“Dương Xuân i ỉ như dế kêu” (*)

FB Phạm Đoan Trang

12-7-2017

Nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung số ra ngày 8/7 rõ ràng là có ý xỏ xiên Thủ tướng kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc khi miêu tả ông Phúc ngồi nghe hòa nhạc mà cứ quạt phành phạch bằng quyển chương trình. Chi tiết này làm cư dân mạng được một mẻ cười.

Đây đó có một thái độ than thở rất Việt Nam: Đấy, thủ tướng nước người ta thì…, nước mình thì… Cũng có người chê ông Phúc nhà quê, chả biết cái gì, thua xa người tiền nhiệm Ba Dũng.

Tuy nhiên, có lẽ cũng nên công bằng với cá nhân Thủ tướng Phúc, bằng cách thừa nhận rằng sự quê kệch và kém văn minh không phải của riêng ông Phúc, mà là đặc điểm chung của các “chính trị gia” cộng sản – những người chưa từng bao giờ phải cạnh tranh với một lực lượng đối lập nào.

Giới âm nhạc truyền nhau câu chuyện Lê Duẩn sinh thời ngồi xem nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn biểu diễn. Đồng chí giữ vẻ mặt nghiêm nghị, y như một khán giả hết sức khó tính. Đặng Thái Sơn chơi xong bản nhạc, có người cả gan hỏi “anh Ba” thấy thế nào. Ba Duẩn trầm ngâm:

– Ừ, cũng được. Chơi cũng được đấy. Nhưng tóc nó hơi dài.

! ! !

Nói thẳng ra thì sự kém văn minh, theo nghĩa ít hiểu biết về nghệ thuật, là tình trạng chung của cả xã hội Việt Nam. Tôi vẫn nhớ một đêm nhạc cổ điển cách đây đã lâu. Nghệ sĩ – một trong bảy ngôi sao của làng guitar Hà Nội – chơi một bản Adagio nổi tiếng; phải nói thực là tôi chẳng thấy hay, cũng không nhớ tác giả là ai. Vấn đề là nghệ sĩ đang thả hồn vào từng nốt nhạc thì phía sau lưng tôi, mấy cái ghế cứ cọt… kẹt… cọt… kẹt – các thanh niên ngồi trên ấy cứ cựa mình và rung chân hoài, chắc mỏi quá. Rồi một giọng nam trung nổi lên vang dội ngay trên đầu tôi – một thanh niên trong số đó đã vươn người đứng dậy:

– Mẹ, nhạc đéo gì mà cứ phập phà phập phù thế nhở?

Tôi cắn môi để khỏi cười phá lên. Sau tiếng cười bị ép phải trở thành tiếng khùng khục.

Không cần phải nói thì phần lớn chúng ta đều đã biết hệ thống giáo dục của Việt Nam có vấn đề, rất nhiều vấn đề. Đại đa số người Việt, nếu không phải là dân “nghệ”, thì đều không được đào tạo, hướng dẫn về nghệ thuật, càng không có môi trường để bồi đắp về khả năng cảm thụ nghệ thuật.

Nên suy cho cùng thì cũng khó trách ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi thưởng thức nhạc giao hưởng mà cứ quạt phành phạch.

Chỉ có điều, nếu là một chính trị gia chuyên nghiệp ở một xứ sở văn minh thì hẳn ông đã có thời gian rèn luyện cho mình khả năng âm nhạc, hội họa, kịch nghệ hay văn chương nào đó. Nhưng ở Việt Nam, chính trị gia của đảng Cộng sản thì có phải cạnh tranh với ai đâu mà cần lo xây dựng hình ảnh với bồi dưỡng tâm hồn… Với lại, họp hành, mưu mô, đấu đá cắn xé nhau hết ngày rồi còn thời gian nào mà thưởng thức âm nhạc!

———

(*) Lời nhận xét của nhân vật ông vua trong vở kịch “Lời nói dối cuối cùng” (Lưu Quang Vũ) về khúc Dương Xuân do một nghệ sĩ hết mình biểu diễn.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây