Nhân lễ Độc Lập Hoa Kỳ, cảm ơn đất nước và những con người…

Đỗ Phương Khanh

4-7-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ ngày rời xa quê hương, mỗi khi có dịp hội họp, có chào cờ, là tôi không kìm được nước mắt, thương nhớ biết là bao quê hương tôi, đồng bào tôi…

Và cũng qua những dòng nước mắt nhạt nhòa ấy, có lần tôi nhìn thấy tấm lòng của một người cảnh sát Hoa Kỳ.

Đó là một ngày 30 tháng Tư đã qua lâu rồi, nhưng tôi chưa bao giờ quên toàn cảnh câu chuyện.

Lúc đó khoảng 10 giờ sáng ngày 30 tháng Tư của một năm trong thời gian tôi đã tỵ nạn tại Mỹ. Khi tôi đang lái xe trên đường Garden Grove, thuộc Orange County, bỗng nghe tiếng vọng của bài quốc ca VNCH từ radio phát ra, rồi tiếng cô xướng ngôn viên nghẹn ngào:

– Bây giờ là lời tuyên bố kêu gọi quân đội buông súng của ông Dương Văn Minh…

Nước mắt dâng lên che mờ trước mặt, tôi như người mộng du, cứ tiếp tục lái. Khi gạt nước mắt, tôi thấy có đèn chớp chớp phía sau, nhìn qua kính chiếu hậu, tôi thấy có xe cảnh sát nháy đèn theo sát.

Tôi không hiểu có chuyện nguy hiểm gì mà cảnh sát nháy đèn, nhưng cũng lái vào parking lot của chợ Đà Lat, đậu lại.

Một người cảnh sát ngừng xe mô-tô ngay cạnh cửa xe, tôi xuống kính, vẫn đang khóc.

Ông ta đòi xem bằng lái xe rồi hỏi:

– Bà có biết đã phạm lỗi gì không?

Tôi nghẹn ngào lắc đầu. Có lẽ vì thấy tôi vẫn không ngưng khóc, ông ta bèn hỏi:

– Tại sao bà khóc? Có chuyện gì xảy ra không?

Tôi cố nén, trả lời:

– Giờ này năm 1975, Saigon sụp đổ.

Ông ta nói:

– Bà đã tới được một đất nước vĩ đại (ông ta dùng chữ great country) rồi mà.

Tôi vẫn nghẹn ngào:

– Nhưng đã có rất nhiều đồng bào, thân nhân, bạn bè tôi chết trong những trại cải tạo, những khu rừng rú, chìm dưới biển sâu …

Những viên cảnh sát Mỹ có gương mặt lạnh lùng, nhưng trái tim đầy nhân hậu. Ảnh: internet

Ông ta đứng tần ngần một lát rồi đưa trả cái bằng lái cho tôi, dặn dò:

– Bà hãy cứ ngồi đây chờ khi đã bình tĩnh hãy lái ra. Hồi nãy bà vượt đèn đỏ, có thể gây tai nạn chết người đấy.

Rồi ông ta lái mô tô đi, không biên phạt.

Tiền đóng phạt là chuyện nhỏ, nhưng sự tôn trọng và cảm thông với nỗi đau của tôi khiến cho trong lòng tôi mang biết bao cảm kích với người cảnh sát của một đất nước văn minh.

Tôi nghĩ đến những người cảnh sát ở Việt Nam ngày nay đối xử với chính đồng bào của mình, so với tấm lòng của người cảnh sát ngoại quốc ứng xử với tôi, mà tủi thân cho bốn ngàn năm văn hóa của Việt Nam so với chỉ có vài trăm năm lập quốc của đất nước Hoa Kỳ.

Bình Luận từ Facebook