Những bản hướng dẫn

S. Alexievich

Nguồn ảnh: redicecreations.com

Tôi có rất nhiều thứ. Đã 7 năm nay tôi sưu tập chúng – những mảnh báo cắt rời, những ghi chép của riêng tôi. Tôi có cả những con số. Tôi sẽ đưa hết cho bà. Tôi vẫn sẽ suy nghĩ về đề tài này nhưng tôi không thể viết được. Tôi có thể tranh đấu – tổ chức biểu tình, lãn công phản đối, xin thuốc men, thăm viếng những đứa trẻ đau ốm – nhưng tôi không thể tự mình viết lên được câu chuyện. Bà nên làm công việc này. Tôi mang trong lòng rất nhiều những cảm xúc. Và tôi sẽ không bao giờ có thể đối phó được với chúng, chúng sẽ làm cho tôi trở nên tê liệt. Chernobyl  đã có đủ những ám ảnh của riêng nó, những nhà văn viết về nó. Tôi không muốn mình trở thành một trong những kẻ tìm cách khai thác đề tài này.

Nhưng nếu như tôi có thể viết lên một cách trung thực? {Suy nghĩ}. Cơn mưa tháng 4 ấm áp! Đã 7 năm nay tôi không ngừng suy nghĩ về cơn mưa ấy. Những hạt mưa rơi xuống tròn xoe như những hạt thủy ngân. Người ta bảo phóng xạ nó không có màu sắc, nhưng những vũng nước mưa hôm ấy lại có màu xanh lá cây và màu vàng sáng. Chị hàng xóm thì thầm bên tai tôi bảo đài phát thanh Tự Do đưa tin có một tai nạn vừa xẩy ra ở nhà máy phản ứng hạt nhân  Chernobyl. Lúc ấy tôi không chú ý gì đến lời chị ta nói. Tôi tuyệt đối tin tưởng rằng nếu có sự cố gì quan trọng xẩy ra chắc chắn người ta sẽ cho chúng tôi biết. Họ có đủ mọi thứ trang thiết bị– thiết bị cảnh báo đặc biệt, hầm tránh bom – họ sẽ báo động để mọi người biết. Chúng tôi đoan chắc điều đó. Mọi người đều trải qua khóa học phòng vệ dân sự. Riêng tôi thậm chí đã từng dậy môn học ấy. Thế nhưng buổi chiều hôm ấy có một người hàng xóm khác mang cho tôi một ít bột. Một người bà con của chị ta làm việc ở Viện Vật Lý Hạt Nhân đem đến cho và hướng dẫn cách sử dụng. Nhưng người bà con ấy còn bắt chị hàng xóm phải hứa giữ bí mật tuyệt đối chuyện này. Nghĩa là phải im như thóc. Như một cục đá xanh. Nhất là không nên bàn tán với nhau về việc này qua điện thoại.

Lúc ấy, tôi có đứa cháu gọi bằng dì đang ở với tôi. Nó còn rất nhỏ. Phần tôi ư? Tôi vẫn không tin có chuyện đó. Trong chúng tôi cũng không có ai uống thứ bột đó. Tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi lúc ấy rất tin tưởng – không chỉ thế hệ già hơn mình, mà còn tin tưởng luôn cả thế hệ trẻ hơn nữa.

Tôi vẫn còn nhớ những ấn tượng đầu tiên của mình, những tin đồn đãi lúc ấy. Tôi sẽ lần lượt đi ngược lại thời gian, kể từ tình hình hiện nay cho đến thời điểm đó. Thật khó, nếu nhìn từ đây, với tư cách một nhà văn. Tôi đã nghĩ đến điều này. Có lúc tôi tưởng như có hai con người khác nhau ở trong tôi, một người trước khi xẩy ra vụ Chernobyl và một người sau biến cố ấy. Và cũng thật khó cho tôi bây giờ để có thể nhớ lại một cách chắc chắn về con người “trước Chernobyl” của tôi như thế nào. Cái nhìn của tôi đã thay đổi quá nhiều kể từ biến cố ấy.

Ngay những ngày đầu tiên, tôi đã vào trong Khu Cấm. Tôi nhớ mình đã bước vào những ngôi làng và nỗi xúc động khi thấy chúng im ắng vắng vẻ như chùa bà đanh. Không chim chóc bay lượn, không có gì hết. Bà đi hết con đường và vẫn không thấy bất cứ sinh vật nào hiện hữu. Chung quanh chỉ là một sự im lặng. Nhà cửa vắng tanh vì người ta đã bỏ đi hết, khung cảnh chung quanh như mảnh đất chết, vì không có một bóng chim nào hiện diện.

Chúng tôi đến làng Chudyany – độ nhiễm xạ đo được ở đây là 149 curies. Rồi đến làng Malinovka – độ đo là 59 curies. Dân chúng ở đây bị nhiễm một lượng phóng xạ lớn hơn gấp trăm lần lượng phóng xạ mà những người lính đi tuần tiễu quanh khu vực thử nghiệm hạt nhân nhiễm phải.  Môi trường phóng xạ ở đây lớn hơn gấp ngàn lần ở khu vực thử nghiệm hạt nhân. Máy đo độ nhiễm xạ cứ rung lên bần bật, nó đã lên đến mức giới hạn. Vậy mà các văn phòng nông trang vẫn treo những tấm bảng có nội dung trấn an từ những chuyên viên quang tuyến X của khu vực. Họ bảo vẫn an toàn để ăn rau trái, hành tỏi, cà chua, dưa leo trồng trong vùng. Hễ thứ nào trồng được là người ta đều ăn hết. Bây giờ thì những chuyên viên quang tuyến ấy sẽ trả lời mọi người như thế nào? Các viên bí thư đảng ủy sẽ trả lời ra sao? Họ sẽ tự biện minh cho việc làm của mình bằng cách nào?

Ở trong làng chúng tôi gặp rất nhiều những người say rượu. Dân làng thường xuyên có những cuộc chè chén say sưa, kể cả phụ nữ, nhất là những phụ nữ làm công việc vắt sữa bò.

Ở một làng khác chúng tôi ghé qua thăm nhà giữ trẻ. Lũ trẻ được cho chạy nhảy , chơi đùa trên những sân cát. Viên giám đốc nhà trẻ bảo với chúng tôi rằng họ nhận được cát mới hàng tháng, chở đến từ nơi khác. Bà có thể đoán được người ta lấy cát ở đâu chở đến. Mấy đứa bé trông buồn hiu. Chúng tôi chọc ghẹo, chúng vẫn không cười. Người coi trẻ bảo: “Đừng cố sức làm gì. Lũ trẻ của chúng tôi không bao giờ cười. Và khi chúng ngủ thì lại khóc.”. Chúng tôi gặp một phụ nữ ở trên đường đi. Chị ta vừa mới sinh con. Tôi nói: “Ai để cho chị sinh con ở đây? Độ nhiễm xạ ở môi trường là 59 curies.”. “Có một bác sĩ-chuyên viên quang tuyến X ở đây. Bà ta bảo chớ nên phơi quần áo trẻ con bên ngoài.”. Họ còn rán sức thuyết phục dân chúng ở lại. Còn ở những ngôi làng đã di tản, thỉnh thoảng người ta vẫn đem nông dân trở lại làng để làm việc đồng áng, thu hoạch khoai tây.

Giờ thì họ sẽ nói gì nào, các viên bí thư đảng ủy ấy? Họ sẽ biện minh như thế nào? Họ sẽ đổ lỗi lên đầu ai?

Tôi vẫn còn giữ được rất nhiều những bản hướng dẫn – những tài liệu tối mật. Tôi sẽ đưa hết cho bà. Bà sẽ cần nó để có thể viết một quyển sách hết sức trung thực. Bản hướng dẫn về cách thức đối phó với những con gà bị nhiễm chất phóng xạ. Bà phải mặc vào những trang phục bảo hộ giống hệt như khi bà làm những công việc liên quan đến những vật thể có chất phóng xạ: Găng tay bằng cao su, áo khoác ngoài cũng bằng cao su, ủng và những thứ cần thiết khác v..v.. Nếu trong thịt con gà có chứa một lượng chất phóng xạ nào đó, thì cần phải rửa thịt trong nước sôi pha muối, sau đó đổ nước rửa ấy xuống bồn cầu, còn thịt thì chỉ nên chế biến thành xúc xích hay pa tê chứ không nên ăn trực tiếp. Trong trường hợp thịt con gà chứa nhiều chất phóng xạ, thì chỉ nên xay thịt thành bột để dùng nuôi súc vật. Đó là cách họ hoàn thành kế hoạch chế biến thịt. Chúng được bán rẻ từ khu vực bị ô nhiễm sang khu vực không bị ô nhiễm. Mấy người tài xế xe hàng chở thịt nói với tôi rằng đám bò con này rất quái đản. Lông chúng mọc dài chạm cả đất và khi đói thì chúng ăn bất cứ thứ gì tìm thấy – giẻ rách, giấy báo. Thế nên chúng rất dễ nuôi. Sau đó, chúng được bán cho những nông trang, nhưng nếu có anh tài xế nào muốn có một con, anh ta có thể đem chúng về nhà nuôi trong nông trại riêng của mình. Đó là một thứ tội phạm! Một tội hình sự.

Trên đường đi chúng tôi thấy một xe tải nhỏ. Xe chạy rất chậm, giống như xe đám ma đang chở quan tài người chết. Chúng tôi chặn xe  lại. Tôi nghĩ anh chàng tài xế chắc đang say xỉn. Bên tay lái là một thanh niên còn khá trẻ. “Anh không bị sao chứ?”. Tôi hỏi. “Ồ không. Tôi đang vận chuyển đất bị nhiễm chất phóng xạ nặng.”. Giữa trời nóng như thế này sao! Và cái đám bụi đất trong xe kia! “Anh có điên không? Rồi đây anh sẽ lấy vợ, còn phải sinh con đẻ cái nữa chứ!”. “Chị cho tôi biết xem làm việc ở đâu tôi có thể kiếm được 50 rúp chỉ với một chuyến xe chở hàng?”. Hồi ấy, với 50 rúp, bà có thể mua được một bộ quần áo vét bảnh bao. Và người ta nói về đồng rúp dễ kiếm nhiều hơn là nói về chất phóng xạ. Vì họ đang có được những đồng tiền thưởng nhỏ bé. Hoặc nếu so sánh với một mạng người thì bất cứ số tiền nào cũng đều trở thành nhỏ bé .

Sự việc vừa buồn cười, vừa buốt lòng trong cùng một khoảnh khắc.

 Irina Kiseleva, Nhà Báo

*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

Về lại MỤC LỤC

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây