Dự án PPP y tế, khúc xương khó gặm

Đỗ Thành Nhân

5-9-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong khi dự án hợp tác công tư (PPP) giao thông siêu lợi nhuận, các nhóm lợi ích bất chấp đạo lý và pháp lý, cố đẻ ra được dự án để hút máu nền kinh tế đang chồng chất nợ nần.

Trong khi bệnh viện đang quá tải, chất lượng khám chữa bệnh, điều trị xuống cấp đến mức báo động; nhà nước mời gọi nhà đầu tư PPP vào lĩnh vực y tế, ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, khuyến khích phát triển xã hội hóa khám chữa bệnh (như: miễn tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất tín dụng ưu đãi đầu tư, …), thì dự án PPP vào y tế vẫn còn khá khiêm tốn. Ưu đãi đầu tư là cần thiết, nhưng chưa đủ; vậy nguyên nhân đến từ đâu?

1- Hiệu quả đầu tư

Rõ ràng đầu tư vào bệnh viện hiệu quả sẽ thấp, thời gian thu hồi vốn khá lâu, nên nhà nước mới hỗ trợ ưu đãi đầu tư đến mức tối đa để mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân chính.

Bởi vì doanh nghiệp đa ngành đầu tư PPP vào bệnh viện thường chiếm tỷ trọng nhỏ tổng đầu tư, họ xác định thu hồi vốn chậm nhưng ít rủi ro vì biến động của thị trường. Qua đầu tư vào bệnh viện sẽ gián tiếp nâng giá trị thương hiệu phục vụ cộng đồng cho các lĩnh vực kinh doanh khác của họ.

Mà nguyên nhân chính lại đến từ …

2- Nhóm lợi ích

Nhóm lợi ích thường đến từ nhiều thế-lực khác nhau vì chung đặc quyền, thông thường là những cái bắt tay giữa quan chức và đại gia – nhà đầu tư.

Nhưng ít ai nghĩ rằng: những người mặc áo blue trắng, được gọi bằng “thầy”, được tôn vinh “như từ mẫu”, những người tuyên thệ lời thề Hippocrates, thường xuyên “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lại hình thành nhóm lợi ích trong y tế, để vô hiệu hóa chính sách tưởng như nhân văn là đầu tư hợp tác công tư – xã hội hóa lĩnh vực y tế.

3- Nhận diện nhóm lợi ích

Dự án PPP đầu tư vào y tế sẽ tác động trực tiếp đến đến các đối tượng chính sau:

a) Thứ nhất, nhà đầu tư bỏ vốn 100%, nhưng để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước trong hợp tác công tư thì họ đã bị mất tối thiểu là 30% cho nhà nước (bệnh viện). Phương án tài chính họ phải chịu 100% trách nhiệm, rủi ro; nhưng chỉ được hưởng tối đa 70% hiệu quả.

Nhưng tỷ lệ 70/30 chỉ là con số pháp lý, trên giấy tờ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ thực tế từ 45/55 đến 55/45 thì thời gian thu hồi vốn là vô tận; nguy cơ tiềm ẩn rủi ro là nhà đầu tư mất quyền kiểm soát trong tương lai, khi mà những “cổ đông vô sản ẩn danh” đã hạ cánh an toàn. Do đó dự án PPP dừng là tất yếu.

b) Thứ hai, Bệnh nhân là người hưởng lợi nhất, dự án PPP được thực hiện, họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi khám chữa bệnh về giá cả, chất lượng dịch vụ; chi phí xã hội giảm rất nhiều so với việc phải đến các thành phố lớn điều trị.

Nhưng bệnh nhân lại là người không thể quyết định về dự án PPP.

c) Thứ ba, Bệnh viện – Sở Y tế: gồm cán bộ chuyên môn và lãnh đạo bệnh viện, sở.

Nhà nước đầu tư ngân sách để xây dựng, cấp phát kinh phí hoạt động thì những người lãnh đạo y tế sẽ thỏa mái hơn nhiều, lúc này tiền lương chẳng là gì so với thu nhập. Nhưng khi tư nhân đầu tư thì tiền lương tuy cao nhưng lại là thu nhập duy nhất. Đây chính là người quyết định đầu tư, sự thành công của dự án PPP.

Còn cán bộ chuyên môn như bác sĩ, điều dưỡng nếu hợp tác công tư thì cơ hội việc làm và thu nhập của họ tăng lên vì họ là đối tượng được ưu tiên của dự án.

4- Nhóm lợi ích lũng đoạn chính sách như thế nào

Khác với PPP giao thông, nhà đầu tư phải chạy dự án; thì dự án PPP – xã hội hóa y tế được trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, đặc biệt là các nhà quản lý y tế và lãnh đạo bệnh viện. Khi nhà đầu tư bỏ tiền vào mới xuất hiện lớp đinh dưới thảm đỏ, như con vịt bắt đầu bị vặt lông.

Có dự án đầu tư bệnh viện hoàn thành nghiên cứu khả thi; thậm chí tổ chức khởi công, Bộ trưởng Y tế về dự xong cũng dừng lại. Lý do được đưa ra là nhà đầu tư không đủ năng lực, mặc dù nhà đầu tư đã tính toán rất kỹ và chi ra không ít tiền.

Tuy nhiên, nên nhìn nhận vấn đề qua những con số thực tế:

Có bệnh viện đã quá tải, công suất sử dụng giường năm 2016 hơn 180%, thường xuyên 2 bệnh hân / giường; dự báo đến năm 2018 sẽ hơn 250%. Tỉnh không có tiền, nhiều năm mời gọi, cuối cùng cũng có nhà đầu tư. Sau khi chạy đủ cửa ở các sở ngành để thẩm định, lúc chuẩn bị trình UBND tỉnh quyết định thì lại bị chính bệnh viện ách lại, với lý do người lao động không đồng ý. Mặc dù trước đó lãnh đạo y tế đi từ bắc vào nam để tìm hiểu; quá trình lập dự án đã có nhiều cuộc họp với người lao động của bệnh viện.

Nguyên nhân sâu xa, chính là cần duy trì sự quá tải của bệnh viện mới hình thành dòng tiền “thu khác” của bệnh viện cao hơn rất nhiều so với viện phí chính thức; nhưng đầu tư PPP thì nhà đầu tư lại không chấp nhận “tỷ lệ góp vốn” quá đáng của những người quản lý y tế.

Lời kết

Thuốc ung thư giả vào bệnh viện, thuốc ung thư viện trợ để hết hạn sử dụng.

Bệnh viện quá tải, bệnh nhân nằm chung giường; những nhà đầu tư PPP – xã hội hóa bệnh viện thì mệt mỏi không kém bệnh nhân đang chờ nhà nước “điều trị chính sách”.

Xã hội kêu gọi y đức của những người thầy thuốc; nhưng luật pháp lại không chế tài được “y đức” của những nhóm lợi ích trong ngành y tế.

Cơ quan chức năng muốn nhận diện nhóm lợi ích trong ngành y tế không khó, quan trọng là có dám đối mặt và công khai sự thật hay không!

____

Tác giả: Chuyên phân tích, phản biện dự án đầu tư; trong đó có nhiều dự án PPP – xã hội hóa bệnh viện từ quy mô 100 giường trở lên.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây