MỘT NGÀY DÀI TRÊN QUÊ HƯƠNG TÔI

Khuất Đẩu

Tranh Minh Họa: Thanh Châu

Ngày không bắt đầu từ lúc bình minh, mà sớm hơn nữa kia. Có thể là 2 hay 3 giờ sáng. Các con đường làng quanh co dẫn tới thị trấn, đã nghe bình bịch tiếng nổ của những chiếc xe máy Tàu. Xe lao đi xiên xẹo với hai cái giỏ cà xế to kềnh để đến kịp chợ.

Đó là chợ rau. Người ta bán mua ngay giữa lòng đường. Bầu bí, khổ qua, dưa leo, rau muống, rau tập tàng, bẹ môn, lá chuối…Đương nhiên là việc của các bà. Các ông, sau khi thồ hàng cho vợ, được trả công bằng một ly cà phê và mấy điếu thuốc đang ngồi nhâm nhi bên hè phố. Ai không thích cà phê đã có một nồi bún cá nóng sốt của một cụ bà với những lá bún trắng trải trên mẹt lót lá chuối.

Khoảng 5 giờ, trời chưa sáng, điện đã cúp. Mọi người vội vội vàng vàng mò mẫm trong ánh sáng của điện thoại di động lập lòe như đom đóm, bán tống bán tháo cho xong trước khi trời sáng hẳn.

Trong số những người đi chợ sớm trở về, liu xiu một cụ bà lưng còng đến nỗi vồng lên như lưng thằng gù ở nhà thờ Đức Bà Paris, gần như kéo lê một đôi gánh những mướp, những khổ qua, những trái cà, tất cả đều đều eo eo ngẳng ngẳng xấu xí, những thứ mà các hàng sỉ dẫu có cho cũng chẳng ai thèm lấy…Bà mua về để bán cho những người nghèo trong xóm hay những người ở phố sợ phải ăn những trái mướp đà đuột, những trái khổ qua to mập thẳng đơ hay những trái cà bóng lưỡng vì ngâm thuốc.

Bán buôn thế cũng kiếm được vài mươi ngàn đủ cho bà nuôi mình và hai đứa cháu ngoại. Thế nhưng, một hôm cụ bà than, giờ lại có thứ thuốc ngâm vào thì mọi trái thẳng đều cong, tròn hóa thành méo, nên chọn mua đã khó mà bán lại càng khó hơn! Ai cũng hỏi có ngâm thuốc không đấy. Lê táo Tàu ba tháng vẫn tươi rói, rồi cà rốt khoai tây giả hàng Đà Lạt. Giờ hết thẳng lại cong, cũng là do thuốc Tàu!

Người dân quê Việt Nam bao đời chân thật, cũng đã trở nên lọc lừa gian dối mới có thể mua được cho con tấm áo, quyển vở và đóng tiền trường. Cái sự xâm lăng từ từ này mới kinh hoàng hơn tàu bò súng máy hay giàn khoan! Nó không giết người nhưng nó giết tình người! Nó không cướp đất đai nhưng nó cướp linh hồn!

Rồi xe đời mới của Nhật nổ êm ru chở con tới trường. Xe dừng lại ở các quán cơm thịt nướng hay quán phở. Chúng được bố mẹ nài nỉ đút từng muỗng, trong khi, những đứa khác nghèo hơn lặng lẽ mua một gói xôi chỉ vài ngàn gói trong lá chuối, đứng dựa lưng vào tường ăn cho lấy có.

Tại sân trường, trước khi chào cờ vào lớp chúng không chơi đùa mà tụm năm tụm ba dò bài lẫn nhau với một cái tên rất hình sự là “truy bài”!

Các ông bố quay về chở vợ ra chợ. Đó là những bà có một sạp nhỏ như một chiếc hộp, nào áo quần, guốc dép, chén bát…những thứ hàng gọi là tạp hóa hay hàng nằm.

Loay hoay giúp vợ bày hàng chừng nửa tiếng là các ông có thể tấp vào các quán cà phê vỉa hè đấu hót cho đến tận 10 giờ với đủ thứ chuyện, từ cá độ bóng đá, đến gái gú, rồi chính chị chính em, nói oang oang như kiểu các MC trên sân khấu ca nhạc.

Các ông có cửa hàng ở phố tự cho mình cũng là đại gia, thì lề mề trịnh trọng hơn. Phải đến 8 giờ mới ngự trên những chiếc xe đời mới cáu cạnh, tới các quán cà phê vườn hay giả vườn để các em tiếp viên mặc quần gin xé rách cụt cỡn lượn lờ tới lui ỏn ẻn.

Và các bà, ngày nào chê cà phê mất ngủ, giờ cũng rập rình nào có kém thua các ông. Họ trang điểm lòe loẹt, áo hai dây hay không dây, quần xệ đì như các “diva” hay người mẫu chân dài, đi cà phê để khoe quần áo, giày dép, tóc tai, kháo nhau chuyện con nọ bà kia sửa mũi nâng ngực.

Họ là giới cho tiền góp. Nặng lãi hay không, người đi vay tự biết lấy. Giả dụ vay mười triệu thì xin trả mỗi ngày 500 ngàn, đủ 30 ngày mới hết góp. Bỏ ra chừng 100 triệu, cứ ngồi cà phê buôn chuyện mỗi tháng cũng kiếm được 50 triệu ngon ơ!

Chiều, lại một màn chen chúc đón con đi học về. Cơm nước xong, không coi phim Hàn Quốc thì đến các tụ điểm “hát cho nhau nghe”. Ở đó ai cũng tưởng mình là ca sĩ, được tặng hoa và vỗ tay khen nhau rôm rốp.

Các ông ít tiền thì kêu một đĩa ốc luộc hay ốc nướng tại các quán cóc trên những con đường mới mở hãy còn nghe gió đồng vi vu. Rồi lại dô dô với thứ rượu 5000đ một lít, uống vào rất dễ đi tàu suốt. Nghe nói cũng của Tàu, chỉ bỏ một gói gì đó vào nước lã là thành rượu bao nhiêu độ cũng được.

Dân mình quả là liều. Giả sử tình nguyện thử virut Ebola mà có tiền thưởng (chừng vài trăm đô thôi), thế nào cũng có cảnh rồng rắn sắp hàng đăng ký.

Khoảng 11 giờ đêm, những hàng ghế bố của xe nước mía được xếp lên xe ba gác để các anh chồng nghèo cặm cụi đẩy về. Các xe bán kẹo kéo tra tấn tai người nghe với những chiếc loa khủng cũng đã tắt máy.

Giờ là lúc các nhà nghỉ có đôi, thò thụt ra vào những cặp đeo khẩu trang kín mít vào “nghỉ lưng” chừng một giờ sau khi đã ngầm hẹn nhau ở các quán cà phê, hay xe nước mía.

Một thị trấn chưa quá 50 000 dân mà có đến vài mươi nhà nghỉ, trong khi chẳng có ai đi xa lỡ đường hay phải chờ tàu xe mỏi mệt, thì là một hiện tượng chưa từng có.

Thế là xong một ngày dài trên quê hương đầy sao của tôi. Đừng cắc cớ hỏi vậy là quá giàu, nhất là giàu thì giờ (vàng bạc), sao cứ than nghèo, hỏi thế thì cả chủ tịch nước còn ngọng huống hồ là tôi.

Bình Luận từ Facebook