Thần Tượng

Thùy Nguyễn

4-7-2017

Bài viết của tác giả Thùy Nguyễn, hiện là bác sĩ ở TP Westminster, California, Hoa Kỳ.

Thế giới thay đổi và Việt Nam cũng phải thay đổi.

Sau 75, chúng tôi trở thành kẻ thua cuộc, cho dù chưa bao giờ ra trận, cho dù vào năm 75, chúng tôi vẫn còn là học sinh.

Họ là kẻ chiến thắng và họ có thể chửi chúng tôi bất cứ lúc nào trong những buổi họp tổ dưới cái tên gọi mỹ miều: Phê và Tự Phê. Chúng tôi học cách im lặng để sống, một con giun học cách lách mình để tránh khỏi cái đạp nghiền nát của kẻ mệnh danh là con người vĩ đại làm nên kì tích cho dù thân phận giun dế chẳng làm hại đến ai và rồi trở thành hèn lúc nào cũng không hay. Hôm xem phim The Hunter Games, tôi khóc ngon lành, cả một quá khứ dường như sống dậy. Một thời kinh hoàng mà tôi đã từng sống qua.

Tôi bước chân vào đại học ở tuổi 18, những chiếc áo dài trắng nữ sinh xếp lại và thay bằng quần tây áo sơ mi. Những chiếc quần tây áo sơ mi chỉ mặc khi đi học tư Anh Văn ở Hội Việt Mỹ trước 75, sau vài năm, đã trở nên sờn mông, tôi may lộn mặt trong ra cho đỡ trông cũ kỹ, cái màn treo cửa mẹ cho phép tôi mang xuống, những vạt áo dài của chị, của mẹ bị cắt xén, may dúm dó trông đến phát tội nghiệp vì tôi chỉ là cô thợ may bất đắc dĩ vụng về (1).

Hình năm 1978, lúc tác giả (áo bông) là sinh viên y khoa ở Sài Gòn. Ảnh: Thùy Nguyễn

Có những buổi đi học, học chuyên môn thì ít mà chính trị thì nhiều, ngồi câm lặng nghe chửi, đêm về là những giấc ngủ chập chờn, chóng mặt xây xẩm mỗi khi trở mình ở một đứa trẻ chưa tới tuổi 20.

Dù muốn hay không tôi đã sống đời viễn xứ. Bỏ tất cả sau lưng, tôi đến Mỹ ở tuổi trễ tràng, bắt đầu cắp sách, đón xe buýt đi học, với ước mong hoà mình vào cuộc sống mới đầy xa lạ.

Ngoài những môn khoa học bắt buộc, tôi phải lấy những môn phụ như ngoại ngữ, triết học, lịch sử, và một trong những lớp ấy là lớp Lịch Sử Hoa Kỳ ở Thế Kỷ 20 (American History in the Twentieth Century).

Ảnh chụp năm 1988, khi tác giả là sinh viên ở Mỹ. Ảnh: Thùy Nguyễn

Học lớp này mà tôi ngỡ như mình đang theo học lớp triết học Mác Lênin ở Việt Nam. Cô giáo của tôi, cô Reyburn (lâu ngày tôi quên mất tên, nhớ mang máng) thuộc loại dân hippy của thập niên 60’s, thần tượng Karl Marx, say sưa nói về chiến thắng mùa xuân 75 ở VN, mở màn cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, san bằng khoảng cách giữa giàu và nghèo. Cô kể cô đến Đông Đức, tuy không có những cuộc sống thoải mái như ở Mỹ, nhưng công nhân Đức không bị bóc lột, mọi người sống trong ấm no, hạnh phúc. Rồi cô say sưa nói về động lực thúc đẩy cho sự phát triển xã hội là Phê-Tự Phê, cô có đến dự và nó hết sức dân chủ, ai cũng có quyền phát biểu ý kiến của mình để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Cô nói đến đây, tôi thấy điên lên và giơ tay xin góp ý.

Được cô cho đồng ý, với số vốn liếng Anh ngữ hạn chế và giọng nói đầy ngọng nghịu, tôi bảo tôi biết rõ cái thực chất Phê- Tự Phê. Nó là cái thang để người ta bước lên đài danh vọng và đẩy bạn mình xuống địa ngục trần gian. Ở XHCN (lúc ấy, không phải bây giờ), điều quan trọng là quyền lực, vì Đảng lãnh đạo, và họ chỉ có 1 con đường do họ quyết định, những ai làm trái ý họ sẽ bị thủ tiêu (Đảng ta với chủ trương chuyên chính vô sản và bạo lực Cách Mạng, những ai đi ngược với đường lối của Đảng sẽ bị bánh xe lịch sử Nghiền Nát). Cộng Sản nói vậy nhưng không phải vậy và hàng trăm ngàn người chết trong tù cải tạo và hàng trăm ngàn người chết trên đường vượt biên.

Tưởng nói trái ý với cô như thế, Reyburn sẽ trù dập tôi. Nhưng không. Cô ráng nghe tôi trình bày bằng tiếng Anh ngọng nghịu. Cô bảo “Thuy, you have first hand knowledge and maybe East Germany is different than Vietnam” (Thuỳ, em có kinh nghiệm sống, và có thể ở Đông Đức khác với Việt Nam).

Ngay sau đó xảy ra sự sụp đổ Bức Tường Bá Linh và vụ sinh viên Trung Hoa bị đàn áp đẫm máu tại Thiên An Môn. Reyburn không còn sự say mê trong việc rao giảng chủ nghĩa xã hội. Tôi biết cô buồn lắm. Niềm tin đã mất. Thần tượng bị sụp đổ. Tôi muốn nói với Reyburn rằng việc cô thần tượng Karl Marx không gì sai, cô tin vào việc ấy làm xã hội tốt đẹp hơn, con người đối xử với nhau công bằng hơn. Khoá học ấy tôi được điểm A, và tôi biết rằng Reyburn là một người Mỹ thật sự, đối với cô sự tự do ngôn luận vô cùng quan trọng, cô chấp nhận những quan điểm khác biệt và ngay cả đi ngược với quan điểm của cô.

Sự sụp đổ ở Đông Đức kéo theo sự sụp đổ của các nước Đông Âu XHCN và Liên Xô, và Việt Nam không còn là lá cờ đầu trong phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Thế giới Cộng Sản co cụm lại và họ phải thay đổi để sống còn. Nếu họ từng thần tượng học thuyết Tiến Hoá của Darwin thì đây là bằng chứng rõ ràng nhất, điển hình nhất của quá trình đào thải của sự chọn lọc tự nhiên. Những gì không thích cho quá trình tiến hoá sẽ bị loại trừ. Vài ba nước còn lại cứ bám vào CNXH mà thực xã hội ấy không hề mang tính chất XHCN của Marx và Engels. Đây là một xã hội người bóc lột người vô cùng dã man, chế độ gọi là CS nhưng không hề đại diện cho giai cấp công nhân, nông dân, và nhân dân lao động. Khoảng cách giàu nghèo càng cách xa. Khi xem phim The Hunter Games nước mắt của tôi cứ lăn dài trên má, thi đua nhau rơi lã chã. Trong phim này, giai cấp thống trị sống trong giàu sang, phè phỡn và xem những trò giết người của những người dân như thú vui tiêu khiển. Những người dân thuộc 2 bộ lạc sống như thời bán khai, họ xung phong ra giết nhau chỉ vì cái danh “tập thể anh hùng” cho bộ lạc ấy. Họ giết nhau man rợ, người với người, cho dù chưa từng quen biết nhau.

Khi tôi kể với cô Quỳnh về việc này, em ấy nói ở Việt Nam có chiếu phim này. Thể họ nghĩ sao, tôi hỏi em? Bình thường, giải trí như những phim khác.

Thỉ ra chỉ mình tôi, một con chim thoát khỏi cái lồng, đau đớn nhìn vào cái lồng đang thấy những con chim đồng loại của mình đang chém giết nhau, những con chim đầu đàn nhìn đàn chim rướm máu chờ chết, đang cất lên nhũng tiếng kêu khoái trá … còn những con chim trong lồng vẫn sống vô tư cho dù nó đang bị dày xéo thảm thương, máu chảy ra đến chết.

Như đã nói ở trên, tôi không thấy gì sai ở cô Reyburn khi cô thần tượng Marxism vì đó là ý tưởng tốt của cô, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Những ai còn có thần tượng để tôn sùng, để noi gương theo tôi họ vẫn còn thiết tha đến cuộc sống. Ngay từ nhỏ, tôi vô cùng thần tượng Nguyễn Thái Học, người đâu mà anh hùng đến thế, yêu nước đến thế, người trí thức không màng lợi danh, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, ông và 12 đồng chí mở mắt nhìn xem lưỡi dao rớt xuống khi họ kêu vang Việt Nam muôn năm.

Có thể đối với tôi, Nguyễn Thái Học là thần tượng, nhưng có những người khác xem các vị khác là anh hùng. Như nhà văn Duyên Anh, ông Mơ Thành Người Quang Trung. Và tôi tin tưởng rằng với các nữ sinh Trưng Vương không ai anh hùng như Hai Bà, là người đàn bà đầu tiên của Việt Nam và không lộng ngôn nếu nói của thế giới chống lại quân xâm lược. Khi tôi viết về “Làm gái toàn là Trưng Vương, làm trai rạng hồn Quang Trung”, một em trên facebook nói với tôi, em thích Trần Hưng Đạo hơn, em có lý của em, trên thế giới chỉ riêng mình Đức Thánh Trần đánh bại quân Nguyên 3 lần, đội quân bách chiến bách thắng, xâm chiếm cả vùng đất rộng lớn mênh mông. (Ngay đến giờ vẫn có nhiều người Hồi giáo ở vùng Trung Đông mang họ Khan của Thành Cát Tư Hãn)

Tại sao có nhiều thần tượng khác nhau?

Điều thật đơn giản, vì thần tượng vẫn có khiếm khuyết của riêng mình. Ngay cả thượng đế còn không toàn hảo. Có lần tôi đi thực tập ở nhà thương Children’s Hospital at Los Angeles, nhà thương này cộng tác với trường Y khoa USC của tôi. USC vừa mới “dụ” được một giáo sư mổ tim bẩm sinh cho trẻ em của Stanford về với mức lương 1 triệu dollars, vào thời điểm trên 25 năm về trước là số tiền lớn khủng khiếp. Ông ấy vô cùng tự tin khi có người hỏi ông làm gì. Vị giáo sư ấy trả lời, God creates mistakes and I am fixing them (Thượng đế tạo ra lỗi lầm và tôi sửa lại điều lầm lỡ ấy).

Ảnh chụp tác giả dự lễ tốt nghiệp ở Shrine Auditorium, từng là nơi trao giải thưởng Oscar mỗi năm, cho đến khi dời về Kodak Center. Nguồn: Thùy Nguyễn

Các bạn thấy tôi hay nói về Phê- Tự Phê, vì tôi bị ám ảnh bởi nó. Nó làm cho tôi biết sự yếu hèn của mình, không dám chống trả lại sự bất công, áp bức để đêm về nó trở thành những cơn ác mộng, những chóng mặt choáng váng uất ức vào giấc ngủ. Thành ra những ai dám làm những điều tôi không dám, đều là những anh hùng. Họ biết những điều mình làm sẽ ảnh hưởng đến gia đình của họ, đến sự sống còn của họ, nhưng họ vẫn làm vì lương tâm, vì yêu nước, vì yêu tự do, vì yêu con người, yêu thiên nhiên.. Họ đã phải trả cái giá rất đắt cho việc làm của họ. Họ là Dương Thu Hương, Đặng Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Điếu Cày Nguyễn văn Hải, Việt Khang, Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Bùi Thị Minh Hằng, Cấn Thị Thêu … cái danh sách càng ngày càng dài thêm.

Điều tôi học được ở 2 vị giáo sư của tôi trên quê hương mới này giúp tôi ngỡ ra nhiều điều. Với cô Reyburn dạy Sử, chúng ta nên tôn trọng quyền tự do tư tưởng và tôn trọng sự khác biệt. Với ông giáo sư mổ tim kiêu hãnh nọ thì bài học tôi học được từ ông, không có gì hoàn hảo, tuyệt đối cả. Ngay cả thượng đế cũng có lỗi lầm.

BS Thùy Nguyễn, Westminster, quận Cam. Ảnh: Thùy Nguyễn

Với bài học này, theo tôi, ngay cả thần tượng cũng không tuyệt đối, bởi họ vẫn là con người. Chúng ta thần tượng ai đó vì họ đã gợi được trong chúng ta sự khao khát cho một xã hội tốt đẹp hơn…  và điều này cho tôi kết thúc câu chuyện ở đây khi ngoài kia tiếng pháo bắt đầu nổ, mừng ngày khai sinh ra đất nước Hoa Kỳ, quê hương mới của tôi.

Thuỳ Nguyễn

____

PS:

1/ Lúc tháo màn cửa xuống để may áo, tự dưng tôi nhớ đến cô Scarlett O’hara trong Gone With The Wind, từ một tiểu thư phải sống bương chãi thuộc phía thua cuộc sau chiến tranh Nam Bắc, tháo màn cửa nhung xanh để may chiếc áo đầm, gặp Rhett Butler trong tù. Có điều khác, Scarlett không phải học chính trị tẩy não và tôi chẳng có chàng Rhett Bulter trong tù để vào thăm xin tiền.

(Hình đính kèm, tôi là đứa đen đủi mặc chiếc áo sơ mi bông may dúm dó, cắt từ vạt áo dài mini của bà chị Tư, mới 20 mà trông như 40)

2/ Hình chụp 10 năm sau đó, trở về đời sống sinh viên ở Mỹ

3/ Hình tốt nghiệp bác sĩ Y Khoa tại đại học University of Southern California (USC)

4/ Vẫn đang hành nghề ở quận Cam

Bình Luận từ Facebook