Hà nội tăng đàn áp bất đồng vì Tổng thống Mỹ ít quan tâm?

VOA

3-8-2017

Phiên tòa xét xử blogger Mẹ Nấm ở tỉnh Khánh Hòa, thứ Năm 29/6/2017. (Vietnam News Agency via AP)

Việt Nam đã tăng cường đàn áp giới bất đồng trong một chiến dịch trấn áp lớn nhất tính từ nhiều năm nay, mà giới hoạt động nói là do thái độ thiếu quan tâm về vấn đề nhân quyền của chính quyền Tổng thống Trump, theo hãng tin Reuters hôm 2/8. Chiến dịch đàn áp leo thang trong thời gian dẫn tới hội nghị APEC sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 năm nay, có sự tham dự của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Một nhà quan sát tình hình Việt Nam khuyến cáo Hà nội chớ nên phớt lờ vấn đề nhân quyền và dân quyền, vì bất cứ nước nào muốn phát triển lâu dài đều phải chú trọng tới các quyền này.

Gần đây một số nhà hoạt động tại Việt Nam được thế giới biết tiếng đã bị tuyên những bản án tù lâu năm, như blogger Mẹ Nấm và nhà hoạt động môi trường Trần thị Nga. Gần đây hơn, 4 nhà hoạt động gồm mục sư Nguyễn Trung Tôn, ký giả Trương Minh Đức, nhà hoạt động Phạm Văn Trội và luật sư Nguyễn Bắc Truyển, bị bắt giữ.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố vẫn tiếp tục nhấn mạnh với Hà nội rằng các mối quan hệ song phương sẽ tùy thuộc vào những tiến bộ về nhân quyền, nhưng theo Reuters, thái độ lơ là và quyết định của Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, đã triệt tiêu động lực để nhà nước cộng sản Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền ở trong nước.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc đại học Maine, một nhà quan sát tình hình Việt Nam, nói một nước muốn phát triển, phải chú trọng tới nhân quyền và dân quyền, dù là có sức ép từ bên ngoài hay không.

“Nhân quyền và Dân quyền đi đôi với nhau nhưng cũng khác nhau. Bất cứ một nước nào muốn phát triển đều phải chú trọng tới hai vấn đề này. Dù Mỹ có thúc đẩy hay không, điều đó không quan trọng.”

Giáo sư Ngô Vĩnh Long thừa nhận rằng cá nhân Tổng thống Trump không mấy quan tâm tới vấn đề nhân quyền:

“Hiện nay ông Trump bất cần vấn đề nhân quyền và cũng không cần dân quyền, ngay chính trong nước Mỹ, ông cũng đã phá truyền thống rất lâu dài của Mỹ về vấn đề nhân quyền và dân quyền. Ông thích những nước độc tài, thành ra lúc này không phải là lúc để nói chuyện về dân quyền.”

Tuy nhiên sức ép, theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sẽ đến từ các dân biểu và nghị sĩ Mỹ vì các tổ chức xã hội dân sự, nhiều cử tri Mỹ và các đại biểu của họ trong quốc hội quan tâm tới vấn đề này.

“Nếu các dân biểu quốc hội hay nghị sĩ Mỹ đặt vấn đề thì Việt Nam phải nói rằng đây là một vấn đề mà chúng tôi cũng mong muốn, còn những chuyện đã vi phạm nhân quyền và dân quyền thì Việt Nam phải thẳng thắn nói là có chuyện đó, và chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để cải thiện, thì như thế về lâu về dài mới có người họ ủng hộ và bảo vệ Việt Nam.”

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Việt Nam nên có một tầm nhìn xa hơn nếu muốn được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực, không chỉ trong lĩnh vực mậu dịch, mà nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, an ninh vv…kể cả cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói :

“Tôi nghĩ nên cho người ta biết là mặc dù trong thời gian ngắn hạn dưới thời ông Trump có thể là có những bước lùi nhưng về sau về dài thì Việt Nam nên hướng đến tương lai tốt hơn cho cả hai nước.”

Chính quyền Việt Nam một mực khẳng dịnh không có tù chính trị hay tù nhân lương tâm ở Việt Nam, mà chỉ có những người phạm luật bị trừng phạt.

Trả lời chỉ trích về vụ xét xử blogger Mẹ Nấm, người mới được phu nhân Tổng thống, Melania Trump trao Giải Phụ nữ Dũng cảm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê thị Thu Hằng nói:

“Phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh diễn ra công khai, đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam.”

Mẹ của blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Nguyễn Tuyết Lan, không được vào phòng xử trong phiên tòa ‘công khai’ đó.

Theo các dữ liệu do hãng tin Reuters thu thập thì từ đầu năm 2017 tới nay, có ít nhất 15 người bị bắt giữ, nhiều hơn bất cứ năm nào kể từ sau chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động trẻ vào năm 2011.

Reuters nói Việt Nam đã tăng cường các biện pháp ‘bịt miệng các blogger và giới chỉ trích’, mà tiếng nói về các vấn đề, chẳng hạn như thảm họa môi trường tệ hại nhất ở Việt Nam từ trước tới nay, đã được phóng to qua các trang mạng xã hội tại một trong những nước có nhiều người sử dụng Facebook nhất. Việt Nam nằm trong danh sách 10 nước hàng đầu thế giới về số người sử dụng facebook.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây