NHẠC NGỰA / NHẠC NGỰA NGƯỜI!

Khuất Đẩu

Tranh Minh Họa: Internet

Khi mới biết đi lẫm đẫm, bà đã đeo vào chân tôi một chiếc lục lạc làm bằng đồng thau nhỏ như hạt nhãn. Con chó mực mới xin về cũng được đeo một chiếc ở cổ. Bà nói để có nhỡ đi lạc, biết mà tìm.

Nhưng ngựa thồ xe đâu có sợ đi lạc mà vẫn phải đeo một chiếc to như trái ổi ở ngay ngực. Nó được chủ cầm cương, chủ lạc thì có, chứ nó sao mà lạc được. Hóa ra, tôi và con chó cả hai đều nhỏ, đeo để nó kêu reng reng cho vui tai. Còn lục lạc xe ngựa, như cái còi ô tô, thay vì kêu bin bin nó kêu leng keng để mọi người biết mà tránh, nhất là lũ trẻ con, coi đường làng cứ như sân nhà của mình.

Lục lạc cũng có cả trong hát bội. Khi cụ Đào Tấn đưa cái món hát hò này lên hàng nghệ thuật, thì mọi thứ trên sân khấu đều tượng trưng cả. Như sông và biển, chỉ là một tấm vải chăng ngang do hai đứa nhỏ lắc lắc giả làm sóng. Núi và đèo cũng chỉ là vài chiếc ghế cao thấp không đều. Còn ngựa chiến, ngay cả con Xích Thố thì chính anh kép đóng vai Quan Công giả làm con ngựa với chiếc roi đeo ở ngón tay và lục lạc ở cổ chân. Chân co lên hình chữ ngũ, tay quất roi đánh trót, miệng kêu “họ!”, thế là Quan ngài đã lên ngựa.

Chỉ thế thôi, nhưng rộn ràng nhất chính là lúc hai anh kép (có khi một nữ) cùng xuất hiện trên sân khấu. Tướng trung mặt đỏ râu dài, tướng nịnh mặt mốc râu rìa. Kẻ này cầm hèo giả làm thương, lúc nhào tới đâm vào ngực địch thủ, lúc cúi thấp giả chặt chân ngựa. Kẻ kia cầm song kiếm bằng hai thanh tre bôi vôi, múa tròn như chong chóng để che trước chắn sau. Tiếng đao kiếm chạm nhau kêu lắc cắc, tiếng quân sĩ hai bên hò reo hượ! hượ! cùng với tiếng trống thùng thùng, tiếng chiêng inh ỏi, cứ như đánh nhau thiệt. Lúc nhỏ tôi rất thích cảnh này.

Nói tới cụ Đào Tấn mà không nhắc đến giai thoại của cụ, là thiếu sót tuy có hơi lạc đề. Ấy là lúc cụ được bổ ra làm quan ở Quảng Ngãi,(một xứ hay kình bên xứ Quảng Nam hay cãi), có kẻ lén đề ở cổng: hát hay/ học dở!. Thay vì cho lính tìm bắt để làm tội, cụ chỉ bình thản thêm vào mỗi bên năm chữ thành ra hai câu đối:

Hát hay, chính gốc dân Bình Định

Học dở, làm quan Quảng Ngãi chơi!

Đó là cách ra oai của một ông quan vừa khoa bảng vừa nghệ sĩ. Đâu như bây giờ, ông tiến sĩ họ Cù mới đâm đơn kiện quan thừa tướng đã phải vào tù, rồi còn bị đày biệt xứ, cho dù trên đất Mỹ no ấm hơn, cũng vẫn cứ là bị đày.

Lớn lên, được coi phim ảnh Mỹ, thấy ngựa trong phim cao bồi sao mà to cao đẹp quá! Dù rất tự hào về hát bộ, nhưng thấy cảnh đánh nhau trên sân khấu cứ như trẻ con, rất khó để mà hình dung ra một vị tướng oai phong đang ngồi trên mình ngựa. Thực kém xa so với cảnh các chàng kỵ sĩ cao bồi phi ngựa như bay trên màn bạc, rút súng bắn đì đùng nhanh như điện.

Thế là quên mất tiếng reng reng không to hơn tiếng dế gáy của những chiếc lục lạc trên sân khấu. Còn con ngựa thồ cũng không muốn nhớ tới nữa. Nó hom hem gầy yếu quá, trông như con “ngựa người” là các gã phu xe.

Không còn hình ảnh nào tượng trưng hơn cảnh một phu xe ốm tong ốm teo đang gò lưng kéo một ông quan thuộc địa bụng phệ to kềnh. Đó là thân phận trâu ngựa của cả một dân tộc dưới thời thực dân Pháp. Thời này trên nón lá của anh ta có gắn thêm ngôi sao, còn chiếc mũ thuộc địa được thay bằng chiếc mũ của Mao xếnh xáng.

Thời nào cũng vẫn là ngựa người!

Ngựa chính là con vật mà người phương Tây cho là đẹp nhất. Nó được nuôi nấng chăm sóc cẩn thận, có cả bác sĩ riêng. Ngựa của kỵ binh thì nhanh nhẹn, dũng cảm. Nhiều con được gắn huy chương vì có công cứu chủ, khi chết còn được dựng tượng. Ngựa của ngự lâm quân còn oai dũng và xinh đẹp hơn nữa với ngù đỏ, yên cương mạ vàng. Trong các rạp xiếc khổng lồ, cảnh đoàn ngựa hàng trăm con chạy vòng vòng biểu diễn là cảnh tưng bừng nhất, được khán giả hò reo ầm ĩ.

Nhưng con ngựa thồ ở các làng quê và ngoại ô nước ta, lại bị bóc lột hành hạ nhiều hơn cả trâu bò. Có thể đem ra so sánh với bọn nô lệ da đen ở Mỹ thời ông cố ngoại tổng thống Obama chưa sinh ra đời. Đương nhiên nó bị đóng móng vào chân, nhưng đóng bởi những anh thợ rèn không rành nghề, nên có thể buốt đến tận óc. Hai mắt bị che chắn chỉ được phép nhìn thẳng như những ông chồng sợ vợ, nào có dám liếc ngang liếc dọc gì đâu. Miệng ngậm hàm thiếc đến ê răng, hông bị càng xe kẹp chặt, sau lưng là một cái xe cà tàng, trục gãy bánh hư, kéo mệt đến đứt hơi. Toàn bộ trên người nó đều xấu xí, ngoại trừ chiếc lục lạc, qua bao nhiêu năm tháng vẫn bóng loáng như mạ vàng. Và cũng chỉ mỗi tiếng kêu từ đó phát ra là tôi còn nhớ.

Đó là tiếng kêu buồn mênh mang, mênh mang. Nhất là khi nó vang vang trong gió chiều lồng lộng, cứ leng keng leng keng đong đưa mãi không dứt, cùng với tiếng vó gõ lóc cóc lóc cóc trên mặt đường tạo thành một khúc nhạc buồn hơn cả tiếng ru hời hời.

Nhiều người đã gọi cái lục lạc dưới cổ ngựa là nhạc ngựa. Nhạc chính nó tạo nên chứ không phải chủ. Nếu nó không thót bụng lại ưỡn ngực ra, nếu bốn vó không sải liên tục thì không có những thanh âm lóc lóc leng keng. Thì đúng là quá buồn vì thân phận của nó làm sao vui được. Nhưng ít ra nó cũng ru được nó bằng chính tiếng buồn của mình.

Không biết ai là người đầu tiên đã đặt tên như thế, phải nói là quá hay và quá nghĩa tình. Cụ Nguyễn Du cũng đặt tên, là nhạc vàng. Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần. Còn Huy Cận gọi theo Tàu là tràng đạc. Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu. Đương nhiên đẹp hơn, sang hơn, khiến câu thơ hay hơn. Nhưng không cảm động bằng hai tiếng nhạc ngựa.

Người ta bảo thẳng như ruột ngựa. Không biết có phải vì vậy mà nhiều con kéo nặng, khi lên dốc đã đứt ruột mà chết. Cô Kiều, người phải đem tấm thân liễu yếu ra mà kéo cái cỗ xe bạc mệnh qua một đoạn đường dài đến những mười lăm năm. Vó câu thì khấp khểnh bánh xe thì gập ghềnh, trên xe nào Mã Giám Sinh Tú bà, nào Sở Khanh Hoạn Thư, nào Hồ Tôn Hiến Từ Hải, cô có khác gì là con ngựa thồ!

Phải chăng, cụ Nguyễn đã nghe ra tiếng nhạc buồn mênh mang mênh mang ấy, trong một đêm mất ngủ, mà đặt tên cho khúc nhạc Kiều là Đoạn trường tân thanh? Tiếng nổ của động cơ các loại xe đang rền rĩ khắp nơi, tiếng nhạc ngựa thưa dần rồi sẽ mất hẳn. Chỉ còn tiếng nhạc Kiều là vang vọng, không chỉ tam bách dư niên hậu mà đến cả ngàn năm. Vì đó là tiếng kêu đứt ruột của con ngựa người!

Bình Luận từ Facebook