỵ diệt các nước Hạ, Bắc Yên, Bắc Lương để thống nhất phương bắc, trở thành nước đối lập với Nam Tống. Đến đời Hiến Văn Đế Hoàng Hưng năm thứ 3 [469] sai Chinh nam đại tướng quân Mộ Dung Bạch Diệu đánh chiếm thành Đông Dương của Nam Tống, thu phục vùng đất thuộc bán đảo Sơn Đông ngày nay.

Sau khi Thác Bạt Đảo mất, các vua như Thác Bạt Tuấn, Thác Bạt Hoằng, Thác Bạt Hoành tiếp tục lên ngôi, lần lượt thi hành cải cách, khiến cho nước này từ du mục đi vào kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt Mã Thái hậu người gốc Hán tộc, là Quí phi của Thác Bạt Tuấn, rất lưu tâm đến cải cách, có ảnh hưởng lớn đến hai vua sau. Nguyên do vị vua đầu tiên Thác Bạt Khuê ra luật lệ dã man rằng khi người con được chọn làm Thái tử, mẹ bị giết chết; luật này nhắm ngăn chặn ngôi vua không truyền sang họ khác. Bởi vậy khi Thác Bạt Hoằng được chọn làm Thái tử thì mẹ đẻ bị giết, Mã Thái Hậu làm dưỡng mẫu trực tiếp chăm sóc. Thác Bạt Hoằng lên ngôi vua tức Hiến Văn đế [466- 471], chịu ảnh hưởng bà rất lớn; và ngay cả người cháu là Thác Bạt Hoành, thuỵ hiệu Hiếu Văn đế [471- 499], cũng chịu ảnh hưởng bà nhiều trong việc cải cách. Vấn đề cải cách ngoài việc quân điền ban hành năm 469, thì những lãnh vực khác phần nhiều liên quan đến Hán hoá như:

– Dời đô đến Lạc Dương: Hiếu Văn đế cho rằng đô cũ Bình Thành [Đại Đồng, Sơn Tây] là đất dụng võ, còn Lạc Dương là kinh đô danh tiếng trong lịch sử, sản vật giàu có, dân phong lưu; tiện việc kinh lược khắp nước, khống chế trung nguyên; nên năm Thái Hoà thứ 17 [493] lấy danh nghĩa đánh Nam triều, rồi dời đô đến Lạc Dương. Sau khi dời đô, ra lệnh ngoại trừ quan võ dùng nhung phục, các quan văn và dân mặc Hán phục.

– Đổi sang họ Hán: Nguỵ Thư, Quan Thị Chí, ghi 118 họ dân tộc Hồ đổi sang họ Hán; như họ tôn thất Thác Bạt đổi thành Nguyên [元], họ Độc Cô đổi thành Lưu [劉].

– Bỏ tiếng Tiên Ty, dùng Hán Ngữ; nếu bắt gặp dùng chữ Tiên Ty bị giáng chức quan.

– Thông hôn: cổ vũ thông hôn với thế gia Hán tộc.

– Giáo dục: thờ Khổng Tử, tôn Nho học; thiết lập nhà Thái Học.

Việc Hán hoá này khiến tinh thần thượng võ của bộ tộc Tiên Ty Thác Bạt bị suy đồi, nội bộ chia rẽ. Thế lực phía nam sông Hoàng Hà vùng kinh đô Lạc Dương, Hán hoá, được nhiều ân sủng; trong khi thế lực phía bắc vẫn giữ truyền thống cũ, thì bị xem thường, do đó gây nên mối loạn 6 trấn sẽ trình bày tại phần sau.

Đến đời vị vua thứ 8 Tuyên Vũ đế Nguyên Khác, lập con là Nguyên Hủ làm Thái tử, nhưng không theo lệ cũ giết mẹ Thái tử là Hồ Quí Tân. Nguyên Hủ lên ngôi tức Hiếu Minh đế, Hồ Quí Tân làm Hoàng thái hậu nắm hết quyền bính. Lúc bấy giờ phía bắc sông Hoàng Hà đặt 6 trấn với binh lực lớn, có nhiệm vụ ngăn chặn bộ tộc Nhu Nhiên xuống quấy phá. Binh lực 6 trấn phần lớn là Tiên Ty, vẫn giữ phong tục cũ; không được đãi ngộ như đám quan quân tại Lạc Dương đã được Hán hoá. Trong tình trạng bất mãn, lại nhân phía bắc sông Hoàng Hà bị thiên tai mất mùa, nên quân binh sáu trấn cùng dân nỗi dậy. Năm 525, Hồ Thái hậu sai sứ mang lễ vật đút lót cho Nhu Nhiên, yêu cầu giúp Bắc Nguỵ bình loạn 6 trấn. Thủ lãnh Nhu Nhiên mang 15 vạn quân đánh bại quân 6 trấn; cùng lúc Bắc Nguỵ phái binh từ Bình Thành đánh kẹp lên phía bắc. Bắc Nguỵ bắt được 20 vạn quân dân thuộc 6 trấn rồi cho đày trại 3 châu Doanh, Ký, Định [Hà Bắc].

Nhĩ Chu Vinh trong giai đoạn 6 trấn nổi loạn, trấn thủ Tấn Dương [Thái Nguyên,Sơn Tây]; nhờ vào việc trấn áp 6 trấn, thế lực lớn mạnh, nắm rất nhiều hùng binh. Vào Năm Đại Thông thứ 2 [528] bè đảng của Hồ Thái hậu giết Hiếu Minh đế; Nhĩ Chu Vinh mượn cơ hội phát binh công hãm kinh đô Lạc Dương, giết hơn 2. 000 Vương, Công, Đại thần, đem Hồ Thái hậu cùng vua mới lập nhận chìm tại bờ phía nam sông Hoàng Hà, sử gọi là “Hà Âm chi biến”. Nhĩ Chu Vinh lập Nguyên Tử Du lên làm vua, tức Hiếu Trang đế; do cuộc biến Hà Âm [Vinh Dương thị, Hà Nam] bị dân Lạc Dương căm ghét, bèn trở về Tấn Dương.

Vua Hiếu Trang tại Lạc Dương gọi Nhĩ Chu Vinh đến yết kiến, rồi đem giết đi. Bộ hạ Nhĩ Chu Vinh bèn mang quân đến công hãm Lạc Dương, giết vua Hiếu Trang. Vào năm 531, có viên tướng Cao Hoan giữ Tín Đô [Hà Bắc] thanh ngôn dẹp tập đoàn Nhĩ Chu, mang quân đánh Lạc Dương, sau đó lập vua Hiếu Vũ đế. Cao Hoan sau khi đánh bại bộ hạ Nhĩ Chu, bèn trấn giữ Tấn Dương.

Hiếu Vũ đế không chịu làm bù nhìn cho Cao Hoan, bèn liên kết với trấn tướng Quan Trung [Thiểm Tây] Hạ Bạt Nhạc. Năm 534 Cao Hoan ra tay giết Hạ Bạt Nhạc; Hiếu Vũ đế bèn cử Vu Văn Thái thay thế, cùng xuống chiếu kể tội Cao Hoan. Cao Hoan nghe tin bèn mang quân đánh Lạc Dương; Hiếu Vũ đế đành phải chạy vào Trường An theo Vu Văn Thái. Chẳng bao lâu bị Vu Văn Thái giết, lập Nguyên Bảo Cự lên làm vua gọi là Tây Nguỵ Văn đế. Lúc này nước Bắc Nguỵ chia thành Đông Nguỵ và Tây Nguỵ, nhưng 2 triều này chỉ làm bù nhìn cho họ Cao và Vu Văn. Đông Nguỵ và Tây Nguỵ không duy trì được lâu, năm 550 con Cao Hoan là Cao Dương phế vua Đông Nguỵ lập nên Bắc Tề; năm 557 con Vu Văn Thái là Vu Văn Giác phế vua Tây Nguỵ lập nước Bắc Chu; nước Bắc Nguỵ chính thức diệt vong.

IV. Trung Quốc thời phân chia nam bắc: nước Bắc Chu [557- 581]

Bắc Chu do Vu Văn Thái người dân tộc Tiên Ty sáng nghiệp. Vào cuối thời Bắc Nguỵ, 6 trấn nổi loạn; Vu Văn Thái là bộ hạ của viên trấn tướng Nhĩ Chu Vinh, theo Chu Vinh vào Quan Trung dẹp giặc. Sau đó làm việc dưới quyền Đại tướng Quan Trung Lũng Tây, Hạ Bạt Nhạc và được trọng dụng.

Bấy giờ quyền thần Cao Hoan khống chế kinh đô Lạc Dương thấy Hạ Bạt Nhạc ôm hai lòng bèn sai quân Tần Châu giết đi; sau khi Hạ Bạt Nhạc chết, các tướng lãnh bèn ủng lập Vu Văn Thái lên làm Thống soái. Văn Thái bề mặt thần phục Cao Hoan, nhưng kỳ thực khống chế miền Quan Lũng. Sau khi Vũ đế nhà Bắc Nguỵ đánh dẹp Cao Hoan thất bại, bèn chạy vào Quan Trung nhờ sự bảo hộ của Vu Văn Thái. Chẳng bao lâu Vu Văn Thái giết Vũ đế, rồi lập Văn đế, dựng nước Tây Nguỵ [535]. Riêng Cao Hoan tại phương đông, sau khi Vũ đế chạy vào Quan Trung, bèn lập Hiếu Tĩnh đế, mang triều đình dời đô đến Nghiệp Thành [Hà Bắc] lập nước Đông Nguỵ. Từ đó Bắc Nguỵ chia làm hai, Đông Nguỵ và Tây Nguỵ, thực tế do hai quyền thần Cao Hoan và Vu Văn Thái nắm giữ.

Nước Tây Nguỵ lúc mới thành lập, vị Hoàng đế mới chịu sự kiềm chế, để cho Văn Thái độc quyền nắm triều chính. Vũ Văn Thái quả cảm, giỏi dùng người, nên từng chiến thắng đại quân Đông Nguỵ 3 lần, rồi mang quân đánh chiếm miền Tây Xuyên.

1. Đánh chiếm vùng Tứ Xuyên Giang Lăng

Nam triều đời Lương năm Thái Thanh thứ 3 [549] Hầu Cảnh nội loạn, chiếm Kiện Khang [Nam Kinh], phần lớn các quận thuộc bờ phía bắc miền hạ du sông Trường Giang đều bị Đông Nguỵ chiếm. Khu vực thượng và trung du sông Trường Giang do tôn thất nhà Lương cát cứ tự lập, lại dựa vào lực lượng Tây Nguỵ để tranh đoạt lẫn nhau. Nhạc Dương vương Tiêu Sát mang quân đánh Tương Đông vương Tiêu Dịch bị thua, bèn đầu thuận Tây Nguỵ, tự lập làm Lương vương. Năm 552 Hầu Cảnh bị diệt, cùng năm Tiêu Dịch xưng Đế tại Giang Lăng [Hồ Bắc], tức Lương Nguyên đế; rồi yêu cầu Tây Nguỵ mang quân đánh chiếm hai châu Lương, Ích; nhắm diệt trừ Vũ Lăng vương Tiêu Kỷ đang xưng đế tại Thành Đô; Tây Nguỵ thừa cơ chiếm cứ Ích châu.

Vào năm Thừa Thánh thứ 3 [544] Lương Nguyên đế sai sứ đòi Tây Nguỵ trả lại đất đã đánh chiếm được, lời nói ra vẻ ngạo mạn. Đại thừa tướng Tây Nguỵ Vu Văn Thái bèn sai các tướng như Trụ quốc Vu Cẩn, Trung Sơn công Vu Văn Hộ, Đại Tướng quân Dương Trung mang 5 vạn quân tiến công kinh đô Lương tại Giang Lăng. Tháng 10, quân Tây Nguỵ từ Trường An [Tây An, Hà Bắc] tiến tới Tương Dương [Hồ Bắc], Tiêu Sát mang quân tới trợ chiến. Lương Nguyên đế nghe tin, ra lệnh giới nghiêm, điều quân chống cự Tây Nguỵ. Tháng 11 quân Tây Nguỵ vượt sông Hán Thuỷ; Vu Văn Hộ, Dương Trung được lệnh mang kỵ binh tinh nhuệ chặn trước tại Giang Tân, cắt con đường sông, khiến quân Lương phòng thủ không còn đường rút, quân hạ du tăng viện cũng không vượt qua được. Vua Lương hạ lệnh chặn các điểm quan trọng tại Giang Lăng, chôn cọc gỗ tại ngoài thành. Đại quân của Vu Cẩn đến, ra lệnh bao vây xung quanh, cách tuyệt trong ngoài. Lúc bấy giờ quân Lương từ các nơi điều về chưa đến nơi, quân Tây Nguỵ từ nhiều phía đánh thành, lúc đầu cầm cự được, sau đó gặp sức tấn công mạnh, lại bị nội ứng trợ giúp nên vào được phía tây thành, chiếm thành ngoài. Lương Nguyên đế rút vào thành trong, chiều tối cho quan dưới quyền đốt 14 vạn quyển sách; rồi ngày hôm sau ra hàng, sau đó bị giết. Tháng 12 Vu Cẩn mang quân khải hoàn, áp giải Vương, Công, dân chúng hàng vạn người đến Trường An. Tây Nguỵ lập Tiêu Sát làm Lương chúa; sau đó cắt phần đất thượng du sông Trường Giang gồm các châu Kinh, Lương, Ung, Ích nhập vào lãnh thổ Tây Nguỵ.

2. Thành lập nước Bắc Chu

Nhà Tây Nguỵ năm Cung đế thứ 3 [556] Vu Văn Thái mất, con trưởng Vu Văn Giác tập ấm chức An Định Quận công, Thái sư, Thái Trủng tể; nhưng vì còn nhỏ tuổi nên thực quyền nằm trong tay Vu Văn Hộ. Vu Văn Hộ là cháu Vu Văn Thái, lúc Văn Thái còn sống giữ chức Đại Tư mã, thụ phong Tấn Quốc công. Năm 557, sẵn quyền lực trong tay, Vu Văn Hộ bắt vua Cung Đế nhà Tây Nguỵ phải nhường ngôi cho Vu Văn Giác; Giác xưng là Thiên vương, đặt tên nước là Bắc Chu.

Vu Văn Giác tuy còn nhỏ tuổi nhưng tính cương cường, bất mãn bởi sự chuyên quyền của Vu Văn Hộ; riêng các quan trong triều như Triệu Quí, Độc Cô Tín cũng tỏ ra bất phục, họ khuyên Vu văn Giác diệt trừ Văn Hộ. Do vậy Vu Văn Giác chiêu tập một số võ sĩ, bí mật luyện tập trong cung cách đánh bắt Văn Hộ. Không may sự việc bị tiết lộ, Văn Hộ ra tay khống chế, bắt giết Triệu Quí, bãi chức quan của Độc Cô Tín, rồi sau đó đem giết; riêng Vu Văn Giác cũng bị truất phế vào năm 559, rồi cũng bị giết.

Sau sự việc này, Vu Văn Hộ tự thăng chức Đại Trủng tể [Thừa tướng], lập người con khác của Vu Văn Thái là Văn Dục lên làm vua, lấy hiệu Chu Minh đế. Văn Hộ thấy Vu Văn Dục nho nhã ôn hoà cho rằng nhu nhược không có năng lực chống đối; nhưng khi lên ngôi thì lộ ra vẻ thông minh tài cán. Vua được quần thần ủng hộ, lại lưu tâm đến việc phát triển kinh tế, nên uy vọng mỗi ngày một cao. Muốn thử lòng vua, Vu Văn Hộ lên tiếng xin từ chức, đưa quân quyền trao cho vua; không ngờ vua vin vào đó chấp nhận ngay. Sự việc này khiến Vu Văn Hộ lo sợ không yên tâm; do đó vào năm 560 sai người bỏ thuốc độc vào thức ăn giết vua.

Sau đó Vũ Văn Hộ lập con thứ 4 của Văn Thái là Văn Ung lên ngôi tức vua Vũ đế, nhưng vẫn nắm thực quyền. Vũ Văn Hộ từ lâu chuyên quyền, phế lập mấy đời vua, lại kém võ lược, mấy lần đánh Bắc Tề bị thua phải rút quân về, các con thì tham ô tàn độc, nên uy tín ngày xuống thấp. Năm 572, vua Chu Vũ đế mưu cùng em là Vu Văn Trực giết Vu Văn Hộ, dành lại chính quyền.

3. Đánh Bắc Tề, thống nhất trung nguyên

Năm 534 nước Bắc Nguỵ chia thành Đông Nguỵ và Tây Nguỵ, nhưng 2 triều này chỉ làm bù nhìn cho họ Cao và Vu Văn. Đông Nguỵ không duy trì được lâu, năm 550 con Cao Hoan là Cao Dương phế vua Đông Nguỵ lập nên Bắc Tề. Đến đời vua Hậu chủ Bắc Tề tên Cao Vĩ, nỗi tiếng là một hôn quân trong lịch sử. Ông ta hàng ngày hưởng lạc, sống xa hoa, cùng hoạn quan mỹ nữ đàn tỳ bà ca hát; sáng tác khúc nhạc Vô Sầu, cho hàng trăm thị nữ hoà điệu ca; nên dân Bắc Tề tặng cho danh hiệu là Vô Sầu Thiên tử. Hậu chủ Cao Vĩ tuỳ tiện phong các chức quan; phong cho cả những con vật cưng như chó, ngựa, chim, gà vvv…

Vua Vũ đế nước Bắc Chu thấy được rõ ràng tình trạng suy đồi của Bắc Tề, bèn quyết định mang quân đánh. Tháng 7 năm 575, quân Bắc Chu chia làm 3 đạo, trung quân do Vũ đế trực tiếp chỉ huy, tiến thẳng đến Hà Âm [Vinh Dương thị, Hà Nam]. Quân Bắc Chu vào lãnh thổ Bắc Tề, giữ kỹ luật nghiêm minh “Cấm chặt cây, cấm dẫm đạp vào ruộng lúa, kẻ vi phạm bị xử chém” nên được lòng dân, nhờ đó chiếm thành Hà Âm tương đối thuận lợi. Nhưng khi vượt sông Hoàng Hà tấn công Trung Thành [Mãnh huyện] đến 20 ngày không hạ được, Hữu thừa tướng Bắc Tề, Cao A Na Hoằng, mang quân từ Tấn Dương [Thái Nguyên, Sơn Tây] đến cứu viện; lại nhân Vũ Đế bị bệnh nên đành phải rút lui.

Tháng 10 năm 576, Bắc Chu lại một lần nữa mang quân đánh Bắc Tề. Bắc Chu tập trung 14 vạn 5. 000 quân; không dùng lộ tuyến cũ, tiến đánh thành Bình Dương [Lâm Phần thị, Sơn Tây] thuộc Tấn Châu. Hạ tuần tháng 10, quân chủ lực Chu tấn công thành Bình Dương, Thứ sử Tấn Châu Thôi Cảnh Cao, đóng tại thành này xin hàng. Chu Vũ đế giao cho Đại tướng quân Lương Sĩ Ngạn làm Thứ sử Tấn Châu, lưu 1 vạn quân tinh nhuệ giữ thành Bình Dương, rồi rút đại quân về.

Thành Bình Dương là nơi dấy nghiệp của thuỷ tổ Bắc Tề Cao Hoan, lại là cửa ngõ thành Tấn Dương [Thái Nguyên, Sơn Tây], vị trí rất quan trọng; nên Hậu chủ Bắc Tề Cao Vĩ không thể không mang quân đến cứu. Nhưng khi thành bị tấn công thì Hậu chủ đang cùng với người đẹp Phùng Thục phi đi săn tại Thiên Trì [huyện Ninh Vũ, Sơn Tây]. Hậu chủ nhận được tin cấp báo, đang chần chừ về việc nên tiếp tục cuộc vui hay đi tiếp cứu , thì Thục phi xin bủa lưới vây bắt thú thêm một mẻ nữa, Hậu chủ đành chiều theo.

Đến đầu tháng 11, Hậu chủ Bắc Tề mang 10 vạn quân đến vây thành Bình Dương, đem Thục phi đi theo. Lúc này phía Bắc Chu cố thủ trong thành, quân tiếp viện chưa đến kịp nên phía Bắc Tề gây áp lực lớn. Quân Tề đào địa đạo để vào thành, gặp một công trình cổ tích, Hậu chủ muốn đích thân đến xem, Thục phi cũng muốn đi theo; nhưng phải chờ Thục phi trang điểm xong, khi đến nơi thì quân trong thành đã bít mất lỗ hổng, khiến Bắc Tề mất cơ hội đánh thành.

Tháng 12, Chu Vũ đế mang quân từ kinh đô Trường An đến cứu thành Bình Dương. Sau khi dàn trận xong, viên Đại tướng đến tâu:

Xin phá giặc trước khi ăn”.

Vua Bắc Chu phán:

Theo lời ngươi nói, ta hết lo rồi

Trận chiến xãy ra, vua Bắc Chu cửi ngựa lược trận, kêu tên từng viên tướng dưới quyền để khích lệ; khiến lòng quân náo nức. Trước sức ép của đối phương, khiến quân Bắc Tề lung lay; Phùng Thục phi kinh hoảng kêu lên:

Quân Tề thua! Quân Tề thua!”

Hậu chủ Cao Vỉ vội vả kéo Thục phi lên lưng ngựa, đào tẩu một mạch đến thành Tấn Dương. Quân lính thi nhau bỏ trốn, Hậu chủ không dám vào thành, bèn chạy tiếp đến Nghiệp Thành [Hà Bắc] tại phía đông. Bàn về giai đoạn lịch sử này, Thi sĩ đời Đường Lý Thương Ẩn qua bài “Bắc Tề Nhị Thủ二首” có những câu thơ mĩa mai như sau:

巧笑知堪敌万机,

倾城最在著戎衣。

晋阳已陷休回顾,

更请君王猎一回

Xảo tiếu tri kham địch vạn cơ,

Khuynh thành tối tại trước nhung y.

Tấn Dương dĩ hãm hưu hồi cố,

Cánh thỉnh Quân vương lạp nhất hồi!

(Nụ cười duyên đâu kham nỗi cơ mưu địch

Mà đem người đẹp khuynh thành cho khoác nhung y.

Thành Tấn Dương để mất không kịp quay đầu lại cứu,

Lại còn xin vua tiếp tục săn bắt thêm nữa!)

Hậu chủ Cao Vĩ đóng tại Nghiệp chưa được bao lâu thì bày đặt nhường ngôi cho con là Cao Hằng mới 8 tuổi, lên làm Thái thượng hoàng. Tháng giêng năm 577, Chu Vũ đế mang quân đánh Nghiệp thành, Cao Vĩ trước đó 1 ngày, bỏ thành chạy xuống Tề Châu [Tế Ninh, Sơn Đông]. Rồi từ Tế Châu chạy xuống Thanh Châu [thuộc tỉnh Giang Tô], định đầu hàng nhà Trần, Nam triều; nhưng không kịp thực hiện thì bị bắt đem về Trường An, hai năm sau thì bị giết.

Chu Vũ đế diệt Tề, thống nhất bắc phương, có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử Trung Quốc, vì đó là bước quan trọng để nhà Tuỳ thống nhất toàn cõi nam bắc sau này.

4. Dẹp loạn tại Bắc Chu, rồi cuối cùng mất nước

Vua Vũ đế là đứng anh quân, chẳng may mất sớm [542- 578]; người kế vị là Tuyên đế Vu Văn Bân xa xỉ phù hoa, đam mê tửu sắc, chính trị hủ bại; Thừa tướng Dương Kiên thừa dịp kết thân với các Đại thần gây ảnh hưởng. Vào ngày 11 tháng 5 năm Đại Tượng thứ 2 [580] vua Tuyên đế mất; Tĩnh đế Vu Văn Diễn còn nhỏ tuổi; Tả thừa tướng Dương Kiên ra mặt chuyên quyền. Dương Kiên đề phòng sự chống đối của phái Tôn thất, bèn nhân việc đem Công chúa gả cho Đột Quyết [một bộ tộc thuộc chi nhánh Hung Nô mới dấy lên, có thế lực tại phương bắc]; bèn gọi các Hoàng tử trấn thủ tại Triệu, Trần, Việt, Đại vào triều. Lại do Uất Trì Huýnh, cháu ngoại của Vu Văn Thái, chức cao quyền lớn, trấn thủ tại Nghiệp Thành [Hà Bắc], có khả năng chống đối; bèn sai con là Uất Trì Đôn gọi về Trường An để chịu tang Tuyên đế, và sai tay chân thân cận thay chức trấn thủ Nghiệp Thành. Tháng 6, Uất Trì Huýnh công khai khởi binh chống lại. Tháng 7, Uất Trì Cần cháu Huýnh làm Tổng quản Thanh Châu [Giang Tô] theo Huýnh, phản Dương Kiên. Huýnh đưa con đến làm con tin nhà Trần, để xin viện trợ; ngoài ra lại cho người đến thuyết phục Lý Mục, Tổng quản Tấn Dương [Thái Nguyên, Sơn Tây] nỗi dậy, nhưng Mục không theo.

Dương Kiên khống chế vua nhỏ để ban lệnh cho thiên ha; kết giao với Lý Dục; đưa ngàn vàng đút lót và gả Công chúa cho Lãnh chúa Đột Quyết nhắm tiêu trừ mối lo phương bắc, mang tinh binh chặn giữ Đồng Quan để đề phòng tập kích kinh đô Trường An; rồi tăng cường lực lượng tại Lạc Dương [Hà Nam] làm căn cứ địa tấn công Uất Trì Huýnh. Cùng lúc Dương Kiên điều động đại quân dưới quyền các tướng như Hành quân nguyên soái Vi Hiếu Khoan, Nguyên soái trưởng sử Lý Tuân; các Tổng quản như Lương Sĩ Ngạn, Nguyễn Giai, Vu Văn Cân, Vu Văn Thuật, Thôi Hoằng Độ, Dương Tố. Chiến lược của Dương Kiên về cánh trái dựa vào hoà thân với Đột quyết, cùng quân Dương Mục tại Thái Nguyên [Sơn Tây]; dùng bộ binh đánh phía đông, chiếm các đất Lương, Tào, Thành, Kim; giải trừ uy hiếp tại cánh phải. Kế đó quân chủ lực đánh chính diện, tìm chủ lực địch tiêu diệt, sau khi chiến thắng tại Bí Thuỷ [Bí Thuỷ huyện, Sơn Tây] tiến thẳng đến Nghiệp Thành [Hà Bắc]; tiêu diệt thủ lãnh chống đối Uất Trì Huýnh. Năm 581 Dương Kiên thay Bắc Chu, cải quốc hiệu Tuỳ; nhà Bắc Chu trị vì được 24 năm thì mất.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây