Loạt bài Trịnh Vĩnh Bình – Kỳ 2: Lên như diều gặp gió

VOA

Khánh An

16-8-2017

Tiếp theo kỳ 1: Đi theo tiếng gọi ‘Về nước đầu tư’

Trịnh Vĩnh Bình, “Vua Chả Giò” tại Hà Lan, vào năm 1990 quyết định về Việt Nam “khảo sát thị trường” sau khi được giới chức ngoại giao Việt Nam tại Châu Âu khuyến khích. Sau gần 60 lần nhập cảnh, ông mang về nước gần 2,5 triệu đô la và 96 ký vàng, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Tổng cục hải quan Việt Nam và Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất. Từ đây, ông bắt đầu sự nghiệp bằng cách đầu tư vào nhiều lãnh vực khác nhau, thành công rất nhanh, theo như nhận định của cựu Đại Sứ Việt Nam tại Hà Lan thời đó, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng: “Nhờ tính năng động và chủ động như vậy mà giai đoạn đầu, ông Bình trở nên thành công và khá nổi tiếng ở Việt Nam.” Và cũng chính sự thành công vượt bậc này đặt ông Bình vào thế rủi ro. Mời độc giả theo dõi sau đây.

***

Sài Gòn năm 1998. Ảnh: Reuters

Những ngày đầu về Việt Nam đầu tư, ông Trịnh Vĩnh Bình nhìn đâu cũng thấy cơ hội kiếm tiền.

Đặt chân tới Sài Gòn, ông thấy ngay thành phố vốn từng mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông” này rất thiếu khách sạn, nhất là khách sạn cao cấp dành cho khách phương xa.

“Tôi thấy rõ ràng Việt Nam thiếu khách sạn tốt. Thời đó chỉ có khách sạn mini, 5, 6 phòng trong gia đình lấy ra làm. Nên đầu tiên, tôi đầu tư mua mấy căn nhà ở đường Trần Hưng Đạo, đó là cao ốc 10 tầng xây dang dở, bỏ từ năm 1995 tới giờ, sát bên Công an thành phố,” ông Bình kể.

Cao ốc khách sạn 286 Trần Hưng Đạo đang được xây dựng thì bị ngưng vì vụ án. Ảnh: internet

Với kinh nghiệm làm thủy sản và xuất khẩu, thương gia mang quốc tịch Hà Lan tiếp tục về Hậu Giang thuê một xí nghiệp đông lạnh và thu mua thủy sản về gia công xuất khẩu.

“Nhưng bị họ đổi hàng, rồi họ làm theo cách nói tóm tắt là tôi thấy không được, hoặc tôi quán xuyến không được. Rốt cuộc, sau một thời gian làm, tôi lỗ khoảng 70.000 đôla”.

Nhận thấy đầu tư theo cách đó không ổn, ông Bình nghĩ đến hướng làm ăn lâu dài.

Cải tổ xí nghiệp

Ông tìm hiểu thị trường ở một số nơi khác và quyết định chọn Vũng Tàu để đầu tư.

Trịnh Vĩnh Bình bắt đầu bằng việc mua lại xí nghiệp Liên doanh Nuôi trồng Thủy sản ở Phước Cơ.

Ảnh: internet

“Họ hợp tác với thành phố Vũng Tàu nhưng họ làm lỗ. Họ có mấy chục công nhân và sắp phá sản. Tôi vô thấy cơ ngơi của họ và nghĩ rằng mình có thể thay đổi được”.

“Lúc đó họ có khoảng 50-60 công nhân thôi, mà phần đông là dưới tuổi thành niên”.

Bắt tay vào gầy dựng lại nhà máy, việc đầu tiên ông Bình làm là cho đội ngũ lao động dưới tuổi thành niên nghỉ việc. Ông trả thêm cho họ một số tháng lương và khuyên họ quay trở lại trường học, đồng thời hứa sẽ ưu tiên nhận họ trở lại làm việc sau khi tốt nghiệp.

Sau đó, ông bắt đầu thay đổi thiết bị và cải tổ quy trình sản xuất.

Bên cạnh các mặt hàng thủy hải sản, ông Bình còn đưa vào chế biến thêm các mặt hàng nông sản, rau quả để xuất khẩu như chuối lá xiêm, thơm, xoài đông lạnh… xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.

Trong một tài liệu ông Trịnh Vĩnh Bình gửi cho chính phủ Việt Nam khoảng 7 năm trước để trình bày về mục đích đầu tư cũng như ước mơ làm kinh tế tại Việt Nam, doanh nhân này cho biết chỉ trong vòng hai năm (1993 – 1995), sản lượng xí nghiệp từ 80-100 tấn/năm đã tăng lên thành 1.500 tấn/năm, trong khi tổng sản lượng cả tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lúc đó chỉ 6.675 tấn (năm 1995).

Các công nhân tại Nhà máy Hải sản ở Phước Cơ, Thành phố Vũng Tàu. Ảnh: internet

Số lượng công nhân của xí nghiệp cũng tăng, từ vài chục người lên gần 400 người vào năm 1996.

Thời gian này, luật Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài hay Việt kiều đứng tên trong các doanh nghiệp trong nước, nên ông Trịnh Vĩnh Bình nhờ thân nhân và bạn bè đứng tên hộ. Việc đứng tên hộ được xác nhận qua giấy ủy quyền và giấy giới thiệu có chứng nhận của Lãnh sự quán Việt Nam tại Pháp.

Luật gia Lê Mai Anh, nguyên cán bộ Viện Kiểm sát Tối cao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng Hội Luật gia Việt Nam, người chỉ biết ông Trịnh Vĩnh Bình qua hồ sơ vụ án, cũng chứng thực điều này với VOA.

“Ông ấy đứng tên người khác theo đúng hướng dẫn của chính phủ Việt Nam là ông phải đứng tên người khác. Vì lúc ấy, luật không cho người nước ngoài, người có quốc tịch nước ngoài mua, nên ông ấy phải đứng tên người khác.”

Ảnh: internet

Những công ty mà ông Trịnh Vĩnh Bình thành lập, như Công ty TNHH Tín Thành tại TP.HCM (năm 1992) và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Công nghiệp Bình Châu tại Vũng Tàu (năm 1993), đều dưới hình thức “đội nón” trên, vốn là xu hướng phổ biến tại Việt Nam trong giai đoạn này.

Mãi đến tháng 11/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình mới có tên chính thức trong Công ty Bình Châu, dựa vào Luật khuyến khích Đầu tư Việt Nam ban hành năm 1995.

Nghiên cứu, trồng rừng

Ngoài sản xuất trực tiếp, Công ty Bình Châu còn xây dựng Trung tâm nghiên cứu, quy tụ một số chuyên viên giỏi từng học ở châu Âu và các chuyên viên thủy sản trong nước để nghiên cứu các chủng loại thủy hải sản mới và thực hiện các đề án phòng chống bệnh, nhân giống thủy hải sản cung cấp cho nông dân.

Ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết trong năm 1996, Công ty Bình Châu nhận được tài trợ quốc tế cho hai đề án: Đề án cua tự sinh sản và đề án phòng chống bệnh cho tôm, cá.

Trung tâm nghiên cứu gây giống nuôi trồng thủy sản đặt ngay tại ao nuôi tôm, cá, cua. Hiện đang bị bỏ hoang. Ảnh chụp tháng 11/1998, nguồn internet

Trong tờ tường trình gửi chính phủ Việt Nam, ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết đề án cua tự sinh là đề án mà thế giới đang đeo đuổi vào thời điểm đó, nhưng chưa thành công vì tỉ lệ sống rất thấp, chỉ đạt 3% – 4%.

Trong khi đề án nghiên cứu của Công ty Bình Châu đang tiến triển tốt thì xảy ra vụ bắt ông Trịnh Vĩnh Bình, khiến dự án này bị bỏ ngang. Một trong những chuyên viên nghiên cứu đề án này sau đó đã đoạt giải xuất sắc trong kỳ thi cho cua đẻ nhân tạo ở Philippines, với tỉ lệ cua sống đến 17%.

Với ước mơ nhân rộng các rừng thông tại Việt Nam, theo mô hình vùng Quinta Do Lago của Bồ Đào Nha, cộng thêm chính sách khuyến khích trồng rừng, phủ xanh đồi trống, đồi trọc của Việt Nam vào thời điểm này, ông Trịnh Vĩnh Bình cùng một số chuyên viên bắt đầu nghiên cứu trồng thí nghiệm thông ở Đèo Nước Ngọt Long Hải và lập các vườn ươm thông giống.

Ông Trịnh Vĩnh Bình mua nhiều khu đất để trồng rừng, hưởng ứng chính sách khuyến khích phủ xanh đồi trống, đồi trọc của Việt Nam. Ảnh: internet

Ông Bình cho biết lúc ông bị bắt, vườn ươm với gần 500.000 cây thông giống đã được 3,5 tuổi, đủ để trồng khoảng 200 ha. Theo dự tính, số thông này khi được 8 tuổi sẽ bắt đầu cho hạt giống. Khoảng 200 ha trồng đợt đầu sẽ được nhân giống và đủ cung cấp cho cả nước.

Kinh doanh tương lai

Không dừng lại ở sản xuất, xuất khẩu, ông Trịnh Vĩnh Bình còn “lấn sân” sang lĩnh vực du lịch.

“Tôi nghĩ thành phố Vũng Tàu mạnh về du lịch. Tôi lại có được bản vẽ quy hoạch ở khu vực sông Thị Vải. Dọc sông này sẽ là cả một khu kỹ nghệ. Thời đó, tôi có một bài toán…”

Bài toán kinh doanh của ông Bình bắt nguồn từ những cuộc triển lãm ở châu Âu mà năm nào ông Bình cũng tham dự.

Lần gặp gỡ với Giám đốc tập đoàn Janssen, chuyên sản xuất bìa hồ sơ nổi tiếng của Đức, khiến ông nảy ra ý tưởng kinh doanh trong tương lai.

Ông tính toán cho vị thương gia người Đức thấy việc chuyển cơ sở sản xuất về Việt Nam mang lại lợi nhuận như thế nào.

“Tôi nghĩ là mình dùng cách di chuyển những kỹ nghệ của Hòa Lan, và sau này có thể là các nước lân cận nữa, sang Việt Nam. Thì một thị trường còn non trẻ, với thị trường lao động đang khát, nếu họ [các nước châu Âu] đầu tư thì cả hai đều có lợi. Việt Nam có lợi và phía đầu tư cũng có lợi”.

“Lúc đó, tôi có bài toán đơn giản lắm. Bây giờ tôi có miếng đất. Tôi không cần làm gì hết, mà chỉ đem nó đi góp vốn cho ông. Tôi trở thành 25%, 30% [cổ phần]. Ông có lãi, có lợi nhuận, ông chia cho tôi. Ông không cần phải trả tiền thuê gì hết. Đại khái như vậy. Do đó, lúc sau này tôi mua một lúc nhiều đất ở khu vực đó là như vậy. Lý do là vì tôi biết sau này nó sẽ trở thành một khu công nghệ”.

Từ Vũng Tàu, ông Trịnh Vĩnh Bình tiếp tục mua thêm đất đai ở các khu vực khác để thực hiện ý tưởng này.

“Lúc đó, tôi lên Sở Quy hoạch TP.HCM và biết được có một bản đồ [quy hoạch] và biết được trong tương lai, Long Thành sẽ có một sân bay lớn để thay thế phi trường Tân Sơn Nhất. Lúc đó, tôi mua một số mặt bằng ở đó và tính là một số công ty sẽ cần trụ sở hoặc nhà kho sát phi trường. Ngoài ra, tôi cũng tìm ở những địa điểm du lịch, mua những căn nhà ở Bãi Trước [Vũng Tàu]… Nói chung là tôi có những bài toán lâu dài, chứ không phải như Việt Nam nói là kinh doanh địa ốc.”

Cứ như thế, trong vòng hơn 6 năm, giá trị số vốn ban đầu ông Bình đưa về Việt Nam được nhân lên hơn 8 lần.

Trụ sở của Công ty Bình Châu tại 16B phố Võ Thị Sáu, Phường 2, Thành phố Vũng Tàu. Hình chụp trước năm 1997, nguồn internet.

Báo Công An Nhân Dân ngày 6/6/2005 cho biết đến ngày ông Bình bị Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt giữ (5/12/1996), ông nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2.847.745 m2 đất.

Tuy nhiên, với nhu cầu mở rộng quy mô và nâng cấp xí nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết ông bị kẹt vốn nên phải bán đi một số căn nhà, đất đai.

“Có một điểm mà trong hồ sơ của tôi, mà Việt Nam cũng biết, là tôi chưa từng chuyển một đồng nào về bên đây [Hà Lan] hết. Cứ chuyển nhượng được một vài miếng đất thì lấy tiền đó đắp vô việc mở rộng đầu tư,” ông Bình cho biết.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nhận định với VOA:

“Cũng nhờ tính năng động và chủ động như vậy mà giai đoạn đầu, ông Bình trở nên thành công và khá nổi tiếng ở Việt Nam.”

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói thêm rằng “chính sự thành công quá nhanh và sự nổi trội trong tư cách một doanh nhân Việt kiều của ông Bình đã tạo ra một sự cuốn hút không bình thường”.

Kỳ sau: Vì sao sự thành công quá nhanh của ông Bình tại Việt Nam đã gây ra “sức cuốn hút không bình thường”? Đâu là những cái “bẫy” và những con “cò” lợi dụng làn “nước đục” trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình? Chuyên gia đánh giá thế nào về khía cạnh pháp lý của vụ án? Xin theo dõi tiếp Kỳ 3: Vụ án “lên đến Bộ Chính trị”.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây