Lời Ai Điếu – Hồi ký Lê Phú Khải (chương 07h)

Chương 7h:

tác giả: Lê Phú Khải – nguồn ảnh: uyennguyen.net

NGƯỜI KÉO NHỊ Ở QUẬN 19 THÀNH PARIS

(tiếp theo Lời nói đầuCh.1, Ch.2, Ch.3, Ch.4, Ch.5, Ch.6, Ch.7a, Ch.7b, Ch.7c, Ch.7d, Ch.7đ, Ch.7e, Ch.7g)

Chiếc máy bay hành khách cỡ lớn số hiệu AF255 sau 12 giờ bay liên tục từ Singapore nặng nề hạ cánh xuống sân bay Charles De Gaulle. Đồng hồ chỉ 6 giờ 20 phút sáng (9.2.2001). Mưa nặng hạt. Nước chảy ròng ròng bên ngoài mặt kính ô cửa sổ máy bay. Hành khách được thông báo ngòai trời lúc này là 5độ C.

Lấy được hành lý rồi, tôi ngồi ngay lên hành lý của mình để nghỉ sau chuyến bay dài mệt nhọc. Ngồi nghỉ ngay giữa những dòng người tay xách, nách mang, đi lại tất bật trước mặt mình, bỗng dưng tôi nghĩ đến cái ông tướng được lấy tên đặt cho đến 2 cái sân bay vào loại lớn nhất thế giới (Charles De Gaulle I và II). Với người Pháp, tướng De Gaulle và sau này là Tổng thống De Gaulle (1958-1969) là bậc anh hùng cái thế. Các sử gia Pháp không ngần ngại gọi ông là “con người chói lọi nhất nước Pháp”. Ông có tính kiêu ngạo bẩm sinh. Cái “đức tính” đó được nhân lên cùng với thời gian của một con người ý thức được khả năng, vai trò cũng như cống hiến của mình đối với đất nước (Phan Quang). Người Pháp luôn nhớ những câu nói kiêu hùng của ông: “Tôi được sự ủy nhiệm của nước Pháp”, “Tôi cáng đáng nước Pháp”, “Tôi là nước Pháp”, “nước Pháp ấy là tôi”!…

Nhưng lịch sử thật trớ trêu. Một con người có thể là anh hùng cái thế với dân tộc này, lại có thể là kẻ thù của một dân tộc khác. Đối với tôi chẳng hạn, kẻ đang ngồi suy tưởng lúc này thì De Gaulle chỉ là một tên thực dân ngoan cố không hơn không kém. Vì sao vậy? Đơn giản vì tôi là một người Việt Nam. Trong Thế chiến II, Pháp thua Đức ngay từ đầu. Mùa hè năm 1940, quân Đức kéo vào, Paris bỏ ngỏ. Tổng thống Albert Lebrun trao quyền cho Thống chế Pétain, ông này đầu hàng Đức. De Gaulle bay sang Anh kêu gọi kháng chiến qua đài BBC. Ấy vậy mà khi Thế chiến II còn chưa kết thúc, chính De Gaulle đã chỉ thị phải chuẩn bị những con tàu đem quân viễn chinh sang tái chiếm Việt Nam kịp thời! Chính vì thế mà Tết Gíap Thân 1944 cụ Hồ đã công bố bức thư ngỏ: Trả lời cho bọn De Gaulle!…

Mải suy nghĩ, tôi không hay những người ra đón đang đứng trước mặt tôi.

Bầu trời xám xịt, mưa tầm tã và rét đến buốt xương. Trên đường vào Paris, xe hơi phủ kín mặt lộ…

Vậy là tôi đang đi giữa Paris, cái thành phố mà từ tuổi nhỏ đã đựợc nghe ông nội tôi kể về nó, khi cụ cùng phái đoàn của Vua Khải Định sang Pháp dự Hội chợ Triển lãm Thuộc địa Marseille năm 1922.

Sở dĩ tôi có được chuyến đi này là do sự can thiệp của Cố vấn Ban Chấp hành TW Võ Văn Kiệt, một việc có tính ngẫu nhiên. Mà xét ra thì cuộc đời con người ta đa phần là do sự ngẫu nhiên tạo nên. Hôm đó, tôi đang ngồi nhà “nghiên cứu” theo chức năng “chuyên viên” (!), bỗng nhận được điện thoại (bàn) của giám đốc Cường, mời lên cơ quan có “việc gấp”! Tôi định không đi vì ông này hay kêu tôi lên cơ quan để nhậu buổi trưa cho vui, với những cú điện “lên gấp” có việc! Nhưng linh tính báo cho tôi hôm ấy phải đi. Lên đến nơi, ổng đưa cho tôi một số điện thoại di động ghi trên một mẩu giấy nhỏ, bảo tôi liên hệ với số điện thoại đó để hẹn gặp Cố vấn Võ Văn Kiệt, vì ông Sáu Dân (tức ông Kiệt) vừa gọi điện ra Hà Nội, bảo với Trần Mai Hạnh (Tổng giám đốc Đài), muốn gặp Lê Phú Khải. Sau đó tôi được biết số điện thoại di động đó là của Vũ Đức Đam, trợ lý của ông Sáu Kiệt lúc đó. Tôi bảo với “sếp” Cường: – Chẳng cần liên hệ, hẹn hò gì, đầu giờ chiều nay, trên đường về nhà tôi sẽ ghé ông Sáu.

Đúng 2 giờ chiều hôm đó, tôi có mặt ở 16 Tú Xương. Thấy tôi ông Kiệt nói: – Nghe Phú Khải nhiều rồi, hôm nay muốn Phú Khải nghe tôi có được không? (nghe trên Đài- LPK). Tôi vui vẻ nói: – “Sếp” đã nói thế thì còn cách nào hơn! Sau đó tôi lấy giấy bút ra… và cuộc làm việc kéo dài một tiếng đồng hồ bắt đầu …

Đại để là, sau một đêm ông Sáu Kiệt ngủ lại trang trại nông dân Võ Quang Huy ở Đức Hòa, Long An, ven cùng Đồng Tháp Mười, anh Huy đã đại diện cho 6 hộ nông dân nhận đất để khai hoang 200 hecta với thời hạn 20 năm. Các hộ đã đào kênh, đắp đê bao chống lũ, lên liếp rửa phèn và trồng được 113 hecta mía…

Sáng sớm hôm sau trên đường về TPHCM, ông nghe radio trên xe hơi thấy có phát bài viết của tôi trên buổi Thời sự sáng của Đài TNVN (16.9.1998). Bài đó có nhan đề “Kinh tế Trang trại ở ĐBSCL”, trong bài có nói đến trang trại của nông dân Quang Huy đang trồng 113 hecta mía, vì thế ông muốn gặp tác giả của bài viết để trao đổi (bài viết này cuối năm 1998 tôi đã được giải Báo chí Toàn quốc).

Số là, năm 1998, đang có một cuộc tranh luận sôi nổi về kinh tế trang trại ở Việt Nam, nhất là vấn đề hạn điền. Trong lúc cố vấn Lê Đức Anh phê phán nặng nề tỉnh Long An cho tư nhân thuê hàng ngàn hecta trong vùng hoang hóa thuộc huyện Thủ Thừa vùng Đồng Tháp Mười thì cố vấn Võ Văn Kiệt lại vào tân nơi thăm trang trại Tân Thanh của bà Bé Hai, tức Nguyễn Thị Thiền ở 164 Lê Văn Lương, Phường Tân Hưng, Quận 7, TPHCM. Bà đang thuê 2000 hecta đất của Long An để khai phá. Cố vấn Võ Văn Kiệt tán thành bài viết về trang trại ở ĐBSCL vừa mới phát hôm đó trên Đài TNVN. Và, trong buổi làm việc này, ý kiến của ông là, xưa kia ruộng đất là lá bùa hộ mệnh của cách mạnh đối với nông dân, nay tình thế đã thay đổi, có ruộng mà không đủ vốn, đủ trình độ canh tác thì lỗ vốn, đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo. Nay đã là kinh tế thị trường thì tích tụ ruộng đất là điều tất yếu, nông dân có thể làm thuê cho chủ trang trại mà vẫn có ăn là được. Ông còn nói giỡn: – Tôi có hai thằng cháu ở quê, lần nào về quê cũng đi tìm thằng bóc lột hộ nó mà chẳng ai bóc lột cho… vẫn thất nghiệp dài dài…

Kêu tôi đến để ông “thuyết giáo” tư tưởng đó của mình và động viên tôi vào tìm hiểu nông trại Tân Thanh… Ông còn nói vui: – Phú Khải nên đi, bà Bé Hai đang cô đơn trong đó (sau này tôi mới biết chị Bé Hai lúc đó chưa có gia đình).

Làm việc xong, uống trà, trước khi tôi về, ông Sáu còn hỏi tôi: – Phú Khải có nguyện vọng gì không? Tôi đắn đo rồi nói: – Tôi có ông chú ruột  là nhà báo Lê Phú Hào ở Paris, chuyện về ông ấy ông Sáu cũng biết cả! Nay chú tôi đã 80 tuổi, gần đất xa trời, chú tôi chỉ muốn gặp tôi, thằng cháu đích tôn của dòng họ, và tôi cũng muốn gặp chú tôi trước lúc ông ấy đi xa, vì hiện ổng đang đau yếu lắm!

Nghe tôi nói, ông Sáu Kiệt bảo: – Lúc tôi là Thủ tướng, sao Phú Khải không nói, tôi cho đi cùng… Tôi nói, lúc ông Sáu làm Thủ tướng thì đâu có thời gian rảnh rỗi ngồi đàm đạo thế này mà tôi được trình bày nguyện vọng. Nghe xong ông  Sáu Kiệt nói: – Thôi, để tôi nói với Trần Mai Hạnh, xếp Phú Khải trong đoàn đi công tác…

Vài ngày sau, “sếp” Cường nói với tôi, ông Hạnh điện vô, nói đã nhận được điện của ông Sáu Dân, Hạnh hứa thế nào cũng để ông đi Pháp một chuyến thăm ông chú…

Đợi đến 2 năm, có biết bao nhiêu đoàn đi Pháp của Đài nhưng Hạnh chỉ xếp tay chân của y đi tháp tùng để hầu hạ… không hề có tên tôi. Đợi khi Hạnh vô Sài Gòn, tôi đến tận khách sạn ông ta ở và nói: – Anh có trăm công ngàn việc, làm sao nhớ được lời ông Sáu Dân, vậy tôi có đơn đây, anh ký cho tôi đi Pháp tự túc để thăm ông chú tôi, ông ấy yếu lắm rồi! Hạnh nói: – Vấn đề nhân văn!!! Đưa đơn đây cho tôi. Vậy mà đơn của tôi lại được chuyển cho Phó Tổng giám đốc Đài là bà Kim Cúc ký… chuyển qua A 18 Bộ Công an duyệt… Mãi đến đầu năm 2001 tôi mới đi Paris được!

Đón tôi tại sân bay Charles De Gaulle có 2 phóng viên của Đài TNVN thường trú tại Paris, một là anh Thâu, thực chất là người của bên công an đưa sang làm trưởng và anh Hải ở Ban Đối ngoại của Đài sang làm thường trú. Cả hai anh đều thạo Tiếng Pháp. Ra sân bay còn có ông chú tôi nữa.

Lúc đi, cơ quan bảo tôi tới Paris thì về cơ quan thường trú, đi đâu xe đưa đi, anh em sẽ đưa tôi đến gặp ông chú tôi. Tôi cứ gật đại. Nhưng khi có cả 3 người đến đón, tôi tuyên bố ngay: – Về nhà ông chú tôi ở, không về cơ quan. Cực chẳng đã, anh Thâu phải đưa tôi về nhà ông chú tôi ở 5 Passa de Thionville, quận 19. Các anh Thâu và Hải đều rất hòa nhã, lịch sự. Khi về đến căn hộ chung cư ở đường Thionville, bà thím tôi, người vợ ngoài giá thú của chú tôi ở Paris đã ôm lấy tôi, nói trong nghẹn ngào: – Chú Hào anh mong anh sang lắm, ông ấy đi xin giấy bảo lãnh cho anh tới lui cả tháng nay…

Có thể nói, cuộc đời Lê Phú Hào, chú ruột của tôi, là một điển hình bi kịch của lớp thanh niên trí thức, xuất thân trong gia đình tầng lớp trung lưu của đất Hà Thành, đi theo cách mạng và nếm trải tất cả những cay đắng của một cuộc cách mạng được nhân danh của giai cấp vô sản!

Ông nội tôi sinh được 5 người con trai, bố tôi là trưởng, Lê Phú Hào là út. Trong 5 người con trai và 1 bà chị cả, chỉ có Lê Phú Hào là đỗ được bằng tú tài toàn phần trước cách mạng Tháng Tám và làm thư ký ở Phủ Toàn quyền Đông Dương nơi ông bố từng làm. Là một thanh niên Hà Nội, hào hoa phong nhã, chơi được nhiều môn thể thao, kể cả đấu võ, chơi được nhiều nhạc cụ đến trình độ làm chef d’orchestre cho các bar nhẩy đầm vào các tối để lấy tiền ăn học thời kinh tế khủng hoảng.

Ông lọt vào mắt xanh một cô đầm lai bố Pháp, mẹ Việt ở cùng phố, có tên là Clément. Đó cũng là tên của ông sau này nhập quốc tịch Pháp – Clément Phu. Họ yêu nhau đến mức sắp thành hôn thì cách mạng bùng nổ. Theo tiếng gọi của núi sông, Lê Phú Hào lao vào cuộc kháng chiến chống Pháp tái chiếm Việt Nam “người ra đi đầu không nghoảnh lại” (NĐT)…với cô người yêu mang dòng máu kẻ thù xâm lược! Ông theo người anh của mình là tướng Lê Hữu Qua, làm trong ngành an ninh của chính phủ kháng chiến.

Có lần ông kể, lúc mới ra đi chú còn xách theo cả cây đàn violon đựng trong cái vỏ gỗ sơn đen to kềnh càng. Du kích chặn đường, tưởng cái hộp đựng đàn là hộp đựng súng nên bắt giữ, chú nói là hộp đàn, họ trừng mắt bắt mở hộp gỗ ra cho xem. Mở hộp rồi, thấy cây đàn violon họ vẫn tưởng là thứ vũ khí gì đó… vì chưa nhìn thấy thứ này bao giờ. Có người còn quát: – Có chối nữa không! Nhanh trí, chú lấy cây đàn ra kéo bài Quốc ca “Đòan quân VN đi… chung lòng cứu quốc…”, thế họ mới tin, cho đi. Có anh còn mắng, đi kháng chiến mà còn đàn với sáo!

Như có linh tính cho cuộc đời mình, có lần ở Bắc Kinh về phép, lúc đó tôi cũng vừa tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, ông đưa tôi đi bơi thuyền trên Hồ Tây và tâm sự: – Tên chú có ba chữ Lê Phú Hào thì người ta đã “đào tận gốc, chốc tận rễ” mất hai chữ rồi còn gì nữa! (tức chữ “Phú” và chữ “Hào” trong khẩu hiệu: “Trí phú đại hào, đào tận gốc, chốc tận rễ”). Quả sau này không sai!

Năm 1950, ở Chí Chủ – Phú Thọ, nơi gia đình tôi tản cư kháng chiến chống Pháp, một hôm ông về nhà thăm ông bà nội tôi, rồi hỏi vay mẹ tôi 1 chỉ vàng, ông nói là để bán đi lấy tiền theo một khóa học dài. Sau này mẹ tôi kể lại: – Khi đưa cho chú Năm (tức Hào) cái nhẫn 1 chỉ vàng, tao nói, tôi biếu chú để chú theo học cho thành tài, sau này chú giúp đỡ cho thằng Khải, đứa con trai duy nhất của tôi. Sở dĩ mẹ tôi nói thế vì biết bố tôi là người ăn chơi, có đồng nào ăn hết đồng đó, không thể là chỗ dựa cho tương lai của tôi. Lúc đó, mẹ tôi là chủ một hãng thuốc lá bán rất chạy và có tiền. Lúc lên đường, mẹ tôi còn làm cho ông (Hào) 1 ký ruốc (miền Nam gọi là chà bông) để ăn đường. Mẹ tôi kể, ruốc làm rất mặn nhưng chú ấy còn bốc một nắm muối to bỏ vào chảo ruốc tao đang xào, rõ thật khổ!

Quả thật sau này chú Năm rất thương tôi, mỗi lần ở Trung Quốc về nghỉ phép, ông đều đem cho tôi một bị quần áo cũ. Có những bộ quần áo đại cán may theo kiểu Tôn Trung Sơn, túi dưới may lộ ra bên ngoài, người ta gọi là “túi bị”. Khi tôi mặc đi dậy học, học trò kêu là thầy mặc áo trái!!!

Về cái lớp mà chú tôi theo học, đầu đuôi thế này, đến năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã qua giai đọan phòng ngự – cầm cự. Cụ Hồ và TW Đảng muốn “dứt điểm” quân Pháp bằng thế phản công. Nhưng muốn phản công phải có súng lớn. Liên Xô, thông qua Trung Quốc giúp ta súng lớn như pháo, cao xạ pháo, nhưng muốn bắn được pháo theo đường vòng cung (Pa-ra-bôn) thì phải sang Trung Quốc học. Muốn sang Trung Quốc học bắn pháo thì phải biết tiếng Trung. Một vị giáo sư Trung Quốc được cử sang VN dậy các sĩ quan ta học tiếng Trung nhưng ông ta lại chỉ biết tiếng Anh. Vậy là phải cần những cán bộ VN biết tiếng Anh để học tiếng Trung qua tiếng Anh. Chính phủ kháng chiến đã phải tìm kiếm vất vả, và người biết tiếng Anh thành thạo có thể học tiếng Trung bằng cách ấy chính là Lê Phú Hào. Trước khi đi học ông đã về Chí Chủ nhờ mẹ tôi giúp ít tiền để đi học lớp dài hạn này là vậy.

Sau một thời gian học, Lê Phú Hào trở thành Hiệu trưởng trường Hoa Văn ở Việt Bắc, chuyên dậy các sĩ quan tiếng Trung để sang Trung Quốc học bắn pháo và nhận pháo về.

Ông kể: – Trong kháng chiến chống Pháp, hai phần ba thời gian là dành để đi bộ. Chú đã nhiều lần gặp ông Hồ nhưng trong những hòan cảnh thật bất ngờ và chỉ gặp, không nói được câu gì. Một lần chú đang đeo ba lô nặng, đi trên một bờ ruông nhỏ để băng qua một cánh đồng. Đang đi, ngửng mặt lên thấy một người đang cưỡi ngựa, đi ngược chiều với mình. Chú nghĩ trong bụng, mình thì đeo ba lô đi bộ, tay kia thì cưỡi ngựa, biết ai sẽ phải nhường ai đi đây?… Đi được một lúc, ngước lên thấy người đi ngựa kia đã rẽ sang một bờ ruộng bên để nhường đường. Chú lại nghĩ, tay này cũng biết điều đấy. Đến khi giáp mặt, chú nhìn thì hóa ra ông Hồ. Ông ta lên tiếng: – Chú đeo ba lô có nặng không? Bất ngờ quá, chú chỉ kịp gật đầu rồi đi tiếp, không nói được câu gì… Một lần khác, khi đang dậy học trong lớp Hoa văn, đi xuống cuối lớp, bỗng thấy ông Hồ ngồi dự ở cuối lớp từ bao giờ không hay. Đến hết giờ, ông ấy nói: – Chú dậy tốt đấy… rồi ra về… Lại có lần, chú đang tập thể dục ở sân trường, khi quay lại, thấy ông Hồ đứng đằng sau. Ông ấy nói: – Chú dậy sớm đấy… rồi đi mất. Chú biết ông ấy nóng lòng có pháo để phản công quân Pháp.

Sau hòa bình 1954, Lê Phú Hào là nhà báo VN đi thường trú nước ngoài đầu tiên tại Bắc Kinh. Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu phong trào “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” trên báo Nhân dân, cổ vũ cho phong trào này ở Băc Kinh lúc đó mà không hay đây là cái bẫy của Mao Trạch Đông để lừa các trí thức có tư tưởng tự do ở Trung Quốc.

Sau nhiều lần Thông tấn xã VN điều đình để ông được thường trú tại Hồng Kông nhưng không thành, từ Bắc Kinh ông đi Alger thường trú. Khi hòa đàm Paris nhóm họp, phiên dịch tiếng Anh của Lê Đức Thọ không nghe nổi tiếng Anh do Kit-xinh-giơ nói tiếng Anh giọng Mỹ, phải điều ông từ Alger qua Paris để vừa làm báo, vừa phiên dịch cho các phiên họp kín, họp hở giữa Thọ và Kit!

Suốt một tháng ở Paris, tôi ít đi lại, chỉ ngồi ở nhà đàm đạo việc nhà và thế sự… với ông chú. Thấy thế bà thím tôi bảo, ai sang đây cũng đi tham quan tối ngày các danh lam thắng cảnh ở Paris, sao cháu cứ ngồi nhà? Tôi bảo bà, họ chỉ nhìn thấy tháp Eiffel bên ngoài thôi, còn thì cháu có thể làm hướng dẫn viên cho chính người Pháp đến thăm cái tháp này. Bà tỏ ra không tin, tôi nói cho bà hay cái tháp này xây từ năm nào, vì sao lại xây nó và có bao nhiêu vụ tự tử nhảy từ trên tháp xuống, có bao nhiêu vụ thoát chết khi tự tử nhảy tháp, bốn chân đế của tháp được đặt trên bốn cái phao khổng lồ trên bốn cái hồ nước ngầm ở dưới nên khi có gió to, tháp chỉ chao đảo, nghiêng ngả mà không bao giờ gãy, đổ. Nhưng đến Paris mà chỉ thăm Nhà thờ Đức bà, Bảo tàng Louvre, tháp Eiffel thì chẳng hiểu gì nước Pháp và Paris cả. Bà ngạc nhiên hỏi tôi, vậy phải thăm cái gì? Tôi trả lời: – Phải đi cầu Concorde, vì nó là cây cầu được xây bằng đá ngục Bastille, khi nhân dân Paris phá ngục Bastille trong Cách mạng Pháp 1789, đã không quên lấy đá của ngục tù này để xây dựng cây cầu mang tên hòa giải (Concorde), để nhớ về sự nhục nhã của một thời, để muôn đời nhân dân Pháp đạp lên bóng tối Bastille. Chỉ có nước Pháp với khát vọng là “hiện thân của tự do” mới có những cây cầu như Concorde (!). Ông chú tôi rất vui vì tôi đã nói được những điều như thế về Paris, về nước Pháp.

Suốt một tháng trời ở Paris, đàm đạo với ông, tôi thấy chú tôi tỏ ra rất thất vọng về các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ông kể, một lần ông về nước báo cáo với ông Trường Chinh về tình hình thế giới. Khi ông cho biết Hung-ga-ri đã tiến hành mở cửa kinh tế, một mặt hàng mà công nhân Pháp đình công không chịu làm vì công giá rẻ, tư bản Pháp chuyển cho Hung và được nước này hồ hởi nhận ngay. Như vậy là giai cấp vô sản trên thế giới đã buông nhau ra rồi!!!, không còn liên hiệp đấu tranh nữa. Ta phải biết để mà tính kế… Nghe đến đây, ông Trường Chinh đập bàn phán: – Cho anh đi để… anh phát biểu như thế à? Theo chú tôi thì vì không thích nghe những thông tin trái với ý nghĩ của mình nên các nhà lãnh đạo VN luôn… đứng ngoài nhân loại trong mọi suy nghĩ và việc làm. Ông kể về Lê Đức Thọ: Khi mới sang, một buổi chiều, đang ngồi làm việc thì Nguyễn Thành Lê ở báo Nhân Dân, đến gặp ông nói: – Anh Thọ bảo tối nay họp. Chú trả lời: – Tôi không họp! Thành Lê trợn mắt hỏi: – Anh nói chơi đấy chứ. Chú lại bảo: – Tôi nói thật mà. Lê hỏi: – Vì sao? Chú giải thích: – Tối nay chung kết Cúp Châu Âu, cả Paris không ai họp cả, họp người ta cười cho. Sáng hôm sau, ông Thọ gặp chú nói: – Mình xin lỗi, mới sang, không thuộc Paris, có gì cậu phải mách nước cho.

Tiếng Anh cho người Mỹ ở hòa đàm Paris là cả một vấn đề. Người Mỹ nói Tiếng Anh giọng Mỹ với ngôn ngữ hiện đại nên các phiên dịch Tiếng Anh của ta được đào tạo ở nhà không dùng được. Ông kể, khi ta đem một bộ phim truyện VN là phim “Nổi gió” sang để chiếu chiêu đãi khách trong những ngày hội nghị bị đình trệ… Tối hôm trước, ông ngồi đọc bản thuyết minh Tiếng Anh của phim thấy buồn cười quá. Nó là thứ Tiếng Anh cổ lỗ, ngô nghê, nếu đem thuyết minh thì chắc chắn người ta sẽ cười và không hiểu. Thế là cả tối và suốt cả ngày hôm sau ông phải ngồi viết lại bản thuyết minh để kịp chiếu vào tối hôm đó. Vì cái chuyện Tiếng Anh mà Lê Đức Thọ nhiều khi làm ông khốn khổ. Có lần ông ốm, lại bị cúm, theo nguyên tắc bệnh viện bắt phải cách ly. Lê Đức Thọ đến thăm, bệnh viện không cho gặp. Lừa lúc vắng, Thọ nhét vào khe cửa một mảnh giấy, trong giấy ra lệnh “trốn ngay”, ký tên Thọ. Thế là Lê Phú Hào phải tìm mọi cách trốn ngay khỏi bệnh viện, trốn trong lúc đang lên cơn sốt. Ông bảo với tôi, chú phải “vượt ngục” trong lúc đang bệnh, khổ quá!

Cái uy của Lê Đức Thọ ghê gớm lắm, hơn cả thời vua chúa ngày xưa. Chú tôi kể: Tên sỹ quan phụ trách bảo vệ đoàn đàm phán của ta tại Paris là X, hắn sợ Thọ như cọp. Tư cách của tay này cũng kém lắm, sang đây chỉ kiếm cớ “đi thăm đồng bào” để được ăn nhậu và nhận quà, chú phải nhân danh đảng ủy viên của Hội nghị, cấm hắn không được đi nữa. Chú nói với y: – Các anh sang đây như thế thì chúng tôi ở đây sau này không làm việc được nữa. Có lần Hội nghị Phụ nữ Quốc tế họp, tuyên bố ủng hộ Việt Nam tại hòa đàm Paris, họp xong, 12 giờ đêm chú phải lao về cơ quan để đưa tin về Hà Nội. Vừa bước vào phòng, tên X đã xua tay, nói nhỏ vào tai chú: – Anh Thọ đang ngủ. Chú tức điên, quát: – Nhưng anh Hào đang làm việc, thế hắn mới thôi. Thọ ở căn biệt thự cổ, căn nhà này gác gỗ, lên xuống cầu thang kêu cọt kẹt, mỗi lần lên xuống hắn phải bò bằng 2 tay và 2 chân… cho cầu thang đỡ kêu, trông thảm cảnh lắm!.

Về ông nhà báo Hồng Hà của báo Nhân Dân thì chú tôi kể câu chuyện nực cười. Có lần đoàn Việt Nam Cộng hòa họp báo. Về nguyên tắc thì nhà báo của ta cũng có quyền dự. Lê Phú Hào và Hồng Hà cùng đi. Khi đi tới một hành lang hút sâu để tiến vào phòng họp ở cuối hành lang, tự dưng thấy Hồng Hà tụt lại, hỏi ra thì hóa ra ông ta sợ vào sâu sẽ bị… đánh! Chú tôi nói: – Đây là Paris chứ có phải Sài Gòn đâu mà ông sợ, vậy mà ông ta vẫn quay đầu về… Nói tới đây, chú tôi buồn rầu nhận xét: – Một tay bản lĩnh như thế mà sau này lại vào tới trung ương thì thật buồn quá! Chú tôi còn kể về “thành tích” viết báo của Hồng Hà. Ông Thọ ở biệt thự nên xung quanh có vườn, hàng ngày bà lao công dọn dẹp vườn là một bà lao công yêu nước. Yêu quí đòan Việt Nam, bà ta hái những chùm hoa trong vườn ném vào bên trong nhà qua cửa sổ… Thế là lập tức Hồng Hà sáng tác ra chuyện Việt kiều yêu quí Lê Đức Thọ… ném hoa vào phòng ngủ của ông (!). Bài báo đăng trong nước rồi, thế là xảy ra một cuộc cãi lộn giữa tên sĩ quan trưởng đoàn bảo vệ với nhà báo Hồng Hà. Tay X nói, anh viết như thế thì người ta chửi tôi là bố trí phòng anh Thọ ở có thể người đi ngoài phố ném cả lựu đạn vào à? Thế là cãi nhau to. Chú tôi than, chú lại phải nhân danh đảng ủy viên của Hội nghị can thiệp, nói: – Các anh sang đây, cãi nhau thế này thì khi các anh về, chúng tôi còn làm sao mà tồn tại được ở cái đất Paris này! Thế mới yên.

Sau này, tôi đem những chuyện như thế kể lại cho bạn bè nghe sau chuyến đi Paris, một anh bạn tôi nói: – Anh ngu bỏ mẹ. Những chuyện như thế thì nhớ vanh vách, vậy sao không khai thác các phiên họp mật của Lê Đức Thọ và Kit-xing-giơ do ông chú anh phiên dịch. Đó là những tư liệu quí giá mà nhà báo lại không khai thác. Ngu quá! Ngu quá!

Quả là tôi ngu thật. Vì tôi không có ý thức sẽ “viết sử” như nhà báo Huy Đức.

Còn về chuyện ông Hồng Hà, sau này làm đến chức Tổng biên tập báo Nhân Dân thì tôi không lạ gì. Từ năm 1981 đến 1986, trước Đại hội Đảng lần thứ 6, bài của tôi viết về các vấn đề thời sự của Đồng bằng Sông Cửu Long… như khai hoang Đồng Tháp Mười, xây dựng vùng lúa năng suất cao, vận tải đường sông v.v. và v.v. thì báo Nhân Dân đã đăng tải trang trọng, liên tục… Nhưng trước Đại hội 6 thì nhà báo Trần Minh Tân cho tôi hay, TBT Hồng Hà đã nói trong cuộc họp giao ban toàn cơ quan là từ nay không được đăng bài của Lê Phú Khải nữa. Có người thắc mắc, vì sao? Y trả lời: – Vì chú nó là Lê Phú Hào đã tị nạn chính trị tại Pháp! Thật là vớ vẩn, chú tôi tị nạn từ năm 1980, từ đó đến năm 1986 bài vở tôi viết cho các báo “lề phải”, kể cả báo Nhân Dân vẫn đăng hoài hoài, vậy sao bây giờ lại có lệnh cấm? Tôi hỏi anh Minh Tân, anh có dám đối chứng ba mặt một lời giữa tôi, anh và Hồng Hà về lời tuyên bố đó của y hay không? Minh Tân bảo tôi: – Tao sợ gì thằng ấy mà phải chối. Thế là tôi ra Hà Nội. Trước khi đi gặp Hồng Hà, tôi còn đến xin ý kiến Tướng Qua (lúc đó đã nghỉ hưu) về việc đến báo Nhân Dân để “xạc”cho Hồng Hà một trận. Tôi nói với tướng Qua, cháu sẽ mắng Hồng Hà trước mặt mọi người rằng, ai làm người ấy chịu, Đảng ta quang minh chính đại, không làm như anh, báo Nhân Dân đâu phải tờ báo riêng của anh mà anh ra lệnh cấm đăng bài của tôi, nếu tôi viết đúng đắn. Tướng Qua bảo tôi: – Cháu cứ cho hắn một mẻ, chú sẽ hỗ trợ cháu, người của chú còn nằm đầy ở Bộ Công an kia!

Nhưng thật bất ngờ, khi tôi đến báo Nhân Dân xin gặp TBT Hồng Hà, cô thư ký của ông ta nói với tôi qua điện thoại từ trong nhà ra trạm thường trực ở cổng: – Chú Hồng Hà đang ở bệnh viện 108, chăm sóc vợ ốm, để tôi gọi điện xin ý kiến chú ấy! Lát sau, tôi nhận được thông tin:- Chú Hồng Hà mời anh đến bệnh viện 108, phòng X, nhà Y… để gặp chú.

Tôi đến 108. Câu đầu tiên Hồng Hà nói với tôi là: – Lê Phú Khải đấy à! Giờ tôi mới gặp. Ông có nhiều đóng góp với báo Nhân Dân lắm, quà của báo cho ông tôi còn giữ đây! Ông ta đưa một cái cặp nhỏ, một cuốn lịch in thành sổ tay mà báo Nhân Dân vẫn tặng cộng tác viên hàng năm… cho tôi. Thái độ của ông ta rất vui vẻ, còn nói: – Viết tiếp cho báo ND nhé!

Thế là tôi đi về, rất băn khoăn. Gặp Minh Tân, tôi thuật lại chuyện. Minh Tân cười bảo tôi: – Y cáo lắm, trước Đại hội, để giữ cho thật an toàn, y phải đề phòng mọi đối thủ sẽ bới móc các chuyện, trong đó có chuyện đăng bài của Lê Phú Khải, cháu ruột nhà báo Lê Phú Hào đã “phản Đảng”. Giờ thì Đại hội vừa xong, y lại trúng Trung ương thì còn lo gì nữa. Cậu lại ra sức mà lặn lội Đồng Tháp Mười để viết cho tờ báo của y có chất lượng!!! C’est la vie! Minh Tân lại nói câu ngạn ngữ Pháp mà tướng Qua hay nói.

Tôi đã kể câu chuyện này ở Paris cho chú Hào tôi nghe. Bà thím tôi xen vào: – Chính vì thế mà chú anh từ chối mọi tổ chức, mọi trả lời phỏng vấn, chỉ thương con cháu ở nhà bị chính quyền trả thù!

Có một chi tiết mà chú tôi kể trong lúc hàn huyên, rất có giá trị về tư liệu lịch sử, đó là, khi cuộc Tổng tấn công trong chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra vào đợt cuối, chú tôi phải trực ở sân bay quốc tế Paris để hỏi Việt kiều từ Mỹ sang, rằng, liệu Mỹ có quay lại can thiệp vào Việt Nam không? Cứ 15 phút – một chuyến bay từ Mỹ sang, thì lại phải điện về Hà Nội trả lời câu hỏi này. Ông phân tích, nếu Mỹ quay lại thì tình hình đảo ngược hoàn toàn vì thế Hà Nội cần biết tình hình từng phút để đối phó… Lúc đó chú làm việc căng thẳng lắm, mất ăn, mất ngủ, người gầy rộc đi…

Người cán bộ đảng viên Lê Phú Hào từng dậy các cán bộ sỹ quan Tiếng Trung năm nào để đi nhận pháo đánh Điện Biên Phủ, nay lại trực từng phút để “canh” cho trận Tổng tấn công 1975. Vậy mà chỉ vì Đảng nghi ngờ kiểu Tào Tháo, mà số phận hẩm hiu lúc cuối đời. Đúng như ông từng nói với tôi mấy chục năm trước: – Tên có ba chữ thì bị “trốc” mất hai, còn gì nữa. Cái kết thúc “phản đảng” của Lê Phú Hào tôi sẽ kể tiếp. Nay nói về cái cơ quan thường trú tại Paris của Đài. Tôi đã kêu anh Thâu sang đón về cơ quan ở 1 tuần lễ. Nó ở số nhà 5, Rue du Tremple Villeneuve la Garremme 923.90, ngoại vi Paris. Đó là một cái biệt thự xinh xắn, sang trọng, có vườn ở đằng sau mà Trần Mai Hạnh đã mua với giá 230.000 francs (tương đương 80.000 đôla Mỹ).

Paris có một đường sinture dài 35 km bao bọc lấy nội ô Paris. Đường này phải thi công tới 17 năm mới xong. Con đường vòng tròn khép kín Paris ấy là để khi nào kẹt đường trong nội ô, người lái xe có thể chạy ra đường vòng cung đề thoát… và lại tiếp tục vào nội ô nơi không kẹt đường. Ngoài vòng tròn 35 km đó là ngoại ô Paris. Vẫn nhà cửa san sát nối liền với nội ô làm nên vùng Il de France tới 11 triệu dân mà ta quen gọi là vùng Paris. Nhưng ở ngoài vòng 35 cây số đó thì vùng ngoại vi Paris thuộc các đơn vị hành chính khác, thuộc tỉnh khác. Trong nội ô chỉ có hơn 2 triệu dân. Như thế quản lý mới dễ. Thủ đô của một nước lớn như nước Pháp cũng chỉ quản lý hơn 2 triệu dân trong vòng 35 km. Thủ đô Hà Nội của ta mở rộng đến tận huyện Thạch Thất, Hà Tây, chùa Tây Phương ở trên núi cũng thuộc Hà Nội, Mê Linh quê hương Hai Bà Trưng ngày nay cũng thuộc Hà Nội thì đó là một ý tưởng quái thai. Quốc hội đểu cũng thông qua qui họach ấy vì quốc hội Việt Nam thực chất là tên đầy tớ đê tiện nhất của đảng độc tài. Con cháu chúng ta sau này sẽ nguyền rủa việc mở rộng Hà Nội một cách lưu manh như thế vì các lợi ích nhóm trong Đảng. Chắc chắn sau này Thạch Thất, Mê Linh… lại trở về với Hà Tây. Tôi tin là như thế. Lúc còn sống ông Kiệt cũng kịch liệt phản đối việc này.

Nhà báo Thâu và Hải, chủ nhân tạm bợ của ngôi nhà số 5, Rue du Tremple Villeneuve la Garremme đã sống buồn tẻ trong ngôi biệt thự này. Hàng ngày các anh phải nấu lấy để ăn uống, sinh hoạt. Anh Thâu vừa nấu ăn vừa chữa cái bếp điện, vừa chửi: – Ở Paris, người mua nhà thì bắt chủ cũ phải vứt hết các cái bếp này đi, vậy mà bọn tài vụ của ông Hạnh lại phải trả tiền cả những cái bếp vứt đi này. Gía tính lại cao hơn giá mua mua bếp mới! Chúng nó ăn cũng phải vừa phải thôi chứ, phải nghĩ đến người khác chứ, ai mà đun nấu nổi bằng cái thứ bếp đã nát hỏng giữa Paris giá lạnh thế này!.

Thực chất như anh Thâu nói thì không cần đến cái Cơ quan Thường trú với cái villa này, chỉ cần một phóng viên thường trú của Đài, ở bên Sứ quán ta như thường trú báo Nhân Dân là đủ.

Anh Thân nói rất đúng. Nhưng Trần Mai Hạnh và bậu xậu của y phải vẽ ra mua nhà, sắm xe, mua cả máy móc như thu thanh, phát thanh như một cái đài phát thanh thì chúng mới lấy được tiền nhà nước và ăn chia với nhau được. Thấy nhà sang quá, tôi hỏi Thâu, sếp Hạnh sang đây ở phòng nào? Thâu bĩu môi nói: “chưa bao giờ ở đây cả, hắn thuê khách sạn 5 sao trong nội ô Paris ở”!!!.

Đúng là cái anh nhà quê mắt toét, nghèo đói, khi được làm quan (Uỷ viên TW) thì tìm mọi cách để vơ vét và hưởng thụ là thế! Những điều mỹ miều bọn chúng nói trên diễn đàn chỉ là bịp bợm mà thôi. Nhưng nguy hiểm nhất là chúng luôn luôn dọa Nhà nước rằng: “phải phát triển cơ quan ngôn luận để đối phó với các thế lực thù địch trên mặt trận thông tin, để giữ vững chế độ, bảo vệ chế độ…”!!! Nói đến việc “bảo vệ chế độ”, thì bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của dân đóng thuế cũng đem ra tiêu xài không thương tiếc. Thời Trần Mai Hạnh, y đã mua nhà ở Paris, ở Băng Côc, ở thủ Đô Ai Cập… để lập cơ quan thường trú của Đài, những thứ hoàn toàn là bịp bợm. Chỉ có những người trong ngành phát thanh và truyền hình thì mới biết là nó vô tác dụng, chỉ để đốt tiền của dân… Những ngày ở ngôi biệt thự số 5, Rue du Tremple Villeneuve, chúng tôi nhặt củi ở vườn sau nhà, đưa vào lò sưởi ngay trong nhà (kiểu lò sưởi ở các nhà cổ của Pháp ở Hà Nội cũng có) để đốt, vừa uống rượu, vừa ăn thịt cừu nướng, nói chuyện đến 1-2 giờ sáng mới ngủ. Sáng hôm sau, Thâu và Hải ngủ đến 9-10 giờ. Những đêm như thế, Thâu thường kể cho tôi nghe đủ chuyện ở Paris. Thâu biên chế bên Bộ Công an. Cơ quan báo chí nào đi thường trú thì “mượn” anh đi làm trưởng cơ quan đại diện ở nước đặt thường trú. Anh vui tính và lúc đó đã khoảng 40 mà chưa lập gia đình vì cứ phải đi “thường trú” xa. Thâu kể, TBT Lê Khả Phiêu sang đây chả ai đón tiếp cả, xuống sân bay, cả bậu xậu phải về một khách sạn ở ngoại ô để ở. Vì Pháp là nước đa đảng, TBT một đảng không phải là nguyên thủ quốc gia thì chẳng có lý do gì để người ta phải tiếp. Đồng bào ở Paris rất muốn coi mặt ông vua nước Nam mình mồm ngang, mũi dọc ra sao mà chẳng có báo chí truyền hình nào nó đưa một giọt tin. Năn nỉ mãi để Tổng thống Jacques Chirac tiếp, nể lắm mới được diện kiến 45 phút. Nhưng nguyên thủ nước người ta tiếp khách là chuyện lớn, phải có nội dung hai bên mua bán cái gì, ký kết hợp đồng làm ăn giữa hai quốc gia ra sao… mà mình thì đòi tiếp… xã giao. Ở nước Pháp không có chuyện một Tổng thống lại tiếp xã giao ai bao giờ. Vì thế, cuộc đón tiếp rất kiên cưỡng và bẽ bàng. Vậy mà, với 45 phút đó, báo chí trong nước tung hô rầm rĩ là Phiêu được đón rước long trọng.

Thâu rất vui và rất trung thực. Có sáng tôi dậy sớm, thấy bát đĩa ăn hôm qua còn vứt ngổn ngang, tôi thu dọn đem rửa… Thâu dậy thấy thế nói ngay: – Anh là khách của tôi, đừng làm thế!

Hôm tôi về, cả hai anh Thâu và Hải đều đi tiễn. Cả hai đều khuyên tôi ở lại chơi thêm… Các anh đều muốn về nước sớm. Hải thì có vợ con ở Hà Nội, Thâu thì chưa vợ. (Mới đây tôi được tin Thâu đã lập gia đình, thật vui!).

Sau Hội nghị Paris, sau cả 30.4.1975, chú tôi vẫn chưa được về nước dù đi thường trú nước ngoài từ sau hòa bình 1954, vì chưa cử được người qua thay. Đến cuối 79 đầu 80, thì tai họa đến với ông. Một lá thư của ông Hoàng Văn Hoan gửi cho ông do biết nhau từ khi ông đi thường trú ở Băc Kinh sau 1954. Chú Năm tôi nói: – Suy nghĩ mãi, chú đem bức thư đó trình với tổ chức, với ý nghĩ là mình trung thực, báo cáo mọi điều với Đảng, không dấu diếm điều gì. Không ngờ có người bạn thân, mật báo với ông là ông sẽ được đưa sang điều trị bệnh tại Đông Đức, nhưng đó là cái cớ. Chỉ cần tới Đông Đức là sẽ có an ninh kè ông về Hà Nội, và khi bước xuống sân bay sẽ bị còng tay ngay. Hết đường tiến thoái, ông xin tị nạn và ở lại Paris.

Khi Thông tấn xã VN tổ chức công bố kỷ luật ông, tôi còn ở Hà Nội và đến dự. Tội danh của ông là “phản quốc”.

Một lần ông dẫn tôi đi chơi tháp Eiffel, một tên police (cảnh sát) đến hỏi: – Ngài có phải là người Trung Quốc không? Ông đã nổi nóng, mắng tên police này và nói: “Tao là người Việt Nam”, “nhưng nếu mày cần dịch Tiếng Trung thì tao dịch hộ”. Tên police xin lỗi, nhưng nó vẫn nhờ ông dịch hộ vì nó vừa giữ một người Hoa, nghi là nhập cư trái phép. Dịch hộ thằng police mắc dịch này xong, ông bảo với tôi: – Chú cứ nói đại rằng tên người Hoa kia có nhà ở phố X, quận Y… để cứu nó. Nhưng thực ra nó nhập cư trái phép, đi bán dạo mô hình tháp Eiffel…

Sau chuyến đi Paris, về Hà Nội, tôi đã tuyên bố với cả dòng họ, Lê Phú Hào không phản quốc, vì người ta hỏi ông có phải người Trung Quốc không, ông đã chửi và tự hào xưng là người Việt. Ông chỉ phản Đảng mà thôi. Vậy mà cái dòng họ Lê Phú của tôi, đa phần là đảng viên, lúc đó đã gạch tên Lê Phú Hào và Lê Phú Khải trong gia phả nhà họ Lê Phú… Đó có lẽ là cuốn gia phả duy nhất ở Việt Nam mà cháu đích tôn của dòng họ và chú ruột của nó bị gạch tên trong gia phả… Bây giờ, những người ở thế hệ trước đã ra đi tất cả, không ai biết là ai đã gạch tên Lê Phú Hào và Lê Phú Khải… Nhà văn Phạm Đình Trọng có nói trong một bài viết là “Đảng Cộng sản chia rẽ khối đoàn kết dân tộc”, tôi phải viết thêm là “chia rẽ đến cả các dòng họ, các gia đình…”, mà dòng họ Lê Phú của tôi là một ví dụ! Bây giờ cái học thuyết đấu tranh giai cấp đã sụp đổ tan tành, xem ra dòng họ tôi lại hòa hợp!

Sau khi ở lại Paris, chú tôi sống trong nỗi buồn xa xứ. Bà Bích Ngọc, người vợ mới của ông đã chia sẻ với ông những ngày cuối đời. Bản thân bà cũng là một nỗi buồn mênh mông. Vốn là một cô gái nhan sắc nghiêng thành, con nhà giàu có ở Nam Định, thời quân Tưởng tràn sang ta, một tên sỷ quan cao cấp Tưởng Giới Thạch đã vu oan cho em bà ăn cắp súng và định đem xử bắn. Hắn chỉ tha tội chết cho em bà nếu bà chịu lấy hắn! Thương em, gia đình đã ép bà phải lấy tên sỹ quan này. Hắn đem bà về Trung Quốc, nhưng sau đó tên sỹ quan này lại theo Hồng quân Trung Hoa, làm đến cấp tướng nên sau hòa bình 1954 bà được sứ quán ta ở Bắc Kinh cho vào làm việc ở sứ quán. Bà quen biết chú tôi từ đó. Sau này bà được ông Phạm Văn Đồng bảo lãnh cho đi Paris để nhận gia tài của một người anh rể sắp mất… Trái đất tròn, bà lại gặp Lê Phú Hào ở Paris, và… trong cơn họan nạn, họ lại tìm đến nhau.

Trong một loạt bài đăng trên báo An ninh Thế giới (1998), để phê phán các cán bộ cao cấp VN đã tị nạn tạo Pháp như Vũ Hùng ở Bộ Văn hóa, Bùi Tín ở báo Nhân dân, Lê Phú Hào ở Thông tấn xã VN, tác giả đã mượn câu chuyện éo le của bà Bích Ngọc để khai thác câu khách trong bài viết về Lê Phú Hào (không dám dùng tên, chỉ viết tắt là LPH), xin trích nguyên văn: “LPH là một phóng viên kỳ cựu, một cán bộ có trách nhiệm trong ngành thông tin tuyên truyền của VN, đã đào nhiệm năm 1979. LPH phụ trách bộ phận thông tin báo chí của VN tại Pháp. LPH có lẽ là một trong số những phóng viên VN đầu tiên được ra nước ngoài công tác. Đó là vào những năm 50, khi VN mở Đại sứ quán ở Trung Quốc. LPH phụ trách báo chí tuyên truyền của Đại sứ quán. Công việc cũng tỏ ra rất hợp với một thanh niên trẻ, đẹp trai và nhiệt huyết. Đại sứ quán lúc đó chỉ có gần chục người nên công việc bề bộn, vất vả. Một thời gian sau trong Đại sứ quán xuất hiện một phụ nữ VN trẻ đẹp giúp việc. Chị có cái tên rất đẹp: Nam Hồng (bông hoa Hồng nước VN), được bạn giới thiệu vào làm việc giúp ĐSQ. Chị kể, chị có một cuộc đời đắng cay, quê ở Nam Định, gia đình thuộc loại giàu có. Năm 1945, khi quân Tàu Tưởng tràn vào để giải giáp quân Nhật, chị mới 15 tuổi. Tên thiếu tá chỉ huy quân Tàu Tưởng gần nhà chị, thấy chị có nhan sắc liền tìm cách ép gia đình phải gả chị cho hắn làm vợ bé. Hắn vu cho em trai chị (13 tuổi) ăn cắp súng của quân Tàu Tưởng và dọa sẽ đưa ra xử bắn. Để cứu em và gia đình, chị buộc phải nhận lời. Năm 1946, khi quân Tưởng rút về nước, tên sỹ quan đưa chị về Trung Quốc. Do không chịu được sống chung, chị đã mang 2 đứa con gái đi theo phục vụ (nấu ăn, văn nghệ) cho quân giải phóng quân Trung Quốc. Khi Trung Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, chị được giới thiệu vào làm việc ở ĐSQ VN tại Băc Kinh. Tuy đã có hai con nhưng chị còn rất trẻ (ngoài 20 tuổi) và đẹp nên được nhiều cán bộ trong đại sứ quán ta có cảm tình. Với kinh nghiệm từng trải, chị đã dễ dàng chinh phục được LPH và hai người đã có những tháng năm hạnh phúc trên đất khách quê người. Họ dự tính sẽ đi đến hôn nhân. Đầu năm 1960, LPH hết nhiệm kỳ công tác, trở về nước, còn Nam Hồng tiếp tục ở lại làm việc trong ĐSQ. Họ vẫn tiếp tục thư từ cho nhau. Nhưng gia đình LPH, một gia đình danh giá, đã phản đối quyết liệt mối tình này và đã thu xếp để LPH lấy một cô gái khác…” (An ninh Thế giới, Số 83, Ngày 17/7/1998, trang 1 và 28). Tác giả N.D.C đã viết như thế. Có những chi tiết bịa đặt hoàn toàn như “thu xếp để LPH lấy một cô gái khác”. Trong khi Lê Phú Hào đã có vợ từ trong kháng chiến chống Pháp. Bà vợ tên là Hồng và đã có con gái tên là Thủy, lúc đó bà là cán bộ của Thông tấn xã VN tại Hà Nội! Báo chí cộng sản độc quyền nên tha hồ nói láo, không ai dám bắt bẻ, vì thế họ rất sợ tự do báo chí, sợ sẽ có kẻ vả vào mồm họ!

Những ngày lưu vong buồn chán, chú tôi đã mượn âm nhạc để gửi gắm tâm tư. Nhà ông tôi thấy toàn nhạc cụ. Đàn organe, violon, guitar, mandolin, nhị, sáo, đàn bầu, trống… Ông chơi điêu luyện các nhạc cụ này. Ở nhà ông tôi thấy luôn có người đến nhờ lên dây đàn đủ loại. Ông kể, hồi thím ốm, nằm bệnh viện, chú đến thăm nuôi và đem cây đàn mandolin theo, đến giờ nghỉ trưa, đem ra chơi. Bọn tây đầm thấy chơi hay quá, chúng ôm nhau nhẩy, có đứa còn bảo: – Tao mong vợ mày bệnh quanh năm!

Duy có một nhạc cụ, tôi phải “mách” để các nhà nghiên cứu âm nhạc VN chú ý, đó là cây nhị. Chuyện là thế này, một hôm ông chú tôi thấy cô đầm hàng xóm sang chơi, đem theo một hộp bánh… Ở Pháp không ai tự dưng sang chơi nhà hàng xóm bao giờ. Nhà nào biết nhà nấy. Biết là có chuyện nên ông chú tôi nhận quà và chờ đợi… Sau một hồi nói chuyện không đâu vào đâu, cô đầm hàng xóm mới nói thật. Cô ta chỉ vào cây nhị treo trên tường và khẩn khỏan xin ông chú tôi đừng bao giờ kéo cây đàn ấy! Cô kể rằng, mỗi khi nghe tiếng ở cây đàn ấy phát ra âm thanh thì đứa con gái 5 tuổi của cô đều khóc. Nó khóc thút thít rất tội nghiệp…

Vậy là “cái thú đau thương” (Phạm Duy) của một tâm hồn Việt Nam lưu lạc, mượn cây nhị để giãi bầy, của chú tôi cũng không còn nữa. Nước Pháp, một đất nước văn minh, có cuộc sống hạnh phúc, với khẩu hiệu: “Joie de vivre” hôm nay không có không gian nào cho cây đàn nhị VN rầu rĩ nữa…

Chú tôi đã sống những ngày cuối đời ở Paris hoa lệ trong cảnh nghèo mà không được… buồn cùng cây nhị Việt Nam. Sở dĩ tôi nói chú tôi nghèo vì ngoài tiền trợ cấp cho người già, ông không còn khỏan nào nữa trừ ít phụ cấp của bảo tàng Louvre do ông có vài năm làm giảng viên cho Trường Louvre. Bảo tàng Louvre có một trường đào tạo nhân viên riêng. Giảng viên của trường này là những trí thức tên tuổi của Paris. Chỉ có hai người Châu Á được nhận làm giảng viên ở đây, trong đó có 1 người Nhật bản và chú tôi, nhờ ông biết đến 5 ngoại ngữ thành thạo. Với góc nhìn của người Pháp thì Lê Phú Hào là một công dân Pháp (quốc tịch Pháp) biết tới 5 ngoại ngữ: Việt, Hoa, Anh, Tây Ban Nha, Nga. Chính diễn văn của Phi-đen năm 1959 được phổ biến ở Việt Nam là do Lê Phú Hào dịch từ tiếng Tây Ban Nha. Nhà báo VN đầu tiên đi thường trú  nước ngoài và biết 5 ngoại ngữ thành thục đó đã yên nghỉ trong nghĩa trang Pere Lachaise năm 2008 (nơi yên nghỉ của Chopin). Thấy tôi quan tâm đến vấn đề dân chủ hóa đất nước, trước lúc chia tay ông bảo tôi: “Cháu cứ yên tâm về nước, dân nào thì chính phủ đó. Internet sẽ dân chủ hóa đất nước”. Nghĩ đến tình hình đất nước hiện nay, tôi thấy lời ông thật chí lý.

Sau chuyến đi năm ấy (2001), về tới Sài Gòn, tôi đến cơ quan, gặp giám đốc Đào Quang Cường và trả lại ông 100 đôla. Tôi nói, lúc đi ông tặng tôi 100 đôla, tôi nhận, nay đi về không tiêu đến đồng tiền của ông nên tôi trả lại, cám ơn ông. Gíam đốc Cường nói: – Có 100 đôla mà cũng trả lại. Tôi nói: – Ở bên ấy 100 đô cũng quí. Tôi đổi 200 đô la ra đồng france, rủ ông chú tôi đi uống cà phê, lúc trả tiền, tính ra đến 30.000 đồng VN một ly! Chú tôi kêu “nó chém” quá (giá năm 2001)… Trong khi đó thì đồng bào bên ấy lấy làm kinh ngạc người ở VN qua Paris “tiêu tiền như đốt pháo”!

Tôi kết thúc câu chuyện với giám đốc Cường bằng việc kể về con trai ông Trần Đức Lương qua Paris đốt tiền… Một hôm, bà thím tôi đi đâu về hốt hoảng nói: – Trần Đức Lương ở VN làm gì hả cháu? Tôi nói, làm chức như ông Jacques Chirac ở Pháp hiện nay. Bà thím tôi lắc đầu: Hèn chi thằng con nó sang đây tiêu tiền đến triệu phú ở Paris cũng phải kinh hồn khiếp vía!

Lê Phú Hào với cây đàn nhị treo trên tường nhưng… không được kéo! (Paris 3/2001) – ảnh LPK.

– – – – –

MỤC LỤC:

Lời nói đầu

Ch 1.  Hà nội, nơi tôi sinh ra

Ch 2.  Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ

Ch 3.  Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi

Ch 4.  Đời sinh viên

Ch 5.  Những chuyện kể của tướng Qua

Ch 6.  Chín năm dạy học ở thôn quê

Ch 7.  Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”

Ch 8.  Người cùng thời:

Ch 9.  “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:

Ch 10.  Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012

Thay lời kết

 

 

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây