Bằng chứng vi phạm luật lệ của Trung Quốc trên Biển Đông

The Diplomat

Tác giả: Ankit Panda

Dịch giả: Song Phan

17-7-2017

Ảnh: Tòa Trọng tài Thường trực.

Sau một năm, phán quyết biển Đông vẫn được coi là bằng chứng cho hành vi vi phạm luật lệ của Trung Quốc

Hành vi của Bắc Kinh vẫn tiếp tục coi thường phán quyết ngày 12 tháng 7, nhưng nó vẫn sẽ là một sự kiện lịch sử.

Khoảng một năm trước, một ban trọng tài gồm 5 thẩm phán tại Toà Trọng tài Thường trực The Hague thông báo quyết định của họ trong một vụ kiện do Philippines khởi xướng vào năm 2013 đối với Trung Quốc về các yêu sách tranh chấp của họ ở biển Đông.

Phán quyết đã được đưa ra sau cuộc giằng co giữa hai nước đối với bãi cạn Scarborough năm trước; Trung Quốc cuối cùng đã giành được bãi này khỏi sự kiểm soát của Manila và duy trì sự hiện diện cho đến ngày nay.

Vụ kiện đưa ra trước tòa liên quan đến quyền trên biển và trạng thái (status) của các thể địa lý ở biển Đông, cùng một số vấn đề khác. Nó không tìm kiếm phân xử chủ quyền lãnh thổ của các thể địa lý, vì điều này nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của Toà án.

Toàn bộ các thẩm phán đã thống nhất quyết định nghiêng về Philippines gần như ở tất cả các điểm. Trung Quốc đã từ chối tham gia vào quá trình tố tụng và coi đó là không hợp lệ.

Quyết định này lẽ ra phải trở thành một sự khẳng định chính yếu về nguyên tắc rằng, ở biển Đông, mạnh không thể biến thành đúng. Thay vào đó, sau một năm, đã có rất ít thay đổi và phán quyết của tòa chỉ là một mảnh giấy.

Lý do cho điều này là phức tạp. Một phần, kết quả này liên quan đến việc phán quyết đưa ra không đúng thời điểm. Chỉ vài ngày trước khi phán quyết được công bố, chính phủ thân Mỹ và có tinh thần quốc tế của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã bị chính phủ của Tổng thống hiện nay Rodrigo Duterte thay thế.

Thay vì hăng hái theo đuổi công lý được toàn bộ sức mạnh luật pháp quốc tế hậu thuẫn, trên thực tế ông đã quay ngoặt 180 độ trong quan hệ Manila với Bắc Kinh.

Philippines cũng đã được chuyển giao chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tác động ảnh hưởng lớn lên chương trình nghị sự của tổ chức này và làm cho nó ít hữu ích hơn thường lệ trong vấn đề biển Đông. (Không còn là nước ASEAN từng là tiên phong trong vấn đề này như trước thời Duterte).

Trung Quốc, trong lúc đó, đã đảo ngược sự khai mở này. Mặc dù nhiều nhà phân tích phương Tây, kể cả chính tôi, đã dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ phản ứng lại một cách cuồng nộ lúc đầu nhưng cuối cùng sẽ chùn lại trước cái giá phải trả về uy tín khi công khai coi thường một phán quyết quốc tế, điều này đã không hề xảy ra.

Bắc Kinh, có lẽ hành động như nhiều cường quốc đã làm trong quá khứ, giữ bình tĩnh và tiến hành các hoạt động ở biển Đông, tiếp tục thúc đẩy các yêu sách của họ đối với “các vùng đánh cá truyền thống” và đường chín đoạn của họ tiến xa về phía Nam tới vùng đặc quyền kinh tế  của Indonesia.

Cuối cùng, những gì được coi là phán quyết pháp lý quan trọng nhất của quốc tế về các quyền được có trên biển ở biển Đông phần lớn đã dần dần nhạt nhoà.

Tuy nhiên, phán quyết vẫn chưa bị lãng quên. Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra sự ủng hộ nó, dù còn ít ỏi. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis nói với các đại biểu ở đối thoại Shangri-La, rằng Hoa Kỳ đã kêu gọi “tất cả những bên tranh chấp hãy dùng nó như một điểm khởi đầu để giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông“.

Tuy nhiên, trong tư thế là một cường quốc ngoài khu vực, khả năng Hoa Kỳ thúc đẩy các nước yêu sách biển Đông (và ASEAN) tới mức ủng hộ hết mình cho phán quyết vẫn còn xa.

ASEAN và Trung Quốc đã giữ vẻ bề ngoài tiến bộ trong các tranh chấp qua việc đi tới thỏa thuận bản dự thảo “khuôn khổ” không ràng buộc, mềm yếu cho bộ quy tắc ứng xử trong vùng biển đang tranh chấp chờ đợi lâu nay.

Tài liệu này, không được công bố rộng rãi, có vẻ được dùng như là cách Trung Quốc cho thấy họ đang làm tốt việc quản lý tranh chấp của mình mà không có sự can thiệp của Hoa Kỳ hay bất kỳ tòa án quốc tế nào.

Tin tốt là dù điều nổi cộm về phán quyết trong năm vừa qua là thất vọng, nhưng nó vẫn sẽ là một sự kiện lịch sử, rằng vào năm 2016, Trung Quốc đã vi phạm nhiều cam kết của họ với tư cách là một bên ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Tin xấu là ngay cả khi các nước trong khu vực và Philippines có sự thay đổi đảo ngược và quyết định theo đuổi những gì hợp pháp là của họ theo tòa án, thì Bắc Kinh cũng đã có sự hiện diện sâu rộng hơn ở biển Đông, với 7 đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa và sự hiện diện ngày càng tăng của cảnh sát biển và hải quân của họ.

Cuối cùng, Bắc Kinh may mắn tránh phần lớn tác dụng không mong muốn của quyết định này, nhưng ngay cả khi tài liệu dày 500 trang này đi vào bóng tối thì nó vẫn là một sự kiện sống động ở biển Đông.

Các chính phủ tương lai cả trong khu vực lẫn bên ngoài – lúc nào cũng có thể liên hệ tới nó như một lời nhắc nhở về tình trạng của Bắc Kinh là một kẻ phạm luật.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây