Về một viên đạn độc nhất

S. Alexievich

Nguồn ảnh: news.nationalgeographic.com

Người kể : Viktor Iosifovich Verzhikovskiy, Chủ tịch hội những thợ săn và ngư phủ thiện nguyện khu Khoyniki. Andrei và Vladimir không muốn cho biết họ của mình.

Lần đầu tiên tôi bắn chết một con chồn là khi còn bé. Lần kế tiếp, tôi bắn chết một con hoẵng, tôi đã thề sẽ không bao giờ đi săn nữa. Đôi mắt của con hoẵng bị bắn chết đã ám ảnh tôi vì chúng quá diễn cảm.

Chỉ có chúng ta, con người, mới hiểu ý nghĩa cuộc sống. Còn thú vật, chúng chỉ biết sống. Loài chim chóc cũng vậy.

Vào mùa thu thì loài dê rừng rất nhạy bén. Chỉ cần một tiếng động nhẹ của con người, đừng hòng có ai đến gần được chúng. Trong khi đó thì loài chồn lại rất khôn ngoan . . .

Người ta kể lại, hồi đó, ở đây có một gã luôn lang thang quanh quẩn trong vùng. Khi say, thế nào gã cũng cứ thấy ai là lên giọng thuyết giảng. Trước đó, gã học triết ở đại học, rồi bị đi tù. Nếu bà gặp bất cứ ai ở trong Khu Cấm, thì họ cũng không bao giờ nói sự thật về chính mình. Hoặc nếu có thì cũng rất hiếm hoi. Nhưng gã đàn ông này rất thông minh. Anh ta bảo: “Tai nạn Chernobyl xẩy ra để cho các triết gia chào đời.” Anh ta gọi thú vật là “những hạt bụi biết đi”, gọi con người là “những hòn đất biết nói”. Đất biết nói vì chúng ta ăn đất, có nghĩa là con người được tạo ra từ đất.

Khu Cấm kéo mọi người vào với nó. Tôi bảo bà nhé, một khi vào đó, ai cũng sẽ chìm nghĩm, ai cũng sẽ mất tăm ngay.

Được rồi, các bạn ta, chúng ta sẽ kể lại mọi chuyện theo thứ tự.

Đúng rồi, đúng rồi, chủ tịch ạ! Ông kể đi, chúng tôi đang bận hút thuốc.

Vậy thì, nó như thế này. Họ cho gọi tôi đến gặp viên chỉ huy khu vực. “Nghe đây, ông chủ tịch hội thợ săn. Trong vùng Cấm còn quá nhiều những con thú nhà như mèo, chó. Để tránh phóng xạ lây lan, chúng ta phải tiêu diệt hết lũ thú nhà ấy. Các ông làm công việc này nhé!”. Ngày kế tiếp, tôi triệu tập tất cả các tay thợ săn lại. Tôi giải thích tình hình. Không anh thợ săn nào muốn làm vì họ không hề cấp phát cho chúng tôi các dụng cụ bảo hộ. Tôi hỏi các nhân viên bảo an dân sự. Họ cũng không có gì hết. Không cả mặt nạ phòng hơi độc. Vậy là tôi phải vào xí nghiệp chế tạo xi măng để xin họ khẩu trang bịt mũi, thứ khẩu trang mỏng dính chỉ đủ ngăn bụi xi măng. Nhưng không có mặt nạ phòng hơi độc.

Đến hiện trường, chúng tôi gặp những người lính. Họ có đủ mặt nạ, găng tay, xe vận chuyển bọc sắt. Còn chúng tôi thì mặc áo sơ mi, khăn tay bịt kín mũi. Rồi cũng với trang phục lấm lem phóng xạ như thế, chúng tôi về lại căn nhà của mình.

Tôi tụ họp được 2 toán thợ săn. Mỗi toán chừng 20 người. Đi theo mỗi toán có một viên thú y và một người thuộc trung tâm dịch tễ. Chúng tôi cũng có một xe máy xúc và một xe tải chở phế liệu. Thật quá tệ khi họ không cung cấp cho chúng tôi những phương tiện bảo hộ. Họ chẳng quan tâm gì đến con người cả.

Ngược lại, họ cho chúng tôi những phần thưởng – 30 rúp một đầu người. Trong lúc đó thì một chai Vodka giá 3 rúp. Khi chúng tôi được khử hoạt tính phóng xạ thì có người đưa ra công thức: Một muỗng cứt ngỗng đổ vào chai Vodka. Uống trong 2 ngày. Để mà . . . để mà một người đàn ông có thể làm nhiệm vụ đàn ông của mình. Nhớ không? dân Nga mình có các bài ca dân dã vui nhộn – cả hàng tấn các bài ca. “Bọn người Zaporozhets không thể trên bảo dưới nghe theo; anh đàn ông ở Kiev cũng không thể trên bảo dưới nghe theo. Nếu bạn muốn làm bố, hãy bọc trứng của mình trong cái bao bằng chì .  . .” ha!ha! ha!

Suốt hai tháng chúng tôi đi tới đi lui trong Khu Cấm. Một nửa số làng trong vùng đã di tản từ lâu, trong số đó có khoảng chục ngôi làng là thuộc Babchin, Tulgovichi . . . Hồi mới đến làng, chúng tôi thấy lũ chó chạy quanh quẩn nhà mình để canh chừng. Và cũng là để chờ cho chủ chúng quay lại. Thấy chúng tôi, lũ chó phóng tới  mừng rỡ. Chúng tôi giết chúng ở trong nhà, ở kho thóc, ở sân vườn, rồi lôi xác ra ngoài đường, vất lên chiếc xe tải chở hàng. Đó không phải là một việc làm tử tế. Làm sao chúng có thể hiểu được tại sao mình bị giết? Thật dễ dàng để làm công việc giết chết những con thú nuôi trong nhà này. Chúng không hề biết sợ súng hay người. Thấy người chúng còn mừng rỡ chạy lại.

Có cả rùa ở đây nữa. . . . trời ơi! Chúng tôi đi ngang qua một căn nhà bỏ hoang. Bên trong vẫn còn một cái hồ nuôi cá kiểng với cá ở trong đó.

Với rùa thì chúng tôi không giết. Xe chúng tôi chạy cán lên con rùa nó cũng không bị hề hấn gì vì mai rùa rất cứng, nó không thể bị vỡ. Tất nhiên chỉ khi say xỉn chúng tôi mới làm như thế. Trong những khu vườn sau nhà còn có những cái hang nhỏ. Mấy con thỏ chạy nhảy tung tăng. Có cả lũ rái cá được chúng tôi thả cho đi, gặp ao lạch chung quanh là chúng bơi đi mất tăm.

Người ta từ bỏ hết mọi thứ. Chỉ là tạm thời mà. Bởi cái lệnh lạc gì vậy? “Ba ngày”. Chỉ đánh lừa con nít, kiểu như: “Mình đi xem xiếc nhé !”. Rồi thì khóc lóc. Ai cũng tưởng sẽ được quay về ngay thôi. Đã bảo đó là khu chiến sự mà. Đám mèo nhìn thẳng vào mắt người, lũ chó tru vang, chúng muốn được leo lên xe bus di tản cùng với chủ. Cả chó khôn lẫn chó dại. Mấy người lính đánh đuổi chúng xuống. Chúng chạy theo xe cả một quãng đường dài. Thật kinh khủng khi người ta phải bỏ các thứ để lên đường di tản.

Thế đấy! Nó như thế đấy. Người Nhật đã từng nếm mùi Hiroshima. Nhờ vậy họ đi trước mọi người. Giờ thì họ dẫn đầu. Như vậy có nghĩa là . . .

Chúng tôi đã có dịp được nổ súng bắn, với mục tiêu đang di động và còn sống hẳn hoi. Một thứ bản năng. Thú vị nữa. Chúng tôi nốc rượu vào rồi bắt tay vào việc. Chúng tôi được trả lương cho việc làm của mình, xét ra cũng công bằng với những gì chúng tôi đang làm. 30 rúp một người – so với lúc ấy dưới thời Cộng sản – bà có thể . . .

Sự việc diễn ra như thế này. Tất cả các căn nhà bỏ trống đều bị niêm phong. Chúng tôi không bao giờ xé dấu niêm phong để vào nhà. Đứng từ ngoài cửa sổ, thấy có con mèo trong nhà, làm sao vào để giết nó? Nhưng chúng tôi không hề xé dấu niêm phong. Chỉ là lũ cướp cạn, chúng đến từng nhà, phá cửa, đập cửa sổ, bẻ cây chắn. Chúng lấy đi không từ thứ gì. Trước hết là máy hát, máy truyền hình, quần áo lông. Rồi kế đó là tất cả các thứ khác. Sàn nhà bừa bãi những thìa muỗng bằng nhôm. Khi đó, con chó nào còn sống sẽ vào ở trong nhà. Mình đến, lũ chó sẽ tấn công ngay lập tức. Đến lúc này thì chúng không còn tin tưởng ở giống người nữa. Có lần tôi bước vào một căn nhà, thấy giữa phòng có con chó cái nằm với đám con của nó. Tôi có cảm thấy tội nghiệp cho nó không? Hẳn nhiên rồi, hoàn cảnh ấy thì có gì là thú vị. Nhưng rồi tôi suy nghĩ. Thực tế thì quả thật rất giống như ở thời chiến tranh, chúng tôi là kẻ đi trừng phạt. Cũng cùng ý đồ, cùng phương thức thi hành kiểu quân sự. Chúng tôi chia nhau bao vây ngôi làng, lũ chó nghe tiếng súng nổ lập tức bỏ chạy tứ tán. Chúng chạy vào rừng. Lũ mèo thì khôn hơn, vả lại chúng trốn dễ dàng hơn. Có con mèo chui vào cái hũ đất để trốn. Tôi phải lắc lắc đuổi nó ra. Chúng chui vào cả dưới đáy lò. Cảm giác thật buồn nôn khi phải lôi chúng ra. Bước chân vào một căn nhà, con mèo phóng vụt qua chân nhanh như một viên đạn bắn, thế là phải đuổi theo nó với cây súng sẵn sàng trên tay. Lũ chó mèo ấy gầy ốm, bẩn thỉu, lông thì dính bệt vào nhau thành từng chùm. Lúc đầu còn có trứng gà đang được mấy con gà mái ấp. Thế là bọn chó mèo ăn trứng. Khi hết trứng thì chúng ăn đến gà mẹ. Lũ chồn cũng mò đến tìm gà để ăn thịt, chúng đã dọn vào làng ở hẳn với lũ chó nhà. Đến lúc hết cả gà để ăn thì lũ chó bắt đầu ăn thịt lũ mèo. Cũng có khi chúng tôi thấy cả heo trong chuồng. Chúng tôi mở cửa chuồng cho heo chạy đi chứ không giết. Trong mấy hầm nhà có nơi chứa đầy các loại rau quả như dưa chuột, cà chua, chúng tôi dỡ xuống và vất hết vào các máng chứa thức ăn cho heo.

Trong một ngôi làng có bà già tự đóng cửa nhốt mình trong nhà. Bà ta có cả thẩy 5 con mèo và 3 con chó. Bà nhất định không để cho chúng tôi giết bầy thú của bà. Bà chửi rủa chúng tôi đủ điều. Chúng tôi buộc phải thi hành công việc của mình nhưng vẫn chừa lại cho bà cụ một con mèo và một con chó. Bà chửi chúng tôi nào là lũ ăn cướp, bọn cai tù . . .

Ở những ngôi làng bỏ hoang, trong các căn nhà chỉ còn lại những cái bếp. Riêng làng Khatyni, thì ở giữa làng có hai bà cụ già không biết sợ hãi điều gì cả, trong khi những người khác thì hầu như phát điên.

Vậy đấy! “Trên ngọn đồi ta ngồi trong xe máy xúc, bên kia đường là nhà máy phản ứng hạt nhân. Nếu bọn người Thụy Điển không nói cho mình biết thì mình sẽ ngồi mãi trong xe máy xúc cho đến khi thành lão già”. Ha! Ha! Ha!

Chuyện là thế này. Cái mùi- tôi không biết là cái mùi ấy phát xuất từ đâu trong ngôi làng. Cách lò phản ứng 6 ki lô mét. Ngôi làng Masaly. Tâm điểm của phóng xạ. Nó có mùi i-ốt. Cái mùi chua chua. Tôi phải bắn bọn chó trực diện và ở khoảng cách gần. Con chó cái đang nằm giữa nhà với bầy con của nó, thấy tôi nó nhẩy chồm lên. Tôi giết nó ngay tức thì. Bầy chó con vẫn có đứa nằm liếm chân, đứa vẫy đuôi, đứa đùa giỡn lăng quăng. Phải bắn chúng trực diện thôi. Trong đó có một con đen tuyền. Đến giờ, tôi vẫn còn mang cảm giác thương xót dành cho con chó con này. Chúng tôi chất đầy vun chiếc xe tải với xác những con chó, rồi chở thẳng đến chỗ chúng tôi gọi là “nghĩa trang”. Thành thực mà nói đó chỉ là một cái hố sâu trên mặt đất, trong khi lẽ ra chúng tôi phải tránh những chỗ có thể tiếp xúc với mạch nước ngầm và chung quanh hố phải bọc một lớp giấy bóng kính để tránh lây lan. Thêm nữa, phải tìm chỗ đất cao để đào hố. Nhưng mọi lệnh lạc đều không được tuân thủ nghiêm chỉnh. Chỗ nào cũng thế thôi. Giấy bóng kính đã không có thì chớ, chúng tôi lại không dành nhiều thì giờ cho việc tìm nơi đúng tiêu chuẩn. Lũ chó mèo tội nghiệp này, con nào chưa chết, chỉ bị thương thôi thì chúng không ngừng rên rỉ. Từ trên chiếc xe tải, chúng tôi đổ ập xác thú xuống hố. Con chó con màu đen vì chưa chết nên nó tìm cách bò ngược lên miệng hố. Không ai còn viên đạn nào trong súng. Cũng không có vật gì để kết liễu mạng con chó con.Chúng tôi đành phải đẩy nó xuống hố lại và phủ đất chôn sống nó. Cho đến giờ tôi vẫn còn cảm giác tội nghiệp con chó.

Thường thì mèo không có nhiều bằng chó. Có thể chúng đã chạy theo chủ? Hoặc tìm cách trốn đâu đó? Cái con chó nhỏ bị chôn sống ấy thật là hư hỏng.

Tốt nhất là bắn lũ chó mèo từ một khoảng cách xa, để không phải nhìn thấy mắt chúng.

Phải tập sao bắn một phát là giết chết được chúng, để sau này không phải giết thêm lần nữa.

Chỉ có chúng ta, con người, mới ý thức sự việc, còn thú vật chúng chỉ biết sống. “Những hạt bụi biết đi “.

Loài ngựa – khi bị đem đi giết, chúng biết khóc.

Tôi muốn thêm vào điều này. Mọi sinh vật đều có linh hồn, kể cả loài sâu bọ. Cái con hoẵng – nó bị thương, nằm đó. Nó muốn mình thương xót nó, nhưng mình lại tìm cách giết cho nó chết hẳn. Vào giây phút cuối cùng, nó đã có ý thức, đã hiểu, nó có cái nhìn giống như của con người. Nó ghét mình. Và có thể là lời cẩu khẩn: Đừng giết tôi! Tôi cũng muốn được sống mà!

Phải học bắn cho thành thạo. Đánh đập chúng còn tệ hơn là bắn chúng. Săn bắn là một môn thể thao. Chẳng hiểu sao không ai đến quấy rầy mấy người đánh cá, nhưng bọn thợ săn chúng tôi thì hầu như ai cũng đến làm phiền. Không công bằng chút nào hết.

Săn bắn và xông pha chiến trường. Đây là những hoạt động chủ yếu của người đàn ông. Một người đàn ông thực sự.

Tôi không thể kể những chuyện này cho con trai tôi nghe. Nó vẫn chỉ là một đứa trẻ. Tôi đã ở đâu? Làm gì? Nó tưởng cha nó đến một nơi để bảo vệ cho một ai đó hoặc một việc gì đó. Rằng cha nó đã chiến đấu ngoài mặt trận. Trên truyền hình có đầy rẫy những hình ảnh tương tự, nào là trang thiết bị quân sự, nào là những người lính, rất nhiều những người lính. Con trai tôi hỏi: Bố ơi, chắc bố là một chiến sĩ phải không?

Có anh phóng viên nhiếp ảnh từ đài truyền hình mò đến. Nhớ không nào? Anh ta khóc. Là một người đàn ông mà anh ta lại khóc. Anh ta chỉ ao ước được nhìn thấy con heo có ba đầu.

Thế nhé! Con chồn nó nhìn thấy một người tròn trùng trục như cái bánh gừng lăn qua rừng. Nó hỏi: “Này lão bánh gừng, lão lăn đi đâu đấy?” “Tôi không phải là lão bánh gừng. Tôi là một con nhím đến từ Chernobyl.” Ha – ha. Như người ta nói đấy, hãy cứ để trong mỗi căn nhà một hạt nguyên tử hòa bình xem sao.

Tôi bảo này nhé, người ta chết như một con thú vậy đó. Ở Afghanistan tôi đã thấy cảnh như thế quá nhiều. Tôi đã từng bị thương ở bụng, nằm phơi người dưới ánh nắng mặt trời. Nóng đến không thể chịu nổi. Và khát nước quá thể! Tôi tự nhủ: “Mình sẽ bỏ mạng ở đây thôi, như một con chó.”. Tôi bảo này nhé, máu người chảy như thế nào thì máu thú cũng chảy như vậy. Và nỗi đau đớn thì giống hệt nhau.

Cái tay cảnh sát ở trong toán thợ săn chúng tôi – anh ta hầu như phát điên. Anh ta thấy tiếc mấy con mèo Xiêm. Đem chúng bán ra ngoài chợ thì khối tiền. Chúng lại đẹp nữa. Anh ta là con người mà . . .

Một con bò cái đang đi với con của nó. Chúng tôi không giết. Chúng tôi cũng không giết cả ngựa. Bò ngựa sợ chó sói, nhưng không sợ người. Ngựa thì có thể chống chỏi được với chó sói. Còn con bò thì bị chó sói ăn thịt. Đó là quy luật của rừng xanh.

Người ta chở gia súc ở Belarus đem đi bán tại Nga. Nhưng đám bò cái tơ vì mắc chứng bạch cầu nên chỉ được mua với giá rẻ.

Tội nghiệp nhất là mấy ông già. Họ chặn xe chúng tôi lại, đề nghị: “Các cậu ghé qua nhà tôi được không?”. Rồi họ đưa cho tôi chìa khóa nhà. “Cậu lấy hộ tôi cái áo nhé? Cái mũ nữa cậu nhé?”. Dúi cho tôi mấy đồng bạc. “Con chó của tôi nó còn ở đó không?”. Chó thì đã bị bắn chết. Nhà cửa thì bị cướp vào vét sạch. Thêm nữa, họ sẽ chẳng bao giờ được phép quay về đó. Phải nói với họ thế nào đây? Tôi không nhận chìa khóa nhà họ đưa. Tôi không muốn đánh lừa ai cả. Nhưng có mấy người khác làm như vậy. “Thế bác cất rượu Vodka ở đâu? Bác giấu nó ở đâu?”. Thế là ông già ngay tình kể ra. Nguyên một thùng sữa chứa đầy Vodka bị bọn người ấy lấy mất.

Người ta muốn chúng tôi giết một con heo rừng để làm tiệc cho một đám cưới. Đó là một lời yêu cầu. Gan con heo nhão như nước, nhưng họ vẫn muốn nó trên bàn tiệc, như một biểu hiện của ơn lành.

Công việc bắn giết của chúng tôi cũng có mục đích phục vụ các nghiên cứu khoa học nữa. Có lần chúng tôi giết hai con thỏ, hai con chồn và hai con dê núi. Đám thú rừng này con nào cũng bệnh hoạn, nhưng chúng tôi vẫn ướp tẩm thịt của chúng để ăn. Mới đầu còn sợ, nhưng giờ thì cũng đã quen rồi. Người ta phải ăn để sống chứ, không phải ai cũng được đi lên mặt trăng hay các hành tinh khác .

Có người mua cái mũ lông chồn ngoài chợ về đội, thế là sau đó đầu anh ta hói bóng. Còn một anh chàng người Mỹ mua rẻ khẩu súng lấy từ Khu Cấm – anh chàng này chết ngay sau đó. Người ta gây hoảng sợ lẫn nhau.

Về phần tôi, chẳng có gì khác lạ xẩy ra với tôi. Hồn tôi, trí tôi vẫn không một chút lao xao. Ôi dào toàn những chuyện vớ vẩn ấy mà.

Tôi gặp một anh tài xế xe tải thường lén chở những thứ được tháo dỡ từ những căn nhà bị ủi sập ra khỏi khu Cấm. Tất nhiên, trong đó không còn nhà cửa, trường học gì nữa, chỉ là những vật để người ta đánh số báo cáo là đã được tẩy sạch phóng xạ. Tuy vậy, người ta vẫn lén chở những thứ ấy đi. Chúng tôi gặp nhau ở nhà tắm công cộng, hay quầy rượu thì phải. Tôi không nhớ rõ lắm. Anh ta kể: chúng tôi lái xe tải vào chờ chừng vài tiếng đồng hồ để họ tháo dỡ xong căn nhà, chất lên xe chạy ra ngoài bìa khu Cấm, có người chờ sẵn ở đó. Họ lấy những thứ ấy về bán lại cho người ta xây nhà. Anh tài xế được chia tiền , được dẫn đi ăn nhậu say sưa.

Trong nhóm thợ săn chúng tôi, có một số thực sự là những tay sát thủ ra trò. Một số khác thì chỉ làm như đi dạo trong rừng, thấy chim thì nhẩn nha bắn, vậy thôi.

Tôi nói cho bà nghe nhé: Rất nhiều người phải chịu đựng bao nỗi khổ sở, nhưng cho đến nay không một ai chịu trách nhiệm về việc đó cả. Viên giám đốc trạm phản ứng hạt nhân đã bị bắt bỏ tù, nhưng rồi sau đó ông ta lại được thả ra. Trong cái hệ thống làm việc ấy, thật khó mà xác định ai là kẻ có tội. Dường như họ đang thử nghiệm cái gì đó ở nhà máy hạt nhân. Đọc trong báo thấy nói họ đang tìm cách phát triển chất Plutonium để dùng trong lãnh vực quân sự. Đó là lý do khiến lò phản ứng phát nổ. Nếu đó đúng là lý do thì tại sao sự việc ấy lại xẩy ra ở đây, ở Chernobyl, chứ không phải ở Pháp, hay ở Đức?

Trí nhớ tôi luôn bị ám ảnh bởi một điều. Chỉ một điều thôi. Không ai trong chúng tôi còn một viên đạn nào để kết liễu số phận con chó đen nhỏ. 20 người thợ săn. Vậy mà không ai còn một viên đạn nào lúc cuối ngày để mà bắn con chó nhỏ xíu tội nghiệp ấy. Dù là một viên đạn sau cùng.

*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

Về lại MỤC LỤC

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây