Đức trục xuất thêm một nhà ngoại giao VN

TAZ

Một người Việt Nam biến mất khỏi Bá-linh: Chính quyền trục xuất một nhà ngoại giao

Hùng Hà chuyển ngữ

22-9-2017

Ảnh minh họa

Đại sứ quán Việt Nam bị nghi ngờ liên quan đến việc biến mất của một người đàn ông. Vì vậy, chính quyền Liên bang trục xuất một nhà ngoại giao.

BERLIN taz | Trong vụ việc thương gia người Việt Nam Trịnh Xuân Thanh biến mất khỏi Bá-linh, chính quyền Liên bang đã trục xuất thêm một nhà ngoại giao nữa. Theo thông tin của Bộ Ngoại giao, người nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam bị nghi ngờ „rằng người này có liên quan đến vụ việc“. Phát ngôn viên chính phủ Steffen Seibert nói, nhà ngoại giao này cùng với gia đình có bốn tuần để rời khỏi đất nước này.

Chính quyền Liên bang cho rằng mật vụ Việt Nam và Đại sứ quán của nước CHXHCN này đã cùng thực hiện vụ bắt cóc người đệ đơn xin tỵ nạn và là cựu quan chức của đảng Cộng sản mang về Việt Nam. Vào ngày 23.07, những nhân chứng đã thấy một người đàn ông và một phụ nữ đã bị đẩy bằng bạo lực lên một chiếc xe hơi như thế nào. Sau đó, cả hai người cùng tái hiện ở Hà Nội.

Liền sau đó, chính quyền Liên bang đã yêu cầu người đại diện tình báo của Việt Nam tại Đại sứ quán phải ra đi. Thêm vào đó, chính quyền Hà Nội bị yêu cầu phải truy cứu những người có trách nhiệm trong vụ việc này. Một điều kiện thêm nữa cho việc bình thường hóa quan hệ là chính quyền Liên bang muốn có được lời „xin lỗi“.

Tất cả những đòi hỏi này đều không được chính quyền Việt Nam đáp ứng, một phát ngôn viên Bộ ngoại giao cho biết. Ông nhấn mạnh, nước Đức sẽ không cho phép vụ việc vi phạm công pháp quốc tế này bị “hóa bùn“. Theo thông tin từ người này, trong một bức thư gửi đến Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel vào cuối tháng Tám vừa qua, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh vẫn bám chặt kịch bản Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện hồi hương.

_____

BBC

Đức trục xuất thêm một nhà ngoại giao VN

22-9-2017

Chính phủ Đức liên tiếp đăng các biện pháp trả đũa Việt Nam trên mạng xã hội sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh: Bìa phải là Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel. Ảnh: Internet

Chính phủ Đức tuyên bố trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam để phản đối Việt Nam vì vụ “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh.

Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Đức ngày 22/9 nói “không có phản ứng đầy đủ từ Việt Nam sau vụ bắt cóc ở Đức”.

Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Đức ngày 22/9 nói “không có hồi đáp đầy đủ từ Việt Nam sau vụ bắt cóc ở Đức”.

“Vì thế chúng tôi đã trục xuất thêm một nhà ngoại giao,” Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố.

Thông báo bằng tiếng Đức của Bộ Ngoại giao nước này gửi cho báo chí cũng nói hiện Berlin đã “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam.

Đây là nhà ngoại giao thứ hai từ Sứ quán Việt Nam ở Berlin bị Đức trục xuất sau cáo buộc của Đức rằng Việt Nam đã tiến hành vụ “bắt cóc” và đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.

Người này cùng gia đình sẽ có bốn tuần để rời khỏi Đức, AFP tường thuật.

Được biết, Công tố viện Liên bang Đức vẫn chưa hoàn tất cuộc điều tra liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh “bị bắt cóc” khỏi Berlin, theo Bộ Ngoại giao Đức.

‘Bằng chứng liên quan’

Người phát ngôn ngoại giao Đức Rainer Breul nói Đại sứ Việt Nam hôm thứ Năm đã được thông báo rằng một nhà ngoại giao thứ hai buộc phải rời khỏi Đức vì “có bằng chứng ông này liên quan vụ việc”.

“Người này không phải là cấp quản l‎ý cao cấp tại Tòa Đại sứ” nhưng “chúng tôi có bằng chứng cho thấy ông ta đã tham gia vụ việc” cùng với “một số” nhân viên ngoại giao khác của Việt Nam tại Tòa Đại sứ, hãng tin AFP dẫn lời ông Rainer Breul nói.

“Chúng tôi không định im lặng và để cho vụ việc rơi vào quên lãng,” người phát ngôn cảnh báo, và cho biết thêm cho đến nay Hà Nội đã không chịu xin lỗi về vụ bắt cóc, cũng không chịu cam kết là những hành vi tương tự sẽ không diễn ra trên lãnh thổ Đức.

Trước đó hôm 9/8, Đức tuyên bố đang cân nhắc các bước đi cần thiết sau khi Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Berlin, muốn Hà Nội trao trả ông Trịnh Xuân Thanh.

Berlin nói ông Trịnh Xuân Thanh ‘đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc’ hồi cuối tháng Bảy.

Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức cáo buộc Việt Nam đã thực hiện vụ việc theo cách thức “chỉ có trong các phim ly kỳ thời Chiến tranh Lạnh” và đó là hành vi mà Đức thấy là “không thể chấp nhận”.

Sau vụ việc, phía Đức đã giữ chiếc xe ‘nghi là phương tiện gây án’ từ CH Czech, thu thập mọi chứng cứ liên quan rồi trả lại xe cho chủ là một doanh nhân Việt Nam tại Prague.

Thông cáo nói nghi can đã lái một chiếc xe thuê từ Prague đến Berlin vào ngày 20/7, 3 ngày trước khi có thông tin ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.

Cũng theo các nguồn tin từ Berlin, Cục An ninh Liên bang Đức đã hỏi chuyện nhiều người Việt ở Berlin về vụ Trịnh Xuân Thanh và cách thức hoạt động của những nhóm người Việt tại Đức, liên kết bên trong và bên ngoài của họ và quan hệ với các cơ quan của Việt Nam tại Đức.

Giới chức Đức hồi cuối tháng 8 cũng đã bắt giữ một nghi phạm người Việt từ Cộng hòa Czech, bị nghi là có liên quan tới vụ bắt cóc.

Luật sư tại Đức của ông Thanh nói thân chủ của mình đã bị lôi lên xe hơi, cưỡng bức đưa về Việt Nam chứ không phải tự nguyện quay về.

Trả lời phỏng vấn của báo chí Đức hôm 7/8, Ngoại trưởng Sigmar Gabriel nói rằng ông thấy việc Việt Nam “chấp nhận mạo hiểm” trong việc đánh đổi các thành quả trong quan hệ song phương trong vụ Trịnh Xuân Thanh là điều “khó hiểu”.

“Vụ việc xảy ra vào cuối tháng Bảy vừa qua đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ Đức – Việt,” ông ngoại trưởng được trang tin Stuttgart dẫn lời. “Chuyện giới doanh nghiệp Đức cảm thấy bất an là điều hoàn toàn dễ hiểu, vì rõ ràng là một số người có chức trách tại Việt Nam đã thiếu tôn trọng mối quan hệ đối tác với Đức và các quy định pháp luật.”

Phía Việt Nam nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện ‘ra đầu thú’, và công bố đoạn video trong đó ông Thanh dáng điệu mệt mỏi nói rằng ông “đành phải về để đối diện sự thật”.

Tại Việt Nam cũng có một luồng dư luận chủ yếu trên các trang mạng xã hội cho rằng Đức “không nên bao che cho người tham nhũng” mà nên hỗ trợ Việt Nam thì hơn là trừng phạt.

Đoạn video được phát trong chương trình thời sự của Việt Nam cũng công bố hình ảnh “đơn xin tự thú” được cho là của ông Thanh viết tay.

Trong năm 2015, Đức cam kết trợ giúp Việt Nam 220 triệu euro (257,8 triệu đôla Mỹ) viện trợ phát triển trong vòng hai năm.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên hiệp Âu châu; các thành viên của khối này đang chuẩn bị xem xét việc phê chuẩn thỏa thuận tự do thương mại với Việt Nam.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, sau khi chính quyền Đức liên tiếp công khai các tuyên bố trừng phạt Việt Nam, gồm cả việc “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” thì tương lai của hiệp định thương mại EU – VN bị đặt câu hỏi.

Lý do là cùng quá trình Brexit khi Anh ra khỏi EU, Đức là nước có nền kinh tế lớn nhất và sức mạnh chính trị áp đảo duy nhất còn tại ở EU.

Hai nước Đức – Việt ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược khi bà Thủ tướng Angela Merkel thăm Việt Nam năm 2011.

Các quan chức cao cấp của Đức đã liên tiếp sang thăm Việt Nam như Chủ tịch Quốc hội Nobert Lammert (2015), và Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier (2016).

Từ phía Việt Nam, các lãnh đạo cấp cao nhất nhiệm kỳ trước cũng sang thăm Đức liên tục: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm năm 2013; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2014, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân năm 2015 và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2015.

Nhân vật cao cấp nhất của nhiệm kỳ này tại Việt Nam sang thăm Đức dự hội nghị G20 là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng khủng hoảng quan hệ hai bên nổ ra không lâu ngay sau chuyến thăm của ông trong tháng 7 vừa qua.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tại Việt Nam cũng có một luồng dư luận chủ yếu trên các trang mạng xã hội cho rằng Đức “không nên bao che cho người tham nhũng” mà nên hỗ trợ Việt Nam thì hơn là trừng phạt.(trích)
    Đoạn trên cho thấy thành quả “trăm năm trồng người” theo kiểu một chiều, lạc hậu của nhà nước độc tài chuyên chế cs nó tai hại như thế nào!
    Nên nhớ, Đức là một quốc gia văn hoá và nhân bản, với ý thức tôn trọng luật pháp cao độ chứ không xài luật rừng như ở VN.
    Trịnh Xuân Thanh có thể là một kẻ tham nhũng vô lại, nhưng khi đến Đức thì anh ta có quyền được luật pháp bảo vệ cho đến khi nào số phận (phải đi hay ở) được toà án quyết định trong tinh thần thượng tôn pháp luật. Bất kể cư dân đang sinh sống trên nước họ là công dân tốt hay tội phạm đến từ một nước khác, đều phải được xử theo trình tự pháp luật chứ không thể muốn là gởi côn đồ / mật vụ sang chích thuốc cho mất trí rồi tóm về như một món hàng bất cứ lúc nào. Vả lại, nhà cầm quyền Hà nội hãy tự sờ lên gáy mình mà hỏi xem chính họ đã sẵn sàng nhận về những tên tội phạm bị Đức kết án và có lệnh trục xuất chưa? Hay chỉ nhận tiền viện trợ và đô la của những “khúc ruột ngàn dặm” còn những tội phạm gốc Việt thì ….còn đợi đấy?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây