Thủ tướng Việt Nam ‘tự thóa mạ’ khi nhận định về kinh tế

Người Việt

3-7-2017

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: giaoduc.net

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong cuộc họp giữa chính phủ với giới lãnh đạo chính quyền các địa phương, thủ tướng Việt Nam tự thóa mạ mình dối trá khi đưa ra hàng loạt nhận định mâu thuẫn với nhau.

Theo tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Hai, 3 Tháng Bảy, chính phủ Việt Nam họp suốt ngày để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội trong sáu tháng đầu năm 2017 và định hướng cho hoạt động của bộ máy công quyền trong sáu tháng sắp tới.

Nếu so sánh các tuyên bố, nhận định của thủ tướng Việt Nam trong cuộc họp này, có thể thấy người đứng đầu chính phủ Việt Nam rất vụng về.

Nhận định về tình hình kinh tế-xã hội trong sáu tháng đầu năm 2017, ông Phúc cho rằng: “Công tác chỉ đạo điều hành đã có nhiều đổi mới, quyết liệt, đã phát huy kết quả bước đầu. Tập thể chính phủ, thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề bức xúc.”

Cũng theo ông Phúc, sáu tháng đầu năm nay là “sáu tháng có thiên thời, địa lợi, nhân hòa” vì “người dân phấn khởi làm ăn, kinh doanh, khởi nghiệp, xu hướng kinh doanh tốt hơn.”

Ông Phúc ví von, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam như một người đi khám sức khỏe mà “các chỉ số cơ bản như huyết áp, mỡ máu, men gan… đều tốt.”

Tóm lại, theo ông Phúc, tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2017 có nhiều điểm phấn khởi hơn cùng kỳ năm ngoái: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng hồi phục mạnh. Lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp hồi phục mạnh. Việt Nam là một trong 12 quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng du lịch. Vốn đầu tư ngoại quốc tăng mạnh. Trong sáu tháng đầu năm có thêm 61,000 doanh nghiệp. Ngoài kinh tế, Việt Nam còn đạt kết quả khả quan về văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo bền vững…

Tuy nhiên, cũng chính ông Phúc cho rằng phải “thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, khó khăn, thách thức” và tự ông nhận diện, liệt kê “những hạn chế, khó khăn, thách thức” đó.

Thủ tướng Việt Nam thú nhận: “Tình trạng tiêu thụ nông sản, gia súc, gia cầm còn khó khăn, giá giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất.”

Người ta không rõ với thực tế như thế thì tại sao ông Phúc lại cho rằng nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đang “hồi phục mạnh?”

Tương tự, ông Phúc thú nhận: “Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm sâu, riêng dầu khí giảm hơn 11%. Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp rời thị trường nhiều, doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ, phá sản vẫn nhiều,…”

Với tình hình như thế mà dám khẳng định, “người dân phấn khởi làm ăn, kinh doanh, khởi nghiệp, xu hướng kinh doanh tốt hơn” thì thủ tướng Việt Nam quả là… “dũng cảm.”

Thủ tướng Việt Nam thừa nhận thêm: “Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm, đến nửa năm mới bằng 30% kế hoạch.”

Đối với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì hoạt động “thoái vốn” (rút vốn nhà nước ra khỏi các danh nghiệp này) rất chậm.

Ông Phúc cho biết: “Đến nay mới thoái vốn được 11,000 tỷ đồng so với kế hoạch là 60,000 tỷ đồng…”

Ngoài ra, ông cũng thú nhận: “Còn rất nhiều vấn đề xã hội bức xúc như mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngộ độc tập thể, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em… Ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Nạn chặt phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, sạt lở bờ sông, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất đáng lo ngại. Trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp. Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng.”

Người ta không rõ tại sao khi đã thấy được như vậy mà ông Phúc vẫn cho rằng sáu tháng đầu năm nay là “sáu tháng có thiên thời, địa lợi, nhân hòa,” tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2017 có nhiều điểm phấn khởi hơn cùng kỳ năm ngoái?

Nếu tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam như một người đi khám sức khỏe mà có kết luận “các chỉ số cơ bản như huyết áp, mỡ máu, men gan… đều tốt” thì não của người trực tiếp khám, chẩn đoán rõ ràng là… không tốt! (G.Đ.)

Bình Luận từ Facebook