Lời Ai Điếu – Hồi ký Lê Phú Khải (chương 09b)

Chương 9b:

tác giả: Lê Phú Khải – nguồn ảnh: uyennguyen.net

“CHẤM PHÁ” CHÂN DUNG CÁC NHÀ DÂN CHỦ: HÀ SĨ PHU

(tiếp theo Lời nói đầuCh.1, Ch.2, Ch.3, Ch.4, Ch.5, Ch.6, Ch.7a, Ch.7b, Ch.7c, Ch.7d, Ch.7đ, Ch.7e, Ch.7g, Ch.7h, Ch.7i, Ch.7k, Ch.7l, Ch.7m, Ch.8a, Ch.8b, Ch.8c, Ch.8d, Ch.8đ, Ch.8e, Ch.9a)

Đầu năm 1988 tôi vô tình được đọc tiểu luận Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ ký tên Hà Sĩ Phu. Từ đó đến nay vừa đúng một phần tư thế kỷ (1988-2013). Vậy mà tôi còn nhớ rõ nội dung của nó. Có những chi tiết rất bất ngờ, chỉ đọc một lần là nhớ mãi. Để chứng minh càng có học vấn cao thì càng xa Đảng, càng ít học càng dễ gần Đảng, ông nêu ví dụ: Hai anh em ruột cùng cha mẹ sinh ra, thằng anh được đi học Liên Xô, đậu Phó tiến sĩ, khi về nước phấn đấu mãi vẫn không được vào Đảng. Trong khi đó, thằng em ở nhà đi cầy, vào Đảng rất dễ dàng…

Càng đọc tôi càng muốn gặp tác giả để xem con người này mồm ngang mũi dọc ra sao? Vài tháng sau, tôi theo một đoàn tham quan du lịch Đà Lạt do Công ty Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang tổ chức. Công ty này làm ăn khá giả, muốn chứng minh tính ưu việt của CNXH nên tổ chức cho công nhân chăn heo của mình đi du lịch. Dĩ nhiên một nhà báo của trung ương thường trú tại đồng bằng như tôi xin đi theo thì ông giám đốc đồng ý ngay.

Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Đà Lạt. Thích thú vô cùng. Khí hậu mát lạnh, thiên nhiên diễm lệ. Làm một ngôi nhà trên đồi cao ở đây, ra sau nhà mở cửa nhìn ra thì thấy lẽ ra mặt tiền phải quay ra đằng sau mới phải, nhưng nếu mở cửa sổ bên hông thì lại thấy mặt tiền phải quay hướng đó mới đúng. Vì thế, sau này tôi đã viết bài Thành phố bốn mặt tiền để nói về Đà Lạt. Nhưng lần đầu tiên này, không phải tôi lên Đà Lạt để thưởng ngoạn thiên nhiên, mà để “thưởng ngoạn” một con người. Đó là một người đàn ông thấp, tướng ngũ đoản. Những người tướng ngũ đoản các cụ ta ngày xưa cho rằng thường là người tài. Mà có khi thế thật: Napôlêông, Lênin, Đặng Tiểu Bình, Nguyên Ngọc, Hà Sĩ Phu… đều tướng ngũ đoản.

Hà Sĩ Phu tên thật là Nguyễn Xuân Tụ, sinh ngày 22/4/1940 tại thôn Lạc Thổ, xã Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, quê hương của tranh Đông Hồ. Đậu Phó tiến sĩ ở Tiệp Khắc năm 1982, về nước ông làm Viện phó Phân viện Đà Lạt của Viện Khoa học VN, về hưu năm 1993.

Vợ chồng anh Tụ có một cái quán nhỏ dựng ngay trước nhà bán các thứ lặt vặt, mì gói, nước ngọt, bánh kẹo, v.v… Cái quán làm bằng các mảnh gỗ chắp vá. Cái hình tôi chụp anh trong quán gỗ ấy anh còn giữ đến bây giờ. Nếu đem cái hình đó ra hỏi… thì ít ai nhận ra trong đó là ông già Hà Sĩ Phu râu dài, tóc bạc trắng như hôm nay.

Từ đó, mỗi lần có dịp lên Đà Lạt, tôi đều ghé thăm vợ chồng anh ở số 4 Bùi Thị Xuân. Nhưng buổi đầu gặp gỡ thì không bao giờ quên. Chúng tôi đã ngồi cả buổi trong cái quán gỗ ấy đàm đạo việc đời. Tôi nhận ra anh Tụ là người sắc bén trong tư duy nhưng tính cách hiền hậu, ôn hoà, rất dễ gần, dễ mến. Không ai có thể ghét một con người như thế. Vậy mà…

Sau này anh viết tiếp các bài như Đôi điều suy nghĩ của một công dân (1993), Chia tay ý thức hệ (1995), viết thư cho nhiều nhân vật nổi tiếng… thì tôi thực sự lo lắng cho anh. Tư duy của anh đi đến cùng. Khôngkhoan nhượng. Trong bài Chia tay ý thức hệ anh ví chủ nghĩa Mác-Lênin như một con thuyền đã giúp những người Cộng sản giành được độc lập, giành được chính quyền. Nay có chính quyền rồi thì sau khi qua song, lạy tạ con thuyền đó để đi tiếp, ai lại vác con thuyền trên đầu để đi bao giờ? Anh cho rằng, khi chưa có chính quyền, người CS rước CN Mác vào cửa sau, nay có chính quyền rồi lại treo Mác trước cửa nhà để treo đầu dê bán thịt chó, thì đó là thái độ lấy oán báo ân!

Ở một bài khác, anh ví chế độ độc đảng như con vật đơn bào, nó có thể tồn tại từ thời hồng hoang của lịch sử đến ngày nay, nhưng chỉ tồn tại trong cống rãnh mà thôi. Muốn nên người, nó phải là con vật đa bào.

Với tư duy và ngôn luận như thế, năm 1996 anh đã phải lãnh án tù một năm.

Anh kể với tôi: Một hôm ở trong tù, tôi bảo người sĩ quan an ninh: Tôi nghĩ kỹ rồi, Đảng ta rất sáng suốt. Người sĩ quan mừng lắm, lấy giấy bút ra làm việc để nghe tôi phân tích. Tôi nói: Quần chúng thì dốt nát, trí thức thì ươn hèn, Đảng cai trị đất nước bằng roi vọt là đúng lắm! Là thông minh lắm!

Tôi hỏi: Lúc ở tù họ có đánh anh không? Trả lời: Đối xử tử tế.

Khi anh Tụ ra tù, về đến sân bay Tân Sơn Nhất, còn ở lại khách sạn trong sân bay, nhà thơ Hoàng Hưng cho tôi hay, còn cho cả số điện thoại khách sạn anh ở. Tôi gọi điện thoại vô khách sạn, giọng một người đàn ông ở đầu dây đằng kia hỏi: Muốn gặp ai? Tôi trả lời: Gặp PTS Nguyễn Xuân Tụ, bạn tôi. Hỏi: Để làm gì? Trả lời: Để mời anh ấy về nhà tôi ở gần sân bay, khi nào khoẻ thì về Đà Lạt! Lúc sau, ở đầu dây đằng kia giọng anh Tụ vui vẻ… Anh cảm ơn tôi và bảo: Phải về Đà Lại ngay, nhớ nhà, nhớ vợ lắm!

Tôi biết thừa lời mời của tôi là vô duyên và chẳng bao giờ anh Tụ nán lại Sài Gòn trong một hoàn cảnh như thế. Nhưng tôi muốn cho người ta thấy rằng một người như Hà Sĩ Phu thì không bao giờ cô đơn. Anh vẫn có bạn bè ở khắp nơi. Ít nhất là một người bạn như tôi.

Sau ngày ông đi tù về, ông còn chịu nhiều sức ép. Có lần người ta còn bày trò cho hai tên lưu manh giả vờ đánh nhau trước quán của vợ chồng ông rồi một tên ném đá tên kia, “lạc” vào nhà ông, vợ ông bị đá “lạc” xưng bươu cả đầu! Tôi hỏi ông, không lẽ hàng xóm láng giềng không biết điều đó? Ông cho hay, bây giờ thì họ đã hiểu, chẳng ai ghét bỏ ông. Đi qua nhà, vẫn có người chào ông, mỉm cười với ông.

Anh Tụ không hổ danh khi lấy tên hiệu của mình là Hà Sĩ Phu (Người ta dịch nghĩa HSP là “Sĩ phu Bắc Hà”, ông cải chính: HSP là câu hỏi: Sĩ phu là ai? Nhưng tôi thích hiểu theo nghĩa “Sĩ phu Bắc Hà” vì ông đúng là như thế!). Ông khoan thai, cốt cách như một nhà Nho. Ông thạo chữ Nho, thư pháp của ông thì tuyệt vời. Có lần tôi đã đem cả giấy dó đến xin ông chữ. Ông nhận lời nhưng chưa cho chữ ngay. Ông bảo để còn nghĩ, mai đến lấy. Tôi hồi hộp suốt đêm. Hôm sau ông cho tôi chữ “Trường”. Chỉ một chữ thôi, vừa đủ cái khung kính rộng 30 phân, dài 40 phân. Đem về treo lên tường rồi mới thấy chữ ông đẹp lạ. Rất phóng túng, ngang tàng và bay bướm. Cái nét ngang của chữ Trường như đường gươm của một võ tướng… Nhìn nét chữ người ta thấy không thể “nhốt” kẻ viết nó trong bất cứ cái lồng nào, dù là lồng sơn son thếp vàng hay lồng sắt! Lúc nhận chữ tôi hỏi ông: Sao không viết tên tôi mà lại viết chữ Trường? Ông giải thích: Cho chữ phải trông người, xét tính khí mà cho. Tính anh phóng khoáng nên tôi cho chữ Trường. Hơn nữa, cuộc đấu tranh để dân chủ hoá đất nước còn dài lâu… nên phải trường kỳ.

Trong nhà tôi chẳng có cái gì giá trị cả, toàn đồ “ve chai” như thằng cháu gọi tôi bằng ông cậu, đến chơi nhà và nhận xét. Có lẽ chỉ có chữ Trường – thư pháp của Hà Sĩ Phu là quí giá nhất. Hy vọng sau này con cháu tôi có thể bán đấu giá nó được (!)

Giỏi chữ Hán, Hà Sĩ Phu còn là người nổi tiếng làm câu đối hay. Năm Thân qua năm Dậu, ông có câu đối treo trước cửa nhà:

Thân tàn lại diễn trò con khỉ
Dậu nát còn che đám cỏ gà

Năm Tuất qua năm Hợi ông có câu đối tung lên mạng:

Chó gâu gâu nghe pháo dân chủ cúp đuôi bấn xúc xích chạy vung xích chó
Heo ủn ỉn nhìn đống đô la híp mắt cuống cà kê nói toạc móng heo

Ngày Phùng Quán mất, câu đối của Hà Sĩ Phu được rước đi đầu đám tang:

Nhất Quán tận can trường
Trùng Phùng lưu cốt cách

Năm 2001 tôi có dịp qua Paris. Tôi đưa chú tôi coi tập câu đối của Hà Sĩ Phu tôi sưu tầm được. Là người am hiểu Trung văn, từng làm hiệu trưởng trường Hoa văn trong kháng chiến chống Pháp, từng thường trú ở Bắc Kinh nhiều năm, chú tôi coi xong, vỗ bàn khen: Thằng cha này giỏi quá!

– – – – –

MỤC LỤC:

Lời nói đầu

Ch 1.  Hà nội, nơi tôi sinh ra

Ch 2.  Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ

Ch 3.  Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi

Ch 4.  Đời sinh viên

Ch 5.  Những chuyện kể của tướng Qua

Ch 6.  Chín năm dạy học ở thôn quê

Ch 7.  Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”

Ch 8.  Người cùng thời:

Ch 9.  “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:

Ch 10.  Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012

Thay lời kết

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây