Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân (phần 2)

Đỗ Mai Lộc

4-7-2017

Tiếp theo phần 1

Phần 2. Cụ Huỳnh Thúc Kháng

Công bố chính thức về cụ Huỳnh Thúc Khảng qua website của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam quê hương Cụ, như sau:

“Ngày 10/8/1927, ông sáng lập ra nhà in và báo tiến Dân cho đến năm 1943. Suốt thời gian này ông vừa làm chủ nhiệm nhà in Huỳnh Thúc Kháng và chủ bút tờ báo Tiếng dân. Ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ sau cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Đến năm 1946, khi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang Pháp đàm phán, Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Quyền Chủ tịch nước. Thời gian này cụ còn là chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân. Cuối năm 1946, cụ là đặc phái viên của Chính phủ vào cơ quan Uỷ ban Kháng chiến hành chính nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Tháng 3/1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng lâm bịnh nặng và qua đời đúng vào ngày 21/4/1947 tại gia đình chị Võ Thị Tuyết thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Làm theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã đưa cụ lên an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi – “Thiên Ấn niên hà” (Ấn trời đóng xuống sông)”

(Đoạn trên copy nguyên văn, có một số từ sai chính tả).

Hình mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn, thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: internet

Trên website huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, nơi Cụ làm việc cuối đời và mất:

Diễn văn của đồng chí Phạm Văn Đồng đọc tại lễ truy điệu có đoạn: “Thưa Cụ, trăng trên trời có khi tròn khi khuyết, vạn vật trong vũ trụ hết thịnh lại suy, đời người há sống mãi không già, già mãi không khuất. Cho nên hôm nay chúng tôi đến đây, một đàn con chí hiếu để tiễn biệt lần cuối cùng, ông cha già chí thân tượng trưng cho một dân tộc”.

Vô cùng thương tiếc và đau buồn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho đồng bào cả nước, thông báo chính phủ Quyết định làm Quốc tang. Sau khi nêu thân thế sự nghiệp đã kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết tham gia kháng chiến hoàn thành sự nghiệp cứu nước. Thư có đoạn: “Cụ Huỳnh tuy tạ thế nhưng cái chí vì nước, vì nòi của Cụ luôn sống mạnh mẽ trong lòng 20 triệu đồng bào chúng ta”.

Đọc những dòng chữ trên, thì thấy những lãnh tụ Cộng sản đã rất kính trọng cụ Huỳnh.

Tuy nhiên những câu hỏi chi tiết về cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn là điều cấm kỵ, những người biết chuyện rất ít, không dám trả lời; họ chỉ nói vào lúc cuối cuộc đời để được thanh thản. Những câu hỏi đại loại như:

1. Ông Huỳnh Thúc Kháng vào Quảng Ngãi để làm gì cho kháng chiến.

2. Cùng thời điểm Chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ông Phạm Văn Đồng được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ; còn ông Huỳnh Thúc Kháng làm Đặc phái viên của Chính phủ tạiNam Trung Bộ.

3. Tại sao từ một vị Quyền Chủ tịch nước lại trở thành đặc phái viên Chính phủ tại Nam Trung Bộ.

4. Trường Trung học Lê Khiết thành lập để đào tạo cán bộ kháng chiến Liên khu V, ở Chợ Chùa, Nghĩa Hành; cũng là cơ quan Uỷ ban Kháng chiến hành chính nam Trung Bộ, địa phương nơi cụ Huỳnh “làm việc”. Trường này chưa một lần được đón tiếp hay được sự giáo huấn của Đặc phái viên của Chính phủ hay nguyên Quyền Chủ tịch nước.

5. Những người già yếu thường có mong muốn về quê những ngày cuối đời.

Giai đoạn 9 năm kháng chiến (chiến tranh Đông Dương lần 2) huyện Tiên Phước, Quảng Nam quê hương ông Huỳnh Thúc Kháng là hậu phương lớn của Liên khu V.

Tại sao ông Huỳnh Thúc Kháng không được về quê làm “đặc phái viên của Chính phủ” mà phải vào ở khu vực Nghĩa Hành, Mộ Đức – quê hương ông Phạm Văn Đồng, để cùng làm “đặc phái viên”. Từ Nghĩa Hành đến Tiên Phước chỉ cách 110 Km.

  1. Núi Thiên Ấn thuộc tỉnh lỵ thành phố Quảng Ngãi hiện nay.

Giai đoạn chiến tranh Đông Dương lần 2 (và cuộc chiến với người Mỹ sau này), những người cộng sản lấy núi rừng làm căn cứ; giao đô thị và khu vực đồng bằng cho quân đội thân Pháp (thân Mỹ) kiểm soát.

Ông Huỳnh Thúc Kháng “đặc phái viên của Chính phủ”, từng là nguyên thủ quốc gia chết ở trung tâm kháng chiến nhưng chôn ở vùng địch kiểm soát? Từ Chợ Chùa Nghĩa Hành đến núi Thiên Ấn khoảng 16 km.

7. Là một nhà nho, nhà báo, một người rất cẩn trọng, lẽ nào cụ Huỳnh chỉ có “tâm nguyện an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn” mà không có bản viết tay, cùng với những “tâm nguyện” gì nữa của Cụ trước khi mất?

8. Tại sao ông Ngô Đình Diệm cho xây mộ cụ Huỳnh, sau ngày 30/4/1975 mộ Cụ bị đập phá, san bằng; sau này mới được xây dựng lại.

9. Tại sao ông Phạm Văn Đồng gọi cụ Huỳnh là “ông cha già chí thân tượng trưng cho một dân tộc”. Trong khi nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ cho khu tưởng niệm Phạm Văn Đồng và biên chế hàng chục người hưởng lương từ ngân sách nhà nước để quản lý; còn mộ cụ Huỳnh thì chỉ có một cụ già chăm sóc mộ phần?

Ông Nguyễn Tạo 81 tuổi, người tự nguyện chăm sóc mộ cụ Huỳnh. Ảnh: internet

10. Tại sao, những người tham gia Uỷ ban Kháng chiến hành chính nam Trung Bộ các cấp đều tự giác cắt ngắn râu kể cả những người già cao tuổi?

v.v…

Những câu hỏi tại sao này hy vọng sẽ được xâu chuỗi và lý giải trong bối cảnh lịch sử lúc đó. Nhưng phải nói là Cụ may mắn hơn những nhân vật lịch sử cùng thời như Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu…

Dù sao đi nữa thì cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn tiếp tục sống cùng với dân tộc:

– Thân xác Cụ được an táng tại vị trí đẹp nhất tỉnh Quảng Ngãi;

– Báo Tiếng Dân tiếp tục cất lên tiếng nói “Khai dân trí – Xướng dân quyền”.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook