Dân Quảng Bình tố cáo, bao giờ “Kiểm điểm, xử lý nghiêm” đảng viên, cán bộ sai phạm?

Nguyễn Tuấn Bình

2-9-2017

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB) quốc lộ 1A (dự án năm 1997 và năm 2013) để tiêu cực, biển thủ tiền nhà nước và tước đoạt nghiêm trọng của nhân dân hàng trăm tỷ đồng, xâm hại quyền và lợi ích kinh tế chính đáng, hợp pháp của công dân nên bị tố giác, được báo chí quan tâm phản ánh mạnh mẽ. Nhờ vậy, sau gần 2 năm, vụ việc mới kết luận dân tố cáo được báo chí lên tiếng là “có căn cứ”. Vậy mà kết luận “Kiểm điểm xử lý nghiêm” đã hơn một năm hiện vẫn còn trên giấy, khiến dư luận nhân dân bức xúc, hoài nghi…

Kết luận công nhận công dân tố cáo đúng

Sau 2 năm công dân tố cáo và chờ đợi, ngày 13/6/2016 UBND tỉnh Quảng Bình mới có Kết luận số 900/KL-UBND: “Nội dung tố cáo đối với ông Trần Đình Dinh- Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới và Hội đồng bồi thường GPMB Quốc lộ 1 TP Đồng Hới dự án năm 2013…” sai phạm. Văn bản này công nhận công dân tố cáo cán bộ chủ chốt TP Đồng Hới, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan có hành vi gây thiệt hại kinh tế hợp pháp của dân là có căn cứ. Vì thế, kết luận: “Yêu cầu UBND thành phố Đồng Hới: Tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm túc trách nhiệm đối với các thành viên Hội đồng GPMB Quốc lộ 1 TP Đồng Hới, Hội đồng thẩm định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành phố, Ban chỉ đạo GPMB Quốc lộ 1 xã Lộc Ninh, các cá nhân… sai phạm trong quá trình thẩm định xét duyệt hồ sơ đền bù, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất khi chưa thực hiện, gây thiệt hại kinh tế của dân”. Cụ thể những đơn vị, tổ chức, cá nhân sai phạm đó là ai?

Trong các tài liệu, băng ghi hình, ảnh chụp thu thập được từ thời điểm của dự án năm 2013 đến 2015 thể hiện: ngoài ông Dinh, còn trực tiếp chỉ đạo có ông Nguyễn Chung Nguyên, Phó Chủ tịch; ông Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng TNMT; ông Trần Đình Dũng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Đồng Hới; ông Nguyễn Văn Cội, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh; ông Phan Bá Phú, Chủ tịch Mặt trận xã Lộc Ninh; ông Nguyễn Văn Bình, côn đồ thôn Phú Xá (xông vào đánh người, cướp máy ảnh phóng viên); ông Nguyễn Hải Tân, cán bộ địa chính xã tiêu cực trong lĩnh vực đất đai bị dư luận lên án nhiều lần, Ban quản lý dự án chuyên ngành Giao thông- Sở Giao thông vận tải; ông Trần Văn Luận, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh và hàng trăm người có mặt trong vụ cưỡng chế trái pháp luật nghiêm trọng nói trên đối với người dân ở dọc theo 2 bên tuyến đường QL1A qua xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là có căn cứ.

Đề cập vụ việc đảng viên, cán bộ sai phạm, ông Nguyễn Văn Cội, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh và các cá nhân ở đây cho rằng: “làm theo chỉ đạo của UBND thành phố”. Dân hỏi: Vì sao biết sai mà vẫn cứ khống chế, xâm phạm quyền con người, quyền công dân để hủy hoại tài sản, cướp đất dân? Có phải do tiêu cực cướp đoạt tài sản có trị giá hàng tỷ đồng của công dân theo kiểu xã hội đen để lợi ích nhóm, nên bất chấp luật pháp? Thế nhưng không ai trả lời?

Dự án nợ tồn đọng GPMB quốc lộ 1A năm 1997 thì sao? Hàng trăm hộ gia đình ở xã Lộc Ninh, phường Phú Hải- TP Đồng Hới, thị xã Ba Đồn và các huyện nói trên đến nay vẫn chưa nhận được tiền bồi thường đất, thậm chí hàng trăm hộ trong tỉnh này chưa được bồi thường tài sản nhà quán…

Trả lời vấn đề này, ngày 9/7/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản số 1509/UBND-KTTH Thông báo: “Đề nghị dân đợi phê duyệt của Chính phủ” để giải quyết. Sau đó, ngày 15/1/2010 Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho Quảng Bình trên 18 tỷ đồng tại văn bản số 98/TTg-KTN “Giải quyết tồn tại” mà dân khiếu nại. Ngày 29/4/2010 UBND tỉnh Quảng Bình ký Quyết định số 916/QĐ-UBND chi trả hơn 14 tỷ, còn lại hơn 4 tỷ đồng đến nay để đâu mà chưa trả nợ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đất cho dân? Người dân tính sợ bộ cho rằng: theo số liệu tiền của nhà nước còn lại nói trên và thiệt hại của hàng trăm hộ dân Quảng Bình cả 2 dự án nói trên bị tước đoạt, biến thủ, bị xâm hại nghiêm trọng hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng là có căn cứ.

Bị dư luận lên tiếng mạnh mẽ, Thanh tra tỉnh Quảng Bình cho ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng phòng (người bị tố cáo tiêu cực) ngồi phòng kín tham mưu văn bản cho ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó chánh thanh tra tỉnh tùy tiện ký trả lời trái pháp luật số 68/TTr ngày 9/3/2017: “hết thời hạn, thời hiệu đòi nợ”, khiến nhân dân phẫn nộ, dư luận dậy sóng.

 Đảng viên, cán bộ sai phạm lại được bao che, lên chức?

Trực tiếp trao đổi vấn đề này, ông Lê Văn Phúc- Bí thư Thành ủy Đồng Hới cho rằng: ông Dinh, Tỉnh ủy viên, hiện là Giám đốc Sở Nội vụ không thuộc quản lý của Thành ủy. Các Phó Chủ tịch UBND thành phố như đã đề cập trên cũng do tỉnh đề bạt. Còn các cán bộ cấp Phòng, Ban của Thành phố thì do Chủ tịch UBND thành phố quản lý. Chúng tôi hỏi tiếp: “Những ông là Thành ủy viên thì ai thẩm quyền xử lý”? Ông Phúc cho rằng: “Văn bản kết luận số 900 nói trên của UBND tỉnh ở mục “Nơi nhận” không có Thành ủy Đồng Hới? Dù vậy, Thành ủy vẫn chỉ đạo UBND thành phố Đồng Hới phải nghiêm túc thực hiện theo nội dung kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao đến nay chưa thông báo cho người tố cáo biết kết quả xử lý đảng viên, cán bộ sai phạm ở mức độ nào hay để “chìm xuồng”?

Trực tiếp gặp Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới, ông Hoàng Đình Thắng trao đổi: Ông Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng TNMT (bị tố cáo) nay Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới. Các Phó Chủ tịch thành phố dù giúp việc Chủ tịch, nhưng đề bạt là cấp tỉnh. Vậy, Chủ tịch UBND thành phố chỉ được đề nghị. Số cán bộ Phòng, Ban không phải là Thành ủy viên có “dính chàm” thì Chủ tịch TP Đồng Hới xem xét, xử lý. Riêng những đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan như Ban QLDA chuyên ngành Giao thông; Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông vận tải tỉnh), cán bộ Trung tâm kỹ thuật địa chính- Sở TNMT… thì ở đó quản lý.

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao đến nay đã hơn 1 năm, sai phạm nói trên vẫn chưa được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật? Ngược lại có vị được đề bạt chức vụ cao hơn, khiến dư luận hoài nghi và cho rằng: như thế là không nghiêm túc thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh. Vậy, phải chăng văn bản đó chỉ là hình thức để đánh lừa quần chúng nhân dân, lừa dư luận?

Đáng quan tâm, kết luận nói trên công nhận công dân tố cáo đúng. Vậy, vi sao không thực hiện theo điểm b: “Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền”? Điểm c: “Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra” (khoản 2 Điều 10: “Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo”- Luật tố cáo 2011). Do có dấu hiệu bao che nên người vi phạm vẫn nhỡn nhơ ngoài vòng pháp luật. Còn những hộ dân bị xâm hại nghiêm trọng về quyền con người, quyền công dân, tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm bị chà đạp thì ai chịu trách nhiệm bồi thường? Đó là chưa nói đến thực hiện khoản 1 Điều 9: “Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo”. Đề cập việc xử lý chậm trễ? Trưởng phòng Nội vụ TP Đồng Hới cho biết: “đã họp kiểm điểm rồi nhưng người thẩm quyền chưa được phép cho công khai, minh bạch gửi cho người tố cáo và báo chí”? Dư luận cho rằng, thế là rất tùy tiện vi phạm quy định Luật tố cáo 2011 và Điều 39 Luật báo chí hiện hành.

Trao đổi về tầm quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tiêu cưc, có cán bộ ở cơ quan chức năng đành phải thốt lên: “Không có báo chí giám sát lên tiếng thì dân biết trông cậy vào ai. Theo tôi, tiếng nói tích cực của báo chí là tiếng nói phản biện của nhà nước, của nhân dân, cấp thẩm quyền tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm túc, dân mới tin. Và ngược lại…”

Vậy, theo ông với tư cách là cán bộ phòng chống tham nhũng thì nên như thế nào, chúng tôi hỏi. Vị cán bộ chân tình: “Báo chí cần tiếp tục lên tiếng phản biện mạnh mẽ nhiều hơn nữa để cơ quan chức năng làm rõ sự thật, bảo vệ kinh tế nhà nước khỏi bị biến thủ, quyền và lợi ích hợp pháp của dân, do dân và vì dân phải được tôn trọng. Ai lạm dụng, chức vụ quyền hạn để tiêu cực, ngăn cản, bưng bít thông tin báo chí cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Nhân dân kiến nghị

Đến nay đã gần 2 năm trời, người đứng đầu cấp tỉnh không có động thái tích cực trả lời, giải quyết các khoản nợ nói trên nên nhân dân kiến nghị Ủy ban Kiểm tra TW, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước Việt Nam và các cơ quan chức năng phối kết hợp thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6091/VPCP-V.I ngày 13/6/2017 gửi “Thanh tra Chính phủ để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật” về các nội dung trên, làm rõ tài sản không nhỏ của nhà nước bị biến thủ, gây thiệt hại cho đất nước, quyền và lợi ích kinh tế chính đáng, hợp pháp hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng của công dân bị tước đoạt nghiêm trọng, khiến nhân dân mất niềm tin là điều đáng tiếc.

Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

“Yêu cầu thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6091/VPCP-V.I ngày 13/6/2017 xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”. Ảnh: tác giả gửi tới

* Xin liên lạc qua ĐT: 0973 577 383- 0948 466 417

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây