Điểm ba cuốn sách về trật tự thế giới của Trung Quốc

New York Books

Tác giả: Andrew J. Nathan

Dịch giả: Song Phan

Số phát hành 12/10/2007

Tập Cận Bình qua nét vẽ của Siegfried Woldhek

“Kết thúc thế kỷ châu Á: Chiến tranh, trì trệ, và những rủi ro cho khu vực năng động nhất thế giới”, của tác giả Michael R. Auslin, NXB Yale University Press, dài 279 trang, giá 30.00 Mỹ kim.

“Hậu thế giới phương Tây: Các cường quốc mới trỗi dây đang định hình lại trật tự thế giới như thế nào”. Tác giả Oliver Stuenkel, NXB Polity, sách dày 251 trang, giá bìa cứng 64,95 Mỹ kim, bìa giấy giá 22,95 Mỹ kim.

“Buộc phải đi tới chiến tranh: Mỹ và TQ có thể thoát bẫy Thucydides không?” Tác giả Graham Allison, NXB Houghton Mifflin Harcourt, dày 364 trang, giá 28 Mỹ kim.

***

Mười năm trước, nhà báo James Mann đã xuất bản cuốn sách mang tên The China Fantasy (Ảo tưởng Trung Quốc), trong đó ông chỉ trích các nhà hoạch định chính sách Mỹ về việc sử dụng một cái gì đó mà ông gọi là “Kịch bản xoa dịu” để biện minh cho chính sách hợp tác ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc (TQ). Theo quan điểm này, việc TQ tiếp xúc với lợi ích của toàn cầu hóa sẽ đưa nước này đến việc dung nạp thể chế dân chủ và hậu thuẫn trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu. Thay vào đó, Mann dự đoán, TQ sẽ vẫn là một nước độc tài, và sự thành công của nó sẽ khuyến khích các chế độ độc tài khác chống lại áp lực thay đổi.¹

Dự đoán của Mann đã cho thấy đúng. TQ đã lợi dụng tiềm năng phát triển của thương mại toàn cầu không hạn chế để nổi lên như một quốc gia thương mại số một và nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. TQ là đối tác thương mại hàng đầu của tất cả các nước châu Á, ít nhất không phải vì vị trí chính yếu của nó trong lắp ráp các bộ phận được sản xuất ở những nơi khác trong khu vực. Sáu mươi bốn nước đã tham gia sáng kiến cơ sở hạ tầng Một vành đai Một con đường(OBOR) của TQ, được công bố năm 2013, gồm các cảng, đường sắt, đường bộ, cảng hàng không, nối TQ với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, và châu Âu — một “Con đường Tơ lụa mới”, nếu thành công, nó sẽ mở rộng đáng kể ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao của TQ. Hai mươi chín nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị OBOR của Bắc Kinh hồi giữa tháng Năm.

Trong khi đó, TQ vẫn là một nhà nước độc tài, độc đảng, được hậu thuẫn bởi một quân đội ngày càng mạnh. Ngân sách quân sự của TQ đã tăng cùng tỉ lệ với GDP trong phần tư thế kỷ qua, từ $17 tỉ trong năm 1990 lên $152 tỷ vào năm 2017— tăng 900%. Điều này đã cho phép TQ trang bị được tàu sân bay, tên lửa tinh vi, tàu ngầm tiên tiến, và khả năng chiến tranh mạng, thách thức sự thống trị quân sự của Mỹ ở châu Á. TQ đã mở rộng sự hiện diện hải quân rất lớn, trong phần mà họ gọi là “biển gần” (cận hải) xung quanh bờ biển của họ, và thậm chí vào Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

TQ đã đạt được vị trí cường quốc mới này trong khi chủ yếu tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mà họ tham gia năm 2001. Tuy nhiên, năm 2016 các chính phủ phương Tây thấy cần từ bỏ một cam kết mà họ đưa ra khi TQ gia nhập là sẽ coi TQ là “nền kinh tế thị trường” đầy đủ sau 15 năm làm thành viên. Địa vị này có thể làm cho các thành viên khác của WTO khó khăn hơn để kiện TQ về việc “bán phá giá” — bán sản phẩm dưới mức giá thành sản xuất thị trường để loại đối thủ cạnh tranh—nhưng lời hứa trao địa vị đó được dựa trên kỳ vọng rằng TQ sẽ trở thành một nền kinh tế thị trường kiểu phương Tây.

Điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó, nhà nước tiếp tục kiểm soát nền kinh tế TQ qua việc nỗ lực mở rộng thị phần của doanh nghiệp TQ ở cả nội địa, lẫn nước ngoài. Bắc Kinh đã tiến hành hoạt động gián điệp công nghiệp để có được công nghệ tiên tiến của phương Tây, buộc phải chuyển giao công nghệ của phương Tây cho các doanh nghiệp TQ thông qua liên doanh và các thỏa thuận sáp nhập, và trong một thời gian (dù không phải bây giờ), kềm hãm giá trị trao đổi tiền tệ để kích thích xuất khẩu. Từ năm 2006, Bắc Kinh đã sử dụng nhiều dạng quy định không bị WTO cấm đoán để làm cho các doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn khi vào TQ và cạnh tranh trên thị trường nội địa của họ, và tạo lợi thế cho các doanh nghiệp TQ — đặc biệt là trong các lĩnh vực mũi nhọn như bán dẫn, sản xuất tiên tiến, và công nghệ thông tin và truyền thông.

Ảnh hưởng kinh tế ngày càng lan rộng của TQ đã góp phần vào chủ nghĩa dân túy và phong trào chống toàn cầu hoá đang nổi lên ở nhiều nước ở phương Tây hiện nay, kể cả ở Mỹ với Donald Trump. Trong một sự đảo ngược đáng chú ý, chính Chủ tịch TQ Tập Cận Bình chứ không phải là một nhà lãnh đạo châu Âu hay Mỹ đưa ra lời bảo vệ mạnh mẽ cho toàn cầu hóa trong cuộc họp tháng 1/2017 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

Tổng thống Barack Obama tìm cách làm mạnh các đồng minh của Mỹ ở châu Á với hy vọng vẫn giữ sự trỗi dậy của TQ trong tầm kiểm soát. Ngược lại, Tổng thống Trump đã đặt câu hỏi về giá trị của các liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, và đã tạm dừng hoạt động tự do đi lại của Mỹ  (FONOPS) ở biển Đông trong một thời gian. Tại hội nghị thượng đỉnh Mar-a-Lago vào tháng 4, Trump đã hành động một cách ngượng ngập như học trò của Tập Cận Bình về vấn đề mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng của Bắc Triều Tiên, khi nêu rằng: “Sau khi nghe [Tập] mười phút, tôi nhận ra việc đó không phải quá dễ”. Sau đó, ông Trump bỏ qua những cam kết khi tranh cử về tăng thuế cho TQ và thách thức TQ về thao túng tiền tệ đã biến thành hy vọng hảo huyền, rằng TQ sẽ giải quyết vấn đề Bắc Hàn cho ông. Ngược lại, mối đe dọa đó đã chỉ lớn lên thêm, với việc Bình Nhưỡng thành công trong thử nghiệm tên lửa tầm xa có thể có khả năng bay tới Alaska hôm 4 tháng 7.

Làm cho vấn đề thành tồi tệ hơn, gia đình Trump đã công nhiên tự đặt họ dưới quyền sử dụng của TQ, chấp nhận lợi nhuận trong tương lai dưới hình thức thương hiệu (trademark) cho cả nhãn hiệu của Trump lẫn của Ivanka, và tìm kiếm đầu tư của TQ vào các dự án bất động sản của Kushner. Khi China Labor Watch (Tổ chức Theo dõi Lao động TQ – CLW), một tổ chức về quyền lao động tại New York, công bố thông tin về điều kiện tồi tệ trong một nhà máy nơi giày dép mang nhãn hiệu Ivanka vừa được sản xuất, TQ bắt giữ ba nhà điều tra tại chỗ của nhóm này, và đây là lần duy nhất mà các nhà điều tra của CLW đã bị giam giữ vì phơi bày việc sử dụng sai trái công nhân TQ.²

Những dấu hiệu nhầm lẫn này trong chính sách của Mỹ đã đẩy nhanh sự lớn mạnh về ảnh hưởng kinh tế và chính trị của TQ. Ở châu Á, Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte làm mềm mỏng lập trường của chính phủ Philippines trước đây về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông với TQ và chấp nhận một gói đầu tư và thương mại lớn của TQ; thủ tướng Malaysia Najib Razak lần đầu tiên chấp thuận việc mua sắm tàu TQ cho lực lượng hải quân của mình; cử tri Hàn Quốc đã chọn tổng thống mới, Moon Jae-In là người hứa hẹn sẽ quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh; và Việt Nam đã tăng cường quan hệ ngoại giao và quân sự với TQ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị dính vào liên minh với Mỹ, nhưng nếu chính sách của Mỹ tiếp tục cho thấy yếu kém thì Nhật Bản cuối cùng sẽ đối mặt với chọn lựa hoặc là thoả hiệp với yêu sách lãnh thổ của TQ ở biển Hoa Đông hoặc tự tái vũ trang mạnh mẽ hơn, thậm chí có thể với cả vũ khí hạt nhân. Theo Graham Allison, giám đốc Trung tâm Khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer, trường Harvard Kennedy, trong cuốn sách mới Destined for War (Buộc phải đi tới chiến tranh), “Vượt xa tới mức mà tầm mắt có thể nhìn thấy, câu hỏi định nghĩa về trật tự toàn cầu là liệu TQ và Mỹ có thể thoát khỏi bẫy Thucydides hay không”, theo ông, bẫy Thucydides là một cuộc chiến tranh có khả năng xảy ra giữa một cường quốc thống trị và cường quốc đang trỗi dậy.

Tuy nhiên, hai cuốn sách khác gần đây, khi tiếp cận chủ đề này theo những cách khác nhau, gợi ra rằng, TQ không gây đe dọa như nhiều nhà bình luận muốn chúng ta tin theo. Michael Auslin, một nhà nghiên cứu tại Viện Hoover bảo thủ, tuyên bố, thế kỷ châu Á kết thúc trước khi nó chưa thật sự bắt đầu, bởi vì các nước châu Á hàng đầu, trong đó có TQ, không chấp nhận kiểu cách hoạt động kinh tế thân thiện với doanh nghiệp, cải cách chính trị theo dân chủ, và các tổ chức hợp tác khu vực vốn giúp họ có thể đối đầu với phương Tây một cách hiệu quả. Oliver Stuenkel, một học giả Brazil thiên tả hơn, thay vì lập luận rằng sự xuất hiện của TQ và các cường quốc châu Á khác là một sự kiện hoàn tất không thể đảo ngược, nhưng việc chuyển đổi quyền lực không bày ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích của phương Tây. Mặc dù cả hai cuốn sách bàn về toàn bộ châu Á, TQ vẫn là trọng tâm các lập luận của họ.

Phân tích của ông Auslin có căn cứ trong nhóm các ý tưởng tranh đua thường được gọi là Đồng thuận Washington—niềm tin rằng thị trường tự do, thương mại tự do, và dân chủ về chính trị là cần thiết cho các nền kinh tế lớn mạnh và các hệ thống chính trị được ổn định. Vì cách tiếp cận của TQ không quan tâm đến lý thuyết này, Auslin cho rằng nước này sẽ bị vấp ngã trước khi có thể thách thức một cách đáng kể tính ưu việt của Mỹ. Ông nhìn thấy nhiều vấn đề trong nền kinh tế TQ, trong đó có số lượng và kích cỡ quá mức của các doanh nghiệp nhà nước, quản trị doanh nghiệp thiếu minh bạch, nợ công khổng lồ (200% GDP theo một số ước tính), bong bóng bất động sản, và việc quá phụ thuộc vào xuất khẩu. Nhưng điều này chỉ đơn giản thêm vào việc mô tả về cách nền kinh tế vận hành chứ không thêm lập luận nào rằng cách điều hành đó sẽ không có kết quả.

Trong thực tế, nền kinh tế TQ không phải dễ bị tổn thương như Auslin nghĩ. Thứ nhất, vì đồng tiền của TQ, đồng nhân dân tệ, không chuyển đổi một cách tự do, rất khó cho người nắm giữ nhân dân tệ đầu tư trên quy mô lớn ở bất cứ nơi đâu mà không được phép của chính phủ ngoại trừ TQ. Chắc chắn, có một dòng vốn nhỏ chạy ra nước ngoài đủ cho phép mua sắm bất động cao cấp sản tại Vancouver, Los Angeles và New York, nhưng điều này hầu như không đủ để làm đầu tư ở TQ chết đói hoặc khiến đồng nhân dân tệ bị đầu cơ. Thứ hai, cũng giống như đồng đô la Mỹ được hưởng “đặc quyền quá đáng” được chấp nhận ở khắp mọi nơi như một vật mang giá trị mặc dù nó không được hậu thuẫn bởi bất kỳ tài sản hữu hình nào, đồng nhân dân tệ TQ cũng thế, được những người tham gia nền kinh tế TQ chấp nhận và thậm chí tới một mức độ hạn chế ở nước ngoài như một vật mang giá trị, cho phép chính phủ có thể in tiền theo ý muốn để kích thích tăng trưởng kinh tế, với nguy cơ lạm phát có giới hạn.

Thứ ba, con nợ lẫn chủ nợ trong nền kinh tế TQ chủ yếu là các cơ quan chính phủ, do đó chính phủ có thể điều chỉnh quan hệ nợ nần của họ mà không gây ra khủng hoảng tài chính. Bắc Kinh đã tự tìm cách thoát ra khỏi mối đe doạ nợ lơ lững trước đây bằng cách tạo ra các “công ty quản lý tài sản” (hoặc “ngân hàng xấu”) để đưa nợ xấu ra khỏi sổ sách của các ngân hàng nhà nước, và việc đó có hiệu quả. Chiến thuật như vậy có thể được sử dụng lại nếu cần.

Auslin khá thuyết phục hơn khi đưa ra mức độ mà tham nhũng cấp cao đã gây thiệt hại cho tính chính đáng của nền cai trị độc đảng của TQ, và việc tuyên truyền nặng tay của chế độ nhằm củng cố tính chính đáng đó không hiệu quả tới mức nào. Dù vậy, các cuộc điều tra cho thấy công chúng TQ vẫn ghi công chế độ cho việc tăng trưởng kinh tế bền vững và cho việc tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng nghiêm ngặt. Auslin đồng ý với một chuyên gia TQ không nêu tên—dường như là học giả được nể trọng David Shambaugh của Đại học George Washington — đó chính quyền TQ đã bước vào hồi “cờ tàn”.³ Điều này có thể đúng, nhưng dự đoán tương tự cũng đã được đưa ra quá thường xuyên trong nhiều thập kỷ đến mức rất khó để thuyết phục được nó bây giờ. Với việc nhìn chế độ TQ và các hệ thống chính trị châu Á khác như Thái Lan, Myanmar, và Malaysia vốn chưa phát triển chính phủ kiểu phương Tây như là ví dụ về các “cuộc cách mạng còn dang dở,” Auslin đã nhầm lẫn, gom ổn định chính trị và dân chủ làm một.

Không giống như Auslin, Stuenkel không tin rằng sức mạnh của TQ sẽ yếu dần, nhưng ông thấy tham vọng kinh tế của TQ nhiều hơn là quân sự. Đúng là TQ đã xây dựng và củng cố các đảo cát ở biển Đông, đã tăng mức phân bổ quân đội vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc ở châu Phi, đã thành lập một căn cứ hải quân nhỏ ở Djibouti, đã sử dụng lực lượng hải quân TQ để sơ tán khoảng 36.000 công nhân TQ khỏi Libya, và đã phái tàu tham gia vào việc tuần tra nhiều bên chống cướp biển ở Vịnh Aden.

Nhưng theo cái nhìn của Stuenkel, những nỗ lực này không có khả năng dẫn đến việc tạo ra một đế chế quân sự toàn cầu kiểu Mỹ. TQ sẽ rất khó khăn trong việc bảo vệ mạng lưới lợi ích kinh tế mỏng manh của mình ở xa xôi chủ yếu bằng sức mạnh quân sự. Đầu tư to lớn của TQ về nguồn lực và cơ sở hạ tầng ở nước ngoài chỉ có thể thu lại khi hòa bình được duy trì trong các khu vực hỗn loạn này bằng phương tiện chính trị, trong đó có việc tôn trọng luật pháp quốc tế. Theo Stuenkel, TQ không muốn gì hơn là bảo tồn các yếu tố chính của trật tự giao dịch trên thế giới, mà từ đó TQ đã được hưởng lợi rất nhiều, trong khi đạt được ảnh hưởng lớn hơn trong các định chế thực thi và phát triển trật tự này.

Do cho đến gần đây Quốc hội Mỹ vẫn không đồng ý cho phép tăng quyền biểu quyết cho TQ trong Ngân hàng Thế giới và Quỹ và Tiền tệ Quốc tế —và có thể thêm rằng, do TQ tích lũy được một lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ cần cho đầu tư—Bắc Kinh bắt tay vào việc tạo ra điều mà Stuenkel gọi là “trật tự song song” các định chế kinh tế quốc tế. Ông xác định 22 tổ chức đa phương mới vừa được tạo ra, từ Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á tới Tổ chức Hợp tác Thượng Hải về khu vực mậu dịch tự do của châu Á Thái Bình Dương, trong đó TQ là một bên tham gia và thường là thành viên đứng đầu.

Stuenkel lập luận, đây là những tổ chức “song hành” chứ không phải là tổ chức “thay thế”: chúng cung cấp đầu tư cơ sở hạ tầng, điều tiết thương mại, tạo thuận lợi cho thanh toán quốc tế, và thực hiện đối thoại an ninh và ngoại giao gần như cùng một cách như các tổ chức do phương Tây thống trị mà chúng song hành. Chúng hoạt động theo các quy tắc phù hợp với các định chế hiện có trong cùng lĩnh vực, và các bên tham gia của chúng vẫn tiếp tục đồng thời là thành viên của các tổ chức cũ. Theo quan điểm của Stuenkel, việc tạo ra chúng là một điều tốt:

[Chúng] sẽ cung cấp các nền tảng bổ sung cho hợp tác (trong các cường quốc ngoài phương Tây lẫn giữa các cường quốc ngoài phương Tây và các cường quốc phương Tây), và san sẻ gánh nặng đóng góp hàng hóa công toàn cầu [như các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc, tuần tra chống cướp biển, và kiểm soát thay đổi khí hậu] đồng đều hơn … Tất cả các định chế này sẽ làm TQ hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, có thể giảm nguy cơ xung đột, và nâng mọi thứ lên.

Auslin và Stuenkel đều bày tỏ, sử dụng cụm từ của James Mann, “kịch bản xoa dịu”: hoặc là sự trỗi dậy của TQ sẽ bị chựng lại trước khi trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng cho lợi ích của Mỹ, hoặc nó sẽ mang lại sức sống mới cho trật tự quốc tế hiện có. Nhưng cả hai đều quá lạc quan. Mặc dù tỉ lệ tăng trưởng của TQ đã chậm lại từ mức hai chữ số xuống một, tỉ lệ hàng năm chính thức (mà một số nhà kinh tế nghĩ là phóng đại) là 6,7 % trong năm 2016, và sẽ chậm hơn nữa khi nền kinh tế trưởng thành, ít người tin rằng nó sẽ giảm xuống dưới mức 3% trong tương lai gần.

Như Stuenkel chỉ ra, với tốc độ đó nó chắc chắn sẽ vượt qua nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi Mỹ đẩy nhanh tốc tăng trưởng của chính mình, đơn giản chỉ vì dân số TQ nhiều gấp bốn lần dân số Mỹ. Trong vài thập niên tới, nền kinh tế TQ sẽ lớn gấp đôi nền kinh tế Mỹ. Một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc chính trị, nếu xảy ra, có thể làm chậm lại sự trỗi dậy của TQ, nhưng TQ sẽ không trở lại với sự nghèo đói thời trước cải cách.

Stuenkel khá thuyết phục khi lập luận rằng Bắc Kinh quan tâm chủ yếu đến ổn định chính trị trong nước và việc có thể làm ăn kinh tế ở nước ngoài, chứ không phải là về quảng bá mô hình chính trị độc tài của nó với phần còn lại của thế giới. Lãnh đạo TQ cũng không tìm cách, như một số người đã gợi ý, để xua Hoa Kỳ ra khỏi châu Á, hoặc để “thống trị thế giới.” Tuy nhiên, họ đang theo đuổi hai mục tiêu về cơ bản xung đột với lợi ích quan trọng của Mỹ (gác lại việc TQ lạm dụng quan hệ kinh tế Mỹ-Trung vốn là một vấn đề có thể giải quyết dần thông qua đàm phán).

Xung đột đầu tiên là nỗ lực của TQ nhằm thay đổi cán cân quân sự ở châu Á. Dọc theo đường bờ biển dài phô lộ ra, TQ đang phải đối mặt với một loạt các đồng minh và đối tác của Mỹ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Singapore và Việt Nam. Có khoảng 60.000 lính Mỹ được triển khai trong khu vực, và các căn cứ của Mỹ ở Guam và Cảng Trân Châu điều hành Thái Bình Dương. Chỉ ngay bên ngoài đường 12 hải lý tính từ bờ biển TQ vốn xác định “lãnh hải” thuộc chủ quyền của họ, hạm đội 7 của Mỹ tiến hành thường xuyên các hoạt động thu thập thông tin tình báo và giám sát. Dọc theo biên giới đất liền, TQ cũng đối đầu với các triển khai, liên minh và hợp tác quân sự của Mỹ — ở Afghanistan, Pakistan, Trung Á, Mông Cổ, và Ấn Độ.

Với sức mạnh của TQ tăng lên, những nhà cai trị của họ không còn chấp nhận bị bao vây quá chặt như vậy. Bây giờ họ đang ở vị thế thúc giục Hàn Quốc đảo ngược việc triển khai hệ thống tên lửa phòng vệ (THAAD) của Mỹ, cho tàu quân sự và tàu ngầm TQ di chuyển ngang qua eo biển chiến lược giữa các đảo của Nhật; thách thức yêu sách của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, quần đảo đang tranh chấp ở biển Hoa Đông; ép Đài Loan chấp nhận thống nhất với TQ; và quấy rối tàu và máy bay của Hoa Kỳ ở biển Đông. Những hành động này thách thức vị trí đã thiết lập của Mỹ ở châu Á.

Xung đột nghiêm trọng thứ hai về quyền lợi liên quan đến quyền tự do tư tưởng và biểu đạt. Chế độ này quá mẫn cảm về hình ảnh của nó do tính chính đáng ở trong nước không sâu đậm. Điều này đã làm cho TQ không những tham gia vào các quan hệ công cộng và công tác truyền thông tiêu chuẩn trên toàn thế giới, mà còn sử dụng sức ép ngoại giao, việc từ chối cấp visa, ảnh hưởng tài chính, giám sát, và việc đe dọa kiểm soát những gì mà nhà báo, học giả và sinh viên TQ cùng học giả ở nước ngoài nói về TQ. Các nỗ lực bịt miệng các nhà phê bình mở rộng tới các tổ chức nhân quyền như Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp quốc tại Geneva, nơi TQ tác động để bảo đảm rằng, nước này và các chế độ độc tài khác không bị chỉ trích; thậm chí vươn tới tận Hollywood, nơi các hãng phim muốn được tham gia vào thị trường TQ ngày càng tránh những miêu tả không thuận lợi về TQ. Cuộc tấn công này đặt ra một thách thức đặc biệt đối với phương Tây, một thách thức trong đó sáo ngữ thông thường về cân bằng các giá trị và lợi ích trong chính sách đối ngoại không áp dụng được. Khi TQ mở rộng nỗ lực kiểm soát tư tưởng vượt ra ngoài biên giới của riêng mình, giá trị của chúng ta là lợi ích của chúng ta.

Một số người cho rằng, Mỹ đã bước lùi trong vị trí của mình ở châu Á để thoả mãn mong muốn của TQ về ảnh hưởng quân sự lớn hơn trong khu vực của họ. Trong cuốn sách ‘On China(Về Trung Quốc) năm 2011, Henry Kissinger đề xuất hai bên đồng ý về một “cộng đồng Thái Bình Dương” – “một khu vực mà Hoa Kỳ, TQ, và các quốc gia khác đều thuộc về và trong việc phát triển hòa bình của nó, tất cả đều tham gia”. Các ý tưởng của Graham Allison cho việc làm thế nào để tránh chiến tranh đều chỉ là thứ thuốc giảm đau: “Hiểu điều TQ đang cố làm”, “Vạch chiến lược” và “Biến thách thức trong nước thành trung tâm”.

Các chiến lược gia khác đã đề xuất cụ thể hơn, rằng Hoa Kỳ và TQ nên thiết lập một sự cân bằng an ninh hai bên chấp nhận được bằng cách nhượng bộ lẫn nhau về Đài Loan, quần đảo Senkaku, triển khai quân đội, và các hệ thống tên lửa tấn công và phòng thủ. Thông qua cách tiếp cận như vậy, Washington và Bắc Kinh có thể chứng tỏ rằng mỗi bên không tìm cách đe doạ các lợi ích an ninh cốt lõi của bên kia.⁴

Khó khăn với các đề xuất như vậy là việc Bắc Kinh có thể sẽ diễn giải chúng như là yêu cầu họ phải chấp nhận một sự hiện diện khó chịu của Mỹ chỉ khi cán cân sức mạnh thay đổi mới cho phép tình huống đó được chỉnh lại. Và về phía Mỹ, nhường bước trước đối với tham vọng của TQ sẽ phá hủy uy tín của Mỹ với tất cả các đồng minh, không chỉ ở châu Á mà cả ở nơi khác nữa. Sự mất ổn định sinh ra sẽ không phục vụ lợi ích của Mỹ và TQ.

Khuyến nghị của Auslin cho việc điều tiết sự trỗi dậy của TQ đối với Mỹ là tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực; xây dựng thêm các liên kết— như với Ấn Độ và Indonesia – thêm vào hệ thống liên minh hiện có; và tăng cường sức ép đối với việc chuyển đổi dân chủ. Ông nói, Mỹ nên bám chặt vào những chính sách này cho đến khi “lãnh đạo TQ … đi tới việc đánh giá cao những lợi ích của việc tham gia mang tính xây dựng”. Đây là một tầm nhìn lớn đối mặt với ba chướng ngại—sự thiếu nhất quán giữa các chính quyền ở Washington cần cho việc thực hiện một chiến lược như vậy; sự miễn cưỡng của các nước như Ấn Độ, Indonesia, và thậm chí các đồng minh chính thức của chúng ta, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ nghiêng một cách dễ thấy về cường quốc khu vực lớn nhất còn đang lớn mạnh; và không có khả năng rằng TQ sẽ chấp nhận tư thế này của Mỹ, như là điều có lợi.

Về phần mình, Stuenkel khuyến cáo rằng, Hoa Kỳ nên mở rộng sự tham gia của các cường quốc đang trỗi dậy trong các định chế hiện có để họ có sự chia sẻ công bằng về ảnh hưởng, khuyến khích TQ và các cường quốc đang trỗi dậy khác đóng góp nhiều hơn nữa vào hàng hóa công toàn cầu như các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc, tuần tra chống cướp biển và kiểm soát biến đổi khí hậu, và “dung nạp toàn bộ, chứ không chỉ trích hoặc cố cô lập” các định chế kinh tế song hành mới mà TQ đang tạo ra. Đây là những ý tưởng mang tính xây dựng, nhưng chúng không giải quyết những vấn đề cốt lõi về an ninh khu vực và nhân quyền.

Mỹ nên hợp tác với TQ trong những lĩnh vực mà lợi ích chung tồn tại, chẳng hạn như không phổ biến vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu (bất kể vị thế của chính quyền Trump). Và Hoa Kỳ phải liên tục thúc đẩy mở cửa nền kinh tế TQ trên một cơ sở đối ứng — một nỗ lực có thể đã được trợ giúp rất nhiều qua việc ở lại trong TPP. Nhưng để đáp ứng thành công với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của TQ, Mỹ phải giữ vững lằn ranh nơi mà các lợi ích chiến lược xung đột nhau, chẳng hạn như đối với Đài Loan và sự hiện diện của hải quân Mỹ ở biển Đông. Trên hết, Hoa Kỳ phải bảo vệ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền và tự do mạnh mẽ hơn nhiều so với những năm gần đây; sẽ không có ý nghĩa để trì hoãn các điều nhạy cảm ồn ào của chế độ TQ ngay cả khi TQ gây rối nhiều hơn và thường xuyên hơn vào các quyền tự do của chúng ta. Cạnh tranh, ma sát và thử nghiệm giữa Hoa Kỳ và TQ là không thể tránh khỏi, có thể trong nhiều thập niên. Để vượt qua quá trình này, Mỹ cần đánh giá chính xác lợi ích của TQ, nhưng thậm chí chính xác hơn về lợi ích của chính mình.

————-

  1. James Mann, The China Fantasy: How Our Leaders Explain Away Chinese Repression – Ảo tưởng TQ: các nhà lãnh đạo của chúng ta giải thích cuộc đàn áp của TQ thế nào (Viking, 2007).
  2. John Ruwitch, “Activist Probing Factories Making Ivanka Trump Shoes in China Arrested: Group” (Các nhà hoạt động điều tra vè các xí nghiệp sản xuất giày hiệu Ivanka Trump ở TQ bị bắt”, Reuters, ngày 31 tháng năm, năm 2017.
  3. David Shambaugh, China’s Future (Tương lai TQ) (Polity, 2016).
  4. Chẳng hạn, James Steinberg và Michael E. O’Hanlon, sách “Strategic Reassurance and Resolve: US–China Relations in the Twenty-First Century” – Bảo đảm và quyết tâm chiến lược: Quan hệ Mỹ-Trung trong thế kỷ XXI (Đại học Princeton Press, 2014), và Lyle J. Goldstein, “Meeting China Halfway: How to Defuse the Emerging US–China Rivalry” – Đáp ứng TQ giữa chừng: Làm thế nào để xoa dịu sự cạnh tranh Mỹ-Trung đang trỗi dậy (NXB Georg Etown University Press, 2015).

© Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. tư bản tham nhân công giá rẻ của TQ đã biến một nước nghèo nàn lạc hậu trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới. bây giờ giải pháp gì thì cũng đã muộn.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây