Ken Burns và Lynn Novick nói về cuộc chiến Việt Nam

New York Times

Tác giả: Jennifer Schuessler

Dịch giả: Tấn Chi

Hiệu đính: Minh Trần

1-9-2017

Lính thủy quân lục chiến hành quân ở Đà Nẵng, VN năm 1965. Nguồn: AP/ PBS

Năm 1990, Ken Burns quay bộ phim “Nội chiến” thu hút lượng khán giả kỷ lục cho đài PBS và bắt đầu khôi phục lại sự yêu thích của công chúng về đề tài này. Gần ba thập niên với hơn 20 bộ phim tài liệu sau đó, có lẽ ông ấy là thương hiệu phim lịch sử đáng tin cậy nhất của đất nước, một biểu tượng được người Mỹ yêu thích như môn bóng chày (chủ đề của bộ phim tài liệu gồm 9 phần trong năm 1994 của ông) và món bánh nhân táo (một trong những đề tài ít ỏi truyền thống của Mỹ mà ông không làm).

Có một “hiệu ứng Ken Burns” trên iMovie và một ứng dụng Ken Burns trên iPad gồm nhiều danh sách video với các chủ đề như sự sáng tạo, kỹ năng lãnh đạo và tranh đua. Chính ông đã lồng tiếng một vai phụ trong bộ phim “Nhà Simpson” mỉa mai phong cách bình dân và kiểu tóc bát úp của chính mình.

Giờ đây, với bộ phim tài liệu “Cuộc chiến tranh Việt Nam” dài 18 tiếng gồm 10 phần được phát sóng trên đài PBS vào ngày 17/9, ông cùng đối tác lâu năm đầy sáng tạo, cô Lynn Novick, hướng tới chủ đề có thể là thử thách và khó khăn nhất chưa từng có.

Nửa thế kỷ sau cao trào của cuộc xung đột dường như là một thời khắc lý tưởng dành cho một cái nhìn khác: đủ lâu để lớp bụi chính trị độc hại lắng đọng (và những nguồn tư liệu lịch sử mới xuất hiện) nhưng chưa đủ lâu để tất cả những người đã từng sống qua thời gian đó chết đi. Bộ phim có vốn đầu tư trị giá 30 triệu đô la, hơn 10 năm thực hiện, sẽ cung cấp một bài học lịch sử mạnh mẽ và chóng mặt, kết hợp cảnh quay góc rộng và sử dụng hình ảnh tư liệu có chiều sâu với những cuộc phỏng vấn trực tiếp nhiều cảm xúc, mọi người từ các bên (gồm hơn 20 người VN, cả bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc).

Bộ phim cũng đưa ra một sự phản ánh kỳ lạ, đúng lúc về những sự đổ vỡ trong xã hội hiện tại của chúng ta – một thể loại chuyện nguyên bản về cuộc chiến văn hóa vẫn đang đặt câu hỏi cho chúng ta: Bạn đứng về phía nào?

“Những mầm mống của sự chia rẽ mà chúng ta trải nghiệm hôm nay, sự phân cực, sự thiếu vắng về thuyết trình dân sự, tất cả đã có mầm mống ở Việt Nam. Tôi không thể tưởng tượng một cách tốt hơn là giúp hạ nhiệt, khi nói về Việt Nam một cách bình tĩnh”, ông Burns nói.

Thường dân tụm lại sau một cuộc tấn công của các lực lượng miền Nam ở Đồng Xoài năm 1965. Nguồn: Faas/AP/ PBS
Câu chuyện của một người lính được kể lại trong bộ phim “Cuộc chiến tranh Việt Nam”

Tháng trước, ông Burns nói chuyện tại một văn phòng nhỏ ở New York, tại công ty sản xuất của ông là hãng phim Florentine, nơi ông và cô Novick tạm dừng khi đang thực hiện kế hoạch 30 ngày để quảng bá cho bộ phim sẽ được phát sóng trong khoảng hơn hai tuần, bắt đầu với một buổi phát sóng vào tối Chủ nhật hai tập liên tiếp, một phong cách trên truyền hình theo lối cũ. (Người xem có thể chia ra hai hơi được phát sóng vào mỗi cuối tuần trong suốt đợt phát sóng).

Trong đàm thoại, ông Burns mở rộng cho cả hai hướng, nói bằng những lời hoa mỹ, lồng vào những ý của Mark Twain, Learned Hand, Tuyên ngôn Độc lập và khái niệm anh hùng Hy Lạp cổ đại, so sánh chuyện làm phim giống như chế biến nước đường từ maple, tức là đun sôi để lấy phần đường. (Căn cứ chính của hãng phim Florentine ở Walpole, bang New Hampshire, có 3.743 người, nơi ông đã sống từ thập niên 1970).

Cô Novick là người gia nhập Florentine trong suốt giai đoạn hậu kỳ của bộ phim “Nội chiến” và là đồng đạo diễn với ông Burns trong bốn bộ phim tài liệu trước đó, gồm bộ phim “Chiến tranh”, loạt phim gồm 7 phần, năm 2007 về đề tài Đệ Nhị Thế Chiến, dường như nói một cách rõ ràng hơn.

Khi được hỏi về căn nguyên của dự án, cô nói rằng cô đã “theo đuổi nó trong một thời gian dài” nhưng cuộc chiến vẫn còn quá gần, quá sống động để xử lý.

“Dường như không thể. Làm sao bạn có thể từng làm điều nó”, cô nói.

Để tiếp cận vấn đề, ông Burns và cô Novick đã đặt ra một số quy tắc căn bản. Không có các sử gia hay chuyên gia lắm chuyện. Không phỏng vấn hình ảnh với những gương mặt gây tranh cãi như John Kerry, John McCain, Henry Kissinger, Jane Fonda hay bất kỳ ai có “ý định bẻ cong lịch sử theo ý họ”, như ông Burns cho biết. (Những nhà làm phim đã gặp ông McCain và ông Kerry để hỏi ý kiến từ lúc đầu và cho biết cả hai ông đều ủng hộ. Ông Burns nói, một số gương mặt nổi trội khác bày tỏ sẵn sàng được phỏng vấn và đã được lịch sự từ chối).

Thay vào đó, 79 cuộc phỏng vấn hình ảnh cho thấy một khung cảnh đầy đủ chi tiết về cuộc chiến từ những con người bình thường đã trải qua cuộc chiến: các cựu binh Mỹ (gồm các cựu tù nhân chiến tranh), các bà mẹ liệt sĩ, các nhà ngoại giao, nhân viên tình báo, các nhà hoạt động phản chiến, nhà báo, các chiến binh Việt cộng, các quân nhân Bắc Việt và Nam Việt, thậm chí cả một nữ tài xế xe tải trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Ông Ken Burns và bà Lynn Novick. Nguồn: Maarten de Boer/Getty Images

Giọng điệu bộ phim trung hòa một cách thận trọng. Tuy vậy, cuối tập 4, tập kể đến giai đoạn tháng Sáu năm 1967, mọi việc dường như diễn ra quá lầm lẫn đến nỗi người xem có thể hoảng hốt khi biết rằng họ vẫn còn tới 6 tập và 7 năm chém giết để theo dõi – với kết cuộc cướp đi mạng sống của hơn 58.000 người Mỹ và hơn 3 triệu cả binh sĩ lẫn dân thường Việt Nam.

Ông Burns nói, “Giống như bạn đang lái xe thật nhanh trên đường cao tốc và thấy bảng chỉ đường ghi, ‘Cầu hư 3 dặm phía trước’ và bạn vẫn tiếp tục phóng xe. Và sau đó một tấm bảng khác ghi ‘Cầu hư, dừng lại’. Bạn đâm xe qua vật chắn – chà, thật hứng thú! – và sau đó bạn lại thấy một tấm biển khác: Cầu hư, cầu hư!”

Chính cái nhìn về cuộc chiến tranh như thảm họa chóng qua có thể sẽ được chấp nhận một cách rộng rãi hơn hồi thời thập niên 1980, khi tiếng la ó đầy bảo thủ về bộ phim dài 13 tiếng đồng hồ, “Việt Nam: Một câu chuyện lịch sử truyền hình” của đạo diễn Stanley Karnow, cũng được phát sóng trên đài PBS, đã dẫn tới việc một số kênh cho chiếu buổi phản đối dài cả tiếng đồng hồ, được Charton Heston kể lại.

Để có thêm một số quan điểm khác nhau về bộ phim, ông Burns nói rằng, ông đã thận trọng tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ một nguồn rộng rãi những nhà tài trợ, gồm quỹ Ford, quỹ Rockefellers và quỹ David H.Koch.

Ông nói, “Đó là cách nói với mọi người rằng ‘Bạn có thể tra dao vào bao’.”

Điều đó có thể là mơ tưởng. Một số nhà phê bình cánh tả đã bắt đầu mổ xẻ sự chú tâm thái quá vào phỏng vấn giới quân nhân; “thiên kiến Mỹ”; thông điệp của bộ phim, trong phần mở đầu, rằng cuộc chiến tranh “đã bắt đầu với một ý hướng tốt đẹp, bởi một dân tộc tử tế”.

Sinh viên ĐH ở Boston xuống đường phản đối chiến tranh năm 1965. Ảnh: Frank C. Curtin/ Associated Press/ PBS
Người biểu tình năm 1970 tập trung ủng hộ chiến tranh. Nguồn: Burt Glinn/Magnum Photos/ PBS

John Musgrave, một cựu binh thủy quân lục chiến đến từ thành phố Baldwin, bang Kansas, xuất hiện trong phim, nói rằng ông đã nghe những cựu chiến binh với những quan điểm chính trị khác nhau quyết định sẽ chống lại bộ phim.

“Cách chúng tôi bị đối xử sau cuộc chiến tranh đã làm chúng tôi trở nên khá nhạy cảm, nhưng tôi nói với họ. “Xin các ông hãy xem nó đi’. Bộ phim chỉ kể lên câu chuyện lịch sử và câu chuyện cá nhân về cuộc chiến. Tôi không cảm thấy có sự xác quyết nào”, ông Musgrave nói.

Có những đoạn phim kể về 25 trận chiến, 10 trong số được xem xét dưới nhiều góc cạnh, từ trận chiến ở Huế, trong suốt cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, và cuộc tàn sát ở đồi Hamburger Hill tới những trận đụng độ quan trọng lúc ban đầu nhưng ít được biết đến (ít nhất là đối với người Mỹ) như Ấp Bắc và Bình Giã.

Trong khi những người được phỏng vấn có cái nhìn đa dạng về cuộc chiến, những nhà làm phim cố gắng tránh những điều giả định hoặc đáng lẽ phải xảy ra và không can dự vào những cuộc tranh luận vô tận về liệu cuộc chiến tranh có thể thắng hay không.

Không phải không có những bất đồng về hình ảnh, như giữa các cố vấn của dự án, gồm những học giả hàng đầu. Mỗi chữ của bản thảo, do nhà sử học Geoffrey C. Ward viết, được cân nhắc một cách cẩn thận. Và có lẽ không có cái nào được tranh luận kỹ lưỡng bằng đoạn mở đầu, mô tả cuộc chiến được chấm dứt trong “thất bại” (không phải “thua trận”, ông Burns nhấn mạnh, với chính ông sử dụng từ đó).

“Tôi nghĩ rằng có lẽ chúng tôi đã mất sáu tháng về từ ‘thất bại’, nói về nó, để các nhà tư vấn đánh giá, theo dõi họ tranh cãi”, ông Burns cho biết.

Bởi vì “bắt đầu bằng ý hướng tốt đẹp”, ông Burns nói ông bảo vệ những từ này mà theo ông chúng phản ánh ý hướng của những người đã chiến đấu trong cuộc chiến, cho dù họ có lẽ “quá cao thượng” đối với các nhà lãnh đạo của chúng ta.

“Tôi cảm thấy giữ vững lập trường đó là quan trọng. Tôi nghĩ cảm giác tràn ngập của những người trong phim, kẻ đã chiến đấu, cho dù họ có còn tin tưởng hay họ đã thay đổi quan điểm hoặc biết rằng (cuộc chiến) đã sai lầm ngay từ lúc bắt đầu, là họ thực sự vẫn cảm thấy như thế vào thời điểm đó”.

Từ trái sang: quay phim Buddy Squires, trợ lý sản xuất Đinh Đức Thành, đạo diễn Lynn Novick, nhà sản xuất Sarah Botstein và nhà đồng sản xuất phim Hồ Đăng Hòa đang quay phim tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, VN. Nguồn: Jared Ames/PBS

Tâm điểm đạo đức của bộ phim là những người lính bình thường, mà sự hy sinh và lòng trung thành với nhau liên tục tương phản với bộ máy chính trị của những người cầm quyền ở cả hai phía. Các nhà làm phim đào sâu vào những bài viết mô tả chi tiết, làm cách nào Hồ Chí Minh, Chủ tịch Bắc Việt, đôi khi bị Lê Duẩn, tổng bí thư cứng rắn của đảng cổ vũ cho sự tiến công, chiến lược quân sự thường rất tổn hại, gạt ra bên lề.

Và nhà làm phim đã sử dụng tận lực những cuốn băng bí mật của Nhà Trắng nói về cách thức Lyndon Johnson, Robert McNamara, Richard Nixon, Kissinger và những người khác đã âm mưu che giấu toàn bộ sự thật về cuộc chiến không cho công chúng biết và để tránh một sự sụp đổ chính trị.

Bộ phim không nhấn mạnh vấn đề này với những mũi tên rực lửa. “Rất đơn giản nói rằng ‘Họ nói dối, họ nói dối’. Đó là sự thật nhưng điều chúng tôi thực sự muốn làm là chỉ ra những gì thực sự đã xảy ra”, cô Novick nói.

Các nhà tìm kiếm tư liệu của bộ phim đã tập hợp hơn 24.000 bức ảnh và xem 1.500 giờ phim tài liệu lưu trữ, gồm cả những tư liệu ít được thấy ở kho lưu trữ của Việt Nam. Nhưng vài hình ảnh mạnh mẽ nhất lại nằm trong những cơn xúc động trái ngược, thể hiện trên khuôn mặt của những người được phỏng vấn như một bà mẹ liệt sĩ gợi lại lý tưởng chống cộng sản của con trai bà, hay ông Musgrave, với nhận thức bản thân thay đổi theo bộ phim, được bộc lộ qua vài tập phim, đem đến cho bộ phim những khoảnh khắc sâu sắc đáng nhớ nhất.

“Thỉnh thoảng tôi nói, công việc của tôi là làm cho người ta phải bật khóc. Nhưng chẳng ai gọi lại cho biết đã hối tiếc vì đã làm thế”, cô Novick nói.

Cô Novick và Sarah Bostein, một nhà sản xuất, đã thực hiện ba chuyến đi VN để tìm kiếm và phỏng vấn các cựu chiến binh về những trải nghiệm của họ. (Toàn bộ phim sẽ có phụ đề Việt ngữ và tháng trước cô Novick đã trở lại Việt Nam để chiếu thử bộ phim ở Hà Nội và TPHCM, nơi mà khán giả gồm giới báo chí).

Một số người nói cần phải xét lại sự mất mát về mặt con người trong cuộc chiến. Những người khác, một cách thận trọng, công khai trái chiều với câu chuyện chính thức của Hà Nội, đó là cuộc đấu tranh cao quý để giải phóng đất nước, với tất cả sự tàn bạo do phía bên kia gây ra.

Trong suốt chuỗi (phim) về trận chiến Mậu Thân ở Huế, hai người miền Bắc VN công nhận cuộc thảm sát khoảng 2.800 người miền Nam theo chính quyền Sài Gòn, gồm cả những thường dân vô tội – một chủ đề cấm kỵ tại VN. “Xin hãy cẩn trọng khi làm phim vì tôi có thể gặp phải rắc rối”, một người cựu chiến binh nói.

Duong Van Mai Elliott, con gái của một cựu viên chức thời Pháp thuộc với gia đình có người tham gia ở cả hai phía của cuộc chiến, và cũng xuất hiện trong bộ phim, nói rằng bà bị “đánh gục” vào thời điểm đó.

Hà Nội “chưa từng thừa nhận” đã giết thường dân vô tội, bà Elliott hiện đang sống ở Claremont, California, nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Rằng các nhà làm phim đã “có thể khiến họ nói một cách thẳng thắn, với nguy hiểm cho chính họ, thật là khó tin”. (Vì rằng sự thảm sát hoặc là bịa đặt, hoặc là tự phát hơn là có kế hoạch, cũng “trở thành gần như một tín lý trong số những người biểu tình phản chiến”, ông Ward viết trong tập phim).

Bộ phim đề cập thẳng thừng, cũng như cẩn trọng, tới vụ thảm sát Mỹ Lai và những vụ tàn sát khác do người Mỹ gây ra. Một số cựu chiến binh được phỏng vấn trên màn hình gợi lại những việc mà họ chứng kiến hoặc tham dự, chạm tới ranh giới giữa đạo đức và pháp lý.

“Bạn có thể thấy những bánh xe chuyển động: Liệu tôi có nên nói không? Nhưng họ muốn thế giới hiểu chiến tranh là gì và chúng tôi cũng vậy”, cô Novick nói, nhớ lại những cuộc phỏng vấn.

Ông Burns nói, bộ phim dùng cách tiếp cận công bằng đối với sự vô nhân đạo của cuộc chiến. Thế cân bằng trung dung một cách kiên định này có thể chiều lòng những người xem có cái nhìn phe phái, nhưng nó là như vậy.

Ông nói: “Ngày nay, chúng ta khổ sở quá nhiều về sự chắc chắn. Tôi thích ở giữa, chỗ bấp bênh của cuộc sống. Tôi nghĩ rằng đó chính là nơi mà tất cả sự tiến bộ, sự hàn gắn xảy ra”.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây