Vụ Trịnh Xuân Thanh đầu thú ‘nghe lạ tai như phép màu’

BBC

1-8-2017

Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: VNE

Một cựu quan chức Quốc hội Việt Nam nói với BBC rằng thông tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú “lạ tai, nghe giống như phép màu”.

Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với BBC hôm 1/08:

“Tôi bất ngờ khi nghe tin ông Trịnh Xuân Thanh đầu thú.”

Một hôm trước, các báo Việt Nam đồng loạt đăng tin từ Bộ Công an rằng ông Trịnh Xuân Thanh, đối tượng bị Việt Nam truy nã, đã “đầu thú”.

“Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 – C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú,” báo Công an TP Hồ Chí Minh viết.

“Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật.”

Nay ông Trần Quốc Thuận bình luận: “Vụ này lạ tai, nghe giống như phép màu, gợi nhớ vụ bắt Dương Chí Dũng cuối cùng cũng không biết thực hư thế nào.”

“Có rất nhiều câu hỏi trong vụ ông Thanh: ông ấy từ đâu về, thời gian qua ở đâu, nếu ở nước ngoài thì đi đường nào về mà tự dưng xuất hiện ở Hà Nội rồi ra trình diện ở văn phòng Bộ Công an?”

“Và tại sao các bản tin về vụ này không có lấy một tấm hình mới nhất của ông ấy?”

Còn nhiều ý kiến và suy luận

“Nếu trong những ngày tới, chính quyền không làm rõ những câu hỏi quanh vụ ông Thanh thì dư luận sẽ càng thêm hoang mang về những điều khuất tất, vì một người đang trong diện bị truy nã đặc biệt đâu có dễ về đầu thú.”

“Chuyện đó thật không bình thường.”

Luật sư Thuận cũng nói thêm: “Tôi cũng có nghe giả thuyết về việc ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức rồi dẫn giải về Việt Nam.”

“Nếu điều đó là thực thì người ta càng lo lắng về quan hệ đối ngoại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, trong bối cảnh Việt Nam rất cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về giao thương và về Biển Đông.”

“Ngoài ra cũng có khả năng tự thân ông Thanh muốn đầu thú dưới áp lực nào đó và được tạo điều kiện cho an ninh áp tải về, nhưng khả năng bị bắt cóc thì cao hơn.”

“Theo tôi, trong vụ Trịnh Xuân Thanh, người ta quan tâm là ông ấy sẽ khai ra những ai những ai ở cấp cao và có trách nhiệm cao hơn ông ấy.”

“Người ta cũng muốn vụ này được làm mạnh, tới nơi tới chốn vì không phải chỉ mình ông Thanh có thể gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.”

“Đến giờ chưa nghe thấy thiệt hại tiền bạc được thu hồi trong vụ việc này như thế nào.”

“Tôi mong các luật sư được tạo điều kiện tiếp cận với ông Thanh ngay từ đầu quá trình điều tra, thẩm vấn vì tội của ông ấy không phải là tội an ninh.”

Cũng trong 24 giờ qua, có nhiều bình luận và cả suy đoán về tin rằng ông Trịnh Xuân Thanh “đầu thú” tại Hà Nội.

Trang Thờibáo.de bằng tiếng Việt tại Đức đăng bài nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh “bị bắt cóc” tại Berlin và đưa về Việt Nam.

Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút tờ báo cũng nêu tin tương tự khi tham gia thảo luận trên mạng xã hội (31/07) do BBC Tiếng Việt tổ chức nhưng trang tin BBC không đăng nội dung này vì chưa có xác nhận gì từ chính giới của Đức.

Được biết báo chí Đức đã quan tâm đến vụ việc với câu hỏi làm sao một người đã đăng ký tỵ nạn tại Đức như ông Trịnh Xuân Thanh lại “đột nhiên biến mất” khỏi nước này và sau đó có tin Công an Việt Nam nói ông “xuất hiện” tại Hà Nội.

Còn nhà báo Phạm Chí Dũng từ TPHCM thì nói trong thảo luận bàn tròn trên mạng xã hội với BBC Tiếng Việt (31/07):

“Nếu Trịnh Xuân Thanh “đầu thú” thì có lẽ ông Thanh đã đáp ứng các điều kiện khai báo của một cơ quan nào đó đưa ra. Điều này sẽ dẫn đến những tình tiết giảm nhẹ cho ông Trịnh Xuân Thanh.”

Các trang mạng xã hội cá nhân tiếng Việt ở nhiều nơi cũng đặt câu hỏi chuyện này xảy ra như thế nào vì Đức và Việt Nam chưa có hiệp ước về dẫn độ và chính thức mà nói, ông Trịnh Xuân Thanh không bị cảnh sát Đức truy nã.

Sang 01/08, nhà báo Huy Đức viết trên tài khoản Facebook (Trương Huy San) của ông như sau:

“Thay vì đưa báo chí ra sân bay, Bộ Công an đã phải đưa Cảnh sát Cơ động, hai ông lãnh đạo Bộ quan sát thấy đúng là Trịnh Xuân Thanh mới yên tâm trở về – điều đó cho thấy việc bắt và áp tải Thanh về không hoàn toàn đơn giản.”

Trang Facebook của ông Huy Đức cũng là nguồn đầu tiên nêu tin hôm 30/07 rằng ông Trịnh Xuân Thanh “đã về Việt Nam”, trong câu chuyện hiện vẫn còn nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Cùng ngày, Bộ trưởng Công an Tô Lâm được báo Việt Nam trích lời nói “chưa có thông tin gì về việc Trịnh Xuân Thanh về nước như mạng xã hội loan truyền”.

Khi đó, ông Tô Lâm trả lời câu hỏi “về những thông tin cho là cơ quan điều tra đã di lý Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi” theo trang Pháp luật TPHCM.

Cho đến gần đây, báo chí Việt Nam nói lệnh của TBT Nguyễn Phú Trọng là “truy bắt, dẫn độ” ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.

Hồi tháng 11/2016, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã nói với báo chí Việt Nam rằng ông Trịnh Xuân Thanh “nên ra đầu thú để hưởng khoan hồng”.

Những gì tiếp theo?

Còn luật sư Trần Quốc Thuận nay nêu ý kiến:

“Tôi cũng hy vọng ông Thanh được xét xử minh bạch và phiên tòa được mở công khai vì đang trong thời kỳ hô hào chống tham nhũng và cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền.”

“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố là không có vùng cấm, ai vi phạm đến đâu thì xử tới đấy.”

“Vụ này sẽ chứng tỏ điều đó là sự thật hay chỉ là trên giấy.”

Ông Thanh từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Sau khi rời ngành dầu khí, ông được điều sang Bộ Công thương, đảm đương nhiều chức vụ trong thời gian ngắn.

Sau đó, ông lại được thuyên chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Ông Vũ Huy Hoàng ‘không còn hưởng chế độ bộ trưởng’?

Tổng biên tập báo Infonet ‘bị tạm đình chỉ’

Tháng 11/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản quyết định kỷ luật một số lãnh đạo trong vụ Trịnh Xuân Thanh.

Trong số này, có ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh vẫn đang được mở rộng điều tra.

Năm 2016, sau khi truy nã Trịnh Xuân Thanh, công an Việt Nam khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn người: Vũ Đức Thuận (nguyên ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc); Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (nguyên phó tổng giám đốc) và Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng PVC) về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 2/2017, năm người khác bị khởi tố, trong đó có ba người làm tại PVC.

Cũng liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh, có hai Thứ trưởng Bộ Nội vụ là Nguyễn Duy Thăng và Trần Thị Hà đã bị kỷ luật.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây